Hãy để cho cánh tay đời đời của Đức Giê-hô-va nâng đỡ bạn
“Đức Chúa Trời hằng-sống là nơi ở của ngươi, ở dưới có cánh tay đời đời của Ngài” (PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 33:27).
1, 2. Tại sao dân sự của Đức Giê-hô-va có thể tin cậy nơi sự nâng đỡ của Ngài?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA chăm sóc dân Ngài. Thật thế, trong mọi cơn khốn khổ của dân Y-sơ-ra-ên, “chính Ngài cũng khốn-khổ”! Ngài “đã ẵm-bồng, và mang họ” với lòng yêu thương và thương xót (Ê-sai 63:7-9). Vậy nếu trung thành với Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tin cậy được Ngài nâng đỡ.
2 Nhà tiên tri Môi-se nói: “Đức Chúa Trời hằng-sống là nơi ở của ngươi, ở dưới có cánh tay đời đời của Ngài” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 33:27). Một bản dịch khác nói: “Thiên Chúa ngàn xưa là nơi ẩn trú, bên dưới có những cánh tay vạn đại” (Thứ luật 33 27, Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Nhưng làm thế nào cánh tay của Đức Chúa Trời nâng đỡ các tôi tớ Ngài?
Tại sao có nhiều nỗi khốn khổ như thế?
3. Khi nào nhân loại biết vâng lời sẽ hoàn toàn vui hưởng “sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”?
3 Việc chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va không làm cho chúng ta tránh khỏi những nỗi khốn khổ thường đến với những người bất toàn. Tôi tớ Gióp của Đức Chúa Trời nói: “Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy-dẫy sự khốn khổ” (Gióp 14:1). Về “tuổi-tác của chúng [ta]”, người viết Thi-thiên tuyên bố: “Sự kiêu-căng của nó bất quá là lao-khổ và buồn-thảm” (Thi-thiên 90:10). Đời sống vẫn còn là như thế cho đến chừng nào “muôn vật...sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi cho sự hư-nát, đặng dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:19-22). Sự giải cứu đó sẽ xảy ra trong Triều đại trị vì Một Ngàn Năm của đấng Christ. Dựa trên căn bản sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su, những người dân của Nước Trời lúc đó sẽ được giải cứu khỏi tội lỗi và sự chết. Vào khoảng cuối thời kỳ Một Ngàn Năm, đấng Christ và các vua kiêm thầy tế lễ cộng tác với ngài đã giúp xong cho toàn thể nhân loại đạt đến sự hoàn toàn, và tên của những người trung thành với Đức Chúa Trời trong cuộc thử thách sau cùng do Sa-tan cùng các quỉ sứ hắn gây ra sẽ được ghi tên vĩnh viễn trong “sách sự sống” (Khải-huyền 20:12-15). Rồi họ sẽ tận hưởng sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời.
4. Thay vì phàn nàn về số phận của mình, chúng ta nên làm gì?
4 Trong khi chờ đợi, thay vì than vãn về số phận của mình, chúng ta hãy tin cậy nơi Đức Giê-hô-va (I Sa-mu-ên 12:22; Giu-đe 16). Chúng ta cũng hãy biết ơn Thầy tế lễ Thượng phẩm của chúng ta là Giê-su, nhờ ngài mà chúng ta mới có thể đến gần Đức Chúa Trời “hầu cho được thương-xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì-giờ có cần-dùng” (Hê-bơ-rơ 4:14-16). Chúng ta chớ bao giờ làm như A-đam. Thật thế, ông đã đỗ lỗi một cách sai lầm cho Đức Giê-hô-va, nói rằng Ngài đã ban cho ông một người vợ xấu: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi ăn trái cây đó và tôi đã ăn rồi” (Sáng-thế Ký 3:12). Đức Chúa Trời ban cho những vật tốt lành và không đem lại cho chúng ta những nỗi gian truân (Ma-thi-ơ 5:45; Gia-cơ 1:17). Các nghịch cảnh thường đến với chúng ta bởi vì chính chúng ta thiếu khôn ngoan hoặc vì lỗi lầm của một người nào khác. Chúng ta cũng có thể gặp nghịch cảnh vì chúng ta là người tội lỗi và sống trong một thế gian nằm dưới quyền của Sa-tan (Châm-ngôn 19:3; I Giăng 5:19). Tuy vậy, cánh tay đời đời của Đức Giê-hô-va luôn luôn nâng đỡ các tôi tớ trung thành của Ngài là những người tin tưởng nơi Ngài qua lời cầu nguyện và áp dụng cho chính họ những lời khuyên ghi trong Lời của Ngài (Thi-thiên 37:5; 119:105).
