Sự sống sau khi chết—Thế nào, ở đâu và khi nào?
CHÍNH Đấng Tạo hóa cũng là Đấng đã ban cho loài người sự sống bảo đảm rằng con người không mất luôn sự sống khi chết. Hơn nữa, Đức Chúa Trời còn cam kết là không những chúng ta có thể sống lại thêm một khoảng thời gian hạn định mà còn sống lại với triển vọng không bao giờ phải chết nữa! Sứ đồ Phao-lô nói một cách giản dị nhưng đầy tin tưởng: “Đức Chúa Trời đã khiến Người [Chúa Giê-su Christ] từ kẻ chết sống lại, để làm chứng chắc về đều đó cho thiên-hạ” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:31).
Đương nhiên điều đó vẫn chưa trả lời ba câu hỏi căn bản: Làm sao người chết có thể sống lại được? Khi nào điều đó sẽ xảy ra? Những người sống lại sẽ sống ở đâu? Trên khắp thế giới, người ta có nhiều giải đáp khác nhau cho những câu hỏi này, tuy nhiên, bí quyết để tìm ra sự thật về vấn đề này là chúng ta phải biết chính xác điều gì xảy ra cho con người khi chết.
Phải chăng sự bất tử là giải đáp?
Người ta thường tin rằng con người có một phần bất tử và chỉ có thân thể họ chết thôi. Chắc chắn là bạn đã nghe qua những lời ấy. Cái phần mà người ta nói là bất tử có khi thì được gọi là “linh hồn”, khi thì là “thần linh”. Người ta nói rằng khi thân thể chết thì linh hồn vẫn sống và tiếp tục hiện hữu ở một nơi nào đó. Nói thẳng ra, niềm tin ấy không bắt nguồn từ Kinh-thánh. Đành rằng những nhân vật xưa trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã trông mong vào sự sống sau khi chết, nhưng không phải sống qua một phần bất tử. Họ tin tưởng rằng trong tương lai họ sẽ được sống lại trên đất qua sự sống lại bằng phép lạ.
Tộc trưởng Áp-ra-ham nêu gương xuất sắc về việc tin nơi sự sống lại của người chết trong tương lai. Miêu tả việc Áp-ra-ham sẵn sàng dâng con trai mình là Y-sác để làm của-lễ, Hê-bơ-rơ 11:17-19 nói với chúng ta: “Bởi đức-tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử-thách... Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình”, vì Đức Chúa Trời đã không đòi hỏi ông phải dâng Y-sác làm của-lễ. Chúng ta có thêm bằng chứng là những người Y-sơ-ra-ên xưa tin rằng họ sẽ sống lại sau này (chứ không tiếp tục sống ngay lập tức trong cõi thần linh) qua những lời nhà tiên tri Ô-sê viết như sau: “Ta sẽ cứu chúng nó khỏi quyền-lực của Âm-phủ [mồ mả chung của nhân loại], và chuộc chúng nó ra khỏi sự chết” (Ô-sê 13:14).
Vậy thì người Do Thái đã tiếp thụ ý tưởng về linh hồn con người bất tử từ khi nào? Cuốn Encyclopaedia Judaica (Bách khoa Tự điển Do Thái) nhìn nhận rằng “hình như Do Thái giáo tiếp thụ giáo lý linh hồn bất tử vì bị ảnh hưởng của Hy Lạp”. Tuy vậy, cho đến thời đấng Christ những người Do Thái thành tâm vẫn tin tưởng và trông mong nơi sự sống lại trong tương lai. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua cuộc nói chuyện giữa Chúa Giê-su và Ma-thê khi anh bà là La-xa-rơ chết: “Ma-thê thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết... Đức Chúa Jêsus phán rằng: Anh ngươi sẽ sống lại. Ma-thê thưa rằng: Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại” (Giăng 11:21-24).
Tình trạng của người chết
Một lần nữa ở đây, chúng ta không cần phải suy đoán về vấn đề này. Kinh-thánh nói lên một sự thật giản dị là người chết đang “ngủ”, không có tri thức, hoàn toàn không có cảm giác hay sự hiểu biết gì hết. Kinh-thánh không trình bày lẽ thật ấy một cách phức tạp và khó hiểu. Hãy xem những câu Kinh-thánh dễ hiểu này: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết... Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan” (Truyền-đạo 9:5, 10). “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ. Hơi-thở tắt đi, loài người bèn trở về bụi-đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi” (Thi-thiên 146:3, 4).
