Tháng 11
Thứ Sáu, ngày 1 tháng 11
Chớ để lời dữ nào ra khỏi miệng anh em, nhưng chỉ nói những lời tốt lành giúp vững mạnh.—Ê-phê 4:29.
Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không bao giờ được dùng lời lẽ thô tục. Nhưng có những cách nói năng gây tổn thương rất tinh vi mà chúng ta cũng cần cảnh giác. Chẳng hạn, chúng ta cần cẩn thận để không so sánh tiêu cực khi nói về người đến từ chủng tộc, văn hóa hay quốc gia khác. Ngoài ra, chúng ta không bao giờ muốn dùng lời lẽ hạ thấp người khác, khiến họ tổn thương. Hãy nói những lời giúp vững mạnh. Hãy sẵn sàng cho lời khen thay vì chỉ trích hay phàn nàn. Dân Y-sơ-ra-ên có nhiều điều để biết ơn nhưng họ lại thường phàn nàn. Tinh thần phàn nàn có thể lây lan. Hãy nhớ rằng lời báo cáo tiêu cực của mười người do thám đã khiến “hết thảy dân Y-sơ-ra-ên… cằn nhằn Môi-se” (Dân 13:31–14:4). Trái lại, lời khen có thể là nguồn động viên mạnh mẽ. Vì thế, hãy tìm cơ hội để khen một cách chân thành. w22.04 trg 8 đ. 16, 17
Thứ Bảy, ngày 2 tháng 11
Từ thuở lọt lòng, con được giao phó cho ngài, từ trong bụng mẹ, có ngài là Đức Chúa Trời.—Thi 22:10.
Từ thời Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va đã giúp nhiều người trẻ trở thành bạn của ngài. Ngài cũng có thể giúp con chị phát triển về thiêng liêng, nếu đó là ước muốn của các em (1 Cô 3:6, 7). Ngay cả nếu các em dường như đi lạc lối, Đức Giê-hô-va sẽ yêu thương dõi mắt trên chúng (Thi 11:4). Khi các em có dấu hiệu dù là nhỏ nhất của tấm lòng ngay thẳng, ngài sẽ sẵn sàng giúp các em đến gần ngài (Công 13:48; 2 Sử 16:9). Ngài có thể giúp chị biết nói đúng điều vào đúng thời điểm các con cần nghe nhất (Châm 15:23). Hoặc ngài có thể thúc đẩy một anh chị có lòng yêu thương trong hội thánh quan tâm đặc biệt đến các em. Ngay cả sau khi các em đã trưởng thành, Đức Giê-hô-va có thể giúp các em nhớ lại điều nào đó chị đã dạy trước đây (Giăng 14:26). Khi tiếp tục dạy các con qua lời nói và gương mẫu, chị cho Đức Giê-hô-va lý do để ban phước. w22.04 trg 21 đ. 18
Chủ Nhật, ngày 3 tháng 11
Con rồng nổi giận.—Khải 12:17.
Vì Sa-tan không còn được phép trở về trời, nên hắn trút giận lên những người được xức dầu còn sót lại trên đất. Họ là những người đại diện cho Nước Trời và “có nhiệm vụ làm chứng về Chúa Giê-su” (2 Cô 5:20; Ê-phê 6:19, 20). Vào năm 1918, tám anh có trách nhiệm bị kết tội oan và phải lãnh án tù nhiều năm. Công việc của các anh được xức dầu ấy như thể bị “giết đi” (Khải 11:3, 7-11). Nhưng vào đầu năm 1919, những anh được xức dầu ấy được trả tự do, và sau này các cáo buộc về họ bị bãi bỏ. Các anh lập tức trở lại với công việc Nước Trời. Dù vậy, Sa-tan vẫn tiếp tục tấn công dân Đức Chúa Trời. Kể từ đó, Sa-tan đã gây ra một ‘dòng sông’ sự bắt bớ nhắm vào dân của ngài (Khải 12:15). Thật vậy, “điều này đòi hỏi sự chịu đựng và đức tin” của mỗi chúng ta.—Khải 13:10. w22.05 trg 5, 6 đ. 14-16
Thứ Hai, ngày 4 tháng 11
Tôi nghe số người được đóng dấu là 144.000 người.—Khải 7:4.
Trong một khải tượng, sứ đồ Giăng thấy hai nhóm ủng hộ sự cai trị của Đức Giê-hô-va và nhận được ân phước là sự sống vĩnh cửu. Nhóm đầu tiên gồm 144.000 người. Họ được chọn từ trái đất để cùng với Chúa Giê-su hợp thành một chính phủ, hay một Nước, trên trời. Cùng với ngài, họ sẽ cai trị cả trái đất (Khải 5:9, 10; 14:3, 4). Trong khải tượng, Giăng thấy họ đang đứng cùng với Chúa Giê-su trên núi Si-ôn ở trên trời (Khải 14:1). Qua nhiều thế kỷ, hàng ngàn người được chọn vào nhóm 144.000 người (Lu 12:32; Rô 8:17). Tuy nhiên, Giăng được cho biết chỉ còn số ít người thuộc nhóm ấy sẽ vẫn ở trên đất trong những ngày sau cùng (Khải 12:17). Rồi tại một thời điểm trong hoạn nạn lớn, họ sẽ được cất lên trời để hợp với số còn lại thuộc 144.000 người, là những người trước đó đã chết trung thành. Trên trời, họ sẽ cùng với Chúa Giê-su cai trị Nước Đức Chúa Trời.—Mat 24:31; Khải 5:9, 10. w22.05 trg 16 đ. 4, 5
Thứ Ba, ngày 5 tháng 11
[Hãy] chú ý điều răn ta!—Ê-sai 48:18.