Được nâng đỡ khi bị bệnh
5. Những người bị bệnh có thể tìm thấy sự khuyến khích nào nơi Thi-thiên 41:1-3?
5 Nhiều khi chúng ta gặp khốn khổ vì bệnh tật. Tuy vậy, Đa-vít nói: “Phước cho người nào đoái đến kẻ khốn-cùng! Trong ngày tai-họa Đức Giê-hô-va sẽ giải-cứu người. Đức Giê-hô-va sẽ gìn-giữ người, bảo-tồn mạng-sống người: người sẽ được phước trên đất, và Ngài chắc không phó người cho ý-muốn của kẻ thù-nghịch người. Đức Giê-hô-va sẽ nâng-đỡ người tại trên giường rũ-liệt; trong khi người đau bịnh, Chúa sẽ cải-dọn cả giường người” (Thi-thiên 41:1-3).
6, 7. Đức Chúa Trời đã giúp đỡ Đa-vít như thế nào khi ông nằm trên giường bệnh, và điều này có thể khích lệ các tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay như thế nào?
6 Một người biết thông cảm thì giúp những người túng thiếu. “Ngày tai-họa” của một người có thể là bất cứ dịp nào hay giai đoạn nào đầy gian truân làm cho một người bị yếu đi. Người đó tin cậy rằng Đức Chúa Trời gìn giữ người trong cơn bệnh hoạn, và những người khác bảo rằng “người được phước trên đất” bằng cách đồn đãi tin tức về việc Đức Giê-hô-va đối xử với người một cách đầy thương xót. Đức Chúa Trời nâng đỡ Đa-vít “trên giường rũ-liệt” (giường bệnh), có lẽ trong thời kỳ căng thẳng khi con của Đa-vít là Áp-sa-lôm tìm cách chiếm ngôi vua Y-sơ-ra-ên (II Sa-mu-ên 15:1-6).
7 Bởi lẽ Đa-vít trước đó đã tỏ ra ân cần đối với người yếu đuối, ông nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ nâng đỡ ông khi ông nằm liệt trên giường bệnh không tự lực được (Thi-thiên 18:24-26). Dù bị bệnh hiểm nghèo, ông tin tưởng rằng Đức Chúa Trời sẽ “cải-dọn cả giường người”, không phải bằng cách dùng phép lạ chữa cho người hết bệnh, nhưng bằng cách ban những ý tưởng khích lệ để làm tăng sức mạnh cho người. Điều này cũng như là Đức Giê-hô-va biến đổi giường bệnh của ông thành giường dưỡng bệnh phục sức. Cũng thế, nếu chúng ta là tôi tớ của Đức Chúa Trời và bị bệnh, cánh tay đời đời của Đức Giê-hô-va sẽ nâng đỡ chúng ta.
An ủi cho những người bị buồn nản
8. Một tín đồ đấng Christ bị bệnh đã tỏ ra tùy thuộc nơi Đức Chúa Trời như thế nào?
8 Bệnh hoạn có thể gây ra chứng buồn nản. Một tín đồ đấng Christ bị bệnh nặng, đôi khi không đủ sức ngay cả để đọc sách, kể lại: “Bệnh hoạn làm cho tôi trải qua nhiều trạng thái buồn nản, cảm thấy mình vô dụng, có khi làm cho tôi phát khóc nữa”. Biết rằng Sa-tan muốn anh bị đè bẹp vì chán nản, anh phấn đấu với niềm tin chắc rằng mình sẽ không thất bại với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va (Gia-cơ 4:7). Anh này là một niềm khích lệ cho những người khác vì họ biết rằng anh tin cậy nơi Đức Chúa Trời (Thi-thiên 29:11). Ngay đến khi anh nằm bệnh viện, anh gọi điện thoại cho những người bị bệnh và người khác nữa để xây dựng cho họ về phương diện thiêng liêng. Chính anh cũng được khích lệ nhờ nghe các băng nhạc êm dịu Nước Trời và băng thâu lại các bài của tạp chí này cũng như của tạp chí Tỉnh thức!, và nhờ kết hợp với anh em cùng đạo. Anh này nói: “Tôi thường xuyên cầu nguyện Đức Giê-hô-va, xin Ngài ban cho tôi sức mạnh, hướng dẫn tôi, an ủi tôi và giúp tôi chịu đựng”. Nếu bạn là tín đồ đấng Christ đang bị bệnh nặng, hãy luôn luôn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và để cho cánh tay đời đời của Ngài nâng đỡ bạn.
