Bạn có ‘tấm lòng nhận-biết’ Đức Giê-hô-va?
“Ta sẽ ban cho chúng nó tấm lòng hay nhận-biết ta là Đức Giê-hô-va. Chúng nó sẽ làm dân ta”.—GIÊ 24:7.
1, 2. Vì sao trái vả thu hút sự chú ý của một số người?
Bạn có thích ăn trái vả không? Vào thời Kinh Thánh, dân Y-sơ-ra-ên rất quý trái này (Na 3:12; Lu 13:6-9). Ngày nay, trái vả được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Trái vả cung cấp chất xơ, khoáng chất và chất chống oxy hóa, nên tốt cho sức khỏe.
2 Đức Giê-hô-va từng liên kết trái vả với tấm lòng. Ngài không nói đến giá trị dinh dưỡng của trái vả nhưng dùng nó làm hình ảnh tượng trưng. Những gì ngài phán qua nhà tiên tri Giê-rê-mi có liên quan đến lòng của chúng ta và người thân. Trong trường hợp này, Khi xem xét những gì ngài nói, hãy nghĩ xem điều này có nghĩa gì với tín đồ đạo Đấng Ki-tô.
3. Những trái vả được nói đến trong sách Giê-rê-mi chương 24 tượng trưng cho ai?
3 Trước tiên, chúng ta hãy xem xét những lời Đức Giê-hô-va nói về trái vả vào thời Giê-rê-mi. Năm 617 TCN, nước Giu-đa ở trong tình trạng bại hoại về thiêng liêng. Qua một khải tượng, Đức Chúa Trời cho Giê-rê-mi thấy trước tương lai của họ, ngài minh họa bằng hai loại trái vả—“rất tốt” và “xấu lắm”. (Đọc Giê-rê-mi 24:1-3). Những trái vả xấu tượng trưng cho vua Sê-đê-kia và những người như ông ta, họ sẽ bị Nê-bu-cát-nết-sa tấn công. Còn Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên cùng ba người bạn đang ở Ba-by-lôn và một số người Do Thái sắp bị lưu đày sang đó thì sao? Họ là những trái vả tốt. Vào đúng thời điểm, những người còn lại trong số họ sẽ trở về Giê-ru-sa-lem để tái thiết đền thờ.—Giê 24:8-10; 25:11, 12; 29:10.
4. Tại sao những lời Đức Giê-hô-va nói về nhóm người được tượng trưng bởi trái vả tốt khích lệ chúng ta?
4 Đức Giê-hô-va nói về nhóm người được tượng trưng bởi những trái vả tốt: “Ta sẽ ban cho chúng nó tấm lòng hay nhận-biết ta là Đức Giê-hô-va. Chúng nó sẽ làm dân ta” (Giê 24:7). Thật khích lệ khi biết Đức Chúa Trời muốn chúng ta có ‘tấm-lòng nhận-biết’ ngài, tức có ước muốn được biết ngài và thuộc về dân ngài! Làm sao một người có được điều đó? Người ấy cần học và áp dụng Lời Đức Chúa Trời, ăn năn và cải hóa, dâng mình cho ngài, cũng như làm báp-têm nhân danh Cha, Con và thần khí (Mat 28:19, 20; Công 3:19). Có lẽ bạn đã làm những bước ấy, hoặc có thể bạn đang kết hợp đều đặn với Nhân Chứng Giê-hô-va và đang thực hiện những bước ấy.
5. Lời của Giê-rê-mi chủ yếu áp dụng cho ai?
5 Dù đã thực hiện một số hay tất cả các bước ấy, chúng ta vẫn cần chú ý đến thái độ và hạnh kiểm của mình. Bạn sẽ thấy tại sao điều đó quan trọng khi xem xét những đoạn khác mà Giê-rê-mi viết về tấm lòng. Dù một số chương của sách Giê-rê-mi nói đến những dân xung quanh, nhưng sách chủ yếu tập trung vào nước Giu-đa trong năm triều vua (Giê 1:15, 16). Như vậy, Giê-rê-mi chủ yếu viết về những người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Trong thời Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên tình nguyện trở thành dân riêng của ngài (Xuất 19:3-8). Vào thời Giê-rê-mi, người Giu-đa cũng khẳng định: “Chúng tôi về cùng Ngài, vì Ngài là Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi” (Giê 3:22). Tuy nhiên, tình trạng của lòng họ ra sao?
