Tôi đã biết được giải pháp cho sự bất công
Do chị Ursula Menne kể lại
Từ nhỏ, tôi luôn khao khát nhìn thấy mọi người được đối xử công bằng. Thậm chí niềm khao khát ấy khiến tôi bị bỏ tù trong nước Cộng sản Đông Đức. Chính tại nơi đó, tôi biết được giải pháp cho sự bất công. Tôi xin giải thích.
Tôi sinh ra năm 1922, tại thành phố Halle của Đức, là thành phố có bề dài lịch sử hơn 1.200 năm. Thành phố này cách Berlin khoảng 200km về phía tây nam, và là một trong những thành trì lâu đời nhất của Phong trào Kháng Cách. Em gái tôi là Käthe, sinh năm 1923. Cha tôi phục vụ trong quân đội, còn mẹ tôi là nghệ sĩ trong rạp hát.
Chính cha đã truyền cho tôi niềm khao khát mạnh mẽ là chống lại sự bất công. Khi rời quân ngũ, cha tôi đã mua một cửa tiệm. Vì đa số khách hàng của cha là người nghèo nên ông nhân từ cho họ mua hàng trả sau. Tuy nhiên, hành động cao thượng này đã khiến cha tôi bị phá sản. Qua trải nghiệm ấy, đáng lẽ tôi phải rút ra bài học là việc đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng và bất công thì khó và phức tạp hơn tôi tưởng rất nhiều. Nhưng lý tưởng của tuổi trẻ là ngọn lửa khó dập tắt.
Tôi được thừa hưởng năng khiếu nghệ sĩ từ mẹ. Mẹ đã hướng chị em tôi đến với âm nhạc và khiêu vũ. Tôi là đứa trẻ năng động, và chị em tôi đã có tuổi thơ rất đẹp cho đến năm 1939.
Cơn ác mộng bắt đầu
Sau khi học xong giáo dục phổ cập, tôi vào trường ba-lê và đã học Ausdruckstanz (vũ điệu truyền cảm) dưới sự chỉ dẫn của cô Mary Wigman. Cô là một trong những người sáng lập ra vũ điệu truyền cảm, là vũ điệu đòi hỏi vũ công truyền đạt được cảm xúc. Tôi cũng bắt đầu vẽ. Vì thế, tuổi thiếu niên của tôi lúc đầu rất hạnh phúc, với nhiều hoạt động và chương trình học. Nhưng rồi Thế Chiến II nổ ra vào năm 1939, và một cú sốc lớn khác là sự ra đi của cha tôi vì căn bệnh lao phổi vào năm 1941.
Chiến tranh là một cơn ác mộng. Dù mới 17 tuổi khi chiến tranh nổ ra nhưng tôi đã nhận thấy thế giới đang cuồng loạn. Tôi thấy rất nhiều người dân bị cuốn vào tinh thần cuồng chiến của Đức Quốc Xã. Rồi xảy ra nạn nghèo đói, chết chóc và hủy diệt. Nhà của chúng tôi bị hư hại nặng bởi bom đạn, và một số người trong gia đình tôi đã thiệt mạng trong cuộc chiến.
Khi sự xung đột giảm bớt vào năm 1945, tôi cùng mẹ và em Käthe vẫn ở Halle. Tuy nhiên, lúc đó tôi đã lập gia đình và có một bé gái nhưng vợ chồng tôi thường xuyên lục đục. Chúng tôi ly thân, và vì phải tự chu cấp cho bản thân và con gái nên tôi làm vũ công và họa sĩ để kiếm sống.
Sau chiến tranh, Đức bị chia thành bốn và thành phố mà tôi sinh sống thuộc địa phận do Liên bang Xô Viết quản lý, thường được gọi là Đông Đức. Vì thế, mọi người đã phải thích nghi với chế độ Cộng sản. Năm 1949, địa phận này đã trở thành Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR).