Vậy thì chúng thấy dễ hiểu tại sao Chúa Giê-su Christ nói sự chết như là giấc ngủ. Sứ đồ Giăng ghi lại cuộc nói chuyện giữa Chúa Giê-su và môn đồ ngài: “Ngài phán như vậy, rồi tiếp rằng: La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người. Môn-đồ thưa rằng: Thưa Chúa, nếu người ngủ, chắc sẽ được lành. Vả, Đức Chúa Jêsus phán lời đó chỉ về sự chết của La-xa-rơ; song môn-đồ tưởng nói về giấc ngủ thường. Đức Chúa Jêsus bèn nói tỏ-tường cùng môn-đồ rằng: La-xa-rơ chết rồi” (Giăng 11:11-14).
Toàn diện con người chết
Khi chết thì toàn diện con người chết, chứ không chỉ thể xác mà thôi. Theo những lời tường thuật rõ ràng trong Kinh-thánh, chúng ta phải kết luận rằng con người không có một linh hồn bất tử có thể sống sau khi thân thể chết. Kinh-thánh cho thấy rõ ràng là linh hồn có thể chết. “Nầy, mọi linh-hồn đều thuộc về ta; linh-hồn của cha cũng như linh-hồn của con, đều thuộc về ta; linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4). Không có nơi nào trong Kinh-thánh dùng chữ “bất tử” để nói đến một phần cố hữu của con người.
Cuốn New Catholic Encyclopedia (Tân Bách khoa Tự điển Công giáo) cho biết chi tiết đáng chú ý này về nguồn gốc của chữ Hê-bơ-rơ và chữ Hy Lạp được dịch là “linh hồn” trong Kinh-thánh: “Linh hồn trong CƯ [Cựu Ước] là nepeš, trong TƯ [Tân Ước] là [psy·kheʹ]... Chữ nepeš đến từ một chữ gốc có thể có nghĩa là thở, và bởi vậy... vì hơi thở phân biệt người sống với người chết, nên nepeš có nghĩa là sự sống hoặc cá nhân hay giản dị là sự sống của một người... Không có sự tách biệt giữa thể xác và linh hồn trong CƯ. Người Do Thái nhìn vấn đề một cách cụ thể, toàn phần, và vì vậy họ xem con người như là những cá nhân, chứ không phải có nhiều phần hợp lại. Từ nepeš, tuy được dịch ra là chữ linh hồn, nhưng không bao giờ mang ý nghĩa là một linh hồn khác biệt với cơ thể hay con người... Chữ [psy·kheʹ] trong TƯ tương đương với chữ nepeš. Chữ đó có thể có nghĩa là nguồn sự sống, sự sống hay là người sống”.
Bởi vậy, bạn có thể thấy là khi chết, người hay linh hồn sống trước kia không còn hiện hữu nữa. Thân thể trở về “bụi đất” hay những nguyên tố trong đất. Thân thể tiêu tan dần dần qua việc chôn cất rồi sau đó mục nát hoặc tiêu tan nhanh chóng qua việc hỏa táng. Đức Giê-hô-va bảo A-đam: “Ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:19). Vậy thì làm sao có thể có sự sống sau khi chết? Bởi vì người đã chết ở trong trí nhớ của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va có quyền năng cũng như khả năng huyền diệu để tạo ra con người, cho nên việc ngài có thể gìn giữ mọi khía cạnh về đời sống trước kia của một người trong trí nhớ của ngài là điều không có gì lạ. Đúng vậy, mọi triển vọng cho người đó được sống lại đều tùy thuộc nơi Đức Chúa Trời.
Đây là ý nghĩa của chữ “thần linh”, được nói đến như là trở về cùng Đức Chúa Trời thật. Ngài là Nguồn của thần linh. Miêu tả về kết cuộc này, người được Đức Chúa Trời soi dẫn viết sách Truyền-đạo giải thích: “Bụi-tro trở vào đất y như nguyên-cũ, và thần-linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Truyền-đạo 12:7).
Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể ban sự sống. Khi Đức Chúa Trời tạo nên người đàn ông trong vườn Ê-đen và hà “sanh-khí” vào lỗ mũi người, ngoài việc làm cho buồng phổi của A-đam đầy dưỡng khí, Đức Giê-hô-va còn khiến cho sinh lực tiếp sức sống cho mọi tế bào trong cơ thể ông (Sáng-thế Ký 2:7). Vì sinh lực này có thể truyền từ cha mẹ đến con cái qua quá trình thụ thai và sinh đẻ, dĩ nhiên, sự sống của con người có thể nói một cách thích hợp là đến từ Đức Chúa Trời, dù nhận qua cha mẹ.
Sống lại—Một thời kỳ vui mừng
Ta không nên nhầm lẫn sự sống lại với sự luân hồi là thuyết không có căn cứ trong Kinh-thánh. Thuyết luân hồi cho rằng sau khi một người chết, người đó chuyển qua kiếp khác hay nhiều kiếp khác. Người ta cho rằng kiếp này tốt hơn hoặc xấu hơn kiếp trước tùy nơi nghiệp mà mình đã tạo ở tiền kiếp. Theo tín ngưỡng này, một người có thể “chuyển kiếp” thành người hay thú. Tín ngưỡng đó trái ngược hẳn với những gì Kinh-thánh dạy.
Chữ Hy Lạp a·naʹsta·sis dịch là “sự sống lại”, có nghĩa đen là “đứng dậy lần nữa”. (Những người dịch tiếng Hy Lạp sang tiếng Hê-bơ-rơ đã dịch chữ a·naʹsta·sis ra chữ Hê-bơ-rơ là techi·yathʹ ham·me·thimʹ, có nghĩa là “hồi sinh người chết”). Sự sống lại bao gồm việc Đức Chúa Trời ban lại đời sống mà một người đã có, đời sống mà ngài ghi trong trí nhớ của ngài. Tùy theo ý muốn của Đức Chúa Trời, người đó trở lại hoặc với thân thể bằng xương bằng thịt hoặc trong thể thần linh mà vẫn giữ được nét riêng biệt của mình, cùng nhân cách và trí nhớ như lúc người đó chết.
Đúng vậy, Kinh-thánh nói đến hai sự sống lại. Một là sự sống lại để lên trời trong thể thần linh được dành cho một số tương đối ít người. Chính Chúa Giê-su Christ đã nhận được sự sống lại đó (I Phi-e-rơ 3:18). Và ngài cho thấy rằng một số người được chọn trong vòng những môn đồ ngài cũng sẽ nhận được sự sống lại như thế, bắt đầu với các sứ đồ trung thành. Ngài hứa với họ: “Ta đi sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ... Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:2, 3). Kinh-thánh nói đây là “sự sống lại thứ nhứt”, thứ nhứt theo nghĩa thời gian và địa vị. Kinh-thánh miêu tả những người nhận được sự sống lại này để lên trời là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và là vua đồng cai trị với Chúa Giê-su Christ (Khải-huyền 20:6). “Sự sống lại thứ nhứt” này dành cho một số hạn định, và chính Kinh-thánh tiết lộ là chỉ 144.000 người sẽ được chọn trong số những người đàn ông và đàn bà trung thành. Họ sẽ phải chứng tỏ lòng trung kiên đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời cùng Chúa Giê-su Christ cho đến chết, và tích cực làm chứng cho người khác về đức tin của mình (Khải-huyền 14:1, 3, 4).
Chắc chắn, sự sống lại của người chết là một thời kỳ hạnh phúc vô biên cho những người sống lại để lên trời. Tuy nhiên, không phải chỉ có niềm vui đó thôi, vì cũng có lời hứa về sự sống lại ở ngay trên đất này. Những người được sống lại sẽ kết hợp với vô số người được sống sót qua khỏi sự kết liễu của hệ thống gian ác hiện tại. Sau khi thấy một số ít người hội đủ điều kiện để nhận sự sống lại ở trên trời, sứ đồ Giăng được ban cho một sự hiện thấy về “vô-số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng”. Thật là một thời kỳ vui mừng, khi hàng triệu người, có thể hàng tỷ người, sẽ sống lại trên đất này! (Khải-huyền 7:9, 16, 17)
Khi nào điều đó sẽ xảy ra?
