Cuối cùng tôi đã tìm được tự do thật!
Một viên chức trong tù vừa nói vừa cười: “Không ai hỏi thăm đến gia đình này đâu, có thể ở lại đây thôi!”. Làm thế nào chúng tôi, một gia đình người Nga, siêng năng và hòa thuận, lại trở thành tù nhân ở Bắc Hàn (Triều Tiên) vào năm 1950, khoảng 5 năm sau khi Thế Chiến II kết thúc?
Theo hồ sơ của tôi, tôi chào đời năm 1924. Quê quán của tôi là làng Shmakovka ở tận miền đông nước Nga, gần biên giới Trung Quốc.
Một ngày nọ, cha và các anh tôi bị bọn cướp bắt, và mẹ tôi không bao giờ gặp lại họ. Giờ đây chỉ còn lại mẹ với một đàn con thơ và thấy rất khó nuôi nổi. Một người hàng xóm đề nghị sẽ đưa chúng tôi vào cô nhi viện Chính Thống Nga và nói rằng mẹ đã bỏ rơi chúng tôi.
Mẹ tôi đồng ý vì những đứa con bé bỏng, trong đó có tôi, chắc sẽ chết đói nếu mẹ không làm thế. Giờ đây tôi đã hơn 80 tuổi và cảm thấy biết ơn vì mẹ đã đưa chúng tôi vào cô nhi viện. Chắc nhờ thế chúng tôi mới còn sống. Tuy nhiên, quyết định của mẹ vẫn còn ám ảnh tôi.
Năm 1941, tôi chuyển đến Nam Hàn (Hàn Quốc), ở đó tôi kết hôn với một người Nga tử tế tên là Ivan. Con gái chúng tôi là Olya sinh năm 1942 tại Seoul. Con trai là Kolya sinh năm 1945 và con trai út là Zhora sinh năm 1948. Chồng tôi trông coi cửa tiệm của gia đình, còn tôi làm nghề may. Vì Seoul bị Nhật chiếm giữ nên từ nhỏ các con của chúng tôi nói tiếng Nhật, dù ở nhà nói tiếng Nga. Trước năm 1950, dường như có hòa bình giữa người Liên Xô, Hoa Kỳ và Nam Hàn ở Seoul. Tất cả những người này đều là khách hàng của tiệm chúng tôi.
Bị lính Bắc Hàn bắt
Đột ngột, năm 1950, mọi thứ đều thay đổi. Quân đội Bắc Hàn chiếm giữ Seoul. Vì không thể trốn thoát nên chúng tôi bị bắt chung với những người nước ngoài khác. Trong ba năm rưỡi, chúng tôi cùng các tù binh Anh, Nga, Hoa Kỳ và Pháp bị đi khắp nơi ở Bắc Hàn. Chúng tôi trú ngụ ở bất cứ nơi nào có chỗ che chắn, và cố tránh bom.
Đôi khi, chúng tôi được sống trong nhà có lò sưởi, được cung cấp đủ thức ăn. Tuy nhiên, thường thì chúng tôi chỉ có hạt kê để ăn, ngủ trong ngôi nhà hoang, lạnh lẽo. Nhiều người trong nhóm chúng tôi chết vì suy dinh dưỡng và bị bỏ mặc. Tôi vô cùng bấn loạn khi thấy con mình sống trong cảnh này. Mùa đông đến sớm ở Bắc Hàn. Tôi nhớ mình ngồi bên đống lửa suốt đêm, hơ những cục đá cho ấm để đặt bên dưới các con.
Khi thời tiết ấm hơn, một số dân làng cho biết loại rau dại nào có thể ăn được nên chúng tôi cố tìm rau dại, mâm xôi, nho và nấm rơm. Rõ ràng, dân làng không ghét chúng tôi nhưng chỉ thương hại mà thôi. Tôi học cách bắt ếch hầu giúp gia đình có thêm món ăn. Tôi đau nhói lòng khi nghe con mình luôn xin ếch để ăn.
Vào tháng 10 nọ, chúng tôi được lệnh đi bộ đến Manp’o. Người ta nói là sẽ có xe bò dành cho người bệnh và trẻ em. Olya và cha bé bị ép buộc đi bộ với một nhóm. Tôi cùng hai con trai đứng ngồi không yên trong nhiều ngày, đợi các xe bò về. Cuối cùng các xe này cũng về.
