THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh
Tháp Canh
THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN
Việt
  • KINH THÁNH
  • ẤN PHẨM
  • NHÓM HỌP
  • ht bài học 13 trg 63-67
  • Nhấn mạnh ý nghĩa và thay đổi ngữ điệu

Không có video nào cho phần được chọn.

Có lỗi trong việc tải video.

  • Nhấn mạnh ý nghĩa và thay đổi ngữ điệu
  • Làm sao trau dồi khả năng ăn nói và dạy dỗ của bạn
  • Tiểu đề
  • **********
Làm sao trau dồi khả năng ăn nói và dạy dỗ của bạn
ht bài học 13 trg 63-67

Bài học 13

Nhấn mạnh ý nghĩa và thay đổi ngữ điệu

1 Nhấn mạnh ý nghĩa và thay đổi ngữ điệu là hai cách nếu hợp lại sẽ làm cho bài giảng đầy ý nghĩa và sinh động. Nếu không thì các ý tưởng sẽ bị lệch lạc và sự chú ý sẽ giảm đi. Trước hết chúng ta hãy xem xét việc nhấn mạnh ý nghĩa, vì điều này dễ thực hành hơn là việc thay đổi ngữ điệu.

2 Ta nên luôn luôn nhớ mục đích của việc nhấn mạnh ý nghĩa. Đó là để nhấn mạnh những chữ hay ý hầu giúp cử tọa nhận biết ý nghĩa chính xác và tầm mức quan trọng của các chữ hay ý đó. Đôi khi chỉ cần nhấn mạnh nhiều hay ít, nhưng cũng có lúc việc nhấn mạnh cần có nhiều sắc thái khác nhau.

3 Nhấn mạnh những chữ quan trọng trong câu. Vấn đề căn bản ở đây là chọn những chữ nào ta muốn nhấn mạnh. Trước hết ta phải nhận biết những chữ nào diễn tả ý tưởng, rồi nhấn mạnh đúng cách để làm cho các chữ ấy nổi bật lên so với những chữ khác chung quanh. Nếu nhấn mạnh những chữ không diễn tả ý tưởng, thì ý tưởng sẽ bị lu mờ đi hay lệch lạc.

4 Khi nói chuyện hàng ngày phần đông người ta đều làm cho người khác hiểu rõ ý mình. Trừ khi bạn có một thói quen đặc biệt nào đó, chẳng hạn như nhấn mạnh những giới từ, bạn chắc sẽ thấy nhấn mạnh đúng chữ không phải là điều khó. Thường thì một khuyết điểm rõ rệt trong lãnh vực này chứng tỏ người ta có một thói quen đặc biệt nào đó. Nếu đó là trường hợp của bạn, thì bạn hãy cố gắng khắc phục khuyết điểm ấy. Thông thường người ta khó bỏ những thói quen như thế sau một hay hai bài giảng, cho nên anh phụ trách phê bình có thể sẽ không giữ bạn ở lại điểm này, trừ khi bạn nhấn mạnh quá sai đến nỗi cử tọa hiểu sai ý nghĩa. Tuy nhiên, để bài giảng được mạnh mẽ và hữu hiệu, bạn cần phải luyện tập cho đến chừng bạn thông thạo cách nhấn mạnh đúng chỗ.

5 Thường thì chúng ta chú ý nhiều đến việc nhấn mạnh ý nghĩa khi sửa soạn để đọc trước công chúng hơn là khi nói ứng khẩu có sửa soạn. Điều này đúng khi đọc các câu Kinh-thánh trong một bài giảng, và cũng đúng khi đọc các đoạn trong tạp chí tại Buổi Học Tháp Canh của hội thánh. Sở dĩ phải chú ý nhiều hơn đến việc nhấn mạnh ý nghĩa khi đọc trước công chúng là vì tài liệu chúng ta đọc thường do người khác viết ra. Bởi vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ càng, phân tích các ý tưởng và lặp lại chính các câu văn cho đến khi ta quen thuộc với các câu ấy.

