Bài học 14
Biểu lộ sự hăng hái và nhiệt thành
1 Sự hăng hái làm cho một bài giảng được sống động. Nếu bạn không hăng hái về những điều bạn nói thì chắc chắn cử tọa của bạn cũng sẽ không hăng hái. Nếu điều mà bạn nói không làm cho bạn hào hứng, thì chắc chắn cử tọa của bạn cũng không cảm thấy hào hứng. Muốn biểu lộ sự hăng hái thật sự, bạn phải tin chắc rằng cử tọa của bạn cần nghe những điều bạn nói. Điều đó có nghĩa là bạn phải quan tâm tới cử tọa khi sửa soạn bài giảng, phải chọn lựa các điểm có ích lợi nhất cho họ và sắp xếp các điểm đó sao cho cử tọa dễ dàng nhận thấy được giá trị của bài giảng. Nếu bạn đã làm như vậy thì bạn sẽ cảm thấy được thúc đẩy để trình bày một cách hăng hái, và cử tọa sẽ đáp ứng nhiệt tình.
2 Biểu lộ sự hăng hái qua cách nói sinh động. Lòng hăng hái được biểu lộ rõ nhất qua cách trình bày sinh động. Bạn không thể có thái độ lãnh đạm hoặc thờ ơ. Bạn phải tỏ rõ sự sống động qua nét mặt, giọng nói và cách nói của bạn. Điều này có nghĩa là bạn phải nói một cách mạnh mẽ và quả quyết, với lòng tin chắc, nhưng không độc đoán. Mặc dầu bạn nên biểu lộ sự hăng hái, nên nhớ đừng bao giờ đi quá mức. Vì nếu bạn mất tự chủ, thì bạn cũng mất luôn cả cử tọa của bạn nữa.
3 Sự hăng hái thường dễ lây. Nếu bạn hăng hái trong bài giảng của bạn thì cử tọa cũng hăng hái theo, và nếu bạn có sự tiếp xúc tốt với cử tọa, thì sự hăng hái của họ sẽ ảnh hưởng lại trên bạn và giúp bạn giữ được sự hăng hái của chính mình. Ngược lại, nếu bạn tẻ nhạt thì cử tọa của bạn cũng cảm thấy tẻ nhạt.
4 Phao-lô nói chúng ta hãy để thánh linh của Đức Chúa Trời chiếu rạng. Nếu bạn làm vậy, bài giảng sống động của bạn sẽ khiến cho thánh linh của Đức Giê-hô-va truyền sang cử tọa và thúc đẩy họ hành động. A-bô-lô đã tỏ ra có tinh thần như thế khi diễn thuyết, và Kinh-thánh nói ông là một người có tài ăn nói (Rô-ma 12:11; Công-vụ các Sứ-đồ 18:25; Gióp 32:18-20; Giê-rê-mi 20:9).
5 Để có sự hăng hái về một bài giảng thì bạn phải tin chắc là bạn có những điều rất đáng nói. Hãy nghiền ngẫm tài liệu mà bạn sắp trình bày cho tới khi bạn cảm thấy có được cái gì làm cho bạn phấn khởi với tư cách diễn giả. Tài liệu không cần mới mẻ, nhưng cách bạn trình bày đề tài có thể mới lạ. Nếu bạn cảm thấy bạn có cái gì có thể giúp cho cử tọa vững mạnh thêm trong sự thờ phượng, giúp họ trở nên người phụng sự tốt hơn hay tín đồ tốt hơn của đấng Christ, thì bạn có đầy đủ lý do để hăng hái về bài giảng, và chắc chắn bạn sẽ hăng hái.
6 Hăng hái hợp với tài liệu. Để cho bài giảng của bạn có nhiều màu sắc và ích lợi cho cử tọa, bạn phải tránh tỏ ra hăng hái ở một độ quá cao trong suốt bài giảng. Nếu bạn không tránh làm thế, cử tọa thậm chí sẽ quá mệt mỏi trước khi bắt đầu hành động. Sự kiện đó nhấn mạnh một lần nữa điều cần thiết là phải sửa soạn tài liệu cho có nhiều thay đổi khác nhau, hầu cho khi trình bày thì bài giảng sẽ có nhiều màu sắc. Điều này nghĩa là có những điểm tự nhiên đòi hỏi phải trình bày một cách hăng hái hơn những điểm khác; vậy, bạn phải khéo léo dùng các điểm ấy trong suốt bài giảng.
7 Nhất là những điểm chính phải được trình bày hăng hái. Bài giảng của bạn phải có những tột điểm là những cực điểm mà bài giảng của bạn tiến đến. Những cao điểm thường có mục đích là khích lệ cử tọa, làm cho họ hiểu rõ sự áp dụng của các lý lẽ bạn trình bày, hoặc là những lý do hay lời khuyên của bạn. Sau khi đã thuyết phục được cử tọa, bây giờ bạn phải thúc đẩy họ hành động, phải chỉ rõ các lợi ích của lời kết luận của bạn, những vui mừng và đặc ân nhận được khi thực hành các điều đã tin chắc này. Điều này đòi hỏi sự trình bày hăng hái.
