Dù bị cùi, đời sống tôi vẫn vui vẻ và được ban phước về thiêng liêng
DO ISAIAH ADAGBONA KỂ LẠI
Tôi lớn lên ở Akure, Nigeria. Gia đình tôi trồng khoai lang, chuối, khoai mì và ca-cao. Cha tôi không muốn tôi đi học. Cha nói với tôi: “Con là nông dân. Con không cần phải biết đọc mới trồng được khoai”.
DẪU VẬY, tôi vẫn muốn biết đọc. Chiều chiều, tôi đứng lắng nghe cạnh cửa sổ của một căn nhà có mấy đứa trẻ đang học với một ông thầy dạy tư. Năm đó là năm 1940 khi tôi mới khoảng 12 tuổi. Khi cha của mấy đứa trẻ nhìn thấy tôi, ông ấy la và đuổi tôi đi chỗ khác. Nhưng tôi cứ trở lại. Đôi khi thầy giáo không đến, tôi lẻn vào và mấy đứa trẻ cho tôi xem sách của chúng. Thỉnh thoảng chúng cho tôi mượn sách của chúng. Nhờ đó, tôi biết đọc.
Tôi gia nhập dân sự Đức Chúa Trời
Với thời gian tôi kiếm được một cuốn Kinh-thánh và tôi đều đặn đọc trước khi đi ngủ. Một buổi tối nọ tôi đọc Ma-thi-ơ đoạn 10, đoạn này cho thấy các môn đồ của Chúa Giê-su sẽ bị người ta ghen ghét và bắt bớ.
Tôi nhớ lại rằng Nhân-chứng Giê-hô-va đã đến nhà tôi và đã bị đối xử tồi tệ. Tôi chợt hiểu ra rằng những người này có thể là dân mà Chúa Giê-su đã nói đến. Lần sau, khi các Nhân-chứng đến thăm, tôi nhận một tạp chí của họ. Khi tôi bắt đầu kết hợp với họ, tôi trở thành trò đùa cho thiên hạ. Thế nhưng, người ta càng tìm cách làm tôi nản lòng bao nhiêu thì tôi càng tin tưởng và càng trở nên vui mừng bấy nhiêu vì đã tìm ra tôn giáo thật.
Điều thật sự khiến tôi cảm phục các Nhân-chứng là họ không giống như các nhóm tôn giáo khác trong vùng tôi ở, họ không pha trộn sự thờ phượng của họ với tục lệ và truyền thống của ngoại giáo ở địa phương. Chẳng hạn, dù gia đình tôi đi nhà thờ Anh Giáo, cha tôi cứ giữ nguyên cái miếu thờ thần Yoruba là Ogun.
Sau khi cha tôi mất, theo truyền thống tôi được thừa hưởng cái miếu thờ đó. Tôi không muốn nó, vì tôi hiểu rằng Kinh-thánh lên án sự thờ hình tượng. Tôi tiến bộ về thiêng liêng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va và vào tháng 12-1954, tôi làm báp têm.
Mắc bệnh cùi
Đầu năm ấy, tôi thấy chân tôi bị phồng lên và mất hết cảm giác. Nếu tôi đạp nhằm than lửa đỏ chắc cũng chẳng thấy đau đớn gì cả. Ít lâu sau, ung nhọt đo đỏ nổi lên trên trán và môi tôi. Chính tôi và gia đình tôi không ai biết bệnh đó là bệnh gì; chúng tôi tưởng đó là bệnh chàm (eczema). Tôi đi khám 12 thầy lang để chữa chạy. Cuối cùng, một người trong họ bảo đó là bệnh cùi.
Tôi vô cùng sửng sốt! Tôi buồn quá và không ngủ được. Tôi thường có những cơn ác mộng. Nhưng sự hiểu biết của tôi về lẽ thật trong Kinh-thánh và niềm tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va đã giúp tôi nhìn về tương lai với sự tin cậy.
