Hãy để “sự bình an của Đức Chúa Trời” gìn giữ lòng bạn
“Cầu-xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình-an cho ngươi!” (DÂN-SỐ KÝ 6:26).
1. Trước khi sắp chết, Phao-lô đã viết gì cho Ti-mô-thê và lời ông cho thấy gì?
VÀO NĂM 65 tây lịch, sứ đồ Phao-lô bị cầm tù ở La-mã. Mặc dù ông sắp chết một cách thảm thương trong tay một kẻ hành hình người La-mã, Phao-lô vẫn được bình tịnh an nhiên. Điều nầy hiện rõ qua lời ông viết gởi cho người bạn trẻ của ông là Ti-mô-thê: “Ta đã đánh trận tốt-lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức-tin. Hiện nay mão triều-thiên của sự công-bình đã để dành cho ta; Chúa là quan-án công-bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó” (II Ti-mô-thê 4:7, 8).
2. Điều gì đã gìn giữ lòng của Phao-lô trong suốt cuộc đời đầy biến chuyển của ông cho tới lúc ông chết?
2 Làm thế nào mà Phao-lô được bình an trước sự chết? Đó là vì “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu-biết” đã gìn giữ lòng ông (Phi-líp 4:7). Cùng sự bình an nầy đã bảo vệ ông để vượt qua những năm đầy biến chuyển kể từ ngày ông đổi theo đạo đấng Christ. Sự bình an nầy đã giúp ông chịu đựng những sự tấn công của dân chúng, cảnh tù tội, roi vọt và ném đá. Sự bình an đã làm ông vững mạnh để chống cự với sự bội đạo và ảnh hưởng của Do-thái giáo, và còn giúp ông chiến đấu cùng quyền lực vô hình của các ma quỉ. Hiển nhiên, sự bình an còn làm ông vững mạnh cho đến phút cuối cùng (II Cô-rinh-tô 10:4, 5; 11:21-27; Ê-phê-sô 6:11, 12).
3. Các câu hỏi nào được nêu lên về sự bình an của Đức Chúa Trời?
3 Phao-lô đã thấy sự bình an nầy là một quyền lực mạnh mẽ biết bao! Ngày nay chúng ta có thể biết sự bình an đó là gì không? Nó có giúp gìn giữ lòng chúng ta và làm vững mạnh chúng ta khi chúng ta “vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành” trong “những thời-kỳ khó-khăn” nầy không? (I Ti-mô-thê 6:12; II Ti-mô-thê 3:1).
Sự hòa thuận với Đức Chúa Trời—Đã bị mất thế nào?
4. Chữ “bình-an” trong Kinh-thánh có những ý nghĩa nào?
4 Trong Kinh-thánh chữ “bình an” hay “hòa thuận” có nhiều nghĩa. Cuốn “Tân Tự điển Quốc tế về Thần học Tân ước” (The New International Dictionary of New Testament Theology) có liệt kê một số ý nghĩa như sau: “Trong suốt phần Cựu ước, [chữ sha·lohmʹ] (bình an) bao hàm niềm hạnh phúc theo nghĩa rộng lớn nhất (Các Quan Xét 19:20);—sự hưng thạnh (Thi-thiên 73:3), kể cả sự hưng thạnh của kẻ không tin Đức Chúa Trời;—sức khỏe thân thể (Ê-sai 57:18[, 19]; Thi-thiên 38:3);—sự thỏa lòng...(Sáng-thế Ký 15:15, v.v...);—sự liên lạc tốt giữa các nước và giữa người với người (...Các Quan Xét 4:17; I Sử-ký 12:17, 18);—sự cứu rỗi (...Giê-rê-mi 29:11; xem Giê-rê-mi 14:13)”. Điều quan trọng nhất là sự liên lạc hòa thuận với Đức Giê-hô-va, nếu không thì bất cứ sự bình an khác nào, nhiều lắm cũng chỉ là nhất thời và hạn hẹp mà thôi (II Cô-rinh-tô 13:11).
