Tìm bí quyết dẫn đến tình yêu mến anh em
“Thêm cho tin-kính tình yêu-thương anh em” (II PHI-E-RƠ 1:5-7).
1. Một trong những lý do chính tại sao các dịp nhóm lại của dân Đức Giê-hô-va thường vui như thế là gì?
MỘT lần nọ, một y sĩ không phải là Nhân-chứng Giê-hô-va dự lễ tốt nghiệp của con gái ông từ Trường Kinh-thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh, nơi cô được huấn luyện làm giáo sĩ. Thấy đám đông người hạnh phúc, ông cảm kích đến độ ông nghĩ là chắc đám người này ít bệnh lắm. Điều gì đã làm cho đám đông người hạnh phúc như vậy? Hơn nữa, điều gì đã khiến cho mọi dịp nhóm lại của dân Đức Giê-hô-va tại hội thánh, các hội nghị vòng quanh và địa hạt là những dịp vui vẻ? Chẳng phải là tình yêu mến anh em mà họ biểu lộ đối với nhau hay sao? Chắc chắn tình yêu mến anh em là một lý do tại sao người ta có thể nói rằng không có một nhóm tôn giáo nào khác vui sướng, hạnh phúc và thỏa lòng như Nhân-chứng Giê-hô-va.
2, 3. Hai từ Hy Lạp nào liên quan đến cách chúng ta nên cảm thấy về nhau, và đặc tính cá biệt của mỗi chữ là gì?
2 Chúng ta phải thấy tình yêu mến anh em như thế vì những lời của sứ đồ Phi-e-rơ nơi I Phi-e-rơ 1:22: “Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu-thương anh em cách thật-thà, nên hãy yêu nhau sốt-sáng hết lòng”. Một trong những yếu tố của từ Hy Lạp được dịch ra “tình yêu-thương anh em” ở đây là phi·liʹa (yêu mến). Từ này có nghĩa gần giống với chữ a·gaʹpe, thường được dịch là “yêu-thương” (I Giăng 4:8). Trong khi tình yêu mến và tình yêu thương thường được dùng thay thế nhau, nhưng thật ra chúng có đặc tính cá biệt. Chúng ta không nên lẫn lộn chữ này với chữ kia như nhiều nhà dịch Kinh-thánh đã làm. (Trong bài này và bài kế tiếp, chúng ta sẽ phân tách mỗi chữ).
3 Về sự khác nhau giữa hai từ Hy Lạp, một học giả ghi nhận rằng chữ phi·liʹa “rõ ràng nói lên sự ấm áp, gần gũi và yêu mến”. Còn chữ a·gaʹpe thiên về tâm trí hơn. Do đó, trong khi chúng ta được dạy phải yêu (a·gaʹpe) kẻ thù, chúng ta không có tình yêu mến đối với họ. Tại sao không? Bởi vì “bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt” (I Cô-rinh-tô 15:33). Ngoài ra, lời của sứ đồ Phi-e-rơ cũng cho thấy sự khác biệt: “Thêm cho tình yêu-thương anh em lòng yêu-mến” (II Phi-e-rơ 1:5-7; so sánh Giăng 21:15-17).a
Các gương mẫu đặc biệt về tình yêu mến anh em
4. Tại sao Chúa Giê-su và Giăng đặc biệt yêu mến lẫn nhau?
4 Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta một số gương mẫu tốt về loại tình yêu mến anh em rất đặc biệt. Tình yêu mến này không phải là do tùy hứng mà là dựa vào lòng quí mến các đức tính xuất sắc. Chắc chắn gương nổi bật nhất là tình yêu mến của Chúa Giê-su đối với sứ đồ Giăng. Dĩ nhiên, Chúa Giê-su có lý do tốt để yêu mến tất cả các sứ đồ trung thành của ngài (Lu-ca 22:28). Ngài biểu lộ tình thương qua việc rửa chân họ, như thế dạy họ một bài học khiêm nhường (Giăng 13:3-16). Nhưng Chúa Giê-su đặc biệt yêu mến Giăng và Giăng nhiều lần nhắc đến điều này (Giăng 13:23; 19:26; 20:2). Mặc dù Chúa Giê-su có lý do để yêu mến các môn đồ và sứ đồ của ngài, nhưng ngài đặc biệt yêu mến Giăng vì rất có thể Giăng quí mến ngài một cách sâu xa hơn. Chúng ta có thể thấy điều này trong các sách của Giăng, cả sách Phúc Âm lẫn các lá thư được soi dẫn. Trong các sách đó, ông đã nói đến tình yêu thương biết bao lần! Những gì Giăng viết nơi đoạn 1, và đoạn 13 đến 17 cũng như những đoạn thường nói đến sự hiện hữu trước khi làm người của Chúa Giê-su, cho thấy ông càng quí mến các đức tính thiêng liêng của Chúa Giê-su (Giăng 1:1-3; 3:13; 6:38, 42, 58; 17:5; 18:37).
