Bạn có nên tin là có sự tái sinh không?
TRIẾT GIA Hy Lạp Plato liên kết việc yêu đương với ý niệm tái sinh. Ông tin rằng sau khi thể xác chết, linh hồn bất tử bước qua “cảnh vô hình”. Vì không có thể xác, linh hồn tiếp tục ở đó một thời gian, suy ngẫm về thể vô hình. Sau này khi tái sinh trong một thể xác khác, trong tiềm thức linh hồn nhớ lại và khao khát cảnh vô hình. Theo Plato, người ta yêu đương vì họ thấy nơi người yêu của họ vẻ đẹp lý tưởng mà họ nhớ mập mờ và hằng tìm kiếm.
Nhận ra nguồn gốc và căn bản
Theo thuyết tái sinh, linh hồn phải bất tử. Vậy thì ta hẳn tìm ra nguồn gốc của thuyết tái sinh ở những dân tộc hay những nước có niềm tin đó. Dựa trên căn bản này, một số người nghĩ rằng thuyết đó bắt nguồn từ Ai Cập cổ xưa. Một số người khác thì tin rằng nó bắt nguồn từ Ba-by-lôn cổ xưa. Để tạo uy thế cho tôn giáo Ba-by-lôn, giới chức tế lễ đề xướng ra thuyết linh hồn chuyển sinh. Do đó, họ có thể nói rằng những anh hùng tôn giáo của họ là những tổ tiên lỗi lạc tái sinh, dù những người đó đã chết lâu năm.
Tuy nhiên, chính ở Ấn Độ mà niềm tin nơi thuyết tái sinh đã được phát triển đầy đủ. Các nhà hiền triết Ấn Độ đang vật lộn với những vấn đề về sự ác và đau khổ của loài người nói chung. Họ nêu ra: ‘Làm sao những điều này có thể dung hòa với ý niệm về một Đấng Tạo Hóa công bình? Họ tìm cách giải quyết sự mâu thuẫn giữa sự công bình của Đức Chúa Trời và những tai họa bất ngờ cùng sự bất công trên thế gian. Với thời gian, họ đặt ra “thuyết nghiệp”, luật nhân quả—‘gieo gì gặt ấy’. Họ lập ra một ‘tờ quyết toán’ chi tiết mà theo đó những ưu điểm và khuyết điểm ở kiếp này được thưởng hay phạt ở kiếp sau.
“Nghiệp” có nghĩa là “hành động”. Một người theo Ấn Độ giáo được xem là có nghiệp tốt nếu người đó làm theo những quy tắc xã hội và tôn giáo, và có nghiệp xấu nếu không làm theo điều đó. Hành động hay nghiệp của người đó sẽ quyết định mỗi kiếp tái sinh trong tương lai. Triết gia Nikhilananda nói: “Khi sinh ra, mọi người đều có sẵn nhân cách, phần lớn là do những hành động của họ ở những kiếp trước tạo nên, dù những đặc tính về thể chất của họ là do di truyền. [Vì vậy] chính ta tạo định mệnh cho ta, xây dựng số phận của ta”. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là thoát khỏi vòng sinh tử và nhập Phạm Thiên—hiện thực tối hậu. Người ta tin rằng muốn đạt được điều này thì phải gắng sức có được hạnh kiểm mà xã hội chấp nhận và có sự hiểu biết đặc biệt về Ấn Độ giáo.
Vì vậy, thuyết tái sinh có thuyết linh hồn bất tử làm cơ sở và phát triển dựa theo thuyết nghiệp. Chúng ta hãy xem Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn, tức là Kinh-thánh, nói gì về những ý niệm này.
Linh hồn có bất tử không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét thẩm quyền tối cao về đề tài này—đó là Lời được Đấng Tạo Hóa soi dẫn. Ngay trong sách đầu tiên của Kinh-thánh, sách Sáng-thế Ký, chúng ta biết ý nghĩa chính xác của từ “linh hồn”. Kinh-thánh nói về việc tạo ra người đàn ông đầu tiên A-đam: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh-khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh-linh [“linh hồn sống”, NW]” (Sáng-thế Ký 2:7). Rõ ràng là con người không có linh hồn, mà con người là linh hồn. Chữ Hê-bơ-rơ được dùng ở đây cho linh hồn là neʹphesh. Chữ này xuất hiện khoảng 700 lần trong Kinh-thánh, và chữ này không bao giờ nói đến một phần tách rời và phi vật chất của con người, mà luôn luôn chỉ đến một cái gì cụ thể và có thể chất (Gióp 6:7; Thi-thiên 35:13; 107:9; 119:28).
