Bạn có coi trọng di sản quí báu của chúng ta không?
“Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên-đàng đã sắm-sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất”.—MA-THI-Ơ 25:34.
1. Người ta đã nhận được những gì làm di sản?
MỌI người đều đã nhận một số điều làm di sản. Đối với một số người, di sản có thể bao gồm một nếp sống vật chất thoải mái. Đối với những người khác, đó là đời sống nghèo nàn. Trong một số trường hợp, các thế hệ trước, vì những gì đã trải qua hoặc nghe kể lại, đã truyền lại đời sau mối thù ghét sâu đậm đối với một nhóm dân tộc khác. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có một điểm chung. Chúng ta đều đã gánh lấy tội lỗi di truyền từ người đầu tiên A-đam. Di sản ấy cuối cùng dẫn đến sự chết.—Truyền-đạo 9:2, 10; Rô-ma 5:12.
2, 3. Lúc đầu Đức Giê-hô-va đã dành sẵn cho dòng dõi của A-đam và Ê-va di sản nào, và tại sao họ lại không nhận được?
2 Với tư cách một người Cha trên trời đầy yêu thương, Đức Giê-hô-va đã ban cho nhân loại lúc ban đầu một di sản khác hẳn—sự sống đời đời và hoàn toàn trong Địa Đàng. Thoạt đầu, tổ tiên của chúng ta, A-đam và Ê-va, đã có một đời sống hoàn toàn, không tội lỗi. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban trái đất cho nhân loại. (Thi-thiên 115:16) Ngài đã cung cấp vườn Ê-đen để làm kiểu mẫu cho thấy toàn thể địa cầu sẽ như thế nào trong tương lai và đặt trước mặt tổ tiên của chúng ta một nhiệm vụ kỳ diệu và lý thú. Họ phải sinh con cái, chăm sóc trái đất với tất cả cây cối và thú vật khác nhau, và nới rộng ranh giới Địa Đàng ra toàn cầu. (Sáng-thế Ký 1:28, 2:8, 9, 15) Con cháu của họ sẽ tham gia vào công việc này. Thật là một di sản kỳ diệu để truyền lại cho đời sau!
3 Tuy nhiên, nếu muốn hưởng tất cả những điều này, A-đam và Ê-va cùng dòng dõi họ lẽ ra phải có liên lạc tốt với Đức Chúa Trời. Họ có bổn phận phải yêu thương và vâng lời Đức Giê-hô-va, nhưng A-đam va Ê-va đã không quí trọng những gì Đức Chúa Trời đã ban cho và họ đã cãi lời Ngài. Vì đánh mất Địa Đàng và triển vọng huy hoàng mà Đức Chúa Trời đã đặt trước mặt, do đó họ đã không thể truyền lại cho dòng dõi họ di sản đó.—Sáng-thế Ký 2:16, 17; 3:1-24.
4. Bằng cách nào chúng ta có thể nhận được di sản mà A-đam đã đánh mất?
4 Đức Giê-hô-va đã đem lòng thương xót sắp đặt để dòng dõi của A-đam và Ê-va có cơ hội nhận được di sản mà A-đam đã đánh mất. Bằng cách nào? Vào thời điểm đã được Đức Chúa Trời định, chính Con Ngài là Chúa Giê-su Christ, đã hy sinh sự sống làm người hoàn toàn của ngài vì lợi ích của dòng dõi A-đam. Qua cách này, Đấng Christ đã chuộc lại mọi người. Tuy nhiên, di sản đó không tự nhiên thuộc về họ. Họ cần phải có một vị thế được Đức Chúa Trời chấp nhận, bằng cách thực hành đức tin nơi giá trị chuộc tội từ sự hy sinh của Chúa Giê-su và bằng cách biểu lộ đức tin đó qua sự vâng lời. (Giăng 3:16, 36; 1 Ti-mô-thê 2:5, 6; Hê-bơ-rơ 2:9; 5:9) Đời sống của bạn có cho thấy bạn quí trọng sự sắp đặt đó không?