5. Chúng ta có thể nói gì về tình yêu mến đặc biệt giữa Phao-lô và Ti-mô-thê?
5 Tương tự như vậy, chúng ta cũng phải nói đến tình yêu mến anh em rất đặc biệt giữa sứ đồ Phao-lô và bạn đồng hành của ông là Ti-mô-thê. Chắc chắn tình yêu mến ấy dựa vào lòng quí mến các đức tính của nhau. Các lá thư của Phao-lô có những lời khen về Ti-mô-thê, chẳng hạn như: “Thật vậy tôi không có ai như người đồng tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em... Anh em đã biết sự trung-tín từng-trải của người; và biết người là trung-thành với tôi về việc Tin-lành, như con ở với cha vậy” (Phi-líp 2:20-22). Trong lá thư gởi cho Ti-mô-thê, Phao-lô nhiều lần nhắc đến những chuyện cá nhân, cho thấy ông có tình yêu mến nồng ấm đối với Ti-mô-thê. Chẳng hạn, nơi I Ti-mô-thê 6:20: “Hỡi Ti-mô-thê, hãy giữ lấy sự giao-phó đã nấy cho con”. (Cũng xem I Ti-mô-thê 4:12-16; 5:23; II Ti-mô-thê 1:5; 3:14, 15). Đặc biệt khi so sánh lá thư gửi cho Ti-mô-thê và lá thư gửi cho Tít, chúng ta thấy rõ tình yêu mến của Phao-lô đặc biệt dành cho người trẻ này. Ti-mô-thê chắc cũng cảm thấy như thế về tình bằng hữu này, như được thấy trong lời của Phao-lô nơi II Ti-mô-thê 1:3, 4: “Ta ghi-nhớ con không thôi trong khi cầu-nguyện. Vì ta nhớ nước mắt con, muốn đến thăm con quá chừng, để được đầy lòng vui-vẻ”.
6, 7. Đa-vít và Giô-na-than có tình cảm nào cho nhau, và tại sao?
6 Phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ cũng đưa ra nhiều gương tốt như gương của Đa-vít và Giô-na-than. Chúng ta đọc thấy sau khi Đa-vít giết Gô-li-át thì “lòng của Giô-na-than khế-hiệp cùng lòng Đa-vít đến đỗi Giô-na-than yêu-mến Đa-vít như mạng-sống mình” (I Sa-mu-ên 18:1). Lòng quí mến gương sốt sắng của Đa-vít đối với danh của Đức Giê-hô-va và lòng can đảm của ông khi xông tới đối đầu với người khổng lồ Gô-li-át chắc chắn đã làm cho Giô-na-than đặc biệt yêu mến Đa-vít.
7 Giô-na-than yêu mến Đa-vít đến nỗi sẵn sàng liều mạng để bảo vệ Đa-vít khỏi tay Vua Sau-lơ. Giô-na-than không bao giờ tức giận về việc Đa-vít được Đức Giê-hô-va chọn làm Vua kế tiếp của Y-sơ-ra-ên (I Sa-mu-ên 23:17). Đa-vít cũng đồng yêu mến Giô-na-than như vậy, bằng chứng là khi than khóc về cái chết của Giô-na-than, Đa-vít nói: “Hỡi Giô-na-than, anh tôi, lòng tôi quặn-thắt vì anh. Anh làm cho tôi khoái dạ; nghĩa bầu-bạn của anh lấy làm quí hơn tình thương người nữ”. Thật vậy, mối liên lạc của họ dựa trên lòng quí mến lẫn nhau (II Sa-mu-ên 1:26).
