Khi Chúa Giê-su đến trong sự vinh hiển của Nước Trời
“Trong các ngươi đứng đây, có một vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy Con người ngự đến trong nước Ngài” (MA-THI-Ơ 16:28).
1, 2. Điều gì đã xảy ra ít lâu sau Lễ Ngũ Tuần năm 32 CN, và mục đích của biến cố này là gì?
ÍT LÂU sau Lễ Ngũ Tuần năm 32 công nguyên (CN), ba sứ đồ của Chúa Giê-su Christ có một sự hiện thấy đáng nhớ. Theo lời tường thuật được soi dẫn, “Đức Chúa Jêsus đem Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng là em Gia-cơ, cùng Ngài đi tẻ lên núi cao. Ngài biến-hóa trước mặt các người ấy” (Ma-thi-ơ 17:1, 2).
2 Sự hiện thấy về sự hóa hình đã xảy ra vào giai đoạn quyết định. Chúa Giê-su bắt đầu nói cho các môn đồ biết rằng ngài sắp phải chịu đau đớn và chết tại Giê-ru-sa-lem, nhưng họ thấy lời ngài khó hiểu (Ma-thi-ơ 16:21-23). Sự hiện thấy đó củng cố đức tin của ba sứ đồ Chúa Giê-su để chuẩn bị tinh thần họ cho cái chết của ngài và cho những năm sau này khi hội thánh tín đồ đấng Christ sẽ phải cố gắng làm việc và đương đầu với thử thách. Ngày nay chúng ta có thể học được gì từ sự hiện thấy này không? Có, bởi vì sự hiện thấy này là hình bóng cho những gì thật sự xảy ra vào thời của chúng ta.
3, 4. a) Sáu ngày trước khi hóa hình, Chúa Giê-su đã nói gì? b) Hãy miêu tả điều gì đã xảy ra khi có sự hóa hình.
3 Sáu ngày trước khi hóa hình, Chúa Giê-su nói với môn đồ: “Con người sẽ ngự trong sự vinh-hiển của Cha mình mà giáng xuống cùng các thiên-sứ, lúc đó, Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy việc họ làm”. Những lời này sẽ được ứng nghiệm vào thời kỳ “tận thế”. Chúa Giê-su nói thêm: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong các ngươi đứng đây, có một vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy Con người ngự đến trong nước Ngài” (Ma-thi-ơ 16:27, 28; 24:3; 25:31-34, 41; Đa-ni-ên 12:4). Sự hóa hình đã xảy ra và làm ứng nghiệm những lời cuối của đoạn trên.
4 Thật sự thì ba sứ đồ đã thấy gì? Sau đây là lời miêu tả của Lu-ca về biến cố này: “Đương khi [Chúa Giê-su] cầu-nguyện, diện-mạo Ngài khác thường, áo Ngài trở nên sắc trắng chói-lòa. Và nầy, có hai người nói chuyện cùng Ngài; ấy là Môi-se và Ê-li, hiện ra trong sự vinh-hiển, và nói về sự Ngài qua đời, là sự sẽ phải ứng-nghiệm tại thành Giê-ru-sa-lem”. Rồi “có một đám mây kéo đến, bao-phủ lấy [các sứ đồ]; và khi vào trong đám mây, các môn-đồ đều sợ-hãi. Bấy giờ, nghe có tiếng từ trong đám mây phán ra rằng: Nầy là Con ta, Người được lựa-chọn của ta, hãy nghe Người” (Lu-ca 9:29-31, 34, 35).
