Nói tiếng lạ—Một hiện tượng đang gia tăng
MỘT NGƯỜI đã trải qua kinh nghiệm khác thường về việc nói được một “tiếng lạ” đã thốt lên: “Một quyền lực làm chủ lưỡi tôi và những lời nói cứ tuôn ra như nước chảy. Thật là một sự vui mừng thay! Tôi có cảm giác ở trong tình trạng tinh khiết siêu phàm. Từ đó trở đi tôi hoàn toàn thay đổi hẳn”.
Ở đây bạn có sự mô tả về kinh nghiệm đầu tiên của một người nói một “tiếng lạ”. Một số người có lẽ đặt một câu hỏi chính đáng: “Nhưng hiện tượng đó là gì?” Đây là một sự thực hành hay tin tưởng của một số giáo hội theo đó cả đàn ông lẫn đàn bà tự nhận là họ được thánh linh của Đức Chúa Trời cảm ứng để nói tiếng ngoại quốc hay tiếng lạ mà họ không biết.
Đây là một hiện tượng tôn giáo đang gia tăng. Một thời được coi như là việc chỉ xảy ra riêng cho những người theo giáo phái “Thánh linh giáng lâm tiết” (Pentecostal), việc nói tiếng lạ hiện vượt qua các biên giới giáo phái truyền thống để gồm cả những người theo giáo phái Báp-tít, “Thánh công hội” (Episcopal), Giáo phái Luther, “Giám lý hội” (Methodist), “Trưởng lão hội” (Presbyterian) và Công giáo La Mã. Người ta miêu tả tình trạng của một người ở trong trạng thái này như ngây ngất, điên cuồng, hôn mê và như bị thôi miên. Một số người lại còn cho đó là một kinh nghiệm thật cuồng loạn. Có sự huyền bí và sức hấp dẫn liên hệ tới việc nói tiếng lạ.
Tại sao ngày nay người ta ao ước được nói tiếng lạ?
Trong cuốn “Tiếng lạ của thánh linh” (Tongues of the Spirit), tác giả Cyril G. Williams cho rằng có lẽ có “sự tương quan giữa việc cảm thấy thất bại và sự ao ước được ‘nói tiếng lạ’ ”. Ông miêu tả điều đó là một phương tiện làm người ta được nhẹ nhõm. Phương tiện này có “giá trị chữa bệnh như là một liều thuốc giảm bớt sự căng thẳng” và “giải quyết sự xung đột nội tâm”. Các yếu tố góp phần vào việc nói những lời xuất thần được kể ra như bực bội về những công việc của giáo hội, căng thẳng của xúc cảm, thất bại về sự nghiệp, tang chế, khó khăn về gia đình hoặc bệnh tật trong gia đình.
Tương tợ như vậy, trong cuốn “Tâm lý về việc nói tiếng lạ” (The Psychology of Speaking in Tongues), John P. Kildahl nói “nỗi băn khoăn lo lắng là điều kiện tiên quyết để phát triển khả năng nói tiếng lạ”. Qua sự nghiên cứu và phỏng vấn trực tiếp, ông tìm thấy “hơn 85% những người nói tiếng lạ được xác định rõ ràng là họ đã trải qua một cuộc khủng hoảng lo âu trước khi nói tiếng lạ”. Chẳng hạn như một người mẹ muốn nói tiếng lạ để có thể cầu nguyện cho con bị ung thư. Một người đàn ông nọ bắt đầu nói tiếng lạ trong thời gian ông do dự không biết có nên nhận việc với chức cao hơn không. Một người đàn bà kia bắt đầu nói tiếng lạ trong vòng một tuần sau khi người chồng gia nhập hội giúp những người cai rượu nặc danh (Alcoholics Anonymous).
Một người trải qua những gì?
Một người khác nói tiếng lạ lần đầu tiên thuật lại: “Tôi cảm thấy toàn thân nóng ran lên, rồi ớn lạnh và mồ hôi nhễu giọt. Tôi cũng cảm thấy toàn thân run rẩy và tay chân mềm yếu đi”. Đi đôi với việc nói tiếng lạ thường thường có những hành động lạ lùng làm một số người đâm ra sợ. Thí dụ, “một cô gái bị nước bọt làm gần nghẹt thở khi cô duỗi dài trên một cái ghế, cổ dựa vào lưng ghế, gót chân ở trên sàn còn chân thì cứng đơ”. Trong một buổi họp của hội-thánh, “một người đàn ông nhảy lộn nhào từ đầu đến cuối nhà thờ”.
Giáo sư William J. Samarin viết: “Đối với một số người, việc nói tiếng lạ là một điều kiện để được làm báp têm bằng Thánh Linh”. Nếu không, “người ta làm cho họ cảm thấy chưa trọn vẹn hẳn”. Việc đó cũng được coi “như lời cầu nguyện được nhậm, một sự cam kết được Đức Chúa Trời yêu thương và chấp nhận”. Những người khác thì nói rằng việc đó cho họ một cảm giác hòa hợp, vui mừng và bình an nội tâm, cùng cho họ “cảm tưởng có quyền năng hơn” và “nhận biết rõ hơn mình là ai”.
Phải chăng việc thốt ra những lời nói xuất thần thật sự là bằng chứng thánh linh đang hoạt động? Phải chăng kinh nghiệm nói tiếng lạ giúp nhận ra một người là tín đồ thật của đấng Christ? Phải chăng việc nói tiếng lạ là một phần của sự thờ phượng được chấp nhận ngày nay? Các câu hỏi này đáng được trả lời một cách rõ ràng chứ không chỉ một cách hời hợt. Tại sao? Bởi vì chúng ta muốn Đức Chúa Trời chấp nhận và ban phước sự thờ phượng của chúng ta.