Phụ lục
1. Nhận diện Ba-by-lôn Lớn
Làm sao chúng ta biết “Ba-by-lôn Lớn” tượng trưng cho tất cả các tôn giáo sai lầm? (Khải huyền 17:5). Hãy xem những yếu tố sau:
Nó hoạt động trên khắp thế giới. Ba-by-lôn Lớn được miêu tả là đang ngồi trên “các đám đông, các nước”. Nó có “một vương quốc cai trị các vua trên đất”.—Khải huyền 17:15, 18.
Nó không thể là hệ thống chính trị hay thương mại. “Các vua trên đất” và “các nhà buôn” vẫn tồn tại khi nó bị hủy diệt.—Khải huyền 18:9, 15.
Nó bôi nhọ Đức Chúa Trời. Nó được miêu tả là ả kỹ nữ vì liên minh với các chính phủ để được tiền hoặc quyền lợi khác (Khải huyền 17:1, 2). Nó lừa gạt người thuộc mọi nước. Và nó phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhiều người.—Khải huyền 18:23, 24.
2. Đấng Mê-si sẽ xuất hiện khi nào?
Kinh Thánh báo trước rằng Đấng Mê-si sẽ đến sau 69 tuần lễ.—Đọc Đa-ni-ên 9:25.
Giai đoạn 69 tuần lễ bắt đầu khi nào? Năm 455 TCN. Lúc đó, quan tổng đốc Nê-hê-mi đến Giê-ru-sa-lem để “khôi phục và xây lại thành”.—Đa-ni-ên 9:25; Nê-hê-mi 2:1, 5-8.
Giai đoạn 69 tuần lễ kéo dài bao lâu? Trong một số lời tiên tri, một ngày tượng trưng cho một năm (Dân số 14:34; Ê-xê-chi-ên 4:6). Vì thế trong lời tiên tri này, mỗi tuần lễ tượng trưng cho bảy năm. Tổng cộng 69 tuần lễ là 483 năm (69 tuần lễ x 7 ngày).
Giai đoạn 69 tuần lễ kết thúc khi nào? Từ năm 455 TCN, nếu đếm 483 năm thì sẽ đưa chúng ta đến năm 29 CN.a Đây chính là năm Chúa Giê-su chịu phép báp-têm và trở thành Đấng Mê-si!—Lu-ca 3:1, 2, 21, 22.
3. Các phương pháp y khoa liên quan đến máu
Có những phương pháp y khoa dùng chính máu của bệnh nhân. Trong số đó, có một số phương pháp mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô không chấp nhận, chẳng hạn như hiến máu hoặc trữ máu trước khi phẫu thuật.—Phục truyền luật lệ 15:23.
Tuy nhiên, có một số phương pháp khác mà có lẽ một tín đồ có thể chấp nhận, chẳng hạn như thử máu, lọc máu, pha loãng máu, thu hồi tế bào máu hoặc dùng máy tim phổi nhân tạo. Mỗi tín đồ phải tự quyết định về việc máu của mình sẽ được sử dụng theo cách nào trong quá trình phẫu thuật, xét nghiệm hoặc điều trị hiện tại. Mỗi bác sĩ có thể có cách thực hiện những phương pháp này khác nhau một chút. Vì vậy trước khi chấp nhận phẫu thuật, xét nghiệm hoặc một phương pháp điều trị như thế, một tín đồ cần tìm hiểu để biết rõ máu của mình sẽ được sử dụng theo cách nào. Hãy xem xét những câu hỏi sau:
Nếu trong quá trình điều trị, một lượng máu của tôi được dẫn ra khỏi cơ thể và dòng chảy bị gián đoạn trong một thời gian thì sao? Lương tâm có cho phép tôi xem máu này vẫn thuộc một phần của tôi, và như thế không cần “đổ nó trên đất” không?—Phục truyền luật lệ 12:23, 24.
Nếu trong lúc phẫu thuật, một lượng máu của tôi được rút ra, pha trộn với chất khác rồi truyền lại (hoặc dùng trên) cơ thể thì sao? Lương tâm tôi được Kinh Thánh rèn luyện sẽ bị cắn rứt hay tôi có thể chấp nhận phương pháp như thế?
4. Ly thân
Kinh Thánh khuyên vợ chồng không nên ly thân và cũng nói rõ rằng những ai ly thân không có quyền tái hôn (1 Cô-rinh-tô 7:10, 11). Tuy nhiên, có những trường hợp mà một số tín đồ xem là lý do để ly thân.
Cố tình không cấp dưỡng: Người chồng không chịu chu cấp cho gia đình về vật chất, đến mức nhu cầu cơ bản trong đời sống của gia đình không được đáp ứng.—1 Ti-mô-thê 5:8.
Đánh đập tàn nhẫn: Bị người hôn phối đánh đập tàn nhẫn đến mức sức khỏe hoặc tính mạng bị đe dọa.—Ga-la-ti 5:19-21.
Chắc chắn nguy hại đến mối quan hệ của một người với Đức Giê-hô-va: Bị người hôn phối gây khó khăn đến mức không thể phụng sự Đức Giê-hô-va.—Công vụ 5:29.
5. Các ngày lễ và dịp ăn mừng
Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không tham gia những ngày lễ làm buồn lòng Đức Giê-hô-va. Nhưng mỗi tín đồ phải dựa trên lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện để quyết định sẽ làm gì trong một số tình huống liên quan đến ngày lễ. Hãy xem một vài ví dụ.