Đức tin được vững mạnh
5. Sự hóa hình có tác động gì đến sứ đồ Phi-e-rơ?
5 Sứ đồ Phi-e-rơ đã nhận ra Chúa Giê-su là “Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:16). Lời của Đức Giê-hô-va từ trên trời khẳng định điều đó, và sự hóa hình của Chúa Giê-su là hình bóng cho việc đấng Christ đến trong quyền phép và sự vinh hiển Nước Trời để rồi cuối cùng phán xét nhân loại. Hơn 30 năm sau sự hóa hình, Phi-e-rơ viết: “Khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền-phép và sự đến của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt-để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai-nghiêm Ngài. Vì Ngài đã nhận-lãnh sự tôn-trọng vinh-hiển từ nơi Đức Chúa Trời, Cha Ngài, khi Đấng tôn-nghiêm rất cao phán cùng Ngài rằng: ‘Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường’. Chính chúng tôi cũng từng nghe tiếng ấy đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên hòn núi thánh” (II Phi-e-rơ 1:16-18; I Phi-e-rơ 4:17).
6. Sau sự hóa hình, các biến cố đã diễn ra như thế nào?
6 Ngày nay, đức tin chúng ta cũng được vững mạnh nhờ những gì mà ba sứ đồ đã thấy. Dĩ nhiên, kể từ năm 32 CN các biến cố đã lần lượt xảy ra. Năm sau, Chúa Giê-su chết và được làm sống lại, lên trời ngự bên hữu Cha ngài (Công-vụ các Sứ-đồ 2:29-36). Vào Lễ Ngũ Tuần năm đó, một dân mới là “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” thành hình, và bắt đầu cổ động công việc rao giảng, khởi sự ở Giê-ru-sa-lem và sau đó lan rộng đến tận cùng trái đất (Ga-la-ti 6:16; Công-vụ các Sứ-đồ 1:8). Gần như ngay sau đó các môn đồ của Chúa Giê-su đều gặp thử thách về đức tin. Vì không chịu ngừng rao giảng nên các sứ đồ bị bắt và bị đánh đập tàn nhẫn. Không bao lâu Ê-tiên bị giết. Rồi đến Gia-cơ, là người đã chứng kiến sự hóa hình, bị giết chết (Công-vụ các Sứ-đồ 5:17-40; 6:8 đến 7:60; 12:1, 2). Tuy nhiên, Phi-e-rơ và Giăng còn sống sót để phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trung thành thêm nhiều năm. Thật vậy, gần cuối thế kỷ thứ nhất CN, Giăng có ghi thêm những sự hiện thấy về Chúa Giê-su trong sự vinh hiển trên trời (Khải-huyền 1:12-20; 14:14; 19:11-16).
7. a) Khi nào sự hiện thấy về sự hóa hình bắt đầu được ứng nghiệm? b) Khi nào Chúa Giê-su thưởng cho một số người tùy theo việc họ làm?
7 Kể từ khi “ngày của Chúa” bắt đầu vào năm 1914, nhiều sự hiện thấy của Giăng đã được ứng nghiệm (Khải-huyền 1:10). Còn về việc Chúa Giê-su ‘đến trong sự vinh-hiển của Cha’, như được tượng trưng trước trong sự hóa hình thì sao? Sự hiện thấy này bắt đầu được ứng nghiệm vào năm 1914 khi Nước của Đức Chúa Trời ra đời ở trên trời. Khi Chúa Giê-su, giống như một sao mai, xuất hiện trong vũ trụ với tư cách là Vua mới lên ngôi, thì điều đó tựa như bình minh của một ngày mới theo nghĩa tượng trưng (II Phi-e-rơ 1:19; Khải-huyền 11:15; 22:16). Vào lúc đó Chúa Giê-su có thưởng cho một số người tùy theo việc họ làm không? Có. Chúng ta có bằng chứng vững chắc rằng ít lâu sau đó, sự sống lại của các tín đồ đấng Christ được xức dầu đã bắt đầu (II Ti-mô-thê 4:8; Khải-huyền 14:13).
8. Những biến cố nào sẽ cho thấy rằng sự ứng nghiệm của việc hóa hình đạt đến cực điểm?
8 Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa Chúa Giê-su sẽ “ngự trong sự vinh-hiển mình mà đến với các thiên-sứ thánh” để phán xét toàn thể nhân loại (Ma-thi-ơ 25:31). Lúc đó, ngài sẽ biểu dương sự vinh hiển huy hoàng của ngài và thưởng phạt cho “từng người” xứng đáng với việc họ làm. Những người giống như chiên sẽ hưởng sự sống đời đời trong Nước Trời đã được chuẩn bị sẵn cho họ, và những người giống như dê sẽ vào “hình phạt đời đời”. Lúc ấy, sự hiện thấy của việc hóa hình sẽ được ứng nghiệm dẫn đến một kết cuộc thật là tuyệt diệu làm sao! (Ma-thi-ơ 25:34, 41, 46; Mác 8:38; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-10).