9. Các gương nào cho thấy tâm thần buồn nản đôi khi gây khó khăn cho những người tin kính?
9 Chứng buồn nản là một vấn đề khó khăn có từ lâu rồi. Khi bị thử thách, Gióp nói năng như một người có cảm tưởng bị Đức Chúa Trời bỏ rơi vậy (Gióp 29:2-5). Nê-hê-mi cảm thấy buồn bã vì lo âu cho tình trạng thành Giê-ru-sa-lem và các tường thành bị điêu tàn, còn Phi-e-rơ thì có lần vì chối đấng Christ mà đâm ra buồn nản nên đã bật khóc một cách đắng cay (Nê-hê-mi 2:1-8; Lu-ca 22:62). Ép-ba-phô-đích bị buồn nản vì nguồn tin ông ngã bệnh đã thấu đến tai tín đồ đấng Christ tại Phi-líp (Phi-líp 2:25, 26). Một số tín đồ đấng Christ tại Tê-sa-lô-ni-ca cũng đã bị buồn nản, vì vậy Phao-lô khuyên anh em tại đó “yên-ủi những kẻ ngã lòng” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Như vậy, làm thế nào Đức Chúa Trời giúp đỡ những người như thế?
10. Điều gì có thể giúp ích trong việc đối phó với tâm thần buồn nản?
10 Mỗi người phải tự quyết định lấy phương pháp trị liệu chứng buồn nản loại nặng.a (Ga-la-ti 6:5). Có lẽ cần nghỉ ngơi đầy đủ và làm việc một cách thăng bằng. Thay vì xem nhiều vấn đề góp lại như một hoàn cảnh khó khăn to tát, một người bị buồn nản có lẽ nên cố gắng giải quyết từng vấn đề một. Sự giúp đỡ của các trưởng lão trong hội-thánh có thể rất có ích, đặc biệt nếu chứng buồn nản ảnh hưởng đến tình trạng thiêng liêng của một người (Gia-cơ 5:13-15). Trên hết mọi sự, điều cốt yếu là nương tựa nơi Đức Giê-hô-va, ‘trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc chúng ta’. Người ta có thể bền chí cầu nguyện tha thiết để nhận được “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu-biết, sẽ gìn-giữ lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-su Christ” (I Phi-e-rơ 5:6-11; Phi-líp 4:6, 7).
Đức Giê-hô-va giúp chúng ta chịu đựng sự đau buồn
11-13. Điều gì có thể giúp chúng ta cảm thấy đỡ buồn sau sự chết của một người thân?
11 Một kinh nghiệm đau thương khác nữa là sự chết của một người thân. Áp-ra-ham khóc than về sự chết của vợ ông là Sa-ra (Sáng-thế Ký 23:2). Khi con trai của Đa-vít là Áp-sa-lôm chết, ông rất buồn rầu (II Sa-mu-ên 18:33). Ngay đến người hoàn toàn Giê-su cũng đã “khóc” thương cho sự chết của bạn ngài là La-xa-rơ! (Giăng 11:35). Như vậy ai cũng đau buồn khi sự chết cướp đi một người thân của mình. Tuy nhiên, điều gì có thể đem lại sự an ủi cho một người?
12 Đức Chúa Trời giúp dân sự của Ngài chịu đựng nỗi đau buồn cùng cực vì sự chết của một người thân. Lời của Ngài nói rằng sẽ có sự sống lại. Bởi vậy, chúng ta không “buồn-rầu như người khác không có sự trông-cậy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13; Công-vụ các Sứ-đồ 24:15). Thánh linh Đức Giê-hô-va giúp chúng ta có sự bình an và đức tin cũng như giúp chúng ta suy gẫm về lời hứa ghi trong Lời Ngài về một tương lai kỳ diệu, để cho chúng ta không mải miết nghĩ về sự chết của một người thân mà đâm ra phiền muộn quá độ. Đọc Kinh-thánh giúp tìm được sự an ủi, cũng giống như việc cầu nguyện cùng với “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi” (II Cô-rinh-tô 1:3, 4; Thi-thiên 68:4-6).
