Phải chăng sự ban cho nói tiếng lạ là một phần của đạo thật đấng Christ?
SAU KHI nhóm lại với sáu người khác trước mặt một mục sư gần bàn thờ, ông Bill nói: “Khi lắng nghe ông ấy cầu nguyện bằng tiếng lạ, tôi có cảm tưởng như có một luồng điện trong không gian”. Phải chăng những kinh nghiệm đó lặp lại hoạt động của thánh linh vào thế kỷ thứ nhất? Phải chăng những kinh nghiệm đó giúp người ta nhận biết tôn giáo của Kinh-thánh? Chúng ta có thể tìm ra những câu trả lời thỏa đáng bằng cách cẩn thận xem xét Kinh-thánh.
Lời tường thuật trong Kinh-thánh cho chúng ta thấy là khi có bất cứ một sự ban cho nào của thánh linh, ít nhất một trong 12 sứ đồ hay sứ đồ Phao-lô có mặt tại chỗ. Lần đầu tiên trong ba dịp nói tiếng lạ được ghi Kinh-thánh lại là lần xảy ra cho 120 môn đồ của Giê-su lúc họ nhóm lại tại Giê-ru-sa-lem trong ngày lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4). Ba năm rưỡi sau, khi một nhóm người Ý không cắt bì đang lắng nghe lời rao giảng của Phi-e-rơ, họ nhận được thánh linh và bắt đầu “nói tiếng ngoại-quốc và khen-ngợi Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:44-48). Khoảng 19 năm sau ngày lễ Ngũ tuần, tức khoảng năm 52 công nguyên, Phao-lô nói chuyện với một nhóm người ở thành Ê-phê-sô và đặt tay lên 12 môn đồ. Họ cũng “nói tiếng ngoại-quốc và lời tiên-tri” (Công-vụ các Sứ-đồ 19:6).
Tại sao có sự ban cho nói tiếng lạ?
Ngay trước khi lên trời, Giê-su nói với các môn đồ: “Khi Đức Thánh-Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền-phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem,... cho đến cùng trái đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8). Hãy chú ý là qua các lời đó ngài biểu lộ cho thấy công việc làm chứng to lớn này sẽ được hoàn thành như thế nào—với sự trợ giúp của thánh linh.
Kỹ thuật thông tri hiện đại giúp chúng ta có thể gửi thông điệp trên toàn trái đất bằng nhiều thứ tiếng, nhưng vào thời xưa đó thì không có kỹ thuật này. Tin mừng về Nước Trời phải được truyền đi phần lớn bằng miệng, và trong công việc này, sự ban cho phi thường là nói được tiếng ngoại quốc đã tỏ ra rất hữu ích. Đó là trường hợp của các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất khi họ rao giảng cho người Do-thái và những người theo đạo Do-thái ở Giê-ru-sa-lem trong ngày lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên. Nào người Bạt-thê, Mê-đi, Ê-la-mít, Cơ-rết, Ả-rập, người sống ở Mê-sô-bô-ta-mi, Giu-đê, Cáp-ba-đốc, Bông và ở địa hạt A-si, cũng như những người tạm trú từ Rô-ma đến, đều nghe “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời” bằng tiếng mẹ đẻ của họ và hiểu những gì được trình bày. Ba ngàn người lập tức trở thành tín đồ (Công-vụ các Sứ-đồ 2:5-11, 41).
Một sự kiện thường không được để ý tới là việc nói tiếng lạ chỉ là một trong chín hoạt động của thánh linh mà sứ đồ Phao-lô đề cập đến trong lá thư ông gửi cho các tín đồ đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô. Dẫu cho Phao-lô xem việc nói tiếng lạ như là sự ban cho ít quan trọng hơn, nhưng lại có giá trị lớn đối với hội-thánh vào thế kỷ thứ nhất trong việc rao truyền tin mừng về Nước của Đức Chúa Trời. Đó là một trong những “sự ban-cho” góp phần vào việc làm gia tăng số tín đồ và xây dựng hội-thánh tín đồ đấng Christ lúc đó hãy còn thơ ấu (I Cô-rinh-tô 12:7-11; 14:24-26).