Những người bạn vinh hiển của Chúa Giê-su
9. Chúng ta có nên nghĩ rằng Môi-se và Ê-li sẽ có mặt cùng với Chúa Giê-su khi sự hiện thấy về sự hóa hình được ứng nghiệm không? Hãy giải thích.
9 Không phải chỉ có Chúa Giê-su ở trong sự hóa hình. Các sứ đồ thấy có Môi-se và Ê-li cùng với ngài (Ma-thi-ơ 17:2, 3). Họ có thật sự hiện diện không? Không, bởi vì cả hai đều đã chết từ lâu và đang ngủ trong mồ mả chờ ngày được sống lại (Truyền-đạo 9:5, 10; Hê-bơ-rơ 11:35). Họ sẽ có mặt cùng với Chúa Giê-su khi ngài đến trong sự vinh hiển trên trời không? Không, bởi vì Môi-se và Ê-li đã sống trước khi hy vọng lên trời được mở ra cho loài người. Họ sẽ có phần trong “sự sống lại của người công-bình” ở trên đất (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15). Vì vậy, việc họ có mặt trong sự hiện thấy về sự hóa hình có tính cách tượng trưng. Tượng trưng cho điều gì?
10, 11. Trong những bối cảnh khác nhau, Ê-li và Môi-se tượng trưng cho ai?
10 Trong những bối cảnh khác, Môi-se và Ê-li là các nhân vật có hình ảnh tiên tri. Với tư cách là người trung gian của giao ước Luật pháp, Môi-se tượng trưng cho Chúa Giê-su, Đấng trung bảo của giao ước mới (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:18; Ga-la-ti 3:19; Hê-bơ-rơ 8:6). Ê-li làm hình bóng cho Giăng Báp-tít, người dọn đường cho đấng Mê-si (Ma-thi-ơ 17:11-13). Hơn nữa, trong văn cảnh của Khải-huyền đoạn 11, Môi-se và Ê-li làm hình bóng cho lớp người được xức dầu còn sót lại trong thời kỳ cuối cùng. Làm sao chúng ta biết điều đó?
11 Hãy xem Khải-huyền 11:1-6. Trong câu 3 chúng ta đọc: “Ta sẽ cho hai người làm chứng ta mặc áo bao gai đi nói tiên-tri trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày”. Lời tiên tri này đã ứng nghiệm qua tín đồ đấng Christ được xức dầu còn sót lại trong Thế Chiến I.a Tại sao có hai người làm chứng? Bởi vì lớp người được xức dầu còn sót lại thực hiện những công việc giống như của Môi-se và Ê-li về phương diện thiêng liêng. Câu 5 và 6 nói tiếp: “Nếu ai muốn làm hại [hai người làm chứng], thì có lửa ra từ miệng hai người thiêu-nuốt kẻ thù-nghịch mình: kẻ nào muốn làm hại hai người thì phải bị giết như vậy. Hai người có quyền đóng trời lại, để cho trời không mưa trong những ngày mình nói tiên-tri; hai người lại có quyền biến nước thành huyết và khiến các thứ tai-nạn làm hại trên đất, lúc nào muốn làm cũng được cả”. Vì vậy, chúng ta được nhắc về những phép lạ mà Ê-li và Môi-se đã thực hiện (Dân-số Ký 16:31-34; I Các Vua 17:1; II Các Vua 1:9-12).
