BÀI HỌC 22
Sự khôn ngoan nào có thể hướng dẫn đời sống chúng ta?
“Chính Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan”.—CHÂM 2:6.
BÀI HÁT 89 Nghe và giữ