Các tù binh bị bệnh được chất lên xe bò như đống lúa. Quả là cảnh tượng kinh hoàng! Khi cõng bé Zolya sau lưng, tôi cố đặt bé Kolya vào một góc xe bò, nhưng nó khóc thét lên: “Mẹ ơi, con muốn đi với mẹ, đừng bỏ con mẹ ơi!”.
Kolya lẽo đẽo theo sau, nắm chặt lấy váy của tôi và cố chạy theo. Trong cuộc đi bộ kéo dài vài ngày này, nhiều tù binh đã bị bắn. Những đàn quạ bay theo, mổ vào xác chết trên đường. Cuối cùng, chúng tôi cũng gặp lại chồng và bé Olya! Chúng tôi khóc và ôm chầm lấy nhau. Buổi tối hôm ấy, tôi không ngủ và hơ những hòn đá bên đống lửa. Giờ đây được đặt chúng bên dưới tất cả các con của mình nên tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng.
Năm 1953, gần vĩ tuyến thứ 38 ở biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc, đời sống chúng tôi có phần thoải mái hơn. Chúng tôi nhận được đồng phục sạch, giày, bánh mì và ngay cả kẹo. Không lâu sau, tù binh Anh được thả ra, rồi đến tù binh Pháp. Nhưng chúng tôi không thuộc công dân của nước nào. Khi tù binh cuối cùng được thả, chỉ còn lại gia đình chúng tôi. Chúng tôi khóc trong vô vọng và không thể ăn uống gì. Đây chính là lúc mà vị viên chức đã nói những lời gây tổn thương được trích ở đầu bài.
Đời sống mới ở Hoa Kỳ
Ngạc nhiên thay, không lâu sau, chúng tôi được chuyển đến Hàn Quốc qua vùng phi quân sự. Sau khi được các viên sĩ quan quân đội Hoa Kỳ thẩm vấn, chúng tôi được phép di cư sang Hoa Kỳ. Chúng tôi đi tàu tới San Francisco, bang California, tại đây được một tổ chức từ thiện giúp đỡ. Sau đó, gia đình chuyển đến Virginia và một số người ở đấy đã tử tế giúp chúng tôi bắt đầu lại kế sinh nhai. Cuối cùng, gia đình chuyển đến Maryland để bắt đầu cuộc sống mới.
Chúng tôi choáng ngợp trước những thứ đơn giản, chẳng hạn như máy hút bụi. Là người nhập cư trong một nước mới, chúng tôi làm việc nhiều và vất vả. Tuy nhiên, tôi rất buồn khi thấy những người nhập cư có đời sống ổn định lại bóc lột người nhập cư mới. Không lâu sau khi đến đây, chúng tôi gặp một linh mục Chính Thống giáo Nga, ông nói: “Hiện giờ, con ở trên vùng đất được ban phước. Nếu muốn khá hơn, hãy tránh những người trong nước của con”. Tôi bị sốc và hoang mang. Chẳng phải chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau sao?
Năm 1970, một anh Nhân Chứng Giê-hô-va tên là Bernie Battleman đến nhà chúng tôi để thảo luận điều nào đó về Kinh Thánh. Anh là người mạnh mẽ, thẳng thắn như chúng tôi. Chúng tôi nói chuyện trong nhiều giờ. Vì sống ở cô nhi viện Chính Thống giáo từ nhỏ nên tôi thuộc lòng giáo lý của đạo. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình phải có một cuốn Kinh Thánh! Anh Bernie đưa cho chúng tôi một cuốn và nói: “Kinh Thánh này cho nhà mình vì tôi yêu mến nhà này”. Anh cũng giới thiệu anh Ben, một Nhân Chứng nói tiếng Nga đến từ Belarus.
Vợ chồng anh Ben dùng Kinh Thánh để tử tế trả lời các câu hỏi của tôi. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng Nhân Chứng bóp méo những câu Kinh Thánh. Đặc biệt, tôi rất giận khi ấn phẩm của họ nói rằng ngoài Chúa Giê-su, Ma-ri còn có những người con khác, trong khi nhà thờ thì dạy ngược lại.
Tôi gọi điện cho một bạn người Ba Lan và nhờ chị ấy xem Kinh Thánh tiếng Ba Lan nói gì nơi Ma-thi-ơ 13:55, 56. Khi bạn tôi đọc câu này, tôi bị sốc khi biết rằng Chúa Giê-su còn có các em! Bạn tôi cũng gọi cho một người quen làm việc trong thư viện quốc hội ở Washington, D.C. hầu xem lại câu này trong tất cả các bản dịch Kinh Thánh có ở đó. Bạn ấy cho biết là tất cả đều nói y như nhau: Chúa Giê-su có các em trai, em gái!