12. Liên quan đến sự hóa hình, Môi-se và Ê-li làm hình bóng cho ai?
12 Vậy, Môi-se và Ê-li làm hình bóng cho ai liên quan đến sự hóa hình? Lu-ca nói rằng họ hiện ra cùng với Chúa Giê-su “trong sự vinh-hiển” (Lu-ca 9:31). Rõ ràng, họ làm hình bóng cho những tín đồ đấng Christ được xức dầu bằng thánh linh với tư cách là “kẻ đồng kế-tự” với Chúa Giê-su và do đó họ có hy vọng tuyệt diệu là được “vinh-hiển” với ngài (Rô-ma 8:17). Khi Chúa Giê-su đến trong sự vinh hiển của Cha ngài thì những người xức dầu được sống lại sẽ có mặt với ngài để “thưởng cho từng người, tùy việc họ làm” (Ma-thi-ơ 16:27).
Những người làm chứng giống như Môi-se và Ê-li
13. Môi-se và Ê-li có những đặc điểm nào khiến họ là những hình ảnh tiên tri thích hợp cho lớp người xức dầu đồng kế tự với Chúa Giê-su và được vinh hiển cùng với ngài?
13 Môi-se và Ê-li có những đặc điểm khiến họ là những hình ảnh tiên tri thích hợp cho những người xức dầu đồng kế tự với Chúa Giê-su. Qua nhiều năm cả Môi-se lẫn Ê-li đều là phát ngôn viên của Đức Giê-hô-va. Cả hai đều phải đương đầu với sự phẫn nộ của vua. Trong lúc gặp khó khăn, mỗi người đều được một gia đình ngoại quốc cho nương náu. Cả hai đều can đảm nói tiên tri trước mặt các vua và kiên quyết chống lại các tiên tri giả. Cả Môi-se và Ê-li đều thấy Đức Giê-hô-va biểu dương quyền năng của ngài tại Núi Si-na-i (cũng được gọi là Hô-rếp). Cả hai đều bổ nhiệm người kế vị ở phía đông sông Giô-đanh. Và không kể các phép lạ xảy ra vào thời của Chúa Giê-su, thời của cả Môi-se (với Giô-suê) lẫn Ê-li (với Ê-li-sê) đều có nhiều phép lạ nhất.b
14. Lớp người được xức dầu đã phụng sự với tư cách phát ngôn viên của Đức Giê-hô-va giống như Môi-se và Ê-li như thế nào?
14 Chẳng lẽ tất cả những điều đó lại không làm chúng ta nhớ đến Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời hay sao? Chắc chắn có. Chúa Giê-su bảo các môn đồ trung thành: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi đều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế” (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Vâng theo những lời này, các tín đồ đấng Christ được xức dầu đã phụng sự với tư cách phát ngôn viên của Đức Giê-hô-va kể từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN cho đến nay. Giống như Môi-se và Ê-li, họ phải đối phó với sự phẫn nộ của các nhà cầm quyền và đã làm chứng cho họ. Chúa Giê-su nói với 12 sứ đồ: “Các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng-đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại” (Ma-thi-ơ 10:18). Lời ngài đã được ứng nghiệm nhiều lần trong lịch sử của hội thánh đạo đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 25:6, 11, 12, 24-27; 26:3).
15, 16. Có sự tương đồng nào giữa những người xức dầu và Môi-se và Ê-li về a) việc can đảm bênh vực lẽ thật? b) việc được những người không phải là dân Y-sơ-ra-ên giúp đỡ?
