Gia đình tín đồ Đấng Christ đặt những điều thiêng liêng lên hàng đầu
“Hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em, có lòng nhơn-từ và đức khiêm-nhượng” (I PHI-E-RƠ 3:8).
1. Tất cả chúng ta có sự lựa chọn nào, và sự lựa chọn đó ảnh hưởng thế nào đến tương lai chúng ta?
CÂU Kinh-thánh trên áp dụng thật đúng biết bao cho sự sắp đặt lâu đời nhất của nhân loại là gia đình! Và các bậc cha mẹ dẫn đầu trong những phương diện này quả là quan trọng làm sao! Những đức tính tốt và xấu của cha mẹ thường thường biểu lộ ra trong con cái. Tuy nhiên, mỗi người trong gia đình có quyền lựa chọn. Là tín đồ đấng Christ, chúng ta có thể chọn làm những người có tính thiêng liêng hoặc tính xác thịt. Chúng ta có thể chọn làm vui lòng Đức Chúa Trời hoặc làm phật lòng Ngài. Kết quả của sự lựa chọn có thể là được ân phước, có sự sống đời đời và sự bình an hay là bị rủa sả, bị chết đời đời (Sáng-thế Ký 4:1, 2; Rô-ma 8:5-8; Ga-la-ti 5:19-23).
2. a) Phi-e-rơ cho thấy ông quan tâm đến gia đình như thế nào? b) Tính thiêng liêng là gì? (Hãy xem phụ chú).
2 Sau khi Phi-e-rơ khuyên bảo các người vợ và người chồng thì ông nói tiếp nơi I Phi-e-rơ đoạn 3, câu 8. Ông thật sự chú ý đến hạnh phúc của những gia đình tín đồ đấng Christ. Ông biết tình trạng thiêng liêng mạnh là bí quyết để có một gia đình hợp nhất và trìu mến lẫn nhau. Vì vậy trong I Phi-e-rơ đoạn 3, câu 7, ông ám chỉ rằng nếu người chồng bỏ qua lời khuyên của ông, hậu quả là người chồng sẽ có sự ngăn cách về thiêng liêng với Đức Giê-hô-va.a Lời cầu nguyện của người chồng có thể bị cản trở nếu người ấy bỏ bê nhu cầu của vợ hoặc đối xử nhẫn tâm với vợ.
Đấng Christ—một gương mẫu hoàn toàn về tính thiêng liêng
3. Phao-lô làm nổi bật gương mẫu của đấng Christ cho các người chồng như thế nào?
3 Tình trạng thiêng liêng của gia đình tùy thuộc nơi gương mẫu tốt. Khi người chồng là một tín đồ thực hành đạo đấng Christ, người ấy dẫn đầu trong việc bày tỏ những đức tính thiêng liêng. Nếu người chồng không tin đạo, người mẹ thường cố gắng gánh trách nhiệm đó. Dù là trường hợp nào đi nữa, Giê-su Christ cũng là gương mẫu hoàn toàn để chúng ta theo. Cử chỉ, lời nói và lối suy nghĩ của ngài luôn luôn xây dựng và làm ấm lòng. Nhiều lần, sứ đồ Phao-lô hướng độc giả về gương mẫu yêu thương của đấng Christ. Thí dụ, ông nói: “Chồng là đầu vợ, khác nào đấng Christ là đầu Hội-thánh, Hội-thánh là thân-thể Ngài, và Ngài là Cứu-chúa của Hội-thánh. Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh” (Ê-phê-sô 5:23, 25, 29; Ma-thi-ơ 11:28-30; Cô-lô-se 3:19).