Tôi thắc mắc rất nhiều. Tại sao trẻ em chết? Tại sao các nước đánh nhau? Tại sao người ta không hiểu nhau dù nói cùng ngôn ngữ? Các lời giải đáp từ Kinh Thánh làm tôi hào hứng. Tôi biết rằng sự đau khổ không phải là ý muốn Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Tôi quá đỗi vui mừng khi biết rằng mình sẽ gặp lại những người thân yêu đã qua đời trong các cuộc xung đột. Dần dần, Đức Giê-hô-va có thật đối với tôi.
Một ngày nọ, tôi đứng trước hình tượng, cầu xin Đức Chúa Trời giúp cho con trai tôi vừa trở về từ một cuộc chiến và đang rất chán nản. Đột nhiên, tôi nhận ra rằng mình nên cầu nguyện trực tiếp với Giê-hô-va, Đức Chúa Trời hằng sống, chứ không phải với hình tượng. Tôi xé các hình tượng và thấy chúng chỉ là những miếng giấy bạc nhiều màu. Tôi mua chúng ở nhà thờ, nhưng ngay buổi tối hôm ấy, tôi đã bỏ chúng.
Đoạn tuyệt với nhà thờ mà tôi theo từ nhỏ thật không dễ chút nào. Tuy nhiên, tôi quý trọng những gì Kinh Thánh dạy hơn bất cứ điều gì. Một năm sau, tôi cùng con gái và chồng đến thăm vị linh mục Chính Thống giáo Nga. Tôi đem theo cuốn sổ, trong đó có ghi nhiều câu hỏi và câu Kinh Thánh. Khi tôi đọc lớn tiếng các câu Kinh Thánh này, ông linh mục lắc đầu nói: “Con đi lạc rồi”. Ông bảo chúng tôi đừng bao giờ đến quấy rầy nhà ông nữa.
Sự việc trên ảnh hưởng đến con gái của tôi là Olya, đứa con hiếu kỳ và cứng rắn. Cháu cũng bắt đầu xem Kinh Thánh kỹ lưỡng và không lâu sau cùng tôi đi tham dự các buổi họp của Nhân Chứng. Năm 1972, tôi báp-têm và Olya báp-têm năm sau đó.
Phương châm của gia đình
Chúng tôi có phương châm: “Nhìn vào hiện tại, đừng nhìn về quá khứ”. Thế nên, chúng tôi không bao giờ ngần ngại làm điều gì mới nếu tin chắc rằng điều đó đúng. Khi con gái và tôi bắt đầu vun trồng mối quan hệ với Đức Chúa Trời, chúng tôi rất muốn đến nhà người ta và chia sẻ với họ những gì mình đang học. Nhưng phải thừa nhận rằng, tính cách mạnh, thẳng thắn của tôi đôi khi cần anh chị đi chung giải thích lại cho chủ nhà một cách tế nhị hơn. Nhưng với thời gian, tôi biết cách nói chuyện với người thuộc nhiều quốc tịch và văn hóa, là những người như mình, đang tìm kiếm một đời sống tốt đẹp hơn.
Trong những năm sau đó, tôi cùng con gái thường nói rằng nếu Bức Màn Sắt đổ, chúng tôi sẽ về Nga để giúp những người giống như mình học biết về Đức Chúa Trời. Khi Liên Xô sụp đổ vào đầu thập niên 1990, Olya thực hiện được ước mơ cho cả hai mẹ con. Olya về Nga và phụng sự trọn thời gian 14 năm ở đấy. Olya học Kinh Thánh với nhiều người và giúp dịch các ấn phẩm Kinh Thánh từ tiếng Anh sang tiếng Nga tại văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va.
Hiện nay, tôi đang nằm liệt giường và các con cố gắng hết sức giúp tôi cảm thấy thoải mái. Tôi cảm ơn Đức Chúa Trời đã giúp tôi thật sự tìm được một đời sống tốt đẹp hơn sau những năm tháng đầu đời đầy gian khổ. Tôi nhận thấy câu Kinh Thánh mà người chăn chiên Đa-vít viết thật đúng: “[Đức Chúa Trời] dẫn tôi đến mé nước bình-tịnh. Ngài bổ lại linh-hồn [“bổ sức cho”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ] tôi, dẫn tôi vào các lối công-bình, vì cớ danh Ngài”.—Thi-thiên 23:2, 3.a
a Chị Maria Kilin đã qua đời vào ngày 1-3-2010 khi câu chuyện này được biên soạn để ấn hành.