Có người chúc mừng nhân dịp lễ. Bạn có thể đáp lại đơn giản là: “Cám ơn”. Trong trường hợp một người muốn biết thêm, bạn có thể giải thích lý do mình không cử hành lễ.
Người hôn phối không phải Nhân Chứng muốn bạn đi dự bữa ăn chung với họ hàng vào một ngày lễ. Nếu lương tâm cho phép bạn đi, bạn có thể giải thích trước cho người hôn phối rằng mình sẽ không tham gia vào những phong tục ngoại giáo trong bữa ăn.
Chủ muốn bạn nhận tiền thưởng trong dịp lễ. Bạn có nên từ chối không? Không nhất thiết. Người chủ có xem tiền thưởng là một phần của ngày lễ không? Hay đó chỉ đơn thuần là cách thể hiện lòng quý trọng đối với công sức của bạn?
Một người tặng quà cho bạn trong dịp lễ. Có thể người tặng nói: “Tôi biết bạn không cử hành lễ nhưng tôi vẫn muốn tặng bạn món quà này”. Có thể người ấy muốn thể hiện lòng tử tế với bạn. Hay có lý do nào đó khiến bạn nghĩ rằng người ấy đang cố thử đức tin của bạn hoặc khiến bạn dính líu đến ngày lễ không? Sau khi suy xét điều này, bạn cần tự quyết định có nhận món quà đó hay không. Trong mọi quyết định của mình, chúng ta muốn có lương tâm trong sạch và giữ trung thành với Đức Giê-hô-va.—Công vụ 23:1.
6. Bệnh truyền nhiễm
Vì yêu thương, chúng ta nên hết sức cẩn thận để tránh lây bệnh truyền nhiễm cho người khác. Do đó, dù biết mình đã mắc một bệnh truyền nhiễm hoặc đang nghi là có thể nhiễm, chúng ta cũng nên hết sức cẩn thận. Chúng ta làm thế vì mệnh lệnh sau của Kinh Thánh: “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình”.—Rô-ma 13:8-10.
Người bị bệnh truyền nhiễm cần làm gì để cho thấy mình vâng theo mệnh lệnh ấy? Người ấy nên tránh chủ động có cử chỉ thân mật như ôm, hôn, v.v. Người ấy không nên phản ứng tiêu cực khi một số người không mời mình đến nhà vì muốn bảo vệ gia đình. Ngoài ra, trước khi báp-têm, người ấy nên báo cho giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão biết để có sự sắp đặt nhằm bảo vệ các ứng viên báp-têm khác. Trước khi bước vào giai đoạn tìm hiểu, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nên chủ động đi xét nghiệm máu. Khi làm những điều ấy, một người cho thấy mình yêu thương và “quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình”.—Phi-líp 2:4.
7. Vấn đề liên quan đến kinh doanh và pháp lý
Chúng ta có thể tránh được nhiều rắc rối khi có thỏa thuận bằng văn bản về vấn đề tiền bạc và kinh doanh, ngay cả với anh em đồng đạo (Giê-rê-mi 32:9-12). Dù vậy, đôi khi giữa các tín đồ vẫn xảy ra bất đồng nhỏ liên quan đến tiền bạc hay vấn đề khác. Khi đó, họ nên cố gắng giải quyết riêng với nhau một cách nhanh chóng và trong sự hòa thuận.
Còn đối với những vụ việc nghiêm trọng, chẳng hạn như vu khống hoặc lừa đảo, thì chúng ta nên giải quyết thế nào? (Đọc Ma-thi-ơ 18:15-17). Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta làm theo ba bước sau:
Cố gắng giải quyết vấn đề riêng với nhau.—Xem câu 15.
Nếu không thành công, hãy nhờ một hoặc hai tín đồ thành thục trong hội thánh đi cùng.—Xem câu 16.
Chỉ sau khi làm những bước đó mà vẫn chưa giải quyết được vấn đề, thì nên đến gặp các trưởng lão.—Xem câu 17.
Trong đa số trường hợp, chúng ta không nên đưa anh em ra tòa, vì làm thế có thể gây tiếng xấu cho Đức Giê-hô-va và hội thánh (1 Cô-rinh-tô 6:1-8). Tuy nhiên, có một số trường hợp có lẽ cần giải quyết theo pháp luật, chẳng hạn những vụ việc liên quan đến ly dị, quyền nuôi con, tiền cấp dưỡng cho người hôn phối sau khi ly thân hoặc ly dị, tiền bồi thường bảo hiểm, vụ phá sản hoặc việc chứng thực di chúc. Trong những trường hợp như thế, nếu một tín đồ đưa vụ việc ra tòa để vấn đề được giải quyết trong sự hòa thuận nhất có thể, người ấy không làm trái với nguyên tắc Kinh Thánh.
Nếu xảy ra một tội ác nghiêm trọng, chẳng hạn như hãm hiếp, xâm hại tình dục trẻ em, hành hung, trộm cắp hoặc giết người, thì việc một tín đồ báo cho chính quyền là không trái với nguyên tắc Kinh Thánh.
a Từ năm 455 TCN đến năm 1 TCN là 454 năm. Từ năm 1 TCN đến năm 1 CN là một năm (không có năm 0). Từ năm 1 CN đến năm 29 CN là 28 năm. Cộng ba con số này lại thì chúng ta có 483 năm.