4. Giê-su đặt gương mẫu nào về tính thiêng liêng?
4 Giê-su là gương mẫu xuất sắc trong việc biểu lộ tính thiêng liêng và lãnh đạo với lòng yêu thương, nhân từ và trắc ẩn. Ngài tự hy sinh, không ham mê lạc thú. Ngài luôn luôn tôn vinh Cha ngài và tôn trọng quyền lãnh đạo của Cha. Ngài theo sự hướng dẫn của Cha ngài, vì vậy ngài có thể nói: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì; ta xét-đoán theo điều ta nghe, và sự xét-đoán ta là công-bình, vì ta chẳng tìm ý-muốn của ta, nhưng tìm ý-muốn của Đấng đã sai ta”. “Ta không tự mình làm điều gì, nhưng nói điều Cha ta đã dạy ta” (Giăng 5:30; 8:28; I Cô-rinh-tô 11:3).
5. Qua việc cung cấp đồ ăn cho các môn đồ, Giê-su đặt gương mẫu nào cho các người chồng?
5 Điều này có nghĩa gì cho các người làm chồng? Có nghĩa là trong mọi sự họ phải theo gương mẫu của đấng Christ, đấng luôn luôn vâng phục Cha ngài. Thí dụ, Đức Giê-hô-va cung cấp đồ ăn cho mọi loài sống trên đất, thì Giê-su cũng cung cấp đồ ăn cho các môn đồ ngài. Ngài không bỏ bê những nhu cầu căn bản về vật chất của họ. Ngài làm phép lạ hóa bánh để cho 5.000 người và 4.000 người ăn; sự kiện này cho thấy ngài hay quan tâm và có tinh thần trách nhiệm (Mác 6:35-44; 8:1-9). Ngày nay cũng vậy, người đứng đầu gia đình có trách nhiệm chăm lo cho nhu cầu vật chất của gia đình mình. Nhưng trách nhiệm của họ có ngưng tại đó không? (I Ti-mô-thê 5:8).
6. a) Nhu cầu quan trọng nào của gia đình cần được quan tâm đến? b) Làm sao những người chồng và cha có thể tỏ ra thông hiểu?
6 Gia đình cũng có những nhu cầu khác quan trọng hơn, như Giê-su đã cho thấy. Họ có nhu cầu thiêng liêng và tình cảm (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3; Ma-thi-ơ 4:4). Chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau trong gia đình và trong hội thánh. Chúng ta cần có sự hướng dẫn tốt để thúc đẩy chúng ta xây dựng lẫn nhau. Về phương diện này các người chồng và cha có vai trò quan trọng, và còn quan trọng hơn nữa nếu họ là trưởng lão hoặc tôi tớ thánh chức. Các người cha hay mẹ trong cảnh đơn chiếc cũng cần có những đức tính tương tự khi giúp đỡ con cái họ. Cha mẹ phải hiểu không riêng những điều mà người trong gia đình nói ra, nhưng cả những điều không nói ra nữa. Điều này đòi hỏi sự sáng suốt, thì giờ và sự kiên nhẫn. Đó là một lý do tại sao Phi-e-rơ có thể nói người chồng phải biết quan tâm và sống với vợ theo sự hiểu biết (I Ti-mô-thê 3:4, 5, 12; I Phi-e-rơ 3:7).
Những nguy hiểm nên tránh
7, 8. a) Điều gì là cần thiết để tránh cho gia đình bị nguy hại về thiêng liêng? b) Ngoài việc có sự bắt đầu tốt trong cuộc sống của tín đồ đấng Christ, điều gì là cần thiết? (Ma-thi-ơ 24:13)
7 Tại sao chú ý đến tình trạng thiêng liêng của gia đình là vấn đề rất quan trọng? Để thí dụ, chúng ta có thể hỏi: “Tại sao người hoa tiêu của chiếc tàu rất chú ý đến hải đồ khi lái tàu qua những vùng nước nguy hiểm có chỗ cạn là chuyện quan trọng? Vào tháng 8 năm 1992 chiếc tàu du ngoạn Queen Elizabeth 2 (QE2) bị lái qua một vùng cồn cát và đá nguy hiểm, nơi mà người ta nói là sự lầm lẫn trong việc điều khiển tàu bè rất là thông thường. Một người địa phương nói: “Nhiều người đã mất việc tại vì vùng đó”. Chiếc tàu QE2 đụng phải đá ngầm, vì vậy đó là một sự lầm lẫn rất tốn kém. Một phần ba thân tàu bị hư hại và chiếc tàu không chạy được nhiều tuần sau đó vì phải sửa chữa.