Các hoạt động khác nhau của thánh linh vào thế kỷ thứ nhất, kế cả việc nói tiếng lạ, cũng là bằng chứng hiển nhiên là Đức Chúa Trời không còn dùng hội chúng Y-sơ-ra-ên có từ 1.500 năm trước đó với tư cách là dân sự đặc biệt của Ngài. Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Chúa Trời nay chấp thuận hội-thánh mới của tín đồ đấng Christ do Con một của Ngài thành lập. (So sánh Hê-bơ-rơ 2:2-4).
Các sự biểu lộ của thánh linh là những yếu tố chính trong việc thành lập hội-thánh còn thơ ấu của đấng Christ và giúp hội-thánh lớn lên đến mức trưởng thành. Phao-lô giải thích rằng sau khi đạt được mục đích, những sự ban cho kỳ diệu đó sẽ chấm dứt: “Các lời tiên-tri sẽ hết, sự ban-cho nói tiếng lạ sẽ thôi” (I Cô-rinh-tô 13:8).
Thật thế, Kinh-thánh nói rõ ràng là sự ban cho nói tiếng lạ sẽ chấm dứt. Nhưng khi nào? Công-vụ các Sứ-đồ 8:18 cho thấy rằng các môn đồ nhận được sự ban cho của thánh linh “bởi các sứ-đồ đặt tay lên [họ]”. Vậy thì khi sứ đồ cuối cùng qua đời, việc truyền sự ban cho của thánh linh dĩ nhiên chấm dứt—kể cả việc nói tiếng lạ. Vì lý do đó, khi những người nhờ các sứ đồ nhận được sự ban cho cũng qua đời thì sự ban cho kỳ diệu đó chấm dứt. Đến lúc đó hội-thánh đấng Christ có đủ thời gian để được củng cố cho vững chắc và mở rộng sang nhiều nước khác.
“Tiếng lạ” và sự thông dịch
Việc nói tiếng lạ tái xuất hiện ngày nay được “một số người coi đó như là sự cảm xúc quá mức của những người thích phô trương có tính tình hay thay đổi, trong khi những người khác thì lại coi việc đó giống y như là hiện tượng nói tiếng lạ vào thời các sứ đồ”. Việc nói “tiếng lạ” diễn ra trong các cuộc họp mặt của các nhà thờ thời nay thường bao hàm việc xuất thần thốt ra những âm không thể hiểu được. Do đó, một người thú nhận: “Tôi dùng sự ban cho nói tiếng lạ phần lớn nơi kín đáo cho sự trầm tư mặc tưởng cá nhân... Tôi cảm thấy hơi hổ thẹn trước mặt những người khác”. Một người khác kể lại: “Tôi nghe tiếng của tôi, tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng tôi tiếp tục cảm thấy cái lưỡi bị thúc đẩy phải nói”.
Tiếng lạ đó chuyển đạt những tin tức có giá trị thật sự gì, và còn việc thông dịch thì sao? Những người tự nhận là mình thông dịch được những lời này đưa ra những lời giải thích khác nhau khi họ nghe cùng thứ tiếng không thể hiểu được đó. Tại sao có sự khác biệt? Để cố giải thích cho thông qua, họ nói rằng “Đức Chúa Trời cho người này một sự thông dịch này và người nọ một sự thông dịch khác”. Một người công nhận: “Tôi nhận thấy có những trường hợp sự thông dịch không được chính xác”. Trong sách “Sự ban cho nói tiếng lạ” (The Gift of Tongues) tác giả D. A. Hayes nói đến một trường hợp mà một người đàn ông không chịu thông dịch lời của một người đàn bà nói tiếng lạ bởi vì “ngôn ngữ tồi bại không thể tưởng tượng được”. Thật là khác xa với việc nói tiếng lạ vào thế kỷ thứ nhất khi đó thật sự là để gây dựng hội-thánh! (I Cô-rinh-tô 14:4-6, 12, 18).