Đời sống dưới chế độ Cộng sản
Trong những năm ấy, mẹ tôi bị bệnh nên tôi phải chăm sóc. Tôi nhận được một công việc văn phòng liên quan đến chính quyền địa phương. Cùng lúc đó, tôi tiếp xúc với những sinh viên nổi dậy chống lại một số bất công. Chẳng hạn, một người trẻ không được nhận vào một trường đại học vì cha của em từng là thành viên của Đức Quốc Xã. Tôi biết rõ em trẻ ấy vì chúng tôi thường chơi nhạc cùng nhau. Tôi tự hỏi: “Tại sao em ấy lại phải chịu khổ vì những gì cha em đã làm?”. Tôi ngày càng kết hợp nhiều với nhóm người chống đối, và tôi quyết định tham gia vào những cuộc biểu tình. Có lần, tôi thậm chí đã dán những tờ truyền đơn ở bên ngoài cầu thang của tòa án địa phương.
Khi làm thư ký cho một ủy ban gìn giữ hòa bình, một số lá thư mà tôi phải đánh máy khiến tôi càng bức xúc và muốn bảo vệ công lý. Một lần, vì những lý do chính trị, ủy ban này đã lập kế hoạch gửi tài liệu tuyên truyền của Cộng sản cho một người đàn ông lớn tuổi ở Tây Đức để gài bẫy, khiến ông bị nghi ngờ. Trước hành vi đê hèn đó, tôi giận đến mức đã giấu những bưu phẩm ấy trong văn phòng nên chúng không được gửi đi.
“Người xấu xa nhất trong phòng” thắp lên hy vọng trong tôi
Vào tháng 6 năm 1951, có hai người đàn ông vào văn phòng của tôi và thông báo: “Cô đã bị bắt”. Họ giải tôi đến nhà tù được biết đến là Roter Ochse, tức là Bò Đỏ. Một năm sau, tôi bị buộc tội lật đổ chính quyền. Một sinh viên đã phản bội và nộp tôi cho Stasi, cảnh sát mật, và cho họ biết về việc tôi đã biểu tình trước đó và rải truyền đơn. Phiên tòa diễn ra rất nực cười vì không ai đếm xỉa đến lời bào chữa của tôi. Tôi bị kết án sáu năm tù. Trong thời gian đó, tôi bị bệnh và được đưa đến khu y tế trong tù, có khoảng 40 phụ nữ khác ở đó. Sau khi thấy những phụ nữ bất hạnh và khốn khổ ấy, tôi bắt đầu hoảng sợ. Tôi chạy ra và đấm vào cửa.
Lính canh hỏi: “Cô muốn gì?”.
Tôi la lên: “Tôi phải ra khỏi đây! Nhốt tôi vào phòng biệt giam cũng được, chỉ cần cho tôi ra khỏi đây!”. Dĩ nhiên, anh ta phớt lờ lời nài nỉ của tôi. Không lâu sau, tôi để ý thấy một phụ nữ khác biệt so với những người khác. Mắt chị ấy ẩn chứa sự bình an nội tâm. Vì thế, tôi đã ngồi bên cạnh chị.
Tôi ngạc nhiên khi chị ấy nói: “Hãy cẩn thận khi ngồi cạnh tôi”. Rồi chị ấy nói thêm: “Người khác nghĩ tôi là người xấu xa nhất trong phòng vì tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va”.
Lúc đó, tôi không biết Nhân Chứng Giê-hô-va bị xem là kẻ thù của nước Cộng sản này. Nhưng tôi chỉ biết đã có hai Học viên Kinh Thánh (tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ) đã đều đặn đến thăm cha tôi khi tôi còn nhỏ. Tôi nhớ là cha tôi từng nói: “Học viên Kinh Thánh nói đúng!”.
Khi gặp người phụ nữ đáng mến ấy, tôi khóc vì cảm thấy nhẹ nhõm. Chị ấy tên là Berta Brüggemeier. Tôi nói: “Xin cho tôi biết về Đức Giê-hô-va”. Kể từ đó, chúng tôi dành nhiều thời gian để kết hợp với nhau và thường là thảo luận Kinh Thánh. Tôi đã học được nhiều điều, chẳng hạn như Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật và là Đức Chúa Trời của sự yêu thương, hòa bình và công lý. Tôi cũng học được rằng ngài sẽ xóa bỏ mọi tổn hại do người gian ác và tàn bạo gây ra. Thi thiên 37:10, 11 nói: “Ít lâu nữa, kẻ ác sẽ không còn... Người khiêm hòa sẽ được hưởng trái đất, sẽ hoan hỉ trong bình an dư dật”.