Chúa Giê-su dạy các môn đồ nên có quan điểm đúng về bản thân. Ngài trấn an họ rằng: “Tóc trên đầu anh em cũng được đếm hết rồi” (Mat 10:30). Những lời này an ủi chúng ta rất nhiều, đặc biệt là nếu chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Những lời ấy cho thấy Cha trên trời quan tâm sâu xa đến chúng ta và chúng ta rất quý giá trong mắt ngài. Chúng ta không bao giờ muốn nghi ngờ sự phán xét của Đức Giê-hô-va bằng cách kết luận rằng mình không xứng đáng thờ phượng ngài hoặc nhận được sự sống trong thế giới mới. Cách đây khoảng 15 năm, Tháp Canh nói rằng chúng ta nên có quan điểm thăng bằng về bản thân như sau: “Chắc chắn chúng ta không muốn tự đánh giá mình quá cao đến độ trở nên kiêu ngạo; chúng ta cũng không muốn đi đến thái cực khác là xem mình không ra gì. Thay vì thế, mục tiêu của chúng ta là tập có cái nhìn thăng bằng về chính mình, nhận ra cả những ưu điểm và giới hạn của mình”. w22.05 trg 24, 25 đ. 14-16
Thứ Tư, ngày 6 tháng 11
Con… cầu xin… để tất cả họ đều trở nên một.—Giăng 17:20, 21.
Mỗi chúng ta có thể làm gì để góp phần vào sự hợp nhất này? Đó là tạo sự hòa thuận (Mat 5:9; Rô 12:18). Mỗi lần chủ động đẩy mạnh mối quan hệ hòa thuận với người khác trong hội thánh, chúng ta góp phần vào vẻ đẹp của địa đàng thiêng liêng. Chúng ta nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã kéo từng người trong địa đàng thiêng liêng đến với sự thờ phượng thanh sạch (Giăng 6:44). Hãy hình dung Đức Giê-hô-va vui mừng biết bao khi thấy chúng ta nỗ lực để củng cố sự hòa thuận và hợp nhất trong vòng những người mà ngài xem là quý giá, tức là tôi tớ ngài (Ê-sai 26:3; Ha-gai 2:7). Làm thế nào để nhận lợi ích trọn vẹn từ những ân phước khi là tôi tớ của Đức Chúa Trời? Chúng ta có thể suy ngẫm về những điều mình học trong Lời ngài. Việc học hỏi và suy ngẫm như thế sẽ giúp chúng ta vun trồng những phẩm chất tin kính thúc đẩy mình thể hiện “tình yêu thương anh em” và “lòng trìu mến đối với nhau” trong hội thánh.—Rô 12:10. w22.11 trg 12, 13 đ. 16-18
Thứ Năm, ngày 7 tháng 11
Ta sẽ tha thứ lỗi họ và sẽ không nhớ đến tội họ nữa.—Giê 31:34.
Khi chấp nhận sự thật là Đức Giê-hô-va tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận được “kỳ thanh thản”, bao gồm sự bình an tâm trí và một lương tâm trong sạch. Sự tha thứ như thế không thể đến từ con người mà chỉ đến từ “chính Đức Giê-hô-va” (Công 3:19). Khi tha tội cho chúng ta, Đức Giê-hô-va hoàn toàn khôi phục mối quan hệ với chúng ta như thể chúng ta chưa từng phạm tội đó. Một khi tha thứ, Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ kết tội hoặc phạt chúng ta về tội ấy nữa (Ê-sai 43:25). Đức Giê-hô-va đem tội lỗi của chúng ta ra xa như “phương mặt trời mọc cách xa phương mặt trời lặn” (Thi 103:12). Khi suy ngẫm về sự tha thứ lớn lao của Đức Giê-hô-va, chúng ta tràn đầy lòng biết ơn và thán phục (Thi 130:4). Đức Giê-hô-va quyết định tha thứ không dựa trên việc một người phạm tội nặng hay nhẹ. Với tư cách là Đấng Tạo Hóa, Đấng Lập Luật và Đấng Phán Xét, Đức Giê-hô-va dùng sự hiểu biết của ngài để quyết định có tha thứ cho một người hay không. w22.06 trg 5 đ. 12-14
Thứ Sáu, ngày 8 tháng 11
Người nào đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời và ngài là đấng ban thưởng cho những ai sốt sắng tìm kiếm ngài.—Hê 11:6.