8 Mặc dầu vậy, bạn đừng bao giờ hờ hững khi trình bày các điểm khác. Đừng bao giờ mất đi cảm nghĩ mạnh mẽ của bạn đối với đề tài hoặc cho thấy bạn không còn chú tâm nữa. Hãy tưởng tượng một con nai lặng lẽ ăn cỏ tại một cánh rừng thưa; tuy bề ngoài có vẻ bình thản, nhưng bốn chân mảnh khảnh có một sức mạnh tiềm tàng có thể khiến nai vụt phóng chạy khi có một chút nguy biến. Nai có vẻ bình thản, nhưng luôn luôn cảnh giác. Bạn có thể giống như thế, ngay cả khi không nói với tất cả sự hăng hái của bạn.
9 Vậy thì những điều trên đây có nghĩa gì? Ta không bao giờ nên cố trình bày sinh động một cách gượng ép. Phải có lý do để hăng hái, và chính tài liệu phải cho bạn lý do đó. Anh phụ trách phê bình sẽ để ý xem sự hăng hái của bạn có hợp với tài liệu không. Bạn có tỏ ra hăng hái quá nhiều, quá ít hoặc không đúng chỗ hay không? Tất nhiên, anh ấy cũng sẽ để ý đến nhân cách riêng của bạn, anh sẽ khuyến khích bạn nếu bạn có tính ngại ngùng hay nhút nhát, nhưng sẽ khuyên bạn nên thận trọng nếu bạn tỏ ra quá hăng trong mỗi điều bạn nói. Vậy, hãy tỏ sự hăng hái cho hợp với đề tài, và thay đổi tài liệu để cho cách trình bày hăng hái của bạn được hài hòa từ đầu đến cuối.
**********
10 Sự hăng hái có liên quan mật thiết với sự nhiệt thành và tình cảm. Tuy nhiên, cách biểu lộ những đức tính này tùy thuộc nơi các xúc cảm khác nhau, và chúng gây ra những hiệu quả khác nhau nơi cử tọa. Là diễn giả, bạn thường hăng hái vì đó là tài liệu của bạn, nhưng bạn nhiệt thành khi bạn nghĩ tới cử tọa và có ý muốn giúp họ. Điểm “Nhiệt thành, tình cảm” ghi trên Phiếu Phê Bình đáng được bạn để tâm chú ý.
11 Nếu bạn biểu lộ sự nhiệt thành và tình cảm, cử tọa sẽ cảm thấy bạn là một người có lòng yêu thương, nhân từ và thương xót. Bạn sẽ thu hút họ như một ngọn lửa ấm áp vào một đêm lạnh lẽo. Trình bày hăng hái tạo nên sự phấn khởi, nhưng cũng cần có tình cảm dịu dàng. Thuyết phục tâm trí người nghe không phải luôn luôn là đủ rồi, bạn còn cần phải rung động lòng họ.
12 Thí dụ, khi bạn đọc Ga-la-ti 5:22, 23 về tình yêu thương, nhịn nhục, nhân từ và mềm mại thì hẳn bạn cũng phải phản ảnh những đức tính đó trong tư cách của bạn, phải không? Cũng hãy chú ý đến tình cảm dịu dàng mà Phao-lô diễn tả nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8. Những lời này đòi hỏi sự nhiệt thành và tình cảm. Làm sao biểu lộ được những đức tính này?
13 Biểu lộ sự nhiệt thành qua nét mặt. Nếu bạn có tình cảm nhiệt thành đối với cử tọa, thì nét mặt của bạn nên biểu lộ điều đó. Nếu không, cử tọa có thể không tin rằng bạn thật tình nhiệt thành đối với họ. Nhưng sự nhiệt thành phải chân thật, chứ không phải chỉ là bề ngoài mà thôi. Cũng đừng nhầm lẫn sự nhiệt thành và tình cảm với tính đa cảm hay sự xúc động thái quá. Một nét mặt nhân từ sẽ biểu lộ sự chân thật và thành thật của diễn giả.
14 Thường thì bạn sẽ nói chuyện với những cử tọa thân thiện. Vậy nếu bạn thật sự nhìn cử tọa, thì bạn sẽ cảm thấy có tình cảm nồng hậu đối với họ. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái và thân thiện. Hãy chọn một người nào đó trong cử tọa có nét mặt đặc biệt thân thiện, và nói với cá nhân người đó một lát. Rồi lại chọn một người khác và cũng làm như thế. Điều này không những giúp bạn có được sự tiếp xúc tốt với cử tọa, nhưng bạn cũng sẽ cảm thấy gần gũi với cử tọa, và tình cảm nồng hậu biểu lộ qua nét mặt bạn ngược lại sẽ thu hút cử tọa đến gần với bạn hơn.
