Đừng quên thể hiện lòng nhân từ với người lạ
“Đừng quên thể hiện lòng hiếu khách [nghĩa là lòng nhân từ với người lạ]”.—HÊ 13:2.
1, 2. (a) Ngày nay nhiều người lạ hay người nước ngoài phải đối mặt với những khó khăn nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời nhắc nhở nào, và điều này dẫn đến những câu hỏi nào?
Hơn 30 năm trước, anh Osei[1] đã chuyển từ Ghana đến châu Âu, và lúc đó anh chưa là Nhân Chứng. Anh nhớ lại: “Tôi sớm nhận ra rằng phần lớn người ta không quan tâm đến tôi. Khí hậu ở đó cũng là một cú sốc. Khi rời sân bay và lần đầu tiên trong đời cảm nhận cái lạnh, tôi đã khóc”. Vì gặp khó khăn với ngôn ngữ mới nên trong hơn một năm, anh Osei không thể tìm được công việc tử tế. Ngoài ra, vì phải xa gia đình nên anh cảm thấy cô đơn và nhớ nhà.
2 Hãy thử nghĩ xem nếu ở trong tình huống tương tự, anh chị muốn người khác đối xử với mình như thế nào. Chẳng phải anh chị sẽ cảm kích trước sự chào đón nồng ấm tại Phòng Nước Trời, bất kể đất nước hoặc màu da của mình sao? Kinh Thánh khuyến giục các tín đồ chân chính: “Đừng quên thể hiện lòng hiếu khách” (Hê 13:2). Cụm từ trong nguyên ngữ được dịch là “lòng hiếu khách” có nghĩa là “nhân từ với người lạ”. Thế nên, hãy xem xét những câu hỏi sau: Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về người lạ? Tại sao chúng ta có thể cần phải điều chỉnh quan điểm của mình về người lạ? Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người nước ngoài cảm thấy thoải mái trong hội thánh?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CÓ QUAN ĐIỂM NÀO VỀ NGƯỜI LẠ?
3, 4. Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 23:9, Đức Chúa Trời muốn dân ngài thời xưa đối xử thế nào với người ngoại quốc, và tại sao?
3 Sau khi giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ai Cập, Đức Giê-hô-va ban cho họ một số điều luật cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với nhiều người ngoại bang đã kết hợp với dân ngài (Xuất 12:38, 49; 22:21). Vì những người ngoại quốc thường bị thiệt thòi, Đức Giê-hô-va đã yêu thương ban hành những sự sắp đặt vì lợi ích của họ. Quyền mót thổ sản là một sự sắp đặt như thế.—Lê 19:9, 10.
4 Thay vì ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên quý trọng những người ngoại quốc, Đức Giê-hô-va khơi dậy lòng cảm thông của họ. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 23:9). Họ đã biết “lòng khách ngoại-bang là thế nào”. Ngay cả trước khi lâm vào cảnh nô lệ, người Hê-bơ-rơ rất có thể đã bị những người Ai Cập xa lánh vì thành kiến về tôn giáo hoặc sự tự hào về chủng tộc (Sáng 43:32; 46:34; Xuất 1:11-14). Dân Y-sơ-ra-ên đã nếm trải cuộc sống đắng cay khi là khách kiều ngụ, nhưng Đức Giê-hô-va muốn họ đối xử với người ngoại quốc “như kẻ đã sanh-đẻ giữa [họ]”.—Lê 19:33, 34.
5. Điều gì sẽ giúp chúng ta phản ánh sự quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với những người nước ngoài?
5 Ngày nay, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va cũng dành sự quan tâm như thế cho những người nước ngoài tham dự các buổi nhóm họp tại hội thánh của chúng ta (Phục 10:17-19; Mal 3:5, 6). Nếu suy nghĩ về những khó khăn mà họ đang đối mặt, chẳng hạn như sự phân biệt đối xử hoặc rào cản về ngôn ngữ, chúng ta sẽ tìm cách để biểu lộ lòng nhân từ và đồng cảm với họ.—1 Phi 3:8.
CHÚNG TA CẦN ĐIỀU CHỈNH QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH VỀ NGƯỜI LẠ KHÔNG?