Đức Giê-hô-va ban hy vọng tuyệt diệu cho tất cả những ai yêu mến ngài. Không lâu nữa, ngài sẽ chấm dứt bệnh tật, đau buồn và cái chết (Khải 21:3, 4). Ngài sẽ giúp “người khiêm hòa”, là những người trông cậy ngài, biến trái đất thành địa đàng (Thi 37:9-11). Ngài sẽ mở đường cho mỗi chúng ta có được mối quan hệ nồng ấm với ngài, thậm chí còn tuyệt vời hơn mối quan hệ mình hiện đang có với ngài. Thật là một hy vọng tuyệt diệu! Nhưng chúng ta có cơ sở nào để tin rằng những lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ thành hiện thực? Đức Giê-hô-va không bao giờ thất hứa. Vì vậy, chúng ta có lý do chính đáng để “trông cậy Đức Giê-hô-va” (Thi 27:14). Chúng ta cho thấy điều này qua việc kiên nhẫn và vui mừng chờ đợi Đức Chúa Trời thực hiện ý định của ngài (Ê-sai 55:10, 11). Mong sao chúng ta cũng tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng ngài sẽ ban thưởng cho “những ai sốt sắng tìm kiếm ngài”. w22.06 trg 20 đ. 1; trg 25 đ. 18
Thứ Bảy, ngày 9 tháng 11
Cha của anh em biết anh em cần gì trước khi cầu xin ngài.—Mat 6:8.
Chúng ta có thể tin chắc là Đầu gia đình, Đức Giê-hô-va sẽ làm theo nguyên tắc mà ngài cho ghi lại nơi 1 Ti-mô-thê 5:8. Khi tin chắc Đức Giê-hô-va yêu thương mình và gia đình, không khó để tin rằng chúng ta sẽ có những thứ mình cần (Mat 6:31-33). Đức Giê-hô-va muốn chu cấp cho chúng ta, và ngài quả là Đấng Cung Cấp rộng rãi, yêu thương! Khi tạo ra trái đất, ngài làm nhiều hơn là chỉ cho chúng ta những thứ cơ bản mình cần để sống. Ngài tạo ra nhiều thứ trên đất để chúng ta vui hưởng (Sáng 2:9). Ngay cả khi chỉ có vừa đủ những thứ mình cần, chúng ta nên tập trung vào việc mình đang có đủ để sống. Đức Giê-hô-va đã giữ lời hứa là chu cấp cho chúng ta (Mat 6:11). Chúng ta cần nhớ rằng bất cứ sự hy sinh nào về vật chất mà mình thực hiện không là gì so với điều Đức Chúa Trời yêu thương sẽ ban cho chúng ta bây giờ và trong tương lai.—Ê-sai 65:21, 22. w22.06 trg 15 đ. 7, 8
Chủ Nhật, ngày 10 tháng 11
Thức ăn đặc thì dành cho người trưởng thành.—Hê 5:14.
Không chỉ người chú ý mới cần thức ăn thiêng liêng đặc. Tất cả chúng ta đều cần. Sứ đồ Phao-lô viết rằng việc áp dụng thức ăn đó sẽ giúp chúng ta “phân biệt điều đúng, điều sai”. Trong thời kỳ mà tiêu chuẩn đạo đức xuống dốc hơn bao giờ hết, việc làm theo những tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va có thể là một thách đố. Nhưng Chúa Giê-su lo sao cho chúng ta có thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng để có sức mạnh cần thiết. Nguồn của thức ăn này là Kinh Thánh, Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. Giống như Chúa Giê-su, chúng ta đã dành cho danh Đức Chúa Trời sự tôn kính mà danh ấy xứng đáng nhận (Giăng 17:6, 26). Chẳng hạn, vào năm 1931, chúng ta đã đón nhận danh hiệu dựa trên Kinh Thánh là Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều đó cho thấy chúng ta rất xem trọng danh Cha trên trời và muốn được nhận diện bằng danh ấy (Ê-sai 43:10-12). Ngoài ra, Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới cũng khôi phục danh Đức Chúa Trời vào đúng chỗ trong Lời ngài. w22.07 trg 11 đ. 11, 12
Thứ Hai, ngày 11 tháng 11
Lời ngài là ngọn đèn cho chân con, ánh sáng cho đường lối con.—Thi 119:105.
Chân lý trong Kinh Thánh cũng bao gồm tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su ví sự thật về Nước Trời với báu vật được giấu kín. Nơi Ma-thi-ơ 13:44, ngài nói: “Nước Trời giống như báu vật được giấu ngoài ruộng mà một người kia tìm thấy rồi giấu lại. Vì vui mừng nên ông đi bán hết mọi thứ mình có mà mua thửa ruộng ấy”. Điều đáng lưu ý là người đàn ông không phải đang đi tìm báu vật. Nhưng khi tình cờ tìm thấy, ông đã hy sinh rất nhiều để có được nó. Thật ra, ông đã bán hết mọi thứ mình có. Tại sao? Vì ông biết báu vật ấy là vô giá. Chúng ta biết không điều gì trong thế gian này có thể so sánh với niềm vui của việc phụng sự Đức Giê-hô-va ngay bây giờ và triển vọng được sống đời đời dưới sự cai trị của Nước Trời. Bất cứ điều gì mà chúng ta hy sinh để có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va đều đáng công. Niềm vui lớn nhất của chúng ta là “làm ngài vui lòng trọn vẹn”.—Cô 1:10. w22.08 trg 15 đ. 8, 9; trg 17 đ. 12
Thứ Ba, ngày 12 tháng 11
Sao tôi có thể làm điều vô cùng xấu xa đó mà phạm tội với Đức Chúa Trời?—Sáng 39:9.