8 Tương tự như thế, nếu “hoa tiêu” của gia đình không cẩn thận kiểm lại đồ biểu, tức Lời của Đức Chúa Trời, thì gia đình có thể dễ bị nguy hại về thiêng liêng. Nếu người đó là trưởng lão hoặc tôi tớ thánh chức thì có thể mất đi đặc ân trong hội thánh và có lẽ gây thiệt hại nặng nề cho người khác trong gia đình. Vì vậy, mỗi tín đồ đấng Christ phải cẩn thận chớ để mình bị rơi vào tình trạng tự mãn về thiêng liêng, chỉ tin cậy nơi thói quen học hỏi siêng năng và sự sốt sắng đã có lúc trước. Trong cuộc sống của tín đồ đấng Christ, chúng ta có được sự bắt đầu tốt cũng chưa đủ; phải hoàn tất đoạn đường cho đến nơi đến chốn (I Cô-rinh-tô 9:24-27; I Ti-mô-thê 1:19).
9. a) Học hỏi cá nhân quan trọng như thế nào? b) Chúng ta có thể tự hỏi những câu hỏi thích hợp nào?
9 Về phương diện thiêng liêng, để tránh những chỗ cạn, đá ngầm và nơi cồn cát, chúng ta cần phải cập nhật hóa “đồ biểu” của chúng ta bằng cách học hỏi đều đặn lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể chỉ tin cậy vào sự học hỏi căn bản mà đã đưa chúng ta vào lẽ thật. Sức mạnh thiêng liêng của chúng ta tùy thuộc nơi chương trình học hỏi và rao giảng đều đặn và thăng bằng. Thí dụ, khi chúng ta dự Buổi học Tháp Canh với chính tạp chí này trong tay, chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi hoặc là gia đình tôi có thật sự học bài này, tra xét các câu Kinh-thánh và suy gẫm về cách áp dụng các câu này không? Hay là chúng ta chỉ gạch dưới những câu trả lời mà thôi? Có lẽ chúng ta không màng đọc đến bài này trước khi dự buổi họp chăng?’ Thành thật trả lời các câu hỏi này có lẽ sẽ khiến ta suy nghĩ và khơi dậy lòng ước muốn cải thiện, nếu thấy cần (Hê-bơ-rơ 5:12-14).
10. Tại sao sự tự kiểm điểm kỹ càng là quan trọng?
10 Tại sao việc tự kiểm điểm kỹ càng là quan trọng? Bởi vì chúng ta đang sống trong một thế gian bị tinh thần của Sa-tan chế ngự, một thế gian mà có nhiều cách ngấm ngầm để phá đổ đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời và lời hứa của Ngài. Chính thế gian này muốn làm chúng ta bận rộn đến độ không còn thì giờ lo cho những nhu cầu thiêng liêng nữa. Vì vậy chúng ta có thể tự hỏi: ‘Gia đình tôi có mạnh về thiêng liêng không? Với tư cách là cha mẹ, tôi có đủ mạnh không? Gia đình chúng tôi có vun trồng quyền lực thiêng liêng thúc đẩy tâm trí để giúp mỗi người quyết định theo cách công bình và trung thành không?’ (Ê-phê-sô 4:23, 24).