Điều gì xảy ra cho linh hồn khi chúng ta chết? Hãy xem điều gì đã xảy ra cho A-đam khi ông chết. Khi ông phạm tội, Đức Chúa Trời nói với ông: “Ngươi [sẽ] trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:19). Hãy nghĩ xem điều đó có nghĩa gì. Trước khi Đức Chúa Trời tạo nên A-đam từ bụi đất, ông đã không hiện hữu. Sau khi chết, A-đam trở lại trạng thái không hiện hữu.
Nói một cách giản dị, Kinh-thánh dạy rằng sự chết là phản nghĩa của sự sống. Chúng ta đọc nơi Truyền-đạo 9:5, 10: “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết; vì sự kỷ-niệm họ đã bị quên đi. Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”.
Điều này có nghĩa là người chết không thể làm gì hoặc có cảm giác gì. Họ không còn ý nghĩ gì, và cũng không nhớ gì. Người viết Thi-thiên nói: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ. Hơi-thở tắt đi, loài người bèn trở về bụi-đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi” (Thi-thiên 146:3, 4).
Kinh-thánh cho thấy rõ rằng khi chết, linh hồn không chuyển sang một thân thể khác, nhưng nó chết đi. Kinh-thánh nói dứt khoát: “Linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4, 20; Công-vụ các Sứ-đồ 3:23; Khải-huyền 16:3). Do đó, thuyết linh hồn bất tử—nền tảng chính của thuyết tái sinh—không có căn cứ nào trong Kinh-thánh. Nếu không dựa vào linh hồn bất tử, thì thuyết tái sinh không thể đứng vững. Vậy thì chúng ta giải thích thế nào về sự đau khổ mà chúng ta thấy trong thế gian?
Tại sao người ta đau khổ?
Lý do căn bản tại sao loài người đau khổ là vì tất cả chúng ta đều gánh chịu sự bất toàn từ con người tội lỗi A-đam. Kinh-thánh nói: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Bởi từ A-đam mà ra, tất cả chúng ta đều bị bệnh tật, già đi và chết (Thi-thiên 41:1, 3; Phi-líp 2:25-27).
Hơn nữa, định luật của Đấng Tạo Hóa về luân lý nói: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh-dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác-thịt, sẽ bởi xác-thịt mà gặt sự hư-nát” (Ga-la-ti 6:7, 8). Do đó, một lối sống buông tuồng có thể gây ra sự đau khổ, việc có chửa hoang và những bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục. Tạp chí Scientific American nói: “Người ta có thể nói rằng có đến 30 phần trăm các bệnh ung thư làm chết người [ở Hoa Kỳ] là do việc hút thuốc, và 30 phần trăm khác là do lối sống, đặc biệt cách ăn uống và việc thiếu tập thể dục”. Một số tai họa gây ra sự đau khổ là do loài người đã quản lý tài nguyên của trái đất một cách tồi tệ. (So sánh Khải-huyền 11:18).
Đúng vậy, loài người phải chịu trách nhiệm về nhiều sự khổ sở của mình. Tuy nhiên, vì linh hồn không phải là bất tử, nên luật ‘gieo gì gặt ấy’ không thể dùng để liên kết sự đau khổ của loài người với thuyết nghiệp—những hành động được cho là của kiếp trước. Kinh-thánh nói: “Ai đã chết thì được thoát khỏi tội-lỗi” (Rô-ma 6:7, 23). Cho nên hậu quả của tội lỗi không truyền sang kiếp sau.
Sa-tan Ma-quỉ cũng gây ra nhiều đau khổ. Thật vậy, Sa-tan cai trị thế gian này (I Giăng 5:19). Và như Chúa Giê-su Christ đã báo trước, môn đồ ngài sẽ ‘bị thiên-hạ ghen-ghét vì danh ngài’ (Ma-thi-ơ 10:22). Vì vậy, người công bình thường gặp nhiều khó khăn hơn kẻ ác.
Trong thế gian này, có một số biến cố xảy ra mà chúng ta không biết rõ nguyên nhân. Người chạy nhanh nhất có thể vấp té và thua cuộc. Một quân đội hùng mạnh có thể bị một lực lượng yếu kém hơn đánh bại. Một người khôn ngoan có thể không tìm được một việc làm tốt và vì vậy phải chịu đói khát. Những người rành nghề quản lý thương mại có thể vì hoàn cảnh mà không có cơ hội để dùng sự hiểu biết của mình và vì vậy phải bị nghèo khó. Những người có nhiều kiến thức có thể làm cho cấp trên phẫn nộ và vì thế hết được ưa chuộng. Tại sao vậy? Vua khôn ngoan Sa-lô-môn trả lời: “Vì thời-thế và cơ-hội [“chuyện bất ngờ”, NW] xảy đến cho mọi người” (Truyền-đạo 9:11).