Người ta bảo với mẹ tôi rằng nếu tôi đi đến một thầy bói để cúng bái, họa may tôi sẽ khỏe hơn. Tôi không chịu đi, biết rằng một hành động như thế không làm Đức Giê-hô-va hài lòng. Biết tôi quyết định không chịu đi, các bạn của mẹ tôi đề nghị mẹ tôi lấy hạt côla cọ vào trán tôi. Rồi mẹ tôi có thể đem hạt côla ấy cho thầy bói dâng lễ hộ tôi. Tôi không muốn dính líu vào việc đó và tôi nói cho mẹ biết. Cuối cùng mẹ tôi mới chịu để cho tôi yên, không còn cố bắt tôi dính líu đến ngoại giáo nữa.
Khi tôi đi bệnh viện, bệnh cùi đã khá nặng rồi. Ung nhọt nổi lên khắp mình mẩy tôi. Tại bệnh viện người ta cho tôi uống thuốc và dần dần da thịt tôi trở lại bình thường.
Người ta tưởng là tôi đã chết
Nhưng vấn đề của tôi chưa hết đâu. Chân phải của tôi bị lở loét nặng và vào năm 1962 người ta phải cắt bỏ. Sau cuộc giải phẫu, lại có biến chứng. Các bác sĩ không nghĩ là tôi vượt qua được. Một linh mục người da trắng làm giáo sĩ đến làm phép xức dầu cho tôi. Sức tôi quá yếu nên không thể nói được, nhưng một cô y tá bảo với ông rằng tôi là Nhân-chứng Giê-hô-va.
Ông linh mục nói với tôi: “Ông có muốn đổi đạo trở thành người Công Giáo để được lên trời không?” Câu hỏi đó làm tôi cười thầm trong bụng. Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va cho tôi sức lực để trả lời. Cố gắng hết sức tôi nói: “Không!” Ông linh mục quay gót đi một mạch.
Tình trạng của tôi càng lúc càng trầm trọng đến đỗi nhân viên bệnh viện tưởng tôi đã chết rồi. Họ lấy vải phủ mặt tôi lại. Nhưng họ không đưa tôi đến nhà xác vì cần phải có một bác sĩ hoặc một y tá chứng nhận rằng tôi đã chết. Không một bác sĩ nào trực ở đó còn tất cả các y tá đều đã đi ăn tiệc. Bởi vậy họ bỏ tôi lại phòng bệnh qua đêm. Sáng hôm sau, khi bác sĩ đi một vòng thăm bệnh nhân, không ai đến bên giường tôi vì tôi vẫn còn được phủ khăn khiến người ta tưởng là tôi đã chết. Cuối cùng, có người để ý thấy “xác chết” nằm dưới tấm vải động đậy!
Thế rồi tôi hồi phục và vào tháng 12-1963 họ chuyển tôi đến Trại Điều Dưỡng Người Cùi Abeokuta, ở tây nam Nigeria. Tôi sống ở đó tới bây giờ.
Công việc rao giảng của tôi bị chống đối
Có khoảng chừng 400 người cùi ở trong trại điều dưỡng khi tôi đến và tôi là Nhân-chứng duy nhất. Tôi viết thư cho Hội và Hội nhanh chóng trả lời bằng cách phái người ở hội thánh Akomoje đến tiếp xúc với tôi. Như vậy tôi đã không bao giờ mất liên lạc với anh em.
Vừa khi đến trại điều dưỡng, tôi bắt đầu rao giảng ngay. Ông mục sư địa phương không hài lòng về điều đó và ông báo cho ông trại trưởng. Ông trại trưởng là một người Đức lớn tuổi. Ông bảo tôi không có quyền dạy Kinh-thánh vì tôi không có học thức cũng không có bằng cấp để dạy; vì tôi không đủ khả năng, tôi sẽ dạy người ta sai. Nếu tôi mà còn ngoan cố, tôi sẽ bị đuổi ra khỏi trại và không được điều trị nữa. Ông ấy không cho phép tôi nói gì cả.