11. Tại sao các buổi họp của tín đồ đấng Christ có lợi ích về thiêng liêng? Xin cho thí dụ.
11 Mỗi buổi họp mà chúng ta dự làm vững mạnh tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Những giờ phút quí giá đó tại Phòng Nước Trời hoặc trong Buổi học Cuốn sách của Hội thánh giúp chúng ta được thoải mái sau nhiều giờ mà chúng ta phải cố gắng để sống còn trong thế gian đầy ghen ghét của Sa-tan. Thí dụ, thật là thoải mái biết bao khi nhiều hội thánh được học cuốn sách The Greatest Man Who Ever Lived (Người vĩ đại nhất đã từng sống)! Sách này đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Giê-su, đời sống và thánh chức của ngài. Chúng ta đọc kỹ lưỡng những câu Kinh-thánh nêu ra, tự mình nghiên cứu và nhờ thế chúng ta học được nhiều từ gương mẫu của Giê-su (Hê-bơ-rơ 12:1-3; I Phi-e-rơ 2:21).
12. Công việc rao giảng cho biết rõ tình trạng thiêng liêng của chúng ta thế nào?
12 Công việc rao giảng là cách tốt để cho biết tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Để được bền bỉ trong việc làm chứng chính thức và bán chính thức, thường gặp phải người lãnh đạm hoặc chống đối, chúng ta cần có động lực đúng, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và yêu thương người lân cận. Dĩ nhiên không ai thích bị từ khước và điều đó có thể xảy ra trong lúc chúng ta đi rao giảng. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng người ta từ khước tin mừng chứ không phải từ khước chính chúng ta. Giê-su nói: “Ví bằng người đời ghét các ngươi thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế-gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế-gian và ta đã lựa-chọn các ngươi giữa thế-gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi... Nhưng vì danh ta họ sẽ lấy mọi điều đó đãi các ngươi, bởi họ không biết Đấng đã sai ta đến” (Giăng 15:18-21).
Hành động hay hơn lời nói
13. Làm sao một người có thể làm tình trạng thiêng liêng của gia đình xuống dốc?
13 Chuyện gì xảy ra nếu gia đình có một người không tôn trọng sự gọn gàng và ngăn nắp trong nhà? Vào một ngày trời mưa, chỉ riêng một người hay quên đó không cẩn thận dẫm bùn vào nhà. Dấu bùn khắp mọi nơi cho thấy người đó bất cẩn, làm cho những người khác phải làm việc cực hơn. Điều này cũng áp dụng về phương diện thiêng liêng. Chỉ một người ích kỷ hoặc bê tha có thể làm nhơ nhuốc thanh danh của gia đình. Không riêng gì cha mẹ, tất cả mọi người trong nhà nên cố gắng phản ảnh tâm thần của đấng Christ. Thật thích thú biết bao khi mọi người đều làm việc với nhau nhắm tới sự sống đời đời! Gia đình đó có khuynh hướng thiêng liêng (nhưng không phải tự cho là công bình). Gia đình như thế ít khi bỏ bê vấn đề thiêng liêng (Truyền-đạo 7:16; I Phi-e-rơ 4:1, 2).
14. Có những cám dỗ vật chất nào mà Sa-tan đặt trước chúng ta?
14 Hàng ngày, tất cả chúng ta đều có những nhu cầu vật chất căn bản cần được thỏa mãn để tiếp tục sống (Ma-thi-ơ 6:11, 30-32). Nhưng nhiều khi chúng ta xem trọng những điều chúng ta muốn hơn là những điều chúng ta cần. Thí dụ, hệ thống của Sa-tan đưa ra đủ loại dụng cụ và máy móc. Nếu chúng ta luôn luôn muốn có mọi thứ mới lạ nhất, chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn vì cái mới lạ nhất sẽ thành lỗi thời nhanh chóng và kiểu mới khác lại xuất hiện. Thế giới thương mại đã tạo nên một vòng lẩn quẩn mà không bao giờ ngừng lại. Thế gian này lôi cuốn chúng ta cứ mãi đi kiếm thêm tiền để thỏa mãn những ham muốn ngày càng gia tăng. Điều này có thể đưa đến “sự tham muốn vô lý thiệt hại” hay là “đam mê ngông cuồng tai hại”. Hậu quả có thể là đời sống thiếu thăng bằng và càng ngày càng ít thì giờ cho những hoạt động thiêng liêng (I Ti-mô-thê 6:9, 10; bản dịch Nguyễn Thế Thuấn).