Được thả và trốn sang Tây Đức
Tôi được thả vào năm 1956 sau hơn 5 năm thụ án tù. Năm ngày sau khi ra khỏi tù, tôi trốn khỏi Cộng hòa Dân chủ Đức để qua sống bên Tây Đức. Lúc đó, tôi đã có hai con gái là Hannelore và Sabine và tôi dẫn các con theo. Tại đó, vợ chồng tôi ly dị và tôi đã gặp lại các Nhân Chứng. Khi học Kinh Thánh, tôi nhận ra rằng tôi phải thay đổi một số điều trong đời sống để phù hợp với các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Tôi đã làm thế và báp-têm năm 1958.
Sau này, tôi tái hôn và lần này là với một anh Nhân Chứng tên là Klaus Menne. Tôi và anh Klaus có một hôn nhân tuyệt vời và có với nhau hai con là Benjamin và Tabia. Thật đau lòng là anh Klaus đã qua đời khoảng 20 năm trước vì tai nạn, và từ đó tôi ở góa. Nhưng tôi được an ủi nhiều nhờ hy vọng sống lại, vì biết rằng người đã qua đời sẽ được sống lại trong địa đàng (Lu-ca 23:43; Công vụ 24:15). Tôi cũng được an ủi rất nhiều khi cả bốn con của mình đều phụng sự Đức Giê-hô-va.
Nhờ học Kinh Thánh, tôi biết rằng chỉ Đức Giê-hô-va mới mang lại công lý thật. Khác với con người, ngài biết những hoàn cảnh cũng như gốc gác của chúng ta, là những điều mà thường người khác không thấy. Sự hiểu biết quý giá ấy giúp tôi có bình an ngay bây giờ, đặc biệt khi tôi chứng kiến hoặc bị đối xử bất công. Truyền đạo 5:8 nói: “Nếu thấy người nghèo bị áp bức, công lý và sự công chính bị chà đạp trong tỉnh mình thì đừng ngạc nhiên về chuyện đó. Quan lớn ấy có một vị cao hơn theo dõi mình, và trên các quan lớn có các vị khác cao hơn”. Dĩ nhiên, vị quan cao nhất là Đấng Tạo Hóa. Hê-bơ-rơ 4:13 nói: “Không tạo vật nào giấu kín khỏi mặt ngài được, nhưng hết thảy đều trần trụi và phô bày trước mắt đấng mà chúng ta phải khai trình”.
Nhìn lại gần 90 năm
Có lúc người ta hỏi tôi đời sống dưới hai chế độ Đức Quốc Xã và Cộng sản như thế nào. Cả hai đều không dễ. Hai chính quyền ấy, cũng như tất cả chính quyền của con người, đều chứng thực rằng con người không thể tự cai trị. Kinh Thánh thẳng thắn cho biết: “Loài người cai trị trên loài người mà gây hại cho nhau”.—Truyền đạo 8:9.
Khi còn trẻ và ngây ngô, tôi tìm công lý nơi sự cai trị của con người. Giờ thì tôi đã hiểu ra. Chỉ Đấng Tạo Hóa mới có thể mang lại công lý thật cho thế giới. Ngài sẽ làm thế bằng cách loại bỏ kẻ gian ác và trao quyền cai trị trái đất cho Con ngài là Chúa Giê-su, đấng luôn đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân. Kinh Thánh nói như sau về Chúa Giê-su: “Ngài yêu sự công chính và ghét sự gian ác” (Hê-bơ-rơ 1:9). Tôi rất biết ơn vì Đức Chúa Trời đã kéo tôi đến với vị Vua công bằng và tuyệt vời này, và dưới sự cai trị của ngài, tôi mong được sống mãi mãi!
[Hình nơi trang 23]
Với các con gái là Hannelore và Sabine sau khi đến Tây Đức
[Hình nơi trang 23]
Hiện nay, với con trai là Benjamin, cùng vợ của con là Sandra