Một di sản được truyền lại qua Áp-ra-ham
5. Áp-ra-ham đã cho thấy ông quí trọng mối liên lạc của ông với Đức Giê-hô-va như thế nào?
5 Trong khi thực hiện ý định đối với trái đất, Đức Giê-hô-va đã đối xử một cách đặc biệt với Áp-ra-ham. Ngài bảo người trung thành này ra khỏi xứ mình đang sống và đi đến một vùng đất mà chính Ngài sẽ chỉ. Áp-ra-ham sẵn lòng vâng lời. Sau khi Áp-ra-ham đến nơi, Đức Giê-hô-va nói rằng không phải chính ông mà lại là dòng dõi của ông sẽ nhận lãnh đất ấy làm di sản. (Sáng-thế Ký 12:1, 2, 7) Áp-ra-ham đã phản ứng thế nào? Ông sẵn lòng phụng sự Đức Giê-hô-va bất cứ nơi nào và bằng bất cứ cách nào Đức Chúa Trời hướng dẫn, sao cho dòng dõi của ông có thể nhận lãnh di sản của họ. Áp-ra-ham đã phụng sự Đức Giê-hô-va được 100 năm ở vùng đất không phải của ông cho đến khi ông chết. (Sáng-thế Ký 12:4; 25:8-10) Nếu là bạn, bạn có làm như vậy không? Đức Giê-hô-va nói Áp-ra-ham là “bạn” Ngài.—Ê-sai 41:8.
6. (a) Áp-ra-ham minh họa điều gì qua việc ông sẵn lòng hy sinh con mình? (b) Áp-ra-ham có thể truyền lại cho dòng dõi di sản quí báu nào?
6 Áp-ra-ham đã chờ đợi nhiều năm mới có được một con trai là Y-sác mà ông rất yêu mến. Khi đứa bé lớn lên thành một thanh niên, Đức Giê-hô-va bảo Áp-ra-ham đem con mình dâng cho Ngài làm của-lễ. Áp-ra-ham không biết rằng ông sắp sửa minh họa điều mà chính Đức Chúa Trời sẽ làm khi ban Con Ngài làm giá chuộc; thế nhưng, ông vẫn vâng lời và lúc sắp dâng Y-sác làm của-lễ thì thiên sứ Đức Giê-hô-va đã ngăn ông lại. (Sáng-thế Ký 22:9-14) Trước đó Đức Giê-hô-va đã nói rằng lời hứa của Ngài đối với Áp-ra-ham sẽ ứng nghiệm qua trung gian Y-sác. Bởi vậy, rõ ràng Áp-ra-ham có đức tin rằng, nếu cần, Đức Chúa Trời có thể khiến cho Y-sác sống lại từ kẻ chết, dù một điều như thế chưa hề xảy ra trước đó. (Sáng-thế Ký 17:15-18; Hê-bơ-rơ 11:17-19) Bởi vì Áp-ra-ham không tiếc ngay cả con trai ông, nên Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước”. (Sáng-thế Ký 22:15-18) Điều này cho thấy rằng Dòng Dõi được nói đến nơi Sáng-thế Ký 3:15, là Đấng Mê-si cứu chuộc, sẽ đến từ dòng dõi Áp-ra-ham. Thật là một di sản quí báu để truyền lại cho đời sau!
7. Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đã cho thấy họ quí trọng di sản của họ như thế nào?
7 Áp-ra-ham không biết ý nghĩa của những gì Đức Giê-hô-va làm lúc ấy; ngay cả con ông là Y-sác hoặc cháu nội ông là Gia-cốp cũng không biết được điều đó, dù họ đã trở thành “kẻ đồng kế-tự một lời hứa với người”. Nhưng tất cả họ đều tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Họ không ủng hộ bất cứ thành phố tự trị nào trong xứ vì họ chờ đợi một cái gì tốt hơn—“một thành có nền vững-chắc, mà Đức Chúa Trời đã xây-cất và sáng-lập”. (Hê-bơ-rơ 11:8-10, 13-16) Tuy nhiên, không phải tất cả dòng dõi của Áp-ra-ham đã quí trọng di sản do Áp-ra-ham truyền lại.