6, 7. Điều gì cho thấy các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã học cách vượt qua những thành kiến sâu sắc?
6 Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã học cách vượt qua những thành kiến sâu sắc và phổ biến trong vòng người Do Thái. Tại Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, những người sống ở Giê-ru-sa-lem đã thể hiện lòng hiếu khách với các tín đồ mới cải đạo và đến từ nhiều nước khác nhau (Công 2:5, 44-47). Sự quan tâm đầy yêu thương của các tín đồ gốc Do Thái đối với anh em đồng đạo đến từ những nước khác cho thấy họ hiểu ý nghĩa của từ “lòng hiếu khách”, tức là lòng nhân từ với người lạ.
7 Tuy nhiên, khi có thêm nhiều người kết hợp với hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu, một tình huống dường như liên quan đến sự phân biệt đối xử đã nảy sinh. Những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp than phiền rằng các góa phụ trong vòng họ không được đối xử công bằng (Công 6:1). Để giải quyết vấn đề này, các sứ đồ đã bổ nhiệm bảy người nam làm nhiệm vụ đảm bảo rằng không ai bị đối xử bất công. Những người nam ấy đều có tên tiếng Hy Lạp. Dường như điều này cho thấy các sứ đồ muốn giải tỏa bất cứ sự căng thẳng nào về vấn đề gốc gác mà có lẽ đã tồn tại trong vòng các tín đồ thời ban đầu.—Công 6:2-6.
8, 9. (a) Điều gì có thể cho thấy chúng ta đang có thành kiến hoặc niềm tự hào về chủng tộc? (b) Chúng ta phải loại bỏ điều gì khỏi lòng mình? (1 Phi 1:22)
8 Dù nhận ra hay không, tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa của mình (Rô 12:2). Hơn nữa, rất có thể chúng ta đã nghe hàng xóm, đồng nghiệp hoặc bạn học đưa ra lời nhận xét hạ thấp những người có gốc gác, màu da hoặc thuộc dân tộc khác với mình. Những quan điểm mang tính thành kiến đó ảnh hưởng đến chúng ta tới mức nào? Chúng ta phản ứng ra sao khi có ai đó chế giễu quốc gia của mình, có lẽ qua việc phóng đại chi tiết nào đó về văn hóa của chúng ta?
9 Trong một thời gian, sứ đồ Phi-e-rơ đã có thành kiến với những người không thuộc dân Do Thái, nhưng dần dần ông học được cách loại bỏ khỏi lòng những quan điểm tiêu cực (Công 10:28, 34, 35; Ga 2:11-14). Tương tự thế, nếu nhận thấy lòng mình có sự thành kiến hoặc niềm tự hào chủng tộc, dù chỉ một chút, chúng ta nên nỗ lực loại bỏ nó. (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:22). Chúng ta có thể suy nghĩ về một thực tế là không ai trong chúng ta xứng đáng được cứu rỗi. Dù có quốc tịch nào đi chăng nữa, tất cả chúng ta đều là những người bất toàn (Rô 3:9, 10, 21-24). Thế nên, có lý do gì để chúng ta nghĩ rằng mình cao trọng hơn một người khác? (1 Cô 4:7). Chúng ta nên có cùng quan điểm với sứ đồ Phao-lô, người đã khuyên các anh em được xức dầu rằng họ “không còn là người lạ và ngoại kiều nữa, nhưng... là người nhà của Đức Chúa Trời” (Ê-phê 2:19). Chúng ta cần nỗ lực loại bỏ bất cứ thành kiến nào với những người thuộc gốc gác khác. Điều này sẽ giúp chúng ta mặc lấy nhân cách mới.—Cô 3:10, 11.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỂ HIỆN LÒNG NHÂN TỪ VỚI NGƯỜI LẠ?
10, 11. Bô-ô đã phản ánh quan điểm của Đức Giê-hô-va về người lạ như thế nào qua cách ông đối xử với một phụ nữ Mô-áp là Ru-tơ?