Một số người ngày nay xác nhận là họ có nghe những lời thông dịch kỳ diệu, và họ có thể thành tâm tin rằng Đức Chúa Trời dùng sự ban cho này khi Ngài “muốn cho người ta một thông điệp trực tiếp”. Nhưng ngày nay chúng ta cần thông điệp gì đến từ Đức Chúa Trời mà Giê-su Christ và các sứ đồ đã không cung cấp cho chúng ta? Chính Phao-lô là người có được sự ban cho của thánh linh đã nói: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16, 17).
Sự kiện là hội-thánh đấng Christ không còn ở trong tình trạng thơ ấu nữa, và vì thế những điều tiết lộ của Đức Chúa Trời hoặc những sự ban cho mầu nhiệm của thánh linh không còn cần thiết để xác định vai trò của hội-thánh. Kinh-thánh cảnh cáo: “Nhưng nếu có ai, hoặc chính chúng tôi, hoặc thiên-sứ trên trời, truyền cho anh em một tin-lành nào khác với tin-lành chúng tôi đã truyền cho anh em, thì người ấy đáng bị a-na-them [rủa sả]!” (Ga-la-ti 1:8).
Việc nói tiếng lạ một cách mầu nhiệm không còn cần thiết nữa, và không có căn bản nào trong Kinh-thánh để tin tưởng rằng đó là một phần của đạo thật đấng Christ ngày nay. Hiện nay Kinh-thánh đã được hoàn tất và được phổ biến rộng rãi cho nên chúng ta có những gì chúng ta cần trong Lời Đức Chúa Trời. Kinh-thánh cho chúng ta đạt được sự hiểu biết chính xác về Đức Giê-hô-va và Con Ngài nhằm dẫn đến sự sống đời đời (Giăng 17:3; Khải-huyền 22:18, 19).
Ngay trong thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô cảm thấy cần phải viết cho hội-thánh Cô-rinh-tô để sửa lại quan điểm của họ về lý do tại sao các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất được cho nói tiếng lạ. Dường như một số người thấy sự ban cho nói tiếng lạ có vẻ hấp dẫn và họ hành động như trẻ con, non nớt về thiêng liêng. “Tiếng lạ” được xem là quá ư quan trọng (I Cô-rinh-tô 14:1-39). Phao-lô nhấn mạnh không phải tất cả tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đều nói thứ tiếng lạ kỳ diệu. Nói tiếng lạ không phải là cần thiết để họ được cứu rỗi. Ngay cả vào thời đó, lúc còn nói tiếng lạ, sự ban cho nói tiếng lạ đứng hàng nhì sau việc nói tiên tri bởi phép lạ. Thời xưa cũng như thời nay, việc nói tiếng lạ không phải là một điều kiện để các tín đồ đấng Christ được sống đời đời (I Cô-rinh-tô 12:29, 30; 14:4, 5).
Quyền lực nằm sau việc nói tiếng lạ ngày nay
Một số người tin rằng các lãnh tụ giáo hội là động lực đứng sau những người nói tiếng lạ ngày nay; họ cho rằng có quyền làm phép lạ và họ xúi giục giáo dân của họ đạt được khả năng này. Trong một số trường hợp, sự xúc cảm thái quá và thiếu thăng bằng dẫn đến việc này. Trong cuốn “Tiếng lạ của Thánh linh” (Tongues of the Spirit), Cyril G. Williams nói rằng việc nói tiếng lạ trở thành “trong nhiều trường hợp dấu hiệu của thành phần ưu tú trong nhóm” và làm cho một người có “địa vị và uy quyền dưới mắt mọi người trong nhóm và cũng dưới mắt chính mình nữa”. Do đó, động lực thúc đẩy có thể là sự ao ước được thuộc vào nhóm nói tiếng lạ thượng lưu.