Một số người đã khinh thường di sản
8. Qua cách nào Ê-sau đã cho thấy ông không quí trọng di sản quí báu của mình?
8 Ê-sau, con trưởng nam của Y-sác, đã không biết quí trọng giá trị của quyền trưởng nam. Ông đã không quí trọng những điều thiêng liêng. Bởi vậy một ngày kia, trong cơn đói, Ê-sau bán quyền trưởng nam của mình cho em là Gia-cốp. Để đổi lấy gì? Để đổi lấy một bữa ăn gồm bánh và món đậu hầm! (Sáng-thế Ký 25:29-34; Hê-bơ-rơ 12:14-17) Dân tộc mà qua đó lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham sẽ được thực hiện, ra từ dòng dõi của Gia-cốp. Sau này Gia-cốp được Đức Chúa Trời đổi tên là Y-sơ-ra-ên. Di sản đặc biệt này cho họ nhận được những cơ hội nào?
9. Nhờ có di sản thiêng liêng, dòng dõi của Gia-cốp hoặc Y-sơ-ra-ên đã được giải cứu ra sao?
9 Trong thời kỳ đói kém, Gia-cốp cùng gia đình ông dọn xuống Ê-díp-tô. Ở đó họ sinh sản thêm rất nhiều nhưng lại phải làm nô lệ. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã không quên giao ước Ngài lập với Áp-ra-ham. Đến kỳ định, Đức Chúa Trời giải cứu con cháu Y-sơ-ra-ên ra khỏi sự nô lệ và báo cho họ biết Ngài sắp sửa đem họ vào “một xứ... đượm sữa và mật”, xứ mà Ngài đã hứa với Áp-ra-ham.—Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7, 8; Sáng-thế Ký 15:18-21.
10. Tại Núi Si-na-i, điều phi thường nào đã xảy ra liên quan đến di sản của dân Y-sơ-ra-ên?
10 Khi dân Y-sơ-ra-ên trên đường đi đến Đất Hứa, Đức Giê-hô-va đã triệu tập họ tại Núi Si-na-i. Ngài nói với họ: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế-gian đều thuộc về ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh cho ta”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6) Sau khi dân sự nhất trí và tự nguyện làm điều này, Đức Giê-hô-va bắt đầu ban Luật Pháp Ngài cho họ—điều mà Ngài chưa từng làm với bất cứ dân tộc nào khác.—Thi-thiên 147:19, 20.
11. Một số điều quí giá trong di sản thiêng liêng của dân Y-sơ-ra-ên là gì?
11 Thật là một di sản thiêng liêng cao quí cho dân tộc mới đó! Họ thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật. Họ được Ngài giải cứu khỏi xứ Ê-díp-tô và tận mắt chứng kiến những biến cố đáng sợ khi Luật Pháp được ban hành tại Núi Si-na-i. Di sản của họ càng phong phú hơn khi họ nhận thêm “lời phán của Đức Chúa Trời” qua các nhà tiên tri. (Rô-ma 3:1, 2) Họ được Đức Giê-hô-va chỉ định làm nhân chứng cho Ngài. (Ê-sai 43:10-12) Dòng Dõi Mê-si sẽ ra từ dân tộc của họ. Luật Pháp hướng sự chú ý đến ngài, giúp nhận diện ngài và giúp họ hiểu rằng họ cần đến ngài. (Ga-la-ti 3:19, 24) Hơn nữa, họ sẽ nhận được cơ hội phụng sự cùng với Dòng Dõi Mê-si đó với tư cách một nước thầy tế lễ và một dân tộc thánh.—Rô-ma 9:4, 5.