10 Chắc chắn, Bô-ô đã phản ánh quan điểm của Đức Giê-hô-va về người lạ qua cách ông đối xử với một phụ nữ Mô-áp là Ru-tơ. Khi đến kiểm tra những cánh đồng của mình trong mùa gặt, Bô-ô đã không thể không để ý đến một phụ nữ ngoại quốc siêng năng đang mót lúa, đi theo sau các con gặt của ông. Khi biết rằng nàng đã xin phép để được mót lúa, dù nàng hoàn toàn có quyền làm thế, Bô-ô đã rộng rãi bảo các con gặt rút vài gié trong bó lúa, bỏ rớt cho nàng mót.—Đọc Ru-tơ 2:5-7, 15, 16.
11 Cuộc trò chuyện sau đó của hai người đã cho thấy rõ Bô-ô quan tâm đến Ru-tơ và hoàn cảnh bấp bênh của nàng vì là người ngoại kiều. Một cách mà ông đã biểu lộ lòng quan tâm là khuyên nàng đi cùng một nhóm phụ nữ trẻ là tôi tớ của ông. Nhờ thế, nàng sẽ không bị những người đàn ông làm việc ngoài đồng chọc ghẹo hay quấy rối. Thậm chí Bô-ô còn sắp xếp để nàng có đủ thức ăn và nước uống, giống như những người làm thuê. Ngoài ra, Bô-ô không nói năng theo cách thiếu tôn trọng với người phụ nữ ngoại kiều nghèo khó ấy. Thay vì thế, ông đã trấn an nàng.—Ru 2:8-10, 13, 14.
12. Lòng nhân từ có thể tác động tích cực thế nào đến những người nước ngoài mới đến hội thánh?
12 Bô-ô không chỉ cảm động trước tình yêu thương bất vị kỷ của Ru-tơ đối với mẹ chồng là Na-ô-mi, ông còn ấn tượng trước việc nàng đã trở thành một người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Thật ra, lòng nhân từ của Bô-ô là một biểu hiện về tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va đối với một người phụ nữ đã đến “núp dưới cánh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (Ru 2:12, 20; Châm 19:17). Ngày nay cũng thế, những hành động nhân từ của chúng ta có thể giúp “mọi loại người” nhận ra sự thật và hiểu được rằng Đức Giê-hô-va yêu thương họ rất nhiều.—1 Ti 2:3, 4.
13, 14. (a) Tại sao chúng ta nên cố gắng chào hỏi những người nước ngoài tại Phòng Nước Trời? (b) Làm thế nào anh chị có thể vượt qua cảm giác ngại nói chuyện với những người thuộc văn hóa khác?
13 Chúng ta có thể biểu lộ lòng nhân từ với những người nước ngoài mới đến Phòng Nước Trời bằng cách nồng nhiệt chào đón họ. Có lẽ chúng ta đã để ý rằng những người mới nhập cư đôi lúc rụt rè và ngại tiếp xúc với người khác. Vì hoàn cảnh giáo dục hoặc địa vị xã hội, họ có thể cảm thấy mình thấp kém hơn so với những người thuộc chủng tộc khác hoặc đất nước khác. Do đó, chúng ta nên chủ động biểu lộ lòng quan tâm chân thật và nồng ấm với họ. Nếu ứng dụng JW Language có trong ngôn ngữ của mình, anh chị có thể dùng ứng dụng này để học cách chào hỏi những người mới bằng tiếng mẹ đẻ của họ.—Đọc Phi-líp 2:3, 4.
14 Có lẽ anh chị ngại đến nói chuyện với những người thuộc văn hóa khác. Để vượt qua những cảm giác như thế, anh chị có thể giới thiệu với họ vài điều về bản thân mình. Có lẽ anh chị sẽ sớm nhận ra rằng anh chị và họ có nhiều điểm chung hơn là những sự khác biệt, dù những sự khác biệt đó là có thật hay chỉ trong tưởng tượng. Anh chị cũng sẽ nhận ra rằng mỗi văn hóa có những ưu điểm và khuyết điểm riêng.
GIÚP MỌI NGƯỜI CẢM THẤY THOẢI MÁI
15. Điều gì sẽ giúp chúng ta thông cảm hơn với những người đang phải thích nghi với một đất nước mới?