8. Hai người đàn bà nào bày tỏ lòng yêu mến đặc biệt cho nhau, và tại sao?
8 Một gương tốt nữa trong phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ là tình yêu mến giữa hai người đàn bà, Na-ô-mi và Ru-tơ, con dâu góa của bà. Ru-tơ nói với Na-ô-mi: “Xin chớ nài tôi phân-rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi” (Ru-tơ 1:16). Chẳng lẽ chúng ta lại không kết luận là qua hạnh kiểm và lời nói về Đức Giê-hô-va, Na-ô-mi đã khiến cho Ru-tơ đáp lại với lòng quí mến như vậy, hay sao? (So sánh Lu-ca 6:40).
Gương của sứ đồ Phao-lô
9. Điều gì cho thấy Phao-lô là một gương mẫu về tình yêu mến anh em?
9 Như chúng ta đã thấy, sứ đồ Phao-lô có tình yêu mến anh em rất đặc biệt đối với Ti-mô-thê. Nhưng ông cũng đã nêu gương tuyệt diệu về việc bày tỏ tình yêu mến nồng ấm đối với các anh em nói chung. Ông nói với các trưởng lão ở thành Ê-phê-sô rằng “trong ba năm hằng đêm và ngày, [ông] hằng chảy nước mắt ra mà khuyên-bảo cho mọi người luôn”. Thật là tình yêu mến anh em nồng ấm! Và họ cũng có tâm tình như vậy đối với Phao-lô. Khi hay rằng sẽ không còn thấy Phao-lô nữa, “ai nấy đều khóc lắm, ôm lấy cổ Phao-lô mà hôn” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:31, 37). Phải chăng tình yêu mến anh em dựa trên lòng quí mến? Đúng vậy! Chúng ta cũng thấy tình yêu mến anh em của ông trong những lời ghi nơi II Cô-rinh-tô 6:11-13: “Hỡi người Cô-rinh-tô, miệng chúng tôi hả ra vì anh em, lòng chúng tôi mở rộng. Chẳng phải chúng tôi hẹp-hòi đãi anh em, nhưng ấy là lòng anh em tự làm nên hẹp-hòi. Hãy báo-đáp chúng tôi như vậy—tôi nói với anh em như nói với con-cái mình—cũng hãy mở rộng lòng anh em!”
10. Sự thiếu tình yêu mến anh em nào đã khiến Phao-lô kể lại các thử thách của ông nơi II Cô-rinh-tô đoạn 11?
10 Rõ ràng nhiều anh em ở thành Cô-rinh-tô thiếu sự quí trọng tình yêu mến anh em đối với sứ đồ Phao-lô. Do đó, một số người trong họ phàn nàn: “Các thư của người nặng lời và bạo-mạnh; nhưng đến khi có mặt thì người yếu-đuối và lời nói chẳng có giá gì” (II Cô-rinh-tô 10:10). Đó là lý do tại sao Phao-lô nói đến những “sứ-đồ tôn-trọng” của họ và khiến ông kể lại những thử thách mà ông đã chịu đựng, như được ghi nơi II Cô-rinh-tô 11:5, 22-33.
11. Có bằng chứng nào cho thấy Phao-lô yêu mến tín đồ đấng Christ tại Tê-sa-lô-ni-ca?
11 Trong những lời nơi I Tê-sa-lô-ni-ca 2:8, chúng ta đặc biệt thấy rõ tình yêu mến nồng ấm của Phao-lô đối với những người ông phục vụ: “Vậy, vì lòng rất yêu-thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước-ao ban cho anh em, không những Tin-lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết-nghĩa với chúng tôi là bao”. Thật vậy, ông có tình yêu mến như vậy đối với các anh em mới này đến nỗi khi ông không chịu nổi nữa—nóng lòng muốn biết họ chịu đựng sự bắt bớ như thế nào—ông sai Ti-mô-thê đi, và phúc trình của Ti-mô-thê đã làm tươi mát lòng ông rất nhiều (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:1, 2, 6, 7). Cuốn Thông hiểu Kinh-thánh (Anh ngữ) nhận xét: “Giữa Phao-lô và những người ông phục vụ, có sợi dây tình yêu mến anh em chặt chẽ”.