12. Dù được vào Đất Hứa, nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã không được gì? Tại sao không?
12 Giữ đúng lời hứa của Ngài, Đức Giê-hô-va đã dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa. Nhưng như sứ đồ Phao-lô giải thích sau này, vì họ thiếu đức tin nên đất đó hóa ra không phải là một nơi “yên-nghỉ” thật sự. Là một dân, họ đã không vào “sự yên-nghỉ của Đức Chúa Trời” bởi vì họ không hiểu và không hành động phù hợp với mục đích của ngày nghỉ riêng của Đức Chúa Trời, vốn bắt đầu sau khi A-đam và Ê-va được tạo ra.—Hê-bơ-rơ 4:3-10.
13. Vì không quí trọng di sản thiêng liêng, dân Y-sơ-ra-ên đã đánh mất điều gì?
13 Dân Y-sơ-ra-ên xác thịt đã có thể cung cấp đủ số những người tham gia vào Nước Trời cùng với Đấng Mê-si với tư cách một nước thầy tế lễ và một dân tộc thánh. Nhưng họ đã không quí trọng di sản quí báu của họ. Chỉ có một số nhỏ trong dân Y-sơ-ra-ên xác thịt đã chấp nhận Đấng Mê-si khi ngài đến. Hậu quả là chỉ có một số ít người được nhận vào nước thầy tế lễ đã được tiên tri. Nước bị cất khỏi tay dân Y-sơ-ra-ên xác thịt và “cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước đó”. (Ma-thi-ơ 21:43) Dân khác đó là dân nào?
Một di sản ở trên trời
14, 15. (a) Sau khi Chúa Giê-su chết, dân các nước đã bắt đầu được ban phước nhờ “dòng-dõi” Áp-ra-ham như thế nào? (b) Các thành viên của “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” nhận được di sản nào?
14 Dân tộc nhận được Nước Trời là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng gồm 144.000 môn đồ của Chúa Giê-su Christ đã được thánh linh xức dầu. (Ga-la-ti 6:16; Khải-huyền 5:9, 10; 14:1-3) Trong vòng 144.000 người có một số là người Do Thái xác thịt, nhưng hầu hết trước kia thuộc Dân Ngoại. Bằng cách ấy, lời của Đức Giê-hô-va hứa với Áp-ra-ham rằng nhờ “dòng-dõi” của ông mà tất cả các nước được ban phước, đã bắt đầu ứng nghiệm. (Công-vụ 3:25, 26; Ga-la-ti 3:8, 9) Trong lần ứng nghiệm ban đầu ấy, dân các nước được xức dầu bằng thánh linh và được Giê-hô-va Đức Chúa Trời nhận làm con nuôi thiêng liêng, trở thành anh em của Chúa Giê-su Christ. Như vậy, họ cũng trở thành phần phụ của “dòng-dõi”.—Ga-la-ti 3:28, 29.
15 Trước khi chết, Chúa Giê-su cho những thành viên tương lai gốc Do Thái của dân tộc mới ấy biết đến một giao ước mới sẽ có hiệu lực nhờ máu của chính ngài. Dựa trên căn bản đức tin của họ nơi sự hy sinh có giá trị đó, những người dự phần trong giao ước ấy sẽ trở thành “trọn-vẹn đời đời”. (Hê-bơ-rơ 10:14-18) Họ có thể được “xưng công-bình” và tội lỗi họ được tha. (1 Cô-rinh-tô 6:11) Bởi vậy, theo nghĩa đó, họ giống như A-đam trước khi phạm tội. Tuy nhiên, họ sẽ không sống trong địa đàng. Chúa Giê-su nói ngài sẽ chuẩn bị cho họ một chỗ ở trên trời. (Giăng 14:2, 3) Họ từ bỏ những triển vọng ở trên đất hầu nhận lãnh ‘cơ-nghiệp để dành cho họ trong các từng trời’. (1 Phi-e-rơ 1:4) Họ làm gì trên đó? Chúa Giê-su giải thích: “Ta ban nước cho các ngươi”.—Lu-ca 22:29.