15 Để giúp những người khác cảm thấy thoải mái khi đến hội thánh, hãy thành thật tự hỏi: “Nếu đang ở một đất nước xa lạ, mình muốn được đối xử thế nào?” (Mat 7:12). Hãy kiên nhẫn với những người đang phải thích nghi với một đất nước mới. Ban đầu có lẽ chúng ta chưa hiểu rõ về cách họ suy nghĩ hoặc phản ứng. Nhưng thay vì mong đợi họ làm theo văn hóa của chúng ta, sao không chấp nhận họ như chính những gì họ có?—Đọc Rô-ma 15:7.
16, 17. (a) Chúng ta có thể chủ động làm gì để cảm thấy gần gũi hơn với những người thuộc văn hóa khác? (b) Qua những cách thực tế nào chúng ta có thể hỗ trợ những người nhập cư trong hội thánh?
16 Nếu tìm hiểu về quê hương và văn hóa của những người nước ngoài, có lẽ chúng ta sẽ thấy dễ giao tiếp với họ hơn. Chúng ta có thể dành thời gian trong buổi thờ phượng của gia đình để tìm hiểu về văn hóa của những người nhập cư trong hội thánh hoặc trong khu vực của mình, nếu chúng ta chưa biết nhiều về văn hóa đó. Một cách nữa để đến gần hơn với những anh chị có gốc gác khác là mời họ đến nhà dùng bữa. Vì Đức Giê-hô-va đã “mở cửa đức tin cho dân ngoại”, chẳng lẽ chúng ta không thể mở cửa nhà của chính mình cho những người lạ nhưng là “anh em đồng đức tin” sao?—Công 14:27, chú thích; Ga 6:10; Gióp 31:32.
17 Bằng cách dành thời gian cho một gia đình nhập cư, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về việc họ đang nỗ lực ra sao để thích nghi với văn hóa của chúng ta. Dù vậy, có lẽ chúng ta nhận ra họ cần được giúp đỡ một cách thực tế để học tiếng bản xứ. Bên cạnh đó, chúng ta có thể giới thiệu với họ những cơ quan tại địa phương mà có khả năng giúp họ tìm được chỗ ở và việc làm thích hợp không? Những hành động như thế có thể tác động rất tích cực đến đời sống của một anh em đồng đạo.—Châm 3:27.
18. Ngày nay, những người nhập cư có thể noi theo gương mẫu về lòng tôn trọng và biết ơn của ai?
18 Dĩ nhiên, những người nhập cư sẽ muốn nỗ lực hết sức để thích nghi với văn hóa của địa phương. Ru-tơ đã nêu gương tốt trong lĩnh vực này. Trước tiên, nàng biểu lộ lòng tôn trọng đối với phong tục của đất nước mới bằng cách xin phép được mót lúa (Ru 2:7). Nàng không xem quyền mót thổ sản là điều đương nhiên, như thể những người khác nợ nàng điều gì đó. Thứ hai, nàng sẵn sàng biểu lộ lòng biết ơn về sự nhân từ mà mình nhận được (Ru 2:13). Khi những người nhập cư thể hiện thái độ tốt như thế, họ sẽ dễ được người dân địa phương cũng như anh em đồng đạo tôn trọng hơn.
19. Chúng ta có những lý do nào để nồng ấm chào đón những người lạ ở giữa mình?
19 Chúng ta vui mừng vì với lòng nhân từ bao la, Đức Giê-hô-va đã cho những người từ mọi gốc gác được nghe tin mừng. Tại quê nhà, có lẽ họ đã không có cơ hội học hỏi Kinh Thánh hoặc kết hợp một cách thoải mái với dân của Đức Giê-hô-va. Nhưng giờ đây họ có cơ hội kết hợp với chúng ta. Vậy, chẳng phải chúng ta nên giúp họ không còn cảm thấy xa lạ khi ở giữa chúng ta hay sao? Lòng nhân từ của chúng ta phản ánh tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho họ, ngay cả khi chúng ta bị hạn chế về vật chất hoặc không thể giúp đỡ nhiều cho họ theo những cách thực tế khác. Vì thế, là những người “bắt chước [Đức Chúa Trời]”, hãy nỗ lực hết sức để chào đón những người lạ ở giữa chúng ta.—Ê-phê 5:1, 2.
^ [1] (đoạn 1) Tên đã được thay đổi.