13 Chúng ta có thể tìm thấy sự an ủi qua hy vọng về sự sống lại như người tin kính Gióp, ông nài xin: “Ôi, chớ gì Chúa [Đức Giê-hô-va] giấu tôi nơi âm-phủ, che khuất tôi cho đến khi cơn giận Chúa đã nguôi, định cho tôi một kỳ hẹn, đoạn nhớ lại tôi! Nếu loài người chết, có được sống lại chăng! Trọn ngày giặc-giã tôi, tôi đợi-chờ, cho đến chừng nào tôi được buông-thả. Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại; Chúa sẽ đoái đến công-việc của tay Chúa” (Gióp 14:13-15). Chúng ta thường không buồn bã thật nhiều khi một người bạn thân đi xa, bởi vì chúng ta còn mong có ngày gặp lại người đó nữa. Chúng ta có lẽ bớt đau buồn hơn về sự chết của một người thân nếu chúng ta nghĩ đến người tín đồ trung thành đã chết đó như người đang ở xa mà thôi. Nếu trước khi chết người đó có hy vọng sống trên đất thì người sẽ tỉnh dậy trên đất này trong Triều đại trị vì Một Ngàn Năm của đấng Christ, sau khi đã ngủ trong sự chết (Giăng 5:28, 29; Khải-huyền 20:11-13). Nếu chúng ta hy vọng sống đời đời trên đất, chúng ta có thể có mặt vào lúc đó để đón tiếp người thân của chúng ta sống lại.
14. Làm thế nào hai góa phụ tín đồ đấng Christ đã đối phó với hoàn cảnh của họ sau khi chồng chết?
14 Sau khi chồng chị mất, một chị biết rằng chị phải tiếp tục với cuộc sống của chị và phụng sự Đức Chúa Trời. Ngoài việc tiếp tục bận rộn “làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn”, chị cũng khâu 800 mảnh vải vụn lại với nhau làm thành một cái mền (I Cô-rinh-tô 15:58). Chị nói: “Dự án này thật là hay, bởi vì trong suốt thời gian tôi may cái mền, tôi có thể nghe nhạc êm dịu Nước Trời và các băng thâu Kinh-thánh, làm cho trí óc tôi bận rộn”. Chị thích thú hồi tưởng lại có lần một trưởng lão cùng với vợ lại nhà thăm chị. Anh trưởng lão mở Kinh-thánh ra đọc cho chị đoạn nói về việc Đức Chúa Trời thật sự chú tâm đến những người góa bụa (Gia-cơ 1:27). Một nữ tín đồ khác không rơi vào trạng thái tủi thân khi chồng chị mất. Chị quí trọng sự nâng đỡ của bạn bè và chị cũng quan tâm nhiều hơn đến người khác. Chị nói: “Tôi cầu nguyện thường xuyên hơn và thắt chặt một mối liên lạc mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va”. Thật là một ân phước lớn thay có được cánh tay đời đời của Đức Chúa Trời nâng đỡ!
Được giúp đỡ khi chúng ta lầm lạc
15. Những lời của Đa-vít nơi Thi-thiên 19:7-13 đại ý nói gì?
15 Dù chúng ta yêu mến luật pháp Đức Giê-hô-va, có khi chúng ta cũng lầm lạc. Chắc chắn điều này làm cho chúng ta đau buồn, giống như Đa-vít khi xưa. Đối với ông những luật lệ, sự nhắc nhở, mệnh lệnh và quyết định tư pháp của Đức Chúa Trời còn quí hơn là vàng. Ông nói: “Các điều ấy dạy cho kẻ tôi-tớ Chúa được thông-hiểu; ai gìn-giữ lấy, được phần thưởng lớn thay. Ai biết được các sự sai-lầm mình? Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết. Xin Chúa giữ kẻ tôi-tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội; nguyện tội ấy không cai-trị tôi; thì tôi sẽ không chỗ trách được, và không phạm tội trọng” (Thi-thiên 19:7-13). Chúng ta hãy phân tích những lời này.