Làm sao Giô-sép biết Đức Chúa Trời xem việc ngoại tình là “điều vô cùng xấu xa”? Luật pháp Môi-se có mệnh lệnh rõ ràng là “ngươi không được phạm tội ngoại tình”, nhưng chỉ hai trăm năm sau đó Luật pháp mới được viết ra (Xuất 20:14). Tuy nhiên, Giô-sép biết Đức Giê-hô-va đủ để hiểu ngài cảm thấy thế nào về hành vi vô luân. Chẳng hạn, Giô-sép chắc chắn biết ngài thiết lập hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Và Giô-sép đã nghe kể về cách Đức Giê-hô-va hai lần can thiệp để bảo vệ bà cố của mình là Sa-ra, nhờ thế bà giữ chung thủy với chồng (Sáng 2:24; 12:14-20; 20:2-7). Khi suy ngẫm về những trường hợp đó, Giô-sép nhận ra điều gì là đúng và điều gì là sai trước mắt Đức Chúa Trời. Vì yêu thương Đức Chúa Trời, Giô-sép cũng yêu mến các tiêu chuẩn công chính của ngài và quyết tâm làm theo. w22.08 trg 26 đ. 1, 2
Thứ Tư, ngày 13 tháng 11
Nhiều người ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, một số người sẽ nhận sự sống vĩnh cửu.—Đa 12:2.
Lời tiên tri đó không nói đến sự sống lại theo nghĩa bóng, tức sự hồi sinh về thiêng liêng của các tôi tớ Đức Chúa Trời xảy ra trong những ngày sau cùng, như cách chúng ta hiểu trước đây. Thay vì thế, những lời này nói về sự sống lại theo nghĩa đen diễn ra trong thế giới mới sắp đến. Tại sao chúng ta có thể kết luận như vậy? Từ “bụi đất” trong Đa-ni-ên 12:2 cũng được dùng trong Gióp 17:16 chung với từ “mồ mả”, và cả hai từ này có cùng nghĩa. Điều đó cho thấy Đa-ni-ên 12:2 đang nói về sự sống lại theo nghĩa đen sẽ xảy ra sau khi những ngày sau cùng kết thúc và sau cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn. Câu Đa-ni-ên 12:2 cũng nói rằng một số người được sống lại sẽ nhận “sự sống vĩnh cửu”. Vậy điều này có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là những người được sống lại và tìm hiểu, hay không ngừng tìm hiểu, về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su cũng như vâng lời hai đấng ấy trong triều đại 1.000 năm cuối cùng sẽ nhận sự sống vĩnh cửu.—Giăng 17:3. w22.09 trg 21 đ. 6, 7
Thứ Năm, ngày 14 tháng 11
[Tình yêu thương] tin mọi điều.—1 Cô 13:7.
Câu này không có nghĩa là Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tin cậy người khác một cách mù quáng. Thay vì thế, ngài muốn chúng ta tin cậy họ vì chính họ cũng cho thấy mình đáng tin cậy. Lòng tin cậy cần được vun đắp, và điều này đòi hỏi thời gian. Làm thế nào anh chị có thể xây dựng lòng tin cậy nơi anh em đồng đạo? Hãy hiểu rõ hơn về họ. Chúng ta có thể làm thế bằng cách trò chuyện với họ tại các buổi nhóm họp, và sắp xếp để đi rao giảng chung. Chúng ta cũng kiên nhẫn với họ, cho họ cơ hội để chứng tỏ họ đáng tin cậy. Với một người mới quen, lúc đầu có lẽ anh chị không muốn chia sẻ với người ấy về vấn đề riêng tư. Rồi khi thân thiết hơn, có lẽ anh chị cảm thấy thoải mái để mở lòng (Lu 16:10). Nhưng anh chị có thể làm gì nếu bị một anh em phụ lòng tin? Đừng vội cắt đứt tình bạn với người ấy. Thay vì thế, hãy đợi một thời gian để vấn đề được giải quyết. Và đừng để hành động của chỉ vài người khiến mình mất lòng tin cậy nơi những anh em khác. w22.09 trg 4 đ. 7, 8
Thứ Sáu, ngày 15 tháng 11
Mắt Đức Giê-hô-va soi xét khắp đất.—2 Sử 16:9.
Một trưởng lão tên là Miqueas cảm thấy mình bị một số anh có trách nhiệm đối xử khắt khe. Dù vậy, anh đã giữ mình tỉnh táo và nỗ lực kiểm soát cảm xúc của mình. Anh thường xuyên cầu nguyện, xin Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh và sức mạnh để chịu đựng. Anh cũng tìm thông tin trong các ấn phẩm mà có thể giúp mình. Bài học là gì? Nếu cảm thấy bị một anh chị đối xử tệ, hãy bình tĩnh và cố gắng kiểm soát bất cứ cảm xúc tiêu cực nào. Anh chị có lẽ không biết hoàn cảnh nào đã khiến người ấy nói hoặc hành động như thế. Vì vậy, hãy nói với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, xin ngài giúp anh chị hiểu hoàn cảnh của người đó. Hãy tin rằng người đó không có ý làm mình tổn thương và cố gắng tha thứ cho người đó (Châm 19:11). Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va biết hoàn cảnh của anh chị, và ngài sẽ ban sức mạnh cần thiết để anh chị chịu đựng.—Truyền 5:8. w22.11 trg 21 đ. 5
Thứ Bảy, ngày 16 tháng 11
Con… tránh bọn che giấu bộ mặt thật mình.—Thi 26:4.