5. Sự hòa thuận lúc ban đầu của các tạo vật của Đức Chúa Trời đã bị xáo trộn thế nào?
5 Thuở ban đầu, tất cả mọi tạo vật đều hoàn toàn hòa thuận với Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời có đủ lý do để tuyên bố rằng tất cả công trình sáng tạo của Ngài đều là rất tốt. Thật vậy, các thiên sứ trên trời cất tiếng lớn reo mừng khi thấy các sự ấy (Sáng-thế Ký 1:31; Gióp 38:4-7). Tuy nhiên, bất hạnh thay, sự hòa thuận khắp vũ trụ đó đã không được bền lâu. Khi một tạo vật thiêng liêng, nay gọi là Sa-tan, dụ dỗ tạo vật thông minh mới nhất của Đức Chúa Trời là Ê-va để cãi lời Đức Chúa Trời, thì sự hòa thuận đó đã bị tan rã. Chồng của Ê-va là A-đam đã theo nàng, và vũ trụ nầy từ nay có sự bất hòa vì có ba kẻ phản loạn nầy (Sáng-thế Ký 3:1-6).
6. Mất sự hòa thuận với Đức Chúa Trời đưa đến hậu quả nào cho nhân loại?
6 Mất sự hòa thuận với Đức Chúa Trời gây ra nhiều tai họa cho A-đam và Ê-va vì từ đó thân thể họ bắt đầu suy nhược và cuối cùng đưa họ đến sự chết. Thay vì hưởng hòa bình trong vườn Địa-đàng, A-đam phải làm việc vất vả với đất đai đầy chông gai ở ngoài vườn Ê-đen để nuôi sống gia đình ngày càng đông hơn. Thay vì vui sướng làm mẹ của một loài người hoàn toàn, Ê-va đã sanh ra trong sự đau đớn và khổ sở một dòng dõi con cháu bất toàn. Mất sự hòa thuận với Đức Chúa Trời đưa loài người đến ganh tị và hung bạo. Ca-in đã giết em là A-bên, và đến thời Nước Lụt, cả đất đã đầy dẫy sự hung bạo (Sáng-thế Ký 3:7 đến 4:16; 5:5; 6:11, 12). Khi thủy tổ của chúng ta chết, họ chắc chắn đã không thỏa nguyện xuống mồ mả “trong sự bình-yên” như là Áp-ra-ham hằng trăm năm sau (Sáng-thế Ký 15:15).
7. a) Đức Chúa Trời nói lời tiên tri nào chỉ đến sự lập lại nền hòa bình trọn vẹn? b) Kẻ thù nghịch của Đức Chúa Trời là Sa-tan đã có ảnh hưởng lớn mạnh nào?
7 Sau khi A-đam và Ê-va đánh mất sự hòa thuận với Đức Chúa Trời, chúng ta thấy lần đầu tiên Kinh-thánh nói đến một sự thù nghịch. Đức Chúa Trời nói với Sa-tan rằng: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người” (Sáng-thế Ký 3:15). Theo giòng thời gian, ảnh hưởng của Sa-tan lớn mạnh đến độ sứ đồ Giăng có thể nói: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Thế gian dưới quyền của Sa-tan không thể nào hòa thuận với Đức Chúa Trời được. Vậy môn đồ Gia-cơ đã cảnh cáo các tín đồ đấng Christ một cách thích hợp: “Anh em há chẳng biết làm bạn với thế-gian tức là thù-nghịch với Đức Chúa Trời sao?” (Gia-cơ 4:4).
Hòa thuận trong một thế gian thù nghịch
8, 9. Sau khi A-đam phạm tội, làm sao nhân loại có được sự hòa thuận với Đức Chúa Trời?