Lòng quí mến—Bí quyết dẫn đến tình yêu mến anh em
12. Chúng ta có những lý do nào để biểu lộ tình yêu mến nồng ấm đối với các anh em của chúng ta?
12 Chắc chắn bí quyết dẫn đến tình yêu mến anh em là lòng quí mến. Chẳng phải tất cả các tôi tớ đã dâng mình của Đức Giê-hô-va có những đức tính đáng quí mến, khích động lòng yêu mến của chúng ta và khiến chúng ta yêu mến họ sao? Tất cả chúng ta đều tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài trước hết. Tất cả chúng ta đều tranh đấu mãnh liệt với ba kẻ thù chung: Sa-tan và các quỉ, hệ thống gian ác dưới quyền kiểm soát của Sa-tan, và khuynh hướng ích kỷ di truyền của xác thịt tội lỗi. Chẳng phải chúng ta nên luôn luôn xem anh em của chúng ta đang cố gắng hết sức trong những hoàn cảnh ấy? Mọi người trong thế gian hoặc ở về phía Đức Giê-hô-va hoặc về phía Sa-tan. Các anh em đã dâng mình đang ở bên phía Đức Giê-hô-va, vâng bên phía chúng ta, và do đó đáng được chúng ta yêu mến.
13. Tạo sao chúng ta nên có tình yêu mến nồng ấm đối với các trưởng lão?
13 Còn về lòng quí mến đối với các trưởng lão thì sao? Chẳng phải chúng ta nên dành cho họ tình cảm nồng ấm vì công khó của họ cho quyền lợi của hội thánh? Giống như tất cả chúng ta, họ phải nuôi mình và gia đình. Họ cũng có bổn phận như bao người khác: học hỏi cá nhân, đi nhóm họp và tham gia thánh chức rao giảng. Ngoài ra, họ còn có bổn phận sửa soạn các phần cho buổi họp, nói bài giảng công cộng và lo cho các vấn đề xảy ra trong hội thánh, đôi khi mất nhiều thì giờ liên quan vấn đề tư pháp. Thật vậy, chúng ta muốn “tôn-kính những người như vậy” (Phi-líp 2:29).
Hãy bày tỏ lòng yêu mến anh em
14. Những câu Kinh-thánh nào thúc đẩy chúng ta bày tỏ tình yêu mến anh em?
14 Để làm vui lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta phải bày tỏ tình yêu mến nồng ấm đối với anh em cùng đức tin, như Chúa Giê-su và Phao-lô đã làm. Chúng ta đọc: “Trong tình huynh đệ, hãy mến nhau tha thiết” (Rô-ma 12:10, Nguyễn thế Thuấn). “Còn về tình huynh đệ anh em không cần phải để ai viết cho anh em, vì chính anh em là môn sinh của Thiên Chúa, để biết yêu mến nhau” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:9, NTT). “Ước gì tình huynh đệ được bền mãi!” (Hê-bơ-rơ 13:1, NTT). Chắc chắn Cha trên trời của chúng ta sẽ hài lòng khi chúng ta bày tỏ tình yêu mến anh em đối với các con cái trên đất của Ngài!
15. Chúng ta có thể biểu lộ tình yêu mến anh em qua những cách nào?
15 Vào thời các sứ đồ, tín đồ đấng Christ có thói quen chào nhau với “cái hôn thánh” hoặc “cái hôn yêu-thương” (Rô-ma 16:16; I Phi-e-rơ 5:14). Thật là một sự biểu lộ tình yêu mến anh em! Ngày nay, ở phần lớn các nơi trên đất, một sự biểu lộ bằng nụ cười thân thiện và bằng cái bắt tay là thích đáng hơn. Trong các vùng Châu Mỹ La-tinh, như ở Mexico, có cách chào dưới hình thức một cái ôm, thật quả là một sự diễn tả lòng yêu mến. Lòng yêu mến nồng ấm của các anh em này có thể đóng góp vào sự gia tăng lớn mạnh đang diễn ra tại nước họ.
16. Chúng ta có những cơ hội nào để bày tỏ tình yêu mến anh em tại Phòng Nước Trời?
16 Khi đến Phòng Nước Trời, chúng ta có cố hết sức bày tỏ tình yêu mến anh em không? Điều này đòi hỏi chúng ta nói những lời khích lệ, đặc biệt đối với những người có vẻ buồn nản. Chúng ta được khuyên bảo: “Hãy yên-ủi những kẻ ngã lòng” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Chắc chắn đó là một cách mà chúng ta có thể truyền đạt sự nồng ấm của tình yêu mến anh em. Một cách tốt khác là bày tỏ lòng quí trọng đối với một bài diễn văn công cộng hay, một phần trong chương trình được trình bày khéo léo, những cố gắng của một học viên Trường Thánh Chức Thần Quyền, v.v...