16. Tại sao chúng ta nên tránh có tính kiêu ngạo?
16 Những hành vi kiêu ngạo còn nặng tội hơn là các lỗi lầm thông thường. Đức Chúa Trời đã từ bỏ vua Sau-lơ bởi vì ông sinh lòng kiêu ngạo mà dâng của-lễ hy sinh và tha chết cho vua A-ga người A-ma-léc cùng với chiến lợi phẩm tốt nhất, dù Đức Chúa Trời trước đó đã ra lệnh rằng dân A-ma-léc phải bị tiệt diệt (I Sa-mu-ên 13:8-14; 15:8-19). Đức Chúa Trời hành hại vua Ô-xia bị phung cùi vì ông đã kiêu ngạo giành lấy phận sự của thầy tế lễ (II Sử-ký 26:16-21). Khi người ta di chuyển hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem, và con bò kéo xe làm cho xe gần như bị lật, Đức Chúa Trời đã đánh chết U-xa vì ông đó đã vô lễ giơ tay nắm lấy Hòm giao ước để giữ cho khỏi rơi xuống đất (II Sa-mu-ên 6:6, 7). Như vậy, nếu chúng ta không biết mình phải làm gì hoặc không biết chúng ta có được phép làm một điều gì đó, chúng ta nên tỏ ra khiêm tốn để hỏi han những người biết suy xét (Châm-ngôn 11:2; 13:10). Dĩ nhiên, nếu chúng ta có bao giờ kiêu ngạo, chúng ta hãy cầu nguyện xin Đức Chúa Trời tha thứ và giúp chúng ta tránh hành động kiêu ngạo trong tương lai.
17. Các tội lỗi giấu kín có thể gây ảnh hưởng nào trên một người, nhưng làm sao người đó có thể được tha thứ và trút được gánh nặng?
17 Việc giấu giếm tội lỗi có thể đem lại phiền não. Theo Thi-thiên 32:1-5, Đa-vít kiếm cách giấu giếm tội lỗi của ông, nhưng ông nói: “Khi tôi nín-lặng, các xương-cốt tôi tiêu-tàn, và tôi rên-siết trọn ngày; vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi; nước bổ thân tôi tiêu-hao như bởi khô-hạn mùa hè”. Bởi kiếm cách đè nén lương tâm cắn rứt vì tội lỗi mà Đa-vít bị hao mòn, và sự sầu não làm sức lực ông bị yếu đi giống như một cái cây gặp lúc hạn hán hay nhằm mùa hè oi bức làm cho khô đi chất nhựa cần yếu. Dường như ông đã bị rã rượi về tâm thần cũng như về thể chất và mất vui vì không chịu thú tội. Chỉ có sự thú tội với Đức Chúa Trời mới có thể đem lại sự tha thứ và cảm giác trút được gánh nặng. Đa-vít nói: “Phước thay cho người nào được tha sự vi-phạm mình; được khỏa-lấp tội-lỗi mình!... Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian-ác tôi; tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi-phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; còn Chúa tha tội-ác của tôi”. Sự giúp đỡ đầy yêu thương của các trưởng lão tín đồ đấng Christ có thể giúp phục hồi sức khỏe thiêng liêng (Châm-ngôn 28:13; Gia-cơ 5:13-20).
18. Bằng chứng cụ thể nào cho thấy tội lỗi có thể có hậu quả lâu dài, nhưng điều gì có thể là nguồn an ủi trong những hoàn cảnh như thế?