Kế đến ông ta ra chỉ thị là không ai được phép học hỏi Kinh-thánh với tôi. Bởi vậy cho nên những người đã tỏ ra chú ý ngừng qua lại với tôi.
Tôi cầu nguyện Đức Giê-hô-va về vấn đề đó, xin Ngài chỉ dẫn và ban cho tôi sự khôn ngoan. Chủ Nhật sau đó tôi đi nhà thờ Báp-tít ở trong trại, nhưng không tham gia nghi lễ tôn giáo. Trong lúc hành lễ, những người hiện diện có cơ hội nêu ra câu hỏi. Tôi giơ tay lên và hỏi: “Nếu như tất cả những người hiền được lên trời và tất cả những người dữ bị đưa đi nơi nào khác, vậy thì tại sao Ê-sai 45:18 nói rằng Đức Chúa Trời đã lập ra trái đất để dân ở?”
Giữa hội chúng có tiếng xì xào nổi lên. Cuối cùng, giáo sĩ mục sư nói rằng chúng ta không thể biết được đường lối của Đức Chúa Trời. Tới đây tôi tự trả lời cho câu hỏi của mình bằng cách đọc các câu Kinh-thánh cho thấy rằng sẽ có 144.000 người được lên trời, người ác sẽ bị hủy diệt và những người công bình sẽ sống đời đời trên đất (Thi-thiên 37:10, 11; Khải-huyền 14:1, 4).
Mọi người đều vỗ tay hoan nghênh câu trả lời. Rồi ông mục sư nói: “Xin cho thêm một tràng pháo tay nữa vì người này thật sự biết Kinh-thánh”. Sau khi tan lễ, một số người đến gặp tôi và nói: “Ông biết Kinh-thánh còn rành hơn mục sư nữa!”
Áp lực đuổi tôi vẫn tiếp tục
Chuyện đó khiến sự bắt bớ giảm đi nhiều và người ta lại đến gặp tôi để học Kinh-thánh. Tuy nhiên, vẫn còn những người chống đối làm áp lực cho ông trại trưởng đuổi tôi đi. Khoảng một tháng sau buổi lễ đó, ông trại trưởng gọi tôi và hỏi: “Tại sao anh cứ tiếp tục giảng đạo? Ở nước tôi, người ta không ưa Nhân-chứng Giê-hô-va, và ở đây cũng thế thôi. Tại sao anh gây rắc rối cho tôi? Anh không biết là tôi có thể đuổi anh đi sao?”
Tôi đáp: “Thưa bố, con kính trọng bố vì ba lý do. Thứ nhất, vì bố lớn tuổi hơn con, và Kinh-thánh bảo chúng con phải kính trọng người tóc bạc. Lý do thứ hai để con kính trọng bố là vì bố đã rời xứ sở mình để đến đây giúp đỡ chúng con. Lý do thứ ba là bởi vì bố tử tế, rộng lượng và cứu giúp những người khốn khổ. Nhưng bố nghĩ bố lấy quyền gì để đuổi con? Ông tổng thống nước này không có đuổi Nhân-chứng Giê-hô-va đi. Người cầm quyền truyền thống của vùng này không có đuổi chúng con. Dù cho bố có đuổi con ra khỏi trại đi nữa, Đức Giê-hô-va sẽ vẫn săn sóc đến con”.
Trước đó tôi chưa từng nói thẳng với ông ấy như thế bao giờ, và tôi có thể thấy việc ấy gây ấn tượng mạnh đối với ông. Ông ấy bỏ đi, không nói một lời. Sau đó, khi có người than phiền về tôi, ông ấy bực mình đáp: “Tôi không dính líu vô vụ này nữa đâu. Nếu ông có vấn đề với chuyện giảng đạo của anh ấy, hãy đi nói với anh ấy đi!”