Hãy chọn những người bạn yêu mến Đức Giê-hô-va. Bạn bè ảnh hưởng rất nhiều đến sự tiến bộ của bạn về thiêng liêng (Châm 13:20). Một trưởng lão tên Liêm cho biết: “Khi còn trẻ, tôi đã kết bạn với những anh chị cùng đi thánh chức. Những anh chị này rất sốt sắng và họ giúp tôi thấy việc tham gia thánh chức vui như thế nào… Tôi cũng nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ cơ hội có những tình bạn tốt khi chỉ kết bạn với những người đồng trang lứa”. Nói sao nếu bạn nhận ra một người bạn trong hội thánh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mình? Phao-lô biết một số tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã không có cái nhìn thiêng liêng, vì thế ông cảnh báo Ti-mô-thê tránh xa họ (2 Ti 2:20-22). Tình bạn của chúng ta với Đức Giê-hô-va rất quý giá. Chúng ta không nên để bất cứ ai làm suy yếu mối quan hệ mà mình đã nỗ lực vun đắp với Cha trên trời. w22.08 trg 5, 6 đ. 13-15
Chủ Nhật, ngày 17 tháng 11
Hãy tránh xa kẻ dại dột.—Châm 14:7.
Khác với những người ghét lời khuyên của Đức Chúa Trời, chúng ta vun trồng lòng yêu mến đối với đường lối của ngài, trong đó có các tiêu chuẩn đạo đức. Chúng ta có thể củng cố lòng yêu mến đó bằng cách so sánh kết quả của việc vâng lời với việc không vâng lời. Hãy xem những vấn đề mà người ta tự gây ra cho mình vì dại dột bác bỏ lời khuyên khôn ngoan của Đức Giê-hô-va. Rồi hãy xem đời sống của anh chị tốt hơn thế nào nhờ vâng lời Đức Chúa Trời (Thi 32:8, 10). Đức Giê-hô-va sẵn sàng ban sự khôn ngoan cho mọi người, nhưng ngài không ép buộc bất cứ ai phải nhận sự khôn ngoan ấy. Tuy nhiên, ngài cho biết hậu quả của việc không lắng nghe sự khôn ngoan (Châm 1:29-32). Những người như thế sẽ “gánh chịu hậu quả của đường lối mình”. Với thời gian, lối sống của họ chỉ dẫn đến căng thẳng, vấn đề rắc rối và cuối cùng là sự hủy diệt. Trái lại, những người lắng nghe và áp dụng lời khuyên khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thì nhận được lời hứa sau: “Người lắng nghe ta sẽ được sống an ổn, được bình yên không khiếp sợ thảm họa”.—Châm 1:33. w22.10 trg 21 đ. 11-13
Thứ Hai, ngày 18 tháng 11
Hạnh phúc cho ai kính sợ Đức Giê-hô-va, bước đi trong đường lối ngài.—Thi 128:1.
Kính sợ Đức Giê-hô-va có nghĩa là chúng ta tôn kính ngài đến mức tránh làm bất cứ điều gì khiến ngài buồn lòng (Châm 16:6). Vì thế, chúng ta luôn cố gắng làm theo tiêu chuẩn của ngài về điều đúng và điều sai được tìm thấy trong Kinh Thánh (2 Cô 7:1). Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu làm những điều Đức Giê-hô-va yêu mến và bác bỏ những điều ngài ghét (Thi 37:27; 97:10; Rô 12:9). Một người có lẽ biết Đức Giê-hô-va có quyền quyết định điều gì đúng và điều gì sai, nhưng người ấy cũng cần chọn làm theo tiêu chuẩn của ngài (Rô 12:2). Qua hạnh kiểm, chúng ta cho thấy mình thật sự tin rằng làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va là lối sống tốt nhất (Châm 12:28). Đa-vít cảm thấy như thế vì ông nói về Đức Giê-hô-va: “Ngài cho con biết nẻo đường sự sống. Ở trước mặt ngài, vui sướng đầy tràn; bên tay hữu ngài, hạnh phúc bất tận”.—Thi 16:11. w22.10 trg 8 đ. 9, 10
Thứ Ba, ngày 19 tháng 11
Con không thể tự làm bất cứ điều gì, nhưng chỉ làm những gì ngài thấy Cha làm.—Giăng 5:19.
Chúa Giê-su luôn có quan điểm thăng bằng và khiêm nhường về bản thân. Trước khi xuống thế làm người, ngài đã làm nhiều điều tuyệt diệu trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Qua Chúa Giê-su, “mọi tạo vật khác được dựng nên ở trên trời và dưới đất” (Cô 1:16). Vào lúc báp-têm, rất có thể Chúa Giê-su nhớ lại những điều ngài đã làm khi còn ở với Cha (Mat 3:16; Giăng 17:5). Nhưng ngài không trở nên kiêu ngạo khi nhớ lại những điều đó. Thực tế, Chúa Giê-su không bao giờ tôn mình lên trên bất cứ ai. Ngài nói với các môn đồ rằng ngài đến thế gian “không phải để được người khác phục vụ, mà để phục vụ người khác và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mat 20:28). Chúa Giê-su cũng khiêm tốn thừa nhận là ngài không thể tự làm bất cứ điều gì. Chúa Giê-su quả thật rất khiêm nhường! Ngài đã nêu gương tuyệt hảo cho chúng ta noi theo. w22.05 trg 24 đ. 13
Thứ Tư, ngày 20 tháng 11
Hãy trở về với Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 55:7.