18 Tội lỗi có thể đưa đến hậu quả lâu dài. Đó là điều đã xảy ra cho Đa-vít. Ông đã phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba, dùng mưu mẹo làm cho chồng bà bị chết và cưới bà đang lúc mang thai (II Sa-mu-ên 11:1-27). Dù Đức Chúa Trời tỏ lòng thương xót vì cớ giao ước về Nước Trời, vì Đa-vít ăn năn và vì Đa-vít đối xử một cách đầy thương xót với người khác, Đa-vít cũng đã gặp phải cảnh “từ nhà [ông] nổi lên những tai-họa giáng trên [ông]” (II Sa-mu-ên 12:1-12). Đứa con ngoại tình bị chết. Con trai của Đa-vít là Am-nôn hãm hiếp em gái cùng cha khác mẹ là Ta-ma và bị giết theo lệnh của Áp-sa-lôm là anh ruột của Ta-ma (II Sa-mu-ên 12:15-23; 13:1-33). Áp-sa-lôm làm nhục Đa-vít bằng cách ăn nằm với các thê thiếp của Đa-vít. Hắn kiếm cách giành ngôi nhưng đã bị giết (II Sa-mu-ên 15:1 đến 18:33). Thời nay, tội lỗi vẫn còn đem lại hậu quả tai hại. Thí dụ, một người phạm tội bị khai trừ có thể ăn năn và được nhận vào lại trong hội-thánh, nhưng người đó phải mất nhiều năm mới xóa được tiếng tăm xấu của mình và những nỗi dày vò mà tội lỗi đem lại. Trong khi chờ đợi, người đó thật cảm thấy an ủi biết bao vì được Đức Giê-hô-va tha thứ và được cánh tay đời đời của Ngài nâng đỡ!
Được giải cứu khỏi những phiền muộn lo âu đè nặng trên chúng ta
19. Thánh linh Đức Chúa Trời có thể giúp ích như thế nào khi chúng ta bị thử thách nặng nề?
19 Khi gặp thử thách nặng nề, có lẽ chúng ta thiếu sự khôn ngoan và sức lực để đi đến một quyết định khôn ngoan và thi hành quyết định đó. Trong trường hợp như thế, thánh linh Đức Chúa Trời “giúp cho sự yếu-đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu-nguyện cho xứng-đáng: nhưng chính thánh linh lấy sự thở-than không thể nói ra được mà cầu-khẩn thay cho chúng ta” (Rô-ma 8:26). Nếu Đức Giê-hô-va khiến cho hoàn cảnh thay đổi, chúng ta nên biết ơn Ngài. Tuy nhiên, cánh tay của Ngài có thể giải cứu chúng ta theo một cách khác. Nếu chúng ta cầu nguyện để có sự khôn ngoan, Đức Giê-hô-va có thể dùng thánh linh của Ngài để chỉ dẫn cho chúng ta điều phải làm và ban cho chúng ta sức lực cần thiết để làm điều đó (Gia-cơ 1:5-8). Với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể chịu đựng khi “thử-thách trăm bề thoạt đến” và vượt qua các thử thách đó một cách thành công và mạnh hơn trong đức tin (I Phi-e-rơ 1:6-8).
20. Chúng ta sẽ vui hưởng gì nếu thật sự để cho cánh tay đời đời của Đức Giê-hô-va nâng đỡ chúng ta?
20 Chúng ta chớ bao giờ nên mỏi mệt trong việc quay về Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện. Đa-vít nói: “Mắt tôi hằng ngưỡng-vọng Đức Giê-hô-va; vì Ngài sẽ xở chơn tôi ra khỏi lưới. Cầu xin Chúa hãy đoái-xem tôi và thương-xót tôi, vì tôi một mình và khốn-khổ. Sự bối-rối nơi lòng tôi đã thêm nhiều; xin Chúa cứu tôi khỏi sự hoạn-nạn. Khá xem-xét sự khốn-khổ và sự cực-nhọc tôi, và tha các tội-lỗi tôi” (Thi-thiên 25:15-18). Giống như Đa-vít, chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời giải cứu, ban cho ân huệ và tha thứ nếu chúng ta thật sự để cho cánh tay đời đời của Ngài nâng đỡ chúng ta.
[Chú thích]
a Xem các bài nói về tâm thần buồn nản trong tạp chí “Tỉnh thức!” (Awake! hay Réveillez-vous!), số ra ngày 22-10-1987, trang 2-16, và 8-11-1987, trang 12-16.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Đức Giê-hô-va giúp đỡ các tôi tớ của Ngài bằng cách nào khi họ bị bệnh?
◻ Điều gì có thể giúp ích khi chúng ta đối phó với tâm thần buồn nản?
◻ Điều gì có thể giúp chúng ta cảm thấy đỡ buồn sau sự chết của một người thân?
◻ Làm sao những người giấu giếm tội lỗi có thể trút được gánh nặng?
◻ Có sự giúp đỡ nào khi dân sự của Đức Giê-hô-va bị thử thách nặng nề?
[Hình nơi trang 16 và 17]
Chúng ta có thể tìm thấy sự an ủi qua hy vọng về sự sống lại, giống như Gióp