8 Trở lại Ê-đen, khi Đức Chúa Trời nói đến chữ “thù-nghịch” lần đầu tiên, Ngài cũng đã tiên tri thế nào sự bình an sẽ được tái lập cho mọi tạo vật của Ngài. Đức Chúa Trời đã hứa rằng dòng dõi người nữ của Ngài sẽ giày đạp đầu kẻ phá hoại sự bình an lúc đầu. Từ thời vườn Ê-đen trở về sau, những ai thực hành đức tin nơi lời hứa đó hưởng được sự liên lạc hòa thuận với Đức Chúa Trời. Đối với Áp-ra-ham, điều nầy đã đưa đến tình bạn với Đức Chúa Trời (II Sử-ký 20:7; Gia-cơ 2:23).
9 Trong thời của Môi-se, Đức Chúa Trời đã lập các con cái của Y-sơ-ra-ên tức cháu nội của Áp-ra-ham thành một nước. Ngài ban sự bình an của Ngài cho nước đó, như ta thấy qua việc thầy tế lễ thượng phẩm A-rôn chúc phước cho họ: “Cầu-xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù-hộ ngươi! Cầu-xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi và làm ơn cho ngươi! Cầu-xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình-an cho ngươi!” (Dân-số Ký 6:24-26). Sự bình an của Đức Giê-hô-va sẽ mang lại phần thưởng dồi dào nhưng đồng thời đó cũng là một sự bình an có điều kiện.
10, 11. Đối với nước Y-sơ-ra-ên sự bình an với Đức Chúa Trời dựa trên điều kiện nào và sự bình an đó đưa đến những kết quả nào?
10 Đức Giê-hô-va nói với nước đó: “Nếu các ngươi tuân theo luật-pháp ta, gìn-giữ các điều-răn ta và làm theo, thì ta sẽ giáng mưa thuận-thì, đất sẽ sanh hoa-lợi, và cây ngoài đồng sẽ kết bông-trái. Ta sẽ giáng sự bình-tịnh trong nước, các ngươi ngủ không sợ ai dọa; ta sẽ diệt những loài thú dữ khỏi xứ, gươm giáo chẳng đưa qua xứ các ngươi. Ta sẽ đi giữa các ngươi, làm Đức Chúa Trời các ngươi và các ngươi sẽ làm dân ta” (Lê-vi Ký 26:3, 4, 6, 12). Nước Y-sơ-ra-ên có thể hưởng sự hòa bình qua việc các kẻ thù-nghịch không phá sự an ninh của họ, hưởng sự dư dật vật chất và hưởng một liên lạc khắng khít với Đức Giê-hô-va. Nhưng điều nầy sẽ tùy thuộc nơi việc họ vâng giữ theo luật pháp của Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 119:165).
11 Trong suốt lịch sử của nước đó, những người Y-sơ-ra-ên nào trung thành cố gắng giữ theo luật lệ của Đức Giê-hô-va đều hưởng được sự hòa thuận với Ngài và nhờ vậy thường đem lại nhiều ân phước khác. Trong những năm đầu vua Sa-lô-môn trị vì, sự hòa thuận với Đức Chúa Trời đem đến sự thịnh vượng về vật chất cho Y-sơ-ra-ên cũng như được yên ổn khỏi phải chiến tranh cùng với các nước lân bang của họ. Miêu tả về thời đó, Kinh-thánh nói: “Trọn đời vua Sa-lô-môn trị-vì, dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên ăn-ở yên-ổn vô-sự từ Đan cho đến Bê-e-Sê-ba, ai nấy đều ở dưới cây nho và cây vả mình” (I Các Vua 4:25). Ngay tới khi có chiến tranh với các xứ lân bang, những người Y-sơ-ra-ên trung thành vẫn có được sự hòa thuận thật sự có ý nghĩa, đó là sự hòa thuận với Đức Chúa Trời. Vì vậy, vua Đa-vít, một chiến sĩ nổi danh đã viết: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ nằm và ngủ bình-an; vì chỉ một mình Ngài làm cho tôi được ở yên-ổn” (Thi-thiên 4:8).