Loài người đã đau khổ từ lâu trước khi những nhà hiền triết Ấn Độ tìm cách giải thích tại sao có sự đau khổ. Nhưng loài người có hy vọng có được một tương lai tốt đẹp hay không? Và Kinh-thánh hứa gì cho những người đã chết?
Một tương lai bình an
Đấng Tạo Hóa đã hứa rằng không bao lâu nữa ngài sẽ chấm dứt xã hội thế gian hiện tại đang nằm dưới sự cai trị của Sa-tan (Châm-ngôn 2:21, 22; Đa-ni-ên 2:44). Rồi một xã hội mới công bình—tức là “đất mới”—sẽ là một hiện thực (II Phi-e-rơ 3:13). Lúc đó “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau” (Ê-sai 33:24). Ngay cả sự đau đớn cùng cực do sự chết gây ra sẽ không còn nữa, vì Đức Chúa Trời “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi” (Khải-huyền 21:4).
Nói về dân cư trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa, người viết Thi-thiên tiên tri: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời” (Thi-thiên 37:29). Hơn nữa, người hiền từ sẽ “được khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi-thiên 37:11).
Ông Mukundbhai, được nói đến trong bài trước, đã qua đời mà không biết về những lời hứa tuyệt diệu của Đức Chúa Trời. Nhưng hàng triệu người đã chết mà không biết về Đức Chúa Trời sẽ có triển vọng được sống lại trong một thế giới mới thanh bình, vì Kinh-thánh hứa: “Sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình” (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15; Lu-ca 23:43).
Chữ Hy Lạp a·naʹsta·sis dịch là “sự sống lại”, có nghĩa đen là “đứng dậy lần nữa”. Do đó, sự sống lại bao gồm việc Đức Chúa Trời ban lại sự sống mà một người đã có.
Đấng tạo ra trời và đất có sự khôn ngoan vô biên (Gióp 12:13). Nhớ lại cá tính của những người đã chết không có gì khó khăn đối với ngài. (So sánh Ê-sai 40:26). Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũng tràn đầy tình yêu thương (I Giăng 4:8). Vì vậy, ngài có thể dùng trí nhớ hoàn toàn, không phải để trừng phạt người chết vì những điều xấu họ đã làm, mà để làm họ sống lại trong địa đàng trên đất với nhân cách mà họ có trước khi chết.
Đối với hàng triệu người giống như Mukundbhai, sự sống lại sẽ có nghĩa là được đoàn tụ với những người thân yêu. Nhưng hãy tưởng tượng điều đó có thể có nghĩa gì cho những người hiện đang sống. Thí dụ, hãy lấy trường hợp của con trai ông Mukundbhai, anh biết được lẽ thật tuyệt vời về Đức Chúa Trời và những ý định của ngài. Khi biết rằng cha anh không bị kẹt quanh quẩn trong chu kỳ tái sinh hầu như bất tận, ở mỗi chu kỳ đều gặp phải sự gian ác và đau khổ, anh thấy an ủi biết bao! Cha anh chỉ ngủ trong sự chết, đang đợi được sống lại. Thật là hứng thú cho anh khi nghĩ đến cơ hội một ngày nào đó sẽ chia sẻ với cha những gì Kinh-thánh dạy!
Đức Chúa Trời muốn cho “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:3, 4). Bây giờ là lúc để biết làm sao bạn, cùng với hàng triệu người khác đã bắt đầu làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, có thể sống đời đời trong một địa đàng trên đất (Giăng 17:3).
[Câu nổi bật nơi trang 7]
“Vì thời-thế và cơ-hội [“chuyện bất ngờ”, NW] xảy đến cho mọi người” (Truyền-đạo 9:11)
[Khung nơi trang 6]
Cá tính của Đức Chúa Trời và thuyết nghiệp
Mohandas K. Gandhi giải thích: “Thuyết nghiệp không lay chuyển và không thể nào tránh được. Vì vậy Đức Chúa Trời hầu như không cần phải can thiệp. Ngài đã lập nên thuyết đó và rồi nghỉ việc, nói theo nghĩa bóng”. Ông Gandhi thấy bối rối về lời giải thích này.
Mặt khác, lời hứa về sự sống lại cho thấy rằng Đức Chúa Trời rất chú tâm đến tạo vật của ngài. Muốn làm người chết sống lại trong địa đàng trên đất, Đức Chúa Trời phải biết và nhớ mọi chi tiết về người đó. Thật vậy, Đức Chúa Trời quan tâm đến mỗi người chúng ta (I Phi-e-rơ 5:6, 7).
[Hình nơi trang 5]
Bánh xe sự sống của Ấn Độ giáo
[Hình nơi trang 8]
Lời Đức Chúa Trời dạy về sự sống lại