6 Làm sao nhấn mạnh ý nghĩa? Có nhiều cách khác nhau, thường được dùng phối hợp: bằng âm lượng cao hơn, giọng nói mạnh hơn hoặc tình cảm hơn, bằng cách đổi giọng cho trầm hơn hay cao hơn, bằng cách nói chậm rãi thong thả hoặc nói nhanh hơn, bằng cách tạm ngừng trước hay sau lời phát biểu (hoặc cả trước và sau), bằng điệu bộ và nét mặt.

7 Lúc đầu, bạn nên quan tâm trước hết đến việc nhấn đúng chỗ và đúng mức để những chữ then chốt nổi bật lên. Vậy khi sửa soạn tài liệu của bạn, hãy gạch dưới những chữ then chốt nếu là tài liệu bạn sẽ đọc. Còn nếu là bài giảng bạn sẽ nói ứng khẩu có sửa soạn, thì các ý tưởng phải thật rõ ràng trong trí. Hãy dùng những chữ then chốt trong dàn bài của bạn và rồi nhấn mạnh những chữ ấy.

8 Nhấn mạnh những ý kiến chính trong bài giảng. Đây là khía cạnh thường thiếu sót nhất của việc nhấn mạnh ý nghĩa. Trong trường hợp đó, bài giảng không có cực điểm. Không có điểm nào nổi bật hơn các điểm khác. Khi bài giảng kết thúc, cử tọa thường không thể nhớ được điều gì đặc sắc. Dù cho các điểm chính đã được sửa soạn để làm cho nổi bật, nhưng khi nói ra mà không nhấn mạnh đúng cách thì có thể làm yếu đi sức thuyết phục đến độ cử tọa có thể quên hẳn các điểm ấy.

9 Để khắc phục vấn đề này, trước hết hãy phân tích kỹ lưỡng tài liệu của bạn. Đâu là điểm quan trọng nhất của bài giảng? Điểm quan trọng thứ hai là gì? Nếu bạn phải tóm tắt bài giảng trong một hay hai câu, thì bạn sẽ nói gì? Đó là một trong những phương pháp tốt nhất để nhận ra các điểm chính. Sau khi bạn đã xác định các điểm chính rồi, hãy gạch dưới những điểm ấy trong dàn bài hoặc bài giảng được viết ra sẵn. Bây giờ bạn có thể làm cho các điểm chính ấy thành những cao điểm của bài giảng. Nếu bạn khéo sắp xếp tài liệu và trình bày các ý tưởng có nhấn mạnh đầy đủ, thì cử tọa sẽ nhớ được các điểm chính. Đó là mục tiêu của bài giảng.

**********

10 Chỉ nhấn mạnh ý nghĩa cũng đủ giúp cử tọa hiểu những gì bạn nói, nhưng nếu nhấn mạnh theo những cách khác nhau qua việc thay đổi ngữ điệu thì có thể khiến cho cử tọa thích thú hơn khi nghe bạn. Bạn có khéo thay đổi ngữ điệu khi đi rao giảng hoặc khi bạn có đặc ân nói bài giảng trước hội thánh không?

11 Thay đổi ngữ điệu là thay đổi cao độ, nhịp độ và cường độ của giọng nói tùy theo lúc, hầu giữ được sự chú ý của cử tọa và biểu hiện trình tự các ý tưởng và tình cảm của diễn giả. Để được hữu hiệu tối đa, diễn giả phải tận dụng mọi phương cách để thay đổi ngữ điệu tùy theo đòi hỏi của tài liệu bài giảng. Đi từ cao xuống thấp về ngữ điệu, chúng ta có thể kể: sự phấn khởi, sự nhiệt thành và sự chú ý sâu sắc; ở giữa là sự chú ý vừa vừa, và thấp hơn là sự nghiêm trang và trịnh trọng.

12 Nhưng bạn đừng bao giờ có vẻ như diễn kịch, bằng cách diễn đạt thái quá. Các bài giảng của chúng ta phải sinh động, nhưng không làm ra vẻ trịnh trọng mộ đạo như giới giáo phẩm của các tôn giáo chính thống, cũng không có vẻ dữ dội một cách cuồng loạn như một số nhà thuyết giáo lưu động nhóm họp trong lều. Thái độ nghiêm chỉnh và sự tôn trọng của chúng ta đối với thông điệp Nước Trời sẽ giúp chúng ta tránh những cử chỉ phô trương không phù hợp với tín đồ đấng Christ.