Một căn bản tốt hơn cho hòa bình
12. Nước Y-sơ-ra-ên cuối cùng đã từ bỏ sự hòa thuận với Đức Chúa Trời thế nào?
12 Cuối cùng, Giê-su là dòng dõi sẽ đem lại sự bình an trọn vẹn đã đến và các thiên sứ đã hát mừng lúc ngài được sanh ra: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình-an dưới đất, ân-trạch cho loài người!” (Lu-ca 2:14). Giê-su xuất hiện tại Y-sơ-ra-ên, nhưng mặc dù quốc gia nầy ở dưới giao ước của Đức Chúa Trời, cả nước nói chung từ bỏ ngài và nộp ngài cho người La-mã để bị giết. Ít lâu trước khi chết, Giê-su đã than khóc về Giê-ru-sa-lem rằng: “Ước gì, ít nữa là ngày nay, mầy hiểu biết sự làm cho mầy được bình-an! Song hiện nay những sự ấy kín-giấu nơi mắt mầy” (Lu-ca 19:42; Giăng 1:11). Vì từ bỏ Giê-su, nước Y-sơ-ra-ên bị mất trọn vẹn sự hòa thuận với Đức Chúa Trời.
13. Đức Giê-hô-va đã thiết lập một cách mới nào cho những người muốn tìm sự hòa thuận với Ngài?
13 Tuy nhiên, ý định của Đức Chúa Trời không bị cản trở. Giê-su được sống lại từ kẻ chết, và ngài đã dâng cho Đức Giê-hô-va giá trị mạng sống hoàn toàn của ngài để làm giá chuộc cho những người có lòng ngay thẳng (Hê-bơ-rơ 9:11-14). Sự hy sinh của Giê-su đã trở thành một lối mới và tốt hơn cho nhân loại—cho cả người Y-sơ-ra-ên và dân ngoại—để tìm được sự hòa thuận với Đức Chúa Trời. Phao-lô nói trong lá thư gởi cho các tín đồ đấng Christ tại thành Rô-ma: “Khi chúng ta còn là thù-nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa-thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài” (Rô-ma 5:10). Trong thế kỷ thứ nhất, những người tìm sự hòa thuận qua cách nầy đã được xức dầu bằng thánh linh để làm con nuôi của Đức Chúa Trời và làm thành viên của một nước thiêng liêng gọi là “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 6:16; Giăng 1:12, 13; II Cô-rinh-tô 1:21, 22; I Phi-e-rơ 2:9).
14, 15. Hãy miêu tả sự bình an của Đức Chúa Trời và giải thích làm thế nào sự bình an đó che chở các tín đồ đấng Christ ngay khi họ bị làm mục tiêu tấn công của Sa-tan.
14 Những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng mới nầy sẽ là mục tiêu tấn công của Sa-tan và thế gian của hắn (Giăng 17:14). Tuy nhiên, họ sẽ có “sự bình-an ban cho bởi Đức Chúa Trời, là Cha, và bởi Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta” (II Ti-mô-thê 1:2). Giê-su nói với họ: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình-yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn-nạn trong thế-gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế-gian rồi!” (Giăng 16:33).
15 Đây là sự bình an đã giúp Phao-lô và các anh em của ông chịu đựng được mọi khó khăn mà họ phải đương đầu. Sự bình an nầy phản ảnh một mối liên lạc êm đềm và hòa hợp với Đức Chúa Trời nhờ sự hy sinh của Giê-su. Người có sự bình an sẽ được một tâm thần bình tịnh thanh thản vì biết rằng mình được Đức Giê-hô-va chăm sóc đến. Một đứa con nép mình vào cánh tay của người cha đầy yêu thương cũng có một cảm giác bình yên tương tợ như thế, một cảm giác chắc chắn nó được che chở bởi một người đầy yêu thương chăm sóc cho nó. Phao-lô khuyến khích những người ở thành Phi-líp: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ gìn-giữ lòng và ý-tưởng anh em trong Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:6, 7).