Rồi thì Viện trưởng Viện Đại học Loyola (Loyola University) Donald P. Merrifield nhận thấy rằng “tiếng lạ có thể là một kinh nghiệm quá khích động, hay theo một số người thì đó là kinh nghiệm quỉ quái”. Tu sĩ Todd H. Fast nói: “Tiếng lạ là một vấn đề gây ra sự tranh luận. Ma quỉ có nhiều cách để ảnh hưởng chúng ta”. Chính Kinh-thánh cảnh cáo là Sa-tan và quỉ sứ của hắn có khả năng ảnh hưởng người ta và điều khiển tiếng nói của họ (Công-vụ các Sứ-đồ 16:17, 18). Giê-su ra tay chống lại một thần linh ma-quỉ đã khiến người đàn ông nọ hét lên và ngã xuống sàn (Lu-ca 4:33-35). Phao-lô báo trước rằng “quỉ Sa-tan mạo làm thiên-sứ sáng-láng” (II Cô-rinh-tô 11:14). Thật ra, những người ngày nay tìm kiếm sự ban cho nói tiếng lạ mà Đức Chúa Trời không còn ban cho dân Ngài nữa, tạo dịp cho Sa-tan lừa dối mình và chúng ta được báo trước là Sa-tan sẽ dùng “đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối-giả” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:9, 10).
Tiếng lạ và đạo thật đấng Christ
Các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất nhận được sự ban cho nói tiếng lạ và dùng sự ban cho này để giải thích những sự cao trọng của Đức Chúa Trời. Điều được nhấn mạnh là cần phải dịch rõ ràng thông điệp nói bằng tiếng lạ hầu mọi người có thể hiểu thông điệp đó và nhờ vậy mà nhiều người được soi sáng (I Cô-rinh-tô 14:26-33). Phao-lô khuyên răn: “Anh em cũng vậy, nếu dùng lưỡi nói chẳng rõ-ràng cho người ta nghe, thì làm sao họ biết được điều anh em nói? Vì anh em nói bông-lông” (I Cô-rinh-tô 14:9).
Trong khi thánh linh của Đức Chúa Trời ban cho các tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất nói tiếng lạ, việc này không làm họ nói khó hiểu hoặc nói lắp bắp không thông dịch được. Phù hợp với lời khuyên của Phao-lô, thánh linh cung cấp tiếng nói mang lại kết quả là tin mừng được “giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời” một cách nhanh chóng hơn (Cô-lô-se 1:23).
Nói về những ngày cuối cùng này của hệ thống mọi sự hiện nay, Giê-su Christ phán: “Nhưng trước hết tin-lành [về Nước Trời đã được thành lập] phải được giảng ra cho khắp muôn dân đã” (Mác 13:10). Như trong thế kỷ thứ nhất, mọi tạo vật phải nghe thông điệp về Nước Trời. Điều này có thể xảy ra bởi vì Kinh-thánh hiện nay đã được dịch ra trọn bộ hay một phần trong gần 2.000 thứ tiếng. Như thánh linh đã thúc đẩy các tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất ăn nói dạn dĩ và can đảm, thì ngày nay cũng vậy thánh linh đó hiện đang trợ giúp công việc rao giảng kỳ diệu và to lớn của hội-thánh hiện đại của Nhân-chứng Giê-hô-va. Qua lời nói miệng và nhờ dùng kỹ thuật in hiện đại để xuất bản sách báo nhằm phổ biến lẽ thật trong Kinh-thánh, họ nói “môi-miếng [ngôn ngữ] thanh sạch”. Thông điệp này được truyền đến hơn 200 nước và hải đảo. Nhân-chứng Giê-hô-va đứng riêng biệt như là một dân tộc được thánh linh của Đức Chúa Trời thúc đẩy để nói cho mọi người biết những sự cao trọng của Đức Chúa Trời (Sô-phô-ni 3:9; II Ti-mô-thê 1:13).
[Các hình nơi trang 7]
Rao giảng từ nhà này sang nhà kia ở Nhật
Rao giảng từ tàu này sang tàu kia ở Colombia
Hình dưới: Học Kinh-thánh ở Guatemala
Hình cuối trang: Rao giảng nơi thôn quê ở Hòa Lan