16. Các môn đồ được xức dầu của Đấng Christ sẽ được giao phó công việc kỳ diệu nào?
16 Trong số những việc sẽ làm từ trên trời, những người cai trị với Đấng Christ sẽ giúp loại bỏ khỏi trái đất tất cả những tàn tích của sự phản nghịch chống lại quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. (Khải-huyền 2:26, 27) Với tư cách là phần phụ của dòng dõi thiêng liêng của Áp-ra-ham, họ sẽ tham gia vào việc ban phước sự sống hoàn toàn cho dân mọi nước. (Rô-ma 8:17-21) Quả thật, họ có một di sản quí báu thay!—Ê-phê-sô 1:16-18.
17. Môn đồ được xức dầu của Đấng Christ hưởng được những khía cạnh nào của di sản trong khi vẫn còn ở trên đất?
17 Nhưng không phải di sản của môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su chỉ giới hạn vào tương lai. Vì biết rõ về Đức Chúa Trời hơn ai hết, Chúa Giê-su đã giúp họ biết Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời có một và thật. (Ma-thi-ơ 11:27; Giăng 17:3, 26) Qua lời nói và gương mẫu, ngài dạy họ ý nghĩa của việc ‘tin cậy nơi Đức Giê-hô-va’ và những gì bao hàm trong việc vâng lời Đức Giê-hô-va. (Hê-bơ-rơ 2:13, NW; 5:7-9) Chúa Giê-su giao phó cho họ sự hiểu biết lẽ thật về ý định Đức Chúa Trời và cam kết rằng thánh linh sẽ dẫn họ đến sự thông hiểu đầy trọn về ý định đó. (Giăng 14:24-26) Ngài khắc ghi trong tâm trí họ tầm quan trọng của Nước Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 6:10, 33) Chúa Giê-su cũng giao cho họ nhiệm vụ làm chứng và đào tạo môn đồ ở Giê-ru-sa-lem, Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến đầu cùng trái đất.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20; Công-vụ 1:8.
Một di sản quí báu dành cho đám đông
18. Ngày nay, lời hứa của Đức Giê-hô-va rằng dân của mọi nước sẽ được ban phước nhờ “dòng-dõi” Áp-ra-ham đang được ứng nghiệm ra sao?
18 Rất có thể dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, “bầy nhỏ” những người thừa kế Nước Trời, đã được chọn lựa đủ số. (Lu-ca 12:32) Từ mấy chục năm nay, Đức Giê-hô-va đang hướng sự chú ý đến việc thâu nhóm một đám đông những người khác từ mọi nước. Vậy, lời của Đức Giê-hô-va hứa với Áp-ra-ham rằng nhờ “dòng-dõi” của ông mà dân mọi nước được ban phước, đang được ứng nghiệm trong một tầm mức rộng lớn. Những người được ban phước này cũng vui mừng hầu việc Đức Giê-hô-va và nhìn nhận rằng sự cứu rỗi của họ tùy thuộc vào việc đặt đức tin nơi Chiên Con Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su Christ. (Khải-huyền 7:9, 10) Bạn đã nhận lời mời ưu ái của Đức Giê-hô-va để trở thành thành viên của nhóm người hạnh phúc này chưa?
19. Những người thuộc các nước nay đang được ban phước mong đợi di sản nào?
19 Đức Giê-hô-va ban cho những người không nằm trong số bầy nhỏ di sản quí báu nào? Không phải di sản ở trên trời. Đó là di sản mà lẽ ra A-đam có thể truyền lại cho dòng dõi ông—triển vọng sống đời đời trong sự hoàn toàn trong một địa đàng mà sẽ dần dần lan rộng khắp trái đất. Đó sẽ là một thế giới “không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa”. (Khải-huyền 21:4) Vậy, Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn nói với chính bạn: “Hãy tin-cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành; khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành-tín của Ngài. Cũng hãy khoái-lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao-ước. Một chút nữa kẻ ác không còn... Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật. Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.—Thi-thiên 37:3, 4, 10, 11, 29.