15 Biểu lộ nhiệt thành và tình cảm qua giọng nói. Ai cũng biết rằng ngay cả thú vật cũng có thể nhận biết phần nào những xúc cảm của chúng ta qua giọng nói. Thế thì cử tọa càng đáp ứng nhiều hơn đối với giọng nói biểu lộ sự nhiệt thành và tình cảm.
16 Nếu bạn cảm thấy xa cách với cử tọa và đang nghĩ nhiều về những chữ mà bạn nói ra hơn là về cách phản ứng của cử tọa, thì khó mà giấu điều đó với cử tọa đang chăm chú nghe bạn. Nhưng nếu bạn thành thật quan tâm đến cử tọa, và bạn mong muốn chuyển đạt tới họ những tư tưởng của bạn để họ cũng nghĩ như bạn, thì tình cảm của bạn sẽ được phản ảnh rõ rệt mỗi khi bạn đổi giọng.
17 Tuy thế, điều rõ ràng là lòng quan tâm của bạn phải thành thật. Sự nhiệt thành chân thật cũng như sự hăng hái không thể nào giả vờ được. Diễn giả không bao giờ nên tạo cho cử tọa có cảm tưởng diễn giả ngọt ngào một cách giả tạo. Và cũng không nên nhầm lẫn sự nhiệt thành và tình cảm với tính đa cảm hay với một giọng nói giả tạo, run run của những người cố làm cho đám đông xúc động.
18 Nếu giọng nói bạn cứng và khàn, thì bạn sẽ khó biểu lộ được sự nhiệt thành. Bạn nên tận tâm cố gắng và siêng năng vượt qua trở ngại này. Đây là một vấn đề về phẩm chất của giọng nói, và muốn sửa chữa cần phải nhiều thời gian, nhưng nếu chú ý và cố gắng đúng mức thì bạn có thể cải thiện giọng nói để biểu lộ được sự nhiệt thành.
19 Một điều có thể giúp bạn trên phương diện đơn thuần kỹ thuật là nhớ rằng những mẫu âm ngắn, phát âm cộc làm cho giọng nói cứng, vậy thì bạn nên tập kéo dài những mẫu âm. Làm thế giọng của bạn sẽ dịu lại và sẽ tự nhiên nồng hậu hơn.
20 Nhiệt thành và tình cảm hợp với tài liệu. Giống như trường hợp về sự hăng hái, sự nhiệt thành và tình cảm trong các lời phát biểu của bạn phần lớn tùy thuộc vào điều bạn nói. Một thí dụ là sự tường thuật về việc Chúa Giê-su lên án những thầy thông giáo và người Pha-ri-si, ghi nơi Ma-thi-ơ đoạn 23. Chúng ta không thể tưởng tượng ngài nói những lời lên án gay gắt đó với một giọng tẻ nhạt, yếu ớt. Nhưng giữa những lời phẫn nộ và giận dữ đó, chúng ta thấy một câu nói đầy nhiệt tình và dịu dàng, biểu lộ lòng thương xót của Chúa Giê-su trong lời này: “Bao nhiêu lần ta muốn nhóm-họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!” Trong câu này tình cảm dịu dàng hiện rõ, nhưng trong lời kế tiếp: “Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang”, thì không có cùng tình cảm như câu trên. Giọng nói lúc này chỉ rõ sự ruồng bỏ và chán ghét.
21 Vậy thì trong tình huống nào ta nên nói với giọng nhiệt thành và tình cảm? Đa số những điều chúng ta nói khi đi rao giảng hoặc trong bài giảng học viên đều có thể nói với giọng nhiệt thành và tình cảm, nhưng đặc biệt thích hợp là khi bạn lý luận, khuyến khích, khuyên lơn, tỏ thiện cảm với người khác, v.v... Khi bạn biểu lộ sự nhiệt thành, cũng đừng quên tỏ ra hăng hái khi thích hợp. Hãy giữ thăng bằng trong mọi sự, nhưng nên phát biểu đúng mức mọi điều bạn nói.
[Câu hỏi thảo luận]
1. Cái gì tạo nên sự hăng hái?
2-5. Một bài giảng sinh động biểu lộ sự hăng hái như thế nào?
6-9. Tài liệu của một bài giảng có ảnh hưởng gì đến cách trình bày hăng hái của diễn giả?
10-12. Sự nhiệt thành và tình cảm có nghĩa là gì?
13, 14. Làm sao ta có thể biểu lộ sự nhiệt thành qua nét mặt?
15-19. Hãy cho biết điều gì làm cho giọng nói của diễn giả biểu lộ được sự nhiệt thành và tình cảm.
20, 21. Bằng cách nào tài liệu của bài giảng ảnh hưởng đến sự nhiệt thành và tình cảm khi diễn giả trình bày tài liệu đó?