15. Gương của người chủ gia đình là quan trọng qua cách nào?
15 Lần nữa ở đây, gương mẫu của người chủ gia đình tín đồ đấng Christ rất là quan trọng. Thái độ thăng bằng của anh đối với các trách nhiệm trong việc đời và việc thiêng liêng sẽ khuyến khích những người khác trong gia đình. Nếu người cha có những lời khuyên tuyệt vời nhưng không làm được những gì chính ông nói chắc hẳn là điều tai hại. Chẳng bao lâu, con cái có thể nhìn thấu được thái độ ‘hãy làm những gì tôi nói nhưng đừng làm những gì tôi làm’. Tương tự như thế, nếu một trưởng lão hoặc một tôi tớ thánh chức khuyến khích người khác làm công việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia nhưng ít khi nào anh đi cùng với gia đình để làm công việc này thì chẳng bao lâu anh sẽ mất sự tín nhiệm cả trong gia đình và trong hội thánh. (I Cô-rinh-tô 15:58; so sánh Ma-thi-ơ 23:3).
16. Chúng ta có thể tự hỏi gì?
16 Vì vậy, chúng ta có thể được lợi ích bằng cách xem xét đời sống mình. Chúng ta có quá bận rộn để đạt sự thành công ngoài đời mà làm thiệt hại cho sự tiến bộ về thiêng liêng không? Chúng ta có cố tiến tới trong thế gian nhưng lại xuống dốc trong hội thánh không? Hãy nhớ lời khuyên của Phao-lô: “Ví bằng có kẻ mong được làm giám-mục [giám thị] ấy là ưa-muốn một việc tốt-lành; lời đó là phải lắm” (I Ti-mô-thê 3:1). Tinh thần trách nhiệm trong hội thánh cho thấy rõ về tình trạng thiêng liêng của chúng ta chứ không phải là sự thăng tiến trong việc làm ngoài đời. Chúng ta phải giữ sự thăng bằng cho cẩn thận để không cho phép chủ nhân chiếm trọn đời sống của chúng ta như thể là chúng ta dâng mình cho họ chứ không phải cho Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 6:24).
Sự liên lạc đầy ý nghĩa nâng cao tình trạng thiêng liêng
17. Điều gì góp phần vào việc vun trồng tình yêu thương chân chính trong gia đình?
17 Hàng triệu nhà ngày nay hầu như đã trở nên nhà trọ. Vậy là thế nào? Những người trong gia đình chỉ về nhà để ngủ, ăn, rồi lại đi. Ít khi thấy họ ngồi quây quần lại cùng bàn để thưởng thức một bữa cơm với nhau. Cảm giác gia đình ấm cúng không còn nữa. Kết quả là gì? Gia đình thiếu sự liên lạc, các câu chuyện đối thoại nhạt nhẽo, không có ý nghĩa. Và điều đó có thể làm cho người này ít chú ý đến người kia, có lẽ thiếu sự quan tâm nữa. Khi chúng ta yêu thương nhau, chúng ta dành thì giờ để nói chuyện và lắng nghe. Chúng ta khuyến khích và giúp đỡ. Muốn bày tỏ tính thiêng liêng trong khía cạnh này, giữa vợ chồng và giữa cha mẹ với con cái cần phải có sự liên lạc đầy ý nghĩa.b Điều này đòi hỏi thời giờ và sự tế nhị khi chúng ta muốn khuyến khích người khác bộc lộ những sự vui mừng, kinh nghiệm và các vấn đề của họ với chúng ta (I Cô-rinh-tô 13:4-8; Gia-cơ 1:19).