16. Sự hòa thuận với Đức Chúa Trời ảnh hưởng thế nào đến sự liên lạc giữa các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất?
16 Mất sự hòa thuận với Đức Chúa Trời gây một hậu quả khác nữa là sự ghen ghét và bất hòa. Đối với các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, tìm sự hòa thuận với Đức Chúa Trời đưa đến kết quả trái ngược hẳn: họ có bình an và hợp nhất ở giữa họ, cái mà sứ đồ Phao-lô gọi là “dây hòa-bình mà giữ-gìn sự hiệp một” (Ê-phê-sô 4:3). Họ ‘hiệp một tâm-tình, ở cho hòa-thuận, thì Đức Chúa Trời [của] sự yêu-thương và sự bình-an sẽ ở cùng họ’. Hơn nữa, họ rao giảng “tin mừng về sự bình-an” mà thực chất là tin mừng về sự cứu rỗi cho những “người đáng được bình-an”, những người đáp ứng tốt với tin mừng (II Cô-rinh-tô 13:11; Công-vụ các Sứ-đồ 10:36; Lu-ca 10:5, 6).
Giao ước hòa bình
17. Đức Chúa Trời đã lập gì với dân tộc của Ngài vào thời nay?
17 Ngày nay có thể có được sự bình an như thế không? Có thể được. Từ khi Nước Trời được thành lập vào năm 1914 dưới quyền của Giê-su Christ vinh hiển, Đức Giê-hô-va đã thâu nhóm số người chót thuộc Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời từ giữa thế gian nầy và lập một giao ước hòa bình với họ. Vì thế, Ngài đã làm ứng nghiệm lời hứa mà Ngài đã nói qua nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên: “Ta sẽ lập với chúng nó một giao-ước hòa-bình; ấy sẽ là một giao-ước đời đời giữa chúng nó với ta. Ta sẽ lập chúng nó và làm cho đông-đúc. Ta sẽ đặt nơi thánh ta giữa chúng nó đời đời” (Ê-xê-chi-ên 37:26). Đức Giê-hô-va lập giao ước nầy với các tín đồ đấng Christ được xức dầu và giống như các anh em của họ trong thế kỷ thứ nhất, họ cũng thực hành đức tin nơi sự hy sinh của Giê-su. Được rửa sạch khỏi sự ô uế thiêng liêng, họ tự dâng mình cho Cha trên trời của họ và cố gắng làm theo mạng lệnh của Ngài, đáng chú ý nhất là đẩy mạnh công việc rao giảng tin mừng trên khắp thế giới về Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập (Ma-thi-ơ 24:14).
18. Một số người từ giữa các nước đã đáp ứng thế nào khi họ biết rằng danh Đức Chúa Trời ở trên Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời?
18 Lời tiên tri nói tiếp: “Đền-tạm ta sẽ ở giữa chúng nó; ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta. Bấy giờ các nước sẽ biết ta, là Đức Giê-hô-va, biệt Y-sơ-ra-ên ra thánh” (Ê-xê-chi-ên 37:27, 28). Hòa hợp với lời nầy, hàng trăm ngàn, đúng vậy, hàng triệu người từ “các nước” đã nhận biết rằng danh của Đức Giê-hô-va ở trên Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời (Xa-cha-ri 8:23). Họ kéo đến từ mọi nước để phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với nước thiêng liêng đó, lập thành “đám đông” mà sách Khải-huyền đã tiên tri. Nhờ “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”, họ sẽ sống sót qua khỏi hoạn nạn lớn để vào một thế giới mới bình yên (Khải-huyền 7:9, 14).