LÒNG CÓ CẦN “PHẪU THUẬT” KHÔNG?
6. Tại sao chúng ta nên chú ý đến những gì Đức Chúa Trời nói về lòng?
6 Các bác sĩ dùng những thiết bị tân tiến để khám bên trong cơ thể và xem tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Đức Giê-hô-va còn có thể làm nhiều hơn thế, như ngài đã làm trong thời Giê-rê-mi. Ngài có khả năng vượt trội, như chúng ta thấy qua những lời sau: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được? Ta, Đức Giê-hô-va, dò-xét trong trí, thử-nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết-quả của việc họ làm” (Giê 17:9, 10). “Lòng” trong câu này nói đến con người bề trong của một người, bao gồm ước muốn, suy nghĩ, tính cách, thái độ và mục tiêu. Đức Chúa Trời có thể “thử-nghiệm”, tức xem xét, lòng chúng ta và chúng ta cũng có thể xem xét lòng mình ở một mức độ nào đó.
7. Giê-rê-mi miêu tả ra sao về tình trạng lòng của đa số người Do Thái?
7 Trước hết, chúng ta hãy xem Đức Giê-hô-va nghĩ gì về lòng của người Do Thái vào thời Giê-rê-mi. Qua nhà tiên tri này, Đức Giê-hô-va nói: “Cả nhà Y-sơ-ra-ên chẳng cắt bì trong lòng” (Giê 9:25, 26). Giê-rê-mi không nói đến việc cắt bì thông thường của người nam Do Thái. Làm sao chúng ta biết điều đó? Vì Đức Giê-hô-va nói: “Nầy, ngày đến, bấy giờ ta sẽ phạt mọi kẻ chịu cắt bì mà lòng chưa cắt bì” (Giê 9:25, 26). Như vậy, ngay cả những người Do Thái đã cắt bì cũng “chẳng cắt bì trong lòng”. Điều này có nghĩa gì?
8, 9. Liên quan đến lòng, đa số người Do Thái sống vào thời Giê-rê-mi phải làm gì?
8 Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của cụm từ “chẳng cắt bì trong lòng” qua những lời Đức Chúa Trời khuyên dân Do Thái: ‘Hỡi các ngươi, là người Giu-đa và dân-cư Giê-ru-sa-lem, hãy cất dương-bì khỏi lòng ngươi! Bằng chẳng vậy, cơn giận ta sẽ phừng lên vì việc ác các ngươi đã làm’. Các việc ác của họ xuất phát từ đâu? Từ trong lòng. (Đọc Mác 7:20-23). Thật vậy, qua Giê-rê-mi, Đức Chúa Trời cho biết tại sao dân Do Thái làm việc ác. Đó là vì lòng của họ ương ngạnh và phản nghịch. Động cơ và lối suy nghĩ của họ làm ngài buồn lòng. (Đọc Giê-rê-mi 5:23, 24; 7:24-26). Đức Chúa Trời kêu gọi họ: “Hãy tự cắt bì mình cho Đức Giê-hô-va, và cất dương-bì khỏi lòng ngươi”.—Giê 4:4; 18:11, 12.
9 Vì thế, như những người trong thời Môi-se, dân Do Thái vào thời Giê-rê-mi cần “phẫu thuật” lòng, tức “trừ sự ô-uế của lòng [“cắt bì tấm lòng”, Đặng Ngọc Báu]” (Phục 10:16; 30:6). Vậy, “cất dương-bì khỏi lòng” có nghĩa là loại bỏ từ trong lòng những điều làm cho lòng chai lì, vô cảm, như tư tưởng, ước muốn hoặc động cơ trái với ý Đức Chúa Trời.—Công 7:51.
LÀM SAO CHÚNG TA CÓ ‘TẤM LÒNG NHẬN-BIẾT’ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?
10. Như Đa-vít, chúng ta nên có ước muốn nào?
10 Chúng ta thật biết ơn Đức Chúa Trời vì ngài giúp chúng ta hiểu rõ tấm lòng! Nhưng một số người có thể thắc mắc: “Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va phải quan tâm đến tấm lòng?”. Suy cho cùng, phần lớn tín đồ đạo Đấng Ki-tô trong các hội thánh sốt sắng phụng sự và có hạnh kiểm trong sạch. Họ không phải là những “trái vả xấu”. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng ngay cả Đa-vít, một người công chính, cũng cầu xin: “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra-xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử-thách tôi, và biết tư-tưởng tôi; xin xem thử tôi có lối ác nào chăng”.—Thi 17:3; 139:23, 24.