Khi quyết định có tha thứ cho một người hay không, Đức Giê-hô-va xem xét người phạm tội có biết điều mình đang làm là sai hay không. Chúa Giê-su cho thấy rõ điều này như được ghi nơi Lu-ca 12:47, 48. Khi một người âm mưu làm điều gian ác và biết rõ điều mình đang làm là xúc phạm Đức Giê-hô-va thì người ấy phạm tội trọng. Một người như thế có thể không được Đức Giê-hô-va tha thứ (Mác 3:29; Giăng 9:41). Có hy vọng nào cho chúng ta trong trường hợp đó không? Có! Đức Giê-hô-va cũng xem xét người phạm tội có thật lòng ăn năn hay không. Ăn năn có nghĩa là “thay đổi suy nghĩ, thái độ hay ý định”. Điều này bao hàm việc một người cảm thấy hối hận và đau buồn về điều xấu mình đã làm hoặc về việc không làm điều đúng mà lẽ ra mình nên làm. Một người ăn năn không chỉ buồn về tội mình đã phạm mà còn buồn về tình trạng thiêng liêng suy yếu của mình dẫn đến việc phạm tội. w22.06 trg 5, 6 đ. 15-17
Thứ Năm, ngày 21 tháng 11
Hết thảy những ai muốn sống cuộc đời tin kính của môn đồ Đấng Ki-tô Giê-su cũng sẽ bị ngược đãi.—2 Ti 3:12.
Các kẻ thù của chúng ta lan truyền lời dối trá hoặc thông tin sai lệch về những anh có trách nhiệm trong tổ chức (Thi 31:13). Một số anh bị bắt và bị buộc tội. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã đối mặt với tình huống tương tự khi sứ đồ Phao-lô bị vu oan và bị bắt. Một số tín đồ vào thế kỷ thứ nhất không còn ủng hộ sứ đồ Phao-lô nữa khi ông bị bỏ tù ở Rô-ma (2 Ti 1:8, 15; 2:8, 9). Hãy hình dung Phao-lô cảm thấy thế nào. Ông đã chịu đựng nhiều khó khăn, thậm chí liều mạng sống mình vì họ (Công 20:18-21; 2 Cô 1:8). Mong sao chúng ta không bao giờ giống như những người đã bỏ rơi Phao-lô! Chúng ta không nên ngạc nhiên là Sa-tan đặc biệt nhắm vào các anh có trách nhiệm. Mục đích của hắn là phá đổ lòng trọn thành của các anh và làm chúng ta sợ hãi (1 Phi 5:8). Hãy tiếp tục hỗ trợ anh em và trung thành gắn bó với họ.—2 Ti 1:16-18. w22.11 trg 16, 17 đ. 8-11
Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11
Anh… chẳng hề sợ Đức Chúa Trời sao?—Lu 23:40.
Tên tội phạm biết ăn năn bị treo bên cạnh Chúa Giê-su rất có thể là người Do Thái. Người Do Thái chỉ thờ một Đức Chúa Trời, nhưng dân ngoại thì thờ nhiều thần (Xuất 20:2, 3; 1 Cô 8:5, 6). Nếu tên tội phạm này thuộc dân ngoại thì có lẽ câu hỏi trong câu Kinh Thánh hôm nay sẽ là: “Anh chẳng hề sợ các thần sao?”. Ngoài ra, Chúa Giê-su được phái đến không phải với dân ngoại mà với “những con chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên” (Mat 15:24). Đức Chúa Trời đã tiết lộ với dân Y-sơ-ra-ên rằng ngài sẽ làm người chết sống lại. Tên tội phạm biết ăn năn có lẽ biết về điều này, và những lời của anh ta cho thấy anh nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ làm cho Chúa Giê-su sống lại để cai trị trong Nước Trời. Hẳn anh ta hy vọng là Đức Chúa Trời cũng sẽ làm cho mình sống lại. Là người Do Thái, tên tội phạm biết ăn năn hẳn biết về A-đam và Ê-va. Thế nên, rất có thể tên tội phạm này tin rằng địa đàng mà Chúa Giê-su đề cập nơi Lu-ca 23:43 sẽ là một khu vườn xinh đẹp ở trên đất.—Sáng 2:15. w22.12 trg 8, 9 đ. 2, 3
Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11
Tất cả những người ấy… đều đồng tâm bền lòng cầu nguyện.—Công 1:14.