Lớp dạy đọc và viết
Những người đi dự lễ nhà thờ Báp-tít ở trong trại tiếp tục chống đối công việc rao giảng của tôi. Nhưng rồi tôi nẩy ra một ý. Tôi đi gặp ông trại trưởng và xin phép ông ấy cho tôi mở lớp dạy đọc và viết. Khi ông ấy hỏi tôi muốn được trả lương bao nhiêu, tôi nói tôi dạy miễn phí.
Người ta sắp đặt một phòng học, bảng đen và phấn, vậy tôi bắt đầu dạy một số người ở trong trại tập đọc. Mỗi ngày đều có lớp học. Trong vòng nửa giờ đầu, tôi dạy đọc, rồi tôi thường kể và giải thích một câu chuyện trong Kinh-thánh. Sau đó, chúng tôi đọc lời tường thuật trong Kinh-thánh.
Có một nữ học viên tên là Nimota. Cô hết sức chú ý đến những điều thiêng liêng và thường nêu ra những câu hỏi về tôn giáo tại nhà thờ và thánh đường Hồi Giáo. Ở đó cô đã không tìm được câu trả lời, nên cô thường đến hỏi tôi. Cuối cùng, cô hiến dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm. Năm 1966 chúng tôi kết hôn.
Phần lớn hội thánh của chúng tôi ngày nay đều biết đọc và biết viết nhờ lớp học đó. Không phải là tôi đã có sự khôn ngoan để đề nghị mở lớp học đó. Đức Giê-hô-va rõ ràng đã ban phước. Từ đó về sau không ai còn ngăn cản tôi rao giảng nữa.
Một Phòng Nước Trời trong trại
Vào lúc mà tôi và Nimota kết hôn với nhau, có bốn người chúng tôi họp đều đặn để cùng học Tháp Canh. Khoảng một năm, chúng tôi họp ở trong phòng rửa vết thương bệnh cùi. Rồi ông trại trưởng, lúc đó đã trở thành bạn tôi rồi, nói với tôi: “Quí vị thờ phượng Đức Chúa Trời ở trong phòng chữa bệnh này không tốt đâu”.
Ông bảo chúng tôi có thể họp ở trong trại thợ mộc bỏ trống. Cuối cùng, cái trại ấy được biến thành một Phòng Nước Trời. Vào năm 1992, với sự giúp đỡ của anh em ở trong làng, chúng tôi cất xong Phòng Nước Trời. Như các bạn có thể thấy trong hình nơi trang 24, Phòng Nước Trời của chúng tôi là một ngôi nhà vững chắc—tường trát vữa và quét vôi, có sàn bê tông và mái vững chắc.
Rao giảng cho những người cùi
Trong suốt 33 năm khu vực rao giảng của tôi là trại điều trị cho người cùi. Rao giảng cho người cùi ra sao? Ở Phi Châu đây, hầu hết người ta đều tin rằng mọi sự đều do Đức Chúa Trời an bài. Vì thế khi người ta mắc bệnh cùi, họ cho rằng Đức Chúa Trời ít nhiều chịu trách nhiệm về việc này. Một số người rất buồn nản về tình trạng của họ. Người khác thì giận dữ và nói: “Thôi đi, đừng nói với chúng tôi về Đức Chúa Trời yêu thương và thương xót gì cả. Nếu có Đức Chúa Trời, bệnh này đã biến mất rồi!” Vậy chúng tôi đọc và lý luận dựa trên Gia-cơ 1:13, nói: ‘Đức Chúa Trời chẳng lấy sự ác nào cám-dỗ ai’. Kế đến chúng tôi giải thích tại sao Đức Giê-hô-va để cho người ta mắc bệnh và chúng tôi nêu ra lời hứa về một địa đàng ở trên đất nơi mà không ai sẽ bị bệnh nữa (Ê-sai 33:24).