15 Hơn nữa, giống như Môi-se và Ê-li, các tín đồ đấng Christ được xức dầu đã can đảm bênh vực lẽ thật mà chống lại tôn giáo giả. Hãy nhớ lại cách Phao-lô lên án tiên tri giả người Do Thái là Ba-Giê-su và đã khéo léo nhưng cương quyết vạch trần sự hư không của các thần của người A-thên (Công-vụ các Sứ-đồ 13:6-12; 17:16, 22-31). Nên nhớ rằng ngày nay lớp người được xức dầu còn sót lại cũng can đảm vạch trần các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và khiến cho các tôn giáo phải khốn đốn vì những lời họ làm chứng (Khải-huyền 8:7-12).c
16 Khi Môi-se thoát khỏi cơn thạnh nộ của Pha-ra-ôn, ông nương náu tại nhà một người không phải là dân Y-sơ-ra-ên, Rê-u-ên, còn được gọi là Giê-trô. Về sau, Rê-u-ên cho Môi-se lời khuyên quí báu về cách tổ chức, và con trai ông là Hô-báp, đã dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi qua đồng vắng.d (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:15-22; 18:5-27; Dân-số Ký 10:29). Những người thuộc dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời cũng có được sự giúp đỡ như thế của những người không thuộc dân Y-sơ-ra-ên được xức dầu của Đức Chúa Trời không? Có chứ, họ được “đám đông” các “chiên khác” ủng hộ, là nhóm người xuất hiện trong những ngày sau rốt (Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16; Ê-sai 61:5). Khi tiên tri rằng các “chiên” này sẽ hết lòng yêu thương ủng hộ các anh em xức dầu của mình, Chúa Giê-su nói với họ: “Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp-rước ta; ta trần-truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta... Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn-mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Ma-thi-ơ 25:35-40).
17. Những người được xức dầu có kinh nghiệm giống như Ê-li khi ông ở trên Núi Hô-rếp như thế nào?
17 Hơn nữa, dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời cũng trải qua kinh nghiệm giống như Ê-li khi ông ở trên Núi Hô-rếp.e Giống như lúc Ê-li chạy trốn hoàng hậu Giê-sa-bên, lớp người được xức dầu còn sót lại lo sợ và nghĩ rằng công việc của họ đã hoàn tất vào cuối Thế Chiến I. Lúc đó, cũng như Ê-li, họ phải chạm trán với Đức Giê-hô-va, là Đấng đến để phán xét các tổ chức tự xưng là “nhà Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 4:17; Ma-la-chi 3:1-3). Trong khi các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ bị xét là không đủ tiêu chuẩn, thì lớp người được xức dầu còn sót lại được xem là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và được bổ nhiệm để coi sóc cả gia tài trên đất của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 24:45-47). Tại Hô-rếp, Ê-li nghe “một tiếng êm-dịu nhỏ-nhẹ”, đó quả là tiếng của Đức Giê-hô-va giao cho ông thêm công việc phải làm. Trong thời yên ổn của những năm hậu chiến, các tôi tớ trung thành được xức dầu của Đức Giê-hô-va nghe tiếng ngài qua các trang Kinh-thánh. Họ cũng hiểu rằng họ có một sứ mệnh phải hoàn tất (I Các Vua 19:4, 9-18; Khải-huyền 11:7-13).
18. Đức Giê-hô-va biểu dương quyền năng phi thường qua Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời như thế nào?
18 Sau cùng, Đức Giê-hô-va có biểu dương quyền năng phi thường qua Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời không? Sau khi Chúa Giê-su chết, các sứ đồ làm nhiều phép lạ, nhưng những phép lạ này dần dần đã ngưng lại (I Cô-rinh-tô 13:8-13). Ngày nay, chúng ta không thấy phép lạ về mặt thể chất. Mặt khác, Chúa Giê-su nói với môn đồ ngài: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa” (Giăng 14:12). Lời này được ứng nghiệm trước tiên khi các môn đồ của Chúa Giê-su rao giảng tin mừng khắp Đế quốc La Mã trong thế kỷ thứ nhất (Rô-ma 10:18). Ngày nay nhiều công việc vĩ đại hơn được thực hiện khi lớp người được xức dầu còn sót lại dẫn đầu trong việc rao giảng tin mừng “khắp đất, để làm chứng cho muôn dân” (Ma-thi-ơ 24:14). Kết quả là gì? Chưa bao giờ trong lịch sử lại có đông tôi tớ trung thành, tận tụy của Đức Giê-hô-va được thâu nhóm như trong thế kỷ 20 này (Khải-huyền 5:9, 10; 7:9, 10). Thật là một bằng chứng tuyệt diệu về quyền năng của Đức Giê-hô-va! (Ê-sai 60:22).