Chúng ta chỉ có thể thi hành công việc rao giảng với sự trợ giúp của thần khí Đức Chúa Trời. Tại sao? Vì Sa-tan gây chiến với chúng ta để làm ngưng công việc rao giảng (Khải 12:17). Theo quan điểm của loài người, chúng ta dường như yếu thế hơn Sa-tan rất nhiều. Nhưng qua công việc làm chứng, chúng ta đang chiến thắng hắn! (Khải 12:9-11). Theo nghĩa nào? Khi tham gia thánh chức, chúng ta cho thấy mình không sợ hãi trước sự đe dọa của Sa-tan. Mỗi lần chúng ta rao giảng, Sa-tan bị thua một trận. Vậy chúng ta có thể kết luận rằng mình nhận sức mạnh từ thần khí thánh và được Đức Giê-hô-va chấp nhận (Mat 5:10-12; 1 Phi 4:14). Thần khí có thể giúp chúng ta đương đầu với bất cứ thử thách nào mà mình gặp trong thánh chức (2 Cô 4:7-9). Vậy chúng ta có thể làm gì để đảm bảo là mình tiếp tục nhận được thần khí? Chúng ta cần bền lòng cầu xin có thần khí, tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. w22.11 trg 5 đ. 10, 11
Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11
Hỡi anh em, chúng tôi khuyến giục anh em hãy cảnh cáo những người vô kỷ luật, an ủi người buồn nản, nâng đỡ người yếu đuối và kiên nhẫn với mọi người.—1 Tê 5:14.
Chúng ta thể hiện tình yêu thương với anh em bằng cách nỗ lực giữ hòa thuận với họ. Chúng ta cố gắng bắt chước gương của Đức Giê-hô-va trong việc tha thứ. Nếu Đức Giê-hô-va sẵn lòng để Con ngài chết cho tội lỗi của chúng ta, chẳng phải chúng ta cũng nên sẵn lòng tha thứ cho anh em khi họ phạm lỗi với mình sao? Chúng ta không muốn giống như đầy tớ gian ác trong một ngụ ngôn của Chúa Giê-su. Dù được chủ xóa món nợ khổng lồ nhưng đầy tớ ấy đã không chịu xóa món nợ nhỏ hơn nhiều cho người bạn cùng làm đầy tớ (Mat 18:23-35). Nếu có sự hiểu lầm với ai đó trong hội thánh, anh chị có thể chủ động làm hòa trước khi tham dự Lễ Tưởng Niệm không? (Mat 5:23, 24). Khi làm thế, anh chị cho thấy mình yêu thương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sâu đậm. w23.01 trg 29 đ. 8, 9
Thứ Hai, ngày 25 tháng 11
Người làm ơn cho kẻ thấp hèn là cho Đức Giê-hô-va vay mượn.—Châm 19:17.
Một cách để biết nhu cầu của anh em đồng đạo là khéo đặt một số câu hỏi để họ mở lòng (Châm 20:5). Họ có đủ thực phẩm, thuốc men và những nhu yếu phẩm khác không? Họ có nguy cơ bị mất việc, thậm chí là mất nhà không? Họ có cần giúp đỡ để xin trợ cấp từ chính phủ không? Đức Giê-hô-va muốn tất cả chúng ta khích lệ và giúp người khác (Ga 6:10). Một hành động yêu thương dù nhỏ cũng có thể tác động mạnh mẽ đến người đang bị bệnh. Một em nhỏ có thể viết thiệp hoặc vẽ hình để khích lệ một anh chị. Một người trẻ có thể đi công việc hoặc đi chợ giúp một ai đó. Chúng ta cũng có thể chuẩn bị bữa ăn cho người bị bệnh. Các trưởng lão thường bận rộn hơn trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát. Một số anh chị đã viết thiệp cám ơn các anh. Thật tốt biết bao khi chúng ta làm phần của mình để “tiếp tục khích lệ nhau và giúp nhau vững mạnh”!—1 Tê 5:11. w22.12 trg 22 đ. 2; trg 23 đ. 5, 6
Thứ Ba, ngày 26 tháng 11
Các ông đã lầm to.—Mác 12:27.
Người Sa-đu-sê rất quen thuộc với năm sách đầu tiên trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng họ bỏ qua những sự thật quan trọng trong các sách này. Chẳng hạn, hãy xem Chúa Giê-su đáp lại thế nào khi người Sa-đu-sê chất vấn ngài về sự sống lại. Ngài hỏi họ: “Các ông chưa đọc trong lời tường thuật của Môi-se về bụi gai sao? Đức Chúa Trời đã phán với người: ‘Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác và Đức Chúa Trời của Gia-cốp’” (Mác 12:18, 26). Hẳn người Sa-đu-sê đã đọc câu này nhiều lần, nhưng câu hỏi của Chúa Giê-su cho thấy họ đã bỏ qua một sự thật quan trọng trong Kinh Thánh, đó là sự dạy dỗ về sự sống lại (Lu 20:38). Bài học là gì? Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta muốn cố gắng nhận ra tất cả những điều mà một câu hay một lời tường thuật có thể dạy chúng ta. Chúng ta không muốn chỉ nhận ra những sự dạy dỗ căn bản mà còn những sự thật và nguyên tắc sâu sắc nằm đằng sau điều mình đọc. w23.02 trg 11 đ. 9, 10
Thứ Tư, ngày 27 tháng 11
Có một… đám mây nhân chứng rất lớn bao quanh [chúng ta].—Hê 12:1.