Nhiều người đã hưởng ứng tin mừng. Kể từ khi tôi nhập trại cho đến nay, Đức Giê-hô-va đã dùng tôi để giúp trên 30 người đi đến sự dâng mình và làm báp têm, tất cả đều là người cùi. Nhiều người đã trở về nhà họ sau khi được chữa lành, và một ít người thì đã chết. Bây giờ chúng tôi có 18 người công bố Nước Trời và có khoảng 25 người đều đặn dự các buổi họp. Hai người trong vòng chúng tôi phụng sự với tư cách trưởng lão và chúng tôi có một tôi tớ thánh chức và một người tiên phong đều đều. Tôi thật là sung sướng nhìn thấy nhiều người như thế bây giờ đang phụng sự Đức Giê-hô-va ở trong trại này! Khi tôi mới đến, tôi sợ bị cô độc, nhưng Đức Giê-hô-va đã ban phước cho tôi một cách kỳ diệu.
Niềm vui được phục vụ anh em
Tôi dùng thuốc trị bệnh cùi từ năm 1960 cho đến cách đây độ năm năm. Bây giờ tôi đã lành hẳn, cũng như những người khác trong hội thánh. Bệnh cùi đã để lại dấu vết—tôi bị mất ống chân và không thể duỗi thẳng hai bàn tay ra—nhưng bệnh cùi thì hết rồi.
Kể từ khi hết bệnh, có người hỏi tôi tại sao tôi không chịu rời trại mà về nhà. Có nhiều lý do tại sao tôi ở lại, nhưng lý do chính là vì tôi muốn tiếp tục giúp đỡ anh em của tôi ở đây. Niềm vui được chăm sóc chiên của Đức Giê-hô-va vượt hẳn bất cứ điều gì mà gia đình tôi có thể cho tôi nếu tôi trở về với họ.
Tôi thật biết ơn là đã biết Đức Giê-hô-va trước khi tôi hay rằng mình bị bệnh cùi. Bằng chẳng vậy, có lẽ tôi đã tự tử rồi. Trải qua năm / tháng, có nhiều vấn đề và khó khăn, nhưng điều đã duy trì sự sống tôi không phải là thuốc men, mà là Đức Giê-hô-va. Tôi vui mừng khi hồi tưởng lại dĩ vãng; và khi tôi nghĩ đến tương lai dưới Nước Đức Chúa Trời, tôi lại càng vui mừng gấp bội.
[Khung nơi trang 25]
Tài liệu quan trọng về bệnh cùi
Bệnh cùi là gì?
Bệnh cùi thời nay là một chứng bệnh gây ra bởi một vi khuẩn đã được Armauer Hansen khám phá ra vào năm 1873. Để công nhận công trình của ông, các bác sĩ cũng gọi bệnh cùi là bệnh Hansen.
Vi khuẩn phá hại các dây thần kinh, xương, mắt và một số bộ phận. Cảm giác bị mất đi, thường là ở tay và chân. Nếu không ngăn chặn, bệnh này có thể gây ra sự lở loét trên mặt và tứ chi. Bệnh này hiếm khi làm chết người.
Có thuốc chữa không?
Những người mắc bệnh cùi nhẹ thường không cần phải chữa trị gì cả cũng lành được. Những trường hợp nặng hơn có thể chữa trị bằng thuốc men.
Thuốc đầu tiên trị bệnh cùi đã được dùng vào thập kỷ 1950, tác động chậm và càng ngày càng vô hiệu vì vi khuẩn bệnh cùi phát triển được sức kháng cự thuốc. Những loại thuốc khác đã được phát minh, và kể từ đầu thập kỷ 1980, phương pháp trị liệu đa dược (MDT) đã trở thành phương pháp trị liệu tiêu chuẩn trên toàn thế giới. Phương pháp trị liệu này phối hợp ba loại thuốc—Dapsone, Rifampicin và Clofazimine. Dù thuốc MDT giết được vi khuẩn, nó không giúp bệnh nhân lành lặn lại như xưa.