19. Ngày nay dân tộc Đức Chúa Trời vui hưởng sự hòa bình nào?
19 Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời cùng với “đám đông” vui hưởng sự hòa bình thiêng liêng có thể so sánh với nền hòa bình mà dân Y-sơ-ra-ên vui hưởng dưới triều vua Sa-lô-môn. Mi-chê đã tiên tri về họ rằng: “Họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm; nước nầy chẳng giá gươm lên nghịch cùng nước khác, và cũng không tập sự chiến-tranh nữa. Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ” (Mi-chê 4:3, 4; Ê-sai 2:2-4). Hòa hợp với điều nầy, họ đã từ bỏ mọi chiến tranh và tranh cạnh tức theo nghĩa tượng trưng họ đã lấy gươm rèn lưỡi cày và lấy giáo rèn lưỡi liềm. Vì thế, họ vui hưởng một tình huynh đệ hòa thuận trong cộng đồng quốc tế của họ, bất kể quốc gia, ngôn ngữ, chủng tộc và địa vị xã hội nào. Họ vui mừng tin chắc có sự chăm sóc, che chở của Đức Giê-hô-va đối với họ. ‘Không ai làm cho họ lo-sợ’. Thật vậy, “Đức Giê-hô-va sẽ ban sức-mạnh cho dân-sự Ngài; Đức Giê-hô-va sẽ chúc phước bình-an cho dân-sự Ngài” (Thi-thiên 29:11).
20, 21. a) Tại sao chúng ta phải cố gắng bảo toàn sự hòa thuận với Đức Chúa Trời? b) Chúng ta có thể nói gì về nổ lực [nỗ lực] của Sa-tan nhằm làm tan rã sự hòa bình của dân tộc Đức Chúa Trời?
20 Tuy nhiên, như trong thế kỷ thứ nhất, sự bình an của tôi tớ Đức Chúa Trời đã khơi lên sự thù nghịch của Sa-tan. Bị quăng khỏi các từng trời từ khi Nước Trời được thành lập vào năm 1914, Sa-tan từ dạo ấy đã tranh chiến “cùng con-cái khác của người [đàn bà]” (Khải-huyền 12:17). Ngay từ thời sứ đồ Phao-lô, ông đã cảnh cáo: “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng...các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Ê-phê-sô 6:12). Giờ đây, với Sa-tan bị hạn chế trong vùng gần trái đất, lời cảnh cáo nầy còn khẩn trương hơn nữa.
21 Sa-tan đã dùng đủ mọi mánh khóe mà hắn có để gắng sức hủy hoại sự hòa bình của dân sự Đức Chúa Trời, nhưng hắn đã thất bại. Nhìn lại năm 1919 có chưa tới 10.000 người gắng sức để phụng sự Đức Chúa Trời một cách trung thành. Ngày nay, có hơn bốn triệu người chiến thắng thế gian với đức tin của họ (I Giăng 5:4). Đối với những người nầy, sự hòa thuận với Đức Chúa Trời và sự hòa thuận trong vòng họ là một thực trạng, ngay cả khi họ phải chịu đựng sự thù nghịch của Sa-tan và dòng dõi của hắn. Nhưng nói về sự thù nghịch nầy và nghĩ đến sự bất toàn của chính chúng ta và “thời-kỳ khó-khăn” mà chúng ta đang sống, chúng ta phải hết sức cố gắng để bảo toàn sự hòa thuận của chúng ta (II Ti-mô-thê 3:1). Trong bài tới, chúng ta sẽ thấy làm thế bao hàm những gì.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Tại sao lúc ban đầu loài người đánh mất sự hòa thuận với Đức Chúa Trời?
◻ Đối với nước Y-sơ-ra-ên, sự bình an với Đức Chúa Trời dựa trên điều kiện nào?
◻ Ngày nay sự bình an với Đức Chúa Trời đặt căn bản trên điều gì?
◻ Thế nào là “sự bình an của Đức Chúa Trời” gìn giữ lòng chúng ta?
◻ Chúng ta hưởng thêm những ân phước nào nếu chúng ta có sự hòa thuận với Đức Chúa Trời?