Tất cả những nhân chứng được nói đến trong câu Kinh Thánh hôm nay đều trải qua thử thách cam go nhưng vẫn trung thành với Đức Giê-hô-va trong suốt cuộc đời (Hê 11:36-40). Sự chịu đựng và công khó của họ có lãng phí không? Chắc chắn không! Dù không thấy mọi lời hứa của Đức Chúa Trời xảy ra trong đời mình, nhưng họ tiếp tục trông cậy ngài. Và vì biết Đức Giê-hô-va hài lòng về mình nên họ tin chắc rằng mình sẽ thấy những lời hứa của ngài trở thành hiện thực (Hê 11:4, 5). Gương của họ giúp chúng ta càng quyết tâm tiếp tục trông cậy Đức Giê-hô-va. Ngày nay chúng ta đang sống trong thế gian ngày càng tồi tệ (2 Ti 3:13). Sa-tan vẫn tiếp tục thử thách dân của Đức Chúa Trời. Bất kể những thử thách phía trước, mong sao chúng ta quyết tâm làm việc hết mình cho Đức Giê-hô-va, tin chắc là chúng ta “đặt niềm hy vọng nơi Đức Chúa Trời hằng sống”.—1 Ti 4:10. w22.06 trg 25 đ. 17, 18
Thứ Năm, ngày 28 tháng 11
Con chết đi có ích gì?… Cát bụi làm sao ca ngợi ngài được.—Thi 30:9.
Một lý do chúng ta nên cố gắng giữ sức khỏe là để có thể phụng sự Đức Giê-hô-va hết khả năng của mình (Mác 12:30). Thế nên chúng ta tránh làm những điều mà mình biết sẽ gây hại cho sức khỏe (Rô 12:1). Dĩ nhiên, dù chúng ta làm gì đi nữa thì cũng không đảm bảo là mình sẽ không bị bệnh. Nhưng chúng ta làm những gì có thể vì muốn cho Cha trên trời thấy mình biết ơn về món quà sự sống. Bệnh tật và tuổi già có thể khiến chúng ta không thể làm những điều mà mình từng làm trước đây. Vì thế, chúng ta có thể cảm thấy buồn và bực bội. Nhưng đừng bao giờ buông xuôi và bỏ bê sức khỏe. Tại sao? Vì dù bị bệnh hoặc lớn tuổi đến mấy, chúng ta vẫn có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va như vua Đa-vít đã làm. Thật cảm động khi biết Đức Chúa Trời quý trọng chúng ta dù chúng ta bất toàn! (Mat 10:29-31). Ngay cả nếu chúng ta chết, ngài cũng mong mỏi làm chúng ta sống lại (Gióp 14:14, 15). Vậy, khi còn sống, chúng ta muốn làm những gì có thể để bảo vệ sức khỏe và sự sống. w23.02 trg 20, 21 đ. 3-5
Thứ Sáu, ngày 29 tháng 11
Ai nói phạm đến thần khí thánh thì không bao giờ được tha.—Mác 3:29.
Sau khi sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn, tên của đám đông lớn thuộc chiên khác vẫn có trong sách sự sống không? Có (Khải 7:14). Chúa Giê-su nói rằng những người được ví như chiên ấy sẽ “vào sự sống vĩnh cửu” (Mat 25:46). Nhưng những người đó sẽ không nhận sự sống vĩnh cửu ngay lập tức. Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, Chúa Giê-su “sẽ chăn dắt họ, hướng dẫn họ đến các suối nước sự sống”. Những ai vâng theo sự hướng dẫn của Đấng Ki-tô và cuối cùng được xét là trung thành với Đức Giê-hô-va, thì tên của họ sẽ được viết vĩnh viễn trong sách sự sống (Khải 7:16, 17). Tuy nhiên, những người được ví như dê sẽ bị hủy diệt tại Ha-ma-ghê-đôn. Chúa Giê-su nói là họ “sẽ đi vào sự hủy diệt vĩnh viễn” (Mat 25:46). Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết rằng “những kẻ ấy sẽ chịu án phạt là sự hủy diệt vĩnh viễn”.—2 Tê 1:9; 2 Phi 2:9. w22.09 trg 16 đ. 7, 8
Thứ Bảy, ngày 30 tháng 11
Mọi việc đều có kỳ định.—Truyền 3:1.
Sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va cũng có thể giúp các gia đình thư giãn và vui vẻ, nhờ thế thắt chặt mối quan hệ với nhau. Qua công trình sáng tạo của ngài, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta những khung cảnh tuyệt vời để có các hoạt động vui chơi lành mạnh. Nhiều gia đình thích cùng nhau đến khu bảo tồn thiên nhiên, vùng quê, miền núi hoặc bờ biển. Trong thế giới mới, cha mẹ và con cái sẽ vui hưởng trọn vẹn sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Khác với ngày nay, chúng ta sẽ không có lý do để sợ loài vật, và chúng sẽ không sợ chúng ta (Ê-sai 11:6-9). Chúng ta sẽ có thời gian vô tận để thưởng thức những gì Đức Giê-hô-va tạo ra (Thi 22:26). Nhưng hỡi các bậc cha mẹ, đừng đợi đến lúc đó mới giúp con vui hưởng sự sáng tạo. Khi anh chị dùng sự sáng tạo để dạy con về Đức Giê-hô-va, rất có thể chúng sẽ đồng ý với điều vua Đa-vít nói: “Đức Giê-hô-va ôi,… chẳng có việc nào như công việc ngài”.—Thi 86:8. w23.03 trg 25 đ. 16, 17