18. a) Cái gì thường là sự ngăn trở chính cho sự liên lạc? b) Sự liên lạc đầy ý nghĩa căn cứ trên điều gì?
18 Sự liên lạc tốt đòi hỏi thì giờ và cố gắng. Điều này có nghĩa là dành ra thì giờ để nói chuyện và nghe người khác. Một trong những sự ngăn trở lớn nhất cho vấn đề này là bộ máy làm mất nhiều thì giờ mà được nhiều gia đình xem trọng, đó là máy truyền hình. Điều này đưa ra một sự thử thách: máy truyền hình điều khiển bạn hay là bạn điều khiển nó? Điều khiển máy truyền hình đòi hỏi một sự quyết tâm, kể cả ý chí để tắt nó đi. Nhưng làm thế sẽ cho chúng ta cơ hội để trò chuyện với những người trong gia đình và với anh chị em thiêng liêng. Sự liên lạc đầy ý nghĩa đòi hỏi phải có sự thông tri cởi mở, cố gắng hiểu nhau, hiểu nhu cầu và sự vui mừng của chúng ta, nói cho người khác biết chúng ta quí trọng tất cả mọi điều tốt lành mà họ đã làm cho chúng ta. Nói cách khác, sự đối thoại đầy ý nghĩa cho thấy rằng chúng ta không coi thường những người khác (Châm-ngôn 31:28, 29).
19, 20. Nếu chúng ta yêu thương tất cả mọi người trong gia đình, chúng ta sẽ làm gì?
19 Vì thế, nếu chúng ta yêu thương những người trong gia đình, gồm cả những người thân không tin đạo, chúng ta sẽ gắng sức rất nhiều để xây dựng và gìn giữ tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Trong khung cảnh gia đình, chúng ta sẽ theo lời khuyên của Phi-e-rơ: “Rút lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em, có lòng nhơn-từ và đức khiêm-nhượng. Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa-sả trả rủa-sả; trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành” (I Phi-e-rơ 3:8, 9).
20 Chúng ta có thể hưởng ân phước của Đức Giê-hô-va ngay bây giờ nếu chúng ta cố gắng gìn giữ tình trạng thiêng liêng của chúng ta và điều này có thể giúp chúng ta hưởng ân phước trong tương lai khi chúng ta nhận được sự ban cho về sự sống đời đời trong địa đàng trên đất. Chúng ta có thể làm những điều khác trong phạm vi gia đình để giúp đỡ lẫn nhau về phương diện thiêng liêng. Bài tới sẽ bàn luận về các lợi ích của việc gia đình cùng sinh hoạt với nhau (Lu-ca 23:43; Khải-huyền 21:1-4).
[Chú thích]
a Tính thiêng liêng được định nghĩa là “tính nhạy cảm hoặc sự gắn bó đối với những giá trị tôn giáo: đức tính hay tình trạng có tính cách thiêng liêng” (Webster’s Ninth New Collegiate Dictionary). Một người có tính thiêng liêng khác với người có tính xác thịt, thú tính (I Cô-rinh-tô 2:13-16; Ga-la-ti 5:16, 25; Gia-cơ 3:14, 15; Giu-đe 19).
b Để có thêm các lời đề nghị về sự liên lạc trong gia đình, xin xem Tháp Canh, số ra ngày 1-6-1992, trang 14-16.
Bạn có nhớ không?
◻ Tính thiêng liêng là gì?
◻ Người chủ gia đình bắt chước gương của đấng Christ như thế nào?
◻ Làm sao chúng ta tránh được những điều đe dọa tình trạng thiêng liêng của chúng ta?
◻ Điều gì có thể làm cho tình trạng thiêng liêng của gia đình xuống dốc?
◻ Tại sao sự liên lạc đầy ý nghĩa là quan trọng?
[Hình nơi trang 10]
Dự Buổi học Cuốn sách của Hội thánh làm vững mạnh tình trạng thiêng liêng của gia đình