13 Thay đổi cường độ. Thay đổi ngữ điệu cách dễ nhất có lẽ là thay đổi cường độ. Đây là một cách để đánh dấu những cao điểm và nhấn mạnh những ý tưởng chính trong bài giảng. Tuy nhiên, chỉ nói lớn hơn không luôn luôn làm một điểm nổi bật. Trong một số trường hợp, nói lớn hơn có thể làm cử tọa chú ý hơn vào những điểm đó nhưng có thể không giúp đạt được kết quả mong muốn. Có thể là những điểm bạn trình bày đòi hỏi sự nhiệt thành và tình cảm hơn là sức mạnh. Trong trường hợp này, bạn nên hạ giọng và tăng cường độ của giọng nói. Bạn cũng nên làm thế khi muốn diễn tả nỗi lo lắng hay sợ hãi.

14 Mặc dù việc thay đổi ngữ điệu cần phải có sự thay đổi cường độ, bạn nên cẩn thận để không nói quá nhỏ đến nỗi một số người trong cử tọa không thể nghe bạn được. Ngược lại, nên tránh nói lớn quá làm cho cử tọa khó chịu.

15 Thay đổi nhịp độ. Các diễn giả mới ít khi thay đổi nhịp độ khi nói bài giảng ở trên bục. Thế nhưng chúng ta lại rất thường làm điều này khi nói chuyện hàng ngày, vì các lời nói của chúng ta phát ra tự nhiên theo như chúng ta nghĩ và khi chúng ta cần. Nhưng diễn giả mới thường không làm được thế khi ở trên bục. Người ấy soạn các câu và chữ quá kỹ đến nỗi nói đều đều không thay đổi tốc độ. Dùng một dàn bài khi nói bài giảng sẽ giúp sửa chữa khuyết điểm này.

16 Phần lớn bài giảng của bạn nên có độ nhanh vừa phải. Bạn có thể nói nhanh hơn khi đến các điểm ít quan trọng, sự tường thuật, các chuyện ví dụ, v.v... Nhưng khi trình bày các lý lẽ quan trọng, các cao điểm và các ý tưởng chính thì thường thường bạn nên nói chậm hơn. Trong vài trường hợp, bạn có thể nói chậm rãi thong thả để nhấn mạnh đặc biệt một điểm nào đó. Đôi khi bạn còn có thể tạm ngừng một chút, như thế thay đổi hẳn nhịp độ của giọng nói.

17 Nhưng hãy thận trọng: Đừng bao giờ nói nhanh quá đến độ bạn không phát âm rõ được. Một cách tập luyện tốt là đọc lớn tiếng càng nhanh càng tốt mà không vấp váp. Hãy đọc đi đọc lại mỗi đoạn, mỗi lần cố đọc nhanh hơn mà không vấp váp hay phát âm thiếu rõ ràng. Rồi hãy tập đọc đoạn ấy càng chậm càng tốt, bằng cách k-é-o d-à-i các mẫu âm ra thay vì nuốt chữ. Rồi lần lượt đọc nhanh lên và chậm lại, cho đến chừng nào giọng của bạn được uyển chuyển và bạn có thể thay đổi nhịp độ tùy theo ý muốn. Rồi đến khi bạn nói bài giảng, bạn sẽ thay đổi nhịp độ một cách tự động, tùy theo ý nghĩa các lời mình nói.

18 Thay đổi cao độ. Thay đổi cao độ có lẽ là cách khó nhất trong việc thay đổi ngữ điệu. Dĩ nhiên, chúng ta hay nhấn mạnh những chữ bằng cách nói giọng cao hơn một chút và đồng thời tăng thêm độ mạnh một chút. Có thể nói là chúng ta đọc dằn mỗi chữ ấy.