11, 12. (a) Tại sao mỗi chúng ta nên tự xem xét lòng mình? (b) Đức Chúa Trời không làm gì?
11 Đức Giê-hô-va muốn mỗi chúng ta có vị thế tốt trước mắt ngài và giữ vị thế ấy. Giê-rê-mi thừa nhận: “Hỡi Đức Giê-hô-va vạn-quân! Ngài là Đấng thử người công-bình, xem thấu trong lòng trong trí” (Giê 20:12). Nếu Đấng Toàn Năng xem xét ngay cả lòng người “công-bình”, chẳng phải chúng ta cũng nên thành thật xem xét lòng mình sao? (Đọc Thi-thiên 11:5). Khi làm thế, có thể chúng ta sẽ nhận ra thái độ, mục tiêu hoặc cảm xúc sâu kín nào đó mà mình cần chấn chỉnh. Có lẽ chúng ta nhận ra điều gì đó làm lòng mình trở nên chai lì, một số ‘dương-bì của lòng’ cần phải cắt bỏ. Quá trình đó có thể gọi là “phẫu thuật” lòng. Chúng ta có thể có thái độ hoặc cảm xúc sai trái nào trong lòng? Chúng ta có thể sửa đổi như thế nào?—Giê 4:4.
12 Hãy lưu ý là Đức Giê-hô-va không ép chúng ta thay đổi. Ngài nói về những người được tượng trưng bởi “trái vả tốt” rằng ngài sẽ ‘ban cho họ tấm lòng nhận-biết’ ngài. Ngài không nói rằng ngài ép họ thay đổi. Họ cần có ước muốn là nhận biết Đức Chúa Trời. Chẳng phải chúng ta cũng cần có ước muốn đó sao?
13, 14. Lòng của một tín đồ có thể gây hại cho chính người ấy như thế nào?
13 Chúa Giê-su nói: “Từ lòng sinh ra những ý nghĩ gian ác, hành vi giết người, ngoại tình, gian dâm, trộm cắp, làm chứng gian và phạm thượng” (Mat 15:19). Ước muốn sai trái trong lòng có thể khiến một tín đồ phạm tội ngoại tình hoặc gian dâm. Nếu không ăn năn, người ấy có thể mất ân huệ của Đức Chúa Trời mãi mãi. Nhưng ngay cả một người không phạm các tội đó cũng có thể để những ước muốn sai trái nảy nở trong lòng. (Đọc Ma-thi-ơ 5:27, 28). Chính vì thế, chúng ta cần xem xét lòng mình. Khi xem xét kỹ tấm lòng, có lẽ chúng ta sẽ thấy mình có tình cảm sai trái với một người khác phái, là ham muốn tiềm ẩn mà Đức Chúa Trời không chấp nhận, và cần phải loại bỏ.
14 Hoặc một tín đồ dù không phạm tội “giết người” nhưng lại cưu mang lòng oán giận một anh em đồng đạo và đâm ra ghét người ấy (Lê 19:17). Những cảm xúc đó có thể khiến lòng trở nên chai lì. Vậy tín đồ ấy có cố gắng loại bỏ chúng không?—Mat 5:21, 22.
15, 16. (a) Một tín đồ có thể “chẳng cắt bì trong lòng” như thế nào? (b) Theo bạn, tại sao Đức Giê-hô-va không muốn chúng ta có ‘lòng chẳng cắt bì’?
15 Mừng thay, phần lớn tín đồ đạo Đấng Ki-tô không gặp phải vấn đề như thế liên quan đến lòng. Thế nhưng, Chúa Giê-su cũng nói đến những “ý nghĩ gian ác”. Chẳng hạn, có thể một người có quan điểm sai lệch về việc giữ trung thành với người thân. Dĩ nhiên, tín đồ đạo Đấng Ki-tô muốn yêu thương người thân, không như nhiều người trong thế gian ngày nay “thiếu tình thương tự nhiên” (2 Ti 3:1, 3). Dù vậy, có những người thể hiện tình cảm đó một cách thái quá. Nhiều người cảm thấy “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Vì thế, họ bảo vệ hoặc đứng về phía người thân bằng mọi giá, họ bức xúc khi người thân bị xúc phạm. Hãy nhớ lại cảm xúc thái quá như thế đã khiến các anh của Đi-na làm gì (Sáng 34:13, 25-30). Cũng hãy hình dung điều gì trong lòng Áp-sa-lôm đã xui khiến ông ta giết Am-nôn (2 Sa 13:1-30). Chẳng phải “ý nghĩ gian ác” đã khiến những người đó hành động như vậy sao?