Nhưng niềm vui và hạnh phúc sẽ không kéo dài được bao lâu nếu những người chết sống lại trên một trái đất có đầy dẫy sự xung đột, đổ máu, ô nhiễm và bạo động—như tình trạng ngày nay. Không, sự sống lại sẽ xảy ra sau khi “đất mới” được thiết lập. Hãy tưởng tượng, một hành tinh được tẩy sạch, không còn những người cùng các tổ chức mà cho đến ngày nay có vẻ hướng đến việc hủy hoại trái đất và làm hỏng vẻ đẹp tinh khôi của trái đất, chưa nói gì đến biết bao đau khổ mà họ gây ra cho dân cư trên đất (II Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 11:18).
Hiển nhiên, thời kỳ khi nhân loại nói chung được sống lại vẫn còn trong tương lai. Tuy nhiên, điều đáng mừng là thời kỳ đó không còn xa lắm. Đành rằng điều đó sẽ đến khi hệ thống mọi sự gian ác này kết liễu. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy rằng thời kỳ mà “hoạn-nạn lớn” thình lình xảy ra nay đã gần kề, với cao điểm là “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”—thường được gọi là Ha-ma-ghê-đôn (Ma-thi-ơ 24:3-14, 21; Khải-huyền 16:14, 16). Cuộc chiến ấy sẽ loại bỏ mọi sự gian ác khỏi hành tinh trái đất đẹp đẽ này. Rồi sẽ đến Triều đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su Christ, khi trái đất sẽ dần dần trở lại cảnh địa đàng.
Kinh-thánh tiết lộ rằng dưới Triều đại Một Ngàn Năm, sự sống lại của người chết sẽ diễn ra. Lúc đó lời hứa của Chúa Giê-su khi còn ở trên đất sẽ được ứng nghiệm: “Chớ lấy đều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi... [để được] sống lại” (Giăng 5:28, 29).
Ảnh hưởng của niềm hy vọng về sự sống lại
Triển vọng này về sự sống lại—thời kỳ khi người chết sẽ sống lại—quả là một hy vọng tuyệt diệu cho tương lai! Hy vọng này quả khích lệ chúng ta khi phải đương đầu với sự gian khổ vì tuổi già, bệnh tật, những tai họa và nỗi đau buồn bất ngờ, cũng như những áp lực và vấn đề trong đời sống hằng ngày! Hy vọng ấy làm dịu đi niềm đau của sự chết—dù không hoàn toàn xóa đi nỗi đau buồn nhưng cho thấy chúng ta khác với những người không có hy vọng về tương lai. Sứ đồ Phao-lô công nhận rằng hy vọng về sự sống lại đem lại niềm an ủi qua những lời này: “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn-rầu như người khác không có sự trông-cậy. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13, 14).
Có thể chúng ta đã cảm nghiệm lời nhận xét khác của người ở Đông phương tên Gióp là chân thật: “Người tiêu hao như cây mục nát, như chiếc áo mối ăn, xơ xác rã rời! Lọt lòng mẹ, con người lây lất sống tạm bợ, chịu đủ thứ trăm cay nghìn đắng. Đời người như hoa sớm nở tối tàn, như bóng bạch câu vụt qua cửa sổ con người khuất bóng vội vàng” (Gióp 13:28 đến 14:2, Bản Diễn Ý). Chúng ta cũng ý thức được sự bấp bênh của đời sống cũng như cái thực tế phũ phàng là “thời thế và chuyện bất ngờ” có thể xảy đến cho bất cứ người nào trong chúng ta (Truyền-đạo 9:11, NW). Chắc chắn là không một ai trong chúng ta thích cái ý tưởng phải đương đầu với sự chết. Tuy thế, niềm hy vọng chắc chắn về sự sống lại quả giúp làm giảm đi nỗi kinh sợ sự chết.
Vậy, hãy vững lòng! Ngay dù có thể phải ngủ trong sự chết, hãy nhìn xa hơn để thấy mình được sống lại nhờ phép lạ. Hãy tin tưởng mong đợi triển vọng được sống mãi mãi trong tương lai, và thêm vào đó niềm vui biết rằng thời kỳ được đầy ân phước ấy sẽ đến trong tương lai gần đây.