19 Nhưng chúng ta cần thay đổi cao độ nhiều hơn thế nữa để được lợi ích nhiều nhất qua cách thay đổi ngữ điệu này. Hãy thử đọc lớn tiếng Sáng-thế Ký 18:3-8 và 19:6-9. Bạn sẽ nhận thấy các câu này đòi hỏi phải có nhiều sự thay đổi khác nhau về nhịp độ và cao độ. Sự phấn khởi và nhiệt thành luôn luôn được diễn tả với giọng nói cao hơn là sự buồn rầu và lo âu. Vậy, khi bài giảng của bạn có những chỗ diễn tả tình cảm như thế, bạn hãy diễn đạt sao cho thích hợp.

20 Một trong những nguyên nhân chính của sự yếu kém về phương diện này là vì giọng nói không đủ tầm. Nếu bạn có vấn đề này, hãy gắng công sửa đổi. Hãy tập luyện tương tự như lời đề nghị ở trên đây; nhưng trong trường hợp này, hãy tập thay đổi cao độ thay vì nhịp độ.

21 Thay đổi ngữ điệu để hợp với ý tưởng hay tình cảm. Qua những điều đã bàn luận tới đây, ta thấy rõ rằng việc thay đổi giọng nói không phải chỉ cốt để cho bài giảng có nhiều màu sắc. Cách bạn diễn đạt phải hợp với những gì bạn nói. Vậy thì điều gì sẽ giúp bạn quyết định thay đổi ngữ điệu? Hiển nhiên, đó là tài liệu mà bạn đã sửa soạn để trình bày. Nếu bài giảng của bạn chỉ thuần lý luận hay chỉ thuần những lời khuyến khích, thì giọng nói của bạn sẽ ít thay đổi. Bởi thế, bạn cần phải phân tích dàn bài sau khi làm xong, và hãy chắc chắn là bạn có mọi điều cần thiết để có thể trình bày bài giảng một cách sinh động và đầy ý nghĩa.

22 Nhưng có khi đang nói bài giảng, bạn cảm thấy cần phải thay đổi nhịp độ vì bài giảng có vẻ nặng nề. Bạn có thể làm gì? Ở đây ta lại nhận thấy lợi ích của việc ứng khẩu có sửa soạn. Bạn có thể thay đổi bản chất của tài liệu trong khi bạn nói. Làm thế nào? Một cách là ngưng nói và bắt đầu đọc một đoạn Kinh-thánh. Hay là bạn có thể chuyển một lời khẳng định thành một câu hỏi, rồi tạm ngừng sau câu hỏi để nhấn mạnh ý tưởng. Có lẽ bạn có thể đưa ra một thí dụ và làm cho nó hợp với một lý lẽ mà bạn có sẵn trong dàn bài của bạn.

23 Tất nhiên, những diễn giả có kinh nghiệm mới có thể dùng những phương pháp này trong khi đang nói bài giảng. Nhưng bạn cũng có thể dùng các lời đề nghị này khi sửa soạn bài giảng học viên.

24 Người ta nói việc thay đổi ngữ điệu làm cho bài giảng có thêm hương vị. Nếu bạn thay đổi ngữ điệu đúng cách và đúng mức thì bạn sẽ làm cho bài giảng có đầy hương vị và cử tọa sẽ thích thú nghe bạn.

[Câu hỏi thảo luận]

 1, 2. Nhấn mạnh ý nghĩa sẽ giúp ích gì cho bài giảng?

 3-7. Hãy cho biết làm sao ta có thể học cách nhấn mạnh ý nghĩa.

 8, 9. Tại sao điều quan trọng là ta phải nhấn mạnh những ý chính trong bài giảng?

10-12. Hãy giải thích thay đổi ngữ điệu là gì.

13, 14. Thay đổi cường độ có nghĩa gì?

15-17. Thay đổi nhịp độ làm tăng giá trị một bài giảng như thế nào?

18-20. Hãy giải thích làm sao ta có thể học cách thay đổi cao độ.

21-24. Tại sao phải thay đổi ngữ điệu để hợp với ý tưởng hay tình cảm?

    Ấn phẩm Tiếng Việt (1984-2025)
    Đăng xuất
    Đăng nhập
    • Việt
    • Chia sẻ
    • Tùy chỉnh
    • Copyright © 2025 Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania
    • Điều khoản sử dụng
    • Quyền riêng tư
    • Cài đặt quyền riêng tư
    • JW.ORG
    • Đăng nhập
    Chia sẻ