Các anh em của Chúa Giê-su đến trong sự vinh hiển
19. Khi nào các anh em được xức dầu của Chúa Giê-su có được sự vinh hiển cùng với ngài?
19 Khi đời sống trên đất của họ kết thúc, các anh em được xức dầu còn sót lại của Chúa Giê-su sẽ được vinh hiển với ngài (Rô-ma 2:6, 7; I Cô-rinh-tô 15:53; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:14, 17). Như thế, họ trở thành vua và thầy tế lễ bất tử trong Nước Trời. Lúc đó cùng với Chúa Giê-su, họ sẽ “cai-trị bằng một cây gậy sắt, và sẽ phá tan các nước như đồ gốm” (Khải-huyền 2:27; 20:4-6; Thi-thiên 110:2, 5, 6). Cùng với Chúa Giê-su, họ sẽ ngự trên ngôi mà xét đoán “mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 19:28). Muôn vật đang than thở nóng lòng trông đợi những biến cố này trong thời kỳ “con-cái Đức Chúa Trời được tỏ ra” (Rô-ma 8:19-21; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-8).
20. a) Sự hóa hình đã củng cố đức tin của Phi-e-rơ về triển vọng nào? b) Ngày nay sự hóa hình làm vững mạnh các tín đồ đấng Christ như thế nào?
20 Phao-lô nói về sự hiện đến của Chúa Giê-su trong lúc “hoạn-nạn lớn” xảy ra, ông viết: “Ngài sẽ đến trong ngày đó, để được sáng danh trong các thánh-đồ, được khen-ngợi trong mọi kẻ tin” (Ma-thi-ơ 24:21; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:10). Đó thật là một triển vọng tuyệt vời làm sao cho Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng và tất cả các tín đồ đấng Christ được thánh linh xức dầu! Sự hóa hình củng cố đức tin của Phi-e-rơ. Chắc chắn, đọc về điều đó cũng giúp đức tin chúng ta vững mạnh và củng cố niềm tin của chúng ta là không bao lâu nữa Chúa Giê-su sẽ “thưởng cho từng người, tùy việc họ làm”. Các tín đồ trung thành được xức dầu còn sống sót cho đến ngày nay thấy họ có lý do chính đáng để tin chắc rằng họ sẽ được vinh hiển với Chúa Giê-su. Các chiên khác được vững mạnh đức tin vì biết rằng ngài sẽ cứu họ khỏi sự cuối cùng của hệ thống mọi sự gian ác để bước vào thế giới mới huy hoàng (Khải-huyền 7:14). Điều này khích lệ chúng ta biết bao để đứng vững cho đến cùng! Và sự hiện thấy này có thể giúp chúng ta biết được nhiều điều hơn nữa, như chúng ta sẽ thấy trong bài kế tiếp.
[Chú thích]
a Xem các sách “Let Your Name Be Sanctified”, trang 313-314, và Revelation—Its Grand Climax At Hand!, trang 164-165, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
b Xuất Ê-díp-tô Ký 2:15-22; 3:1-6; 5:2; 7:8-13; 8:18; 19:16-19; Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:23; I Các Vua 17:8-16; 18:21-40; 19:1, 2, 8-18; II Các Vua 2:1-14.
c Hãy xem trang 133-141 trong sách Revelation—Its Grand Climax At Hand!
d Xem sách You May Survive Armageddon Into God’s New World, trang 281-283, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
e Xem sách “Let Your Name Be Sanctified”, trang 317-320.
Bạn có nhớ không?
◻ Có ai hiện ra với Chúa Giê-su trong sự hóa hình?
◻ Sự hóa hình làm vững mạnh đức tin của các sứ đồ như thế nào?
◻ Khi Môi-se và Ê-li hiện ra “trong sự vinh-hiển” cùng với Chúa Giê-su trong sự hóa hình, họ tượng trưng cho ai?
◻ Có sự tương tự nào giữa Môi-se, Ê-li và Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời?
[Hình nơi trang 10]
Sự hiện thấy về sự hóa hình củng cố đức tin của các tín đồ đấng Christ trong quá khứ và hiện tại