20. Bằng cách nào “chiên khác” gián tiếp hưởng được nhiều di sản thiêng liêng dành cho môn đồ được xức dầu của Đấng Christ?
20 “Chiên khác” của Chúa Giê-su có một di sản nằm trong phần lãnh thổ trên đất của Nước Trời. (Giăng 10:16a) Dù sẽ không ở trên trời, nhưng họ cũng gián tiếp hưởng được nhiều di sản thiêng liêng dành cho những người được xức dầu. Chính qua lớp người được xức dầu, “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, mà các chiên khác đã hiểu được những lời hứa quí báu ghi trong Lời Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 24:45-47; 25:34) Những người được xức dầu và chiên khác cùng nhau hiểu biết và thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật, Đức Giê-hô-va. (Giăng 17:20, 21) Họ cùng nhau tạ ơn Đức Chúa Trời về giá trị chuộc tội từ sự hy sinh của Chúa Giê-su. Họ cùng nhau phụng sự với tư cách một bầy chiên dưới quyền một Đấng Chăn Chiên là Chúa Giê-su Christ. (Giăng 10:16b) Tất cả họ đều thuộc về một hiệp hội anh em đầy yêu thương trên khắp thế giới. Họ cùng chia sẻ đặc ân làm Nhân Chứng cho Đức Giê-hô-va và cho Nước Trời của Ngài. Đúng vậy, nếu bạn là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, đã dâng mình và làm báp têm, tất cả những điều này nằm trong di sản thiêng liêng của bạn.
21, 22. Làm sao tất cả chúng ta đều có thể cho thấy mình quí chuộng di sản thiêng liêng?
21 Di sản thiêng liêng này đáng quí thế nào đối với bạn? Bạn có quí nó đến độ việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời là điều quan trọng nhất trong đời sống bạn không? Để chứng tỏ điều đó, bạn có đang nghe theo lời khuyên của Lời Đức Chúa Trời và tổ chức của Ngài là đều đặn tham dự tất cả các buổi họp của hội thánh không? (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Di sản thiêng liêng đó có đáng quí đối với bạn đến độ bạn tiếp tục phụng sự Đức Chúa Trời bất kể khó khăn không? Lòng quí trọng của bạn có đủ mạnh để củng cố bạn chống lại bất cứ sự cám dỗ nào khiến bạn theo đuổi một đường lối dẫn đến việc đánh mất di sản không?
22 Mong sao tất cả chúng ta quí chuộng di sản thiêng liêng mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Trong khi mắt chúng ta hướng thẳng về Địa Đàng trước mặt, chúng ta hãy tận hưởng các đặc ân thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta hiện nay. Bằng cách thật sự xây dựng đời sống của chúng ta quanh mối liên lạc với Đức Giê-hô-va, chúng ta chứng minh hùng hồn rằng di sản mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta thật đáng quí là dường bao. Mong sao chúng ta có thể ở trong số những người tuyên bố: “Hỡi Vua, là Đức Chúa Trời tôi, tôi sẽ tôn-cao Ngài, chúc-tụng danh Ngài đến đời đời vô-cùng”.—Thi-thiên 145:1.
Bạn giải thích thế nào?
• Nếu A-đam đã trung thành với Đức Chúa Trời, hẳn ông đã truyền
lại cho chúng ta di sản nào?
• Dòng dõi Áp-ra-ham đã xem di sản dành cho họ như thế nào?
• Di sản dành cho môn đồ được xức dầu của Đấng Christ gồm có những gì?
• Di sản của đám đông là gì, và làm sao họ có thể cho thấy họ thật sự quí trọng di sản đó?
[Các hình nơi trang 20]
Dòng dõi Áp-ra-ham nhận được lời hứa về một di sản quí báu
[Các hình nơi trang 23]
Bạn có quí trọng di sản thiêng liêng của bạn không?