Thuốc MDT rất hữu hiệu trong việc chữa trị bệnh cùi. Kết quả là số người mắc bệnh cùi đã tụt nhanh từ 12 triệu vào năm 1985 xuống còn khoảng 1,3 triệu vào khoảng giữa năm 1996.
Bệnh cùi hay lây cỡ nào?
Bệnh cùi không hay lây lắm; phần đông người ta có hệ thống miễn dịch đủ mạnh để chống bệnh này. Khi bệnh lây sang người khác, thường là lây sang những ai sống gần gũi và tiếp xúc với người bệnh trong một thời gian dài.
Các bác sĩ không biết chắc vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người ta như thế nào, nhưng họ nghi là nó nhập vào cơ thể qua đường da hoặc qua mũi.
Triển vọng tương lai
Người ta nhắm đến mục tiêu là trước năm 2000 bệnh cùi sẽ “không còn là vấn đề sức khỏe công cộng nữa”. Điều này có nghĩa là con số ca bệnh cùi trong bất cứ cộng đồng nào cũng sẽ không vượt quá tỉ số 1 trên 10.000. Dưới Nước Đức Chúa Trời, bệnh cùi sẽ hoàn toàn không còn nữa (Ê-sai 33:24).
Nguồn tài liệu: Tổ Chức Y Tế Thế Giới; Các Hiệp Hội Quốc Tế Chống Bệnh Cùi; và sách Manson’s Tropical Diseases, ấn bản năm 1996.
[Khung nơi trang 27]
Bệnh cùi ngày nay có giống như thời Kinh-thánh được viết ra không?
Các sách giáo khoa y học ngày nay định nghĩa bệnh cùi bằng những từ rõ ràng chính xác; danh từ khoa học để chỉ vi khuẩn gây ra bệnh cùi là Mycobacterium leprae. Dĩ nhiên, Kinh-thánh không phải là sách giáo khoa. Các từ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp được dịch ra là “cùi” trong nhiều bản dịch Kinh-thánh bao hàm ý nghĩa rộng hơn. Chẳng hạn, bệnh cùi miêu tả trong Kinh-thánh sinh ra những triệu chứng có thể thấy được không chỉ trên thân thể người bệnh mà còn trên áo quần và trên nhà cửa nữa, điều mà vi khuẩn không gây ra (Lê-vi Ký 13:2, 47; 14:34).
Ngoài ra, triệu chứng nơi con người giúp nhận ra bệnh cùi ngày nay không giống y hệt như lời miêu tả bệnh lý trong thời Kinh-thánh được viết ra. Một số người nói rằng có lẽ là vì bệnh lý thay đổi qua thời gian. Những người khác thì tin rằng bệnh cùi nói đến trong Kinh-thánh bao hàm một loạt căn bệnh, có thể hoặc có thể không bao gồm chứng bệnh do M. leprae gây ra.
Cuốn Theological Dictionary of the New Testament nói rằng cả hai từ Hy Lạp và Hê-bơ-rơ thường được dịch là bệnh cùi “ám chỉ cùng một thứ bệnh, hoặc nhóm bệnh... Bệnh này có phải là bệnh mà chúng ta ngày nay gọi là bệnh cùi hay không vẫn có thể là nghi vấn. Nhưng bệnh này có được y khoa xác định một cách chính xác không cũng không ảnh hưởng lòng quí trọng của chúng ta đối với lời tường thuật về việc [Chúa Giê-su và môn đồ chữa lành những người cùi]”.
[Hình nơi trang 24]
Hội thánh đứng trước Phòng Nước Trời trong trại người cùi
[Hình nơi trang 26]
Anh Isaiah Adagbona và vợ anh, chị Nimota