16 Dĩ nhiên, môn đồ chân chính của Chúa Giê-su không giết hại người khác. Nhưng, có thể một số tín đồ nuôi dưỡng cảm xúc tiêu cực về anh chị nào đó đã coi thường hoặc họ nghĩ là coi thường một người thân của họ. Vì thế, họ từ chối lời mời hoặc không bao giờ mời người ấy (Hê 13:1, 2). Không nên xem nhẹ những cảm xúc và hành động tiêu cực như thế, vì chúng cho thấy một người thiếu tình yêu thương. Thật vậy, đấng xem xét lòng có thể chẩn đoán những người đó là “chẳng cắt bì trong lòng” (Giê 9:25, 26). Hãy nhớ lời khuyên của Đức Giê-hô-va: ‘Hãy cất dương-bì khỏi lòng’.—Giê 4:4.
HÃY SỬA ĐỔI VÀ GÌN GIỮ ‘TẤM LÒNG NHẬN-BIẾT’ ĐỨC CHÚA TRỜI
17. Tại sao việc kính sợ Đức Giê-hô-va giúp một người “cất dương-bì khỏi lòng”?
17 Sau khi xem xét, có thể bạn nhận thấy lòng mình có phần nào không dễ tiếp nhận lời khuyên của Đức Giê-hô-va. Có lẽ lòng bạn “chẳng cắt bì” ở một mức độ nào đó. Có thể bạn sợ loài người, ưa sự nổi trội hoặc thích sống xa hoa, thậm chí có khuynh hướng độc lập hay phản nghịch. Nếu vậy, bạn không phải là người đầu tiên có vấn đề đó (Giê 7:24; 11:8). Giê-rê-mi cho biết những người Do Thái bất trung vào thời ông có “lòng ngoa-ngạnh và bạn-nghịch”. Họ không “kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời” dù ngài đã yêu thương ban cho họ mọi thứ cần thiết (Giê 5:23, 24). Điều đó cho thấy để “cất dương-bì khỏi lòng”, một người cần gia tăng lòng kính sợ và biết ơn Đức Giê-hô-va. Sự kính sợ đó có thể thúc đẩy chúng ta sửa đổi và làm theo những đòi hỏi của ngài.
18. Đức Giê-hô-va đã hứa gì với những người dự phần vào giao ước mới?
18 Khi chúng ta nỗ lực làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta ‘tấm lòng nhận-biết’ ngài. Thật vậy, ngài hứa điều ấy với những người được xức dầu, là những người dự phần vào giao ước mới: “Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta”. Ngài cho biết thêm: “Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân-cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận-biết Đức Giê-hô-va! Vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn... Ta sẽ tha sự gian-ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa”.—Giê 31:31-34a.
19. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô trông mong điều gì?
19 Dù trông mong ân phước vĩnh cửu ở trên trời hay dưới đất nhờ giao ước mới, bạn cần có ước muốn nhận biết Đức Giê-hô-va và thuộc về dân ngài. Điều tiên quyết để nhận những ân phước ấy là được tha tội dựa trên giá chuộc của Chúa Giê-su. Việc Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ cho bạn nên thúc đẩy bạn tha thứ người khác, ngay cả những người làm bạn khó chịu. Bạn cần nỗ lực loại bỏ bất cứ cảm xúc tiêu cực nào về người khác. Khi làm thế, bạn cho thấy mình muốn phụng sự Đức Giê-hô-va và biết rõ ngài hơn. Bạn sẽ giống như những người mà Đức Giê-hô-va nói: “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được khi các ngươi tìm-kiếm ta hết lòng... Ta sẽ cho các ngươi tìm được ta”.—Giê 29:13, 14.
a Giao ước mới được thảo luận trong Tháp Canh ngày 1-2-1998, trang 13-22.