17. Làm thế nào một trưởng lão đã được hội thánh yêu mến?
17 Còn về việc mời những người khác nhau đến nhà dùng bữa, hoặc ăn qua loa sau khi họp xong nếu không quá trễ thì sao? Há chúng ta không để cho lời khuyên của Chúa Giê-su nơi Lu-ca 14:12-14 hướng dẫn sao? Một lần nọ, một anh trước kia làm giáo sĩ được bổ nhiệm làm giám thị chủ tọa trong một hội thánh chỉ gồm những người thuộc chủng tộc khác. Anh cảm thấy hội thánh thiếu tình yêu mến anh em, vì vậy anh bắt đầu chấn chỉnh tình trạng này. Bằng cách nào? Chủ Nhật này qua Chủ Nhật khác, anh mời từng gia đình một đến dùng bữa. Đến cuối năm, tất cả đều biểu lộ tình yêu mến anh em đối với anh.
18. Làm sao chúng ta có thể biểu lộ tình yêu mến đối với những anh chị bị bệnh?
18 Khi một anh hay một chị bị bệnh ở nhà hay ở bệnh viện, tình yêu mến anh em sẽ thúc đẩy chúng ta cho người đó biết rằng chúng ta quan tâm đến họ. Còn những anh chị đang ở trong các viện dưỡng lão thì sao? Chúng ta hãy đến thăm hỏi, gọi điện thoại, hoặc gửi thiệp biểu lộ tình cảm nồng ấm.
19, 20. Chúng ta có thể cho thấy rằng mình đã mở rộng tình yêu mến anh em như thế nào?
19 Khi biểu lộ tình yêu mến anh em như thế, chúng ta nên tự hỏi: ‘Tình yêu mến anh em của tôi có tư vị không? Các yếu tố như màu da, học vấn hay của cải vật chất có ảnh hưởng đến sự biểu lộ tình yêu mến anh em của tôi không? Tôi có cần mở rộng tình yêu mến anh em, như sứ đồ Phao-lô kêu gọi các anh em tín đồ đấng Christ ở Cô-rinh-tô làm, hay không?’ Tình yêu mến anh em sẽ khiến chúng ta có quan điểm tích cực về các anh em, quí mến họ vì những điểm tốt của họ. Tình yêu mến anh em sẽ giúp chúng ta vui mừng thay vì ghen tị khi anh em chúng ta được thăng tiến.
20 Tình yêu mến anh em cũng làm cho chúng ta để ý giúp anh em trong thánh chức, giống như một bài hát của chúng ta (bài 92) diễn tả:
“Ân cần chúng ta giúp những ai vừa tin,
Cho họ cũng dạn dĩ rao truyền Lời Cha.
Ân cần chúng ta giúp những em còn thơ,
Cho rồi khôn lớn mạnh thêm với lòng dạn dĩ”.
21. Khi bày tỏ tình yêu mến anh em, chúng ta có thể chờ đợi người khác hưởng ứng thế nào?
21 Vậy chúng ta chớ quên nguyên tắc mà Chúa Giê-su nói đến trong Bài Giảng trên Núi về việc bày tỏ tình yêu mến anh em: “Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy” (Lu-ca 6:38). Chúng ta được lợi ích khi biểu lộ lòng yêu mến anh em, bày tỏ sự kính trọng đối với các tôi tớ của Đức Giê-hô-va cũng như chúng ta vậy. Thật hạnh phúc thay cho những ai lấy làm vui thích trong việc biểu lộ tình yêu mến anh em!
[Chú thích]
a Xin xem bài kế: “Tình yêu thương (Agape)—Thế nào là không và thế nào là phải?”.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Những từ Hy Lạp nào liên quan đến tình cảm chúng ta, và chúng khác nhau ở chỗ nào?
◻ Bí quyết dẫn đến tình yêu mến anh em là gì?
◻ Chúng ta có những gương mẫu đặc biệt nào trong Kinh-thánh về tình yêu mến anh em?
◻ Tại sao chúng ta nên có tình yêu mến nồng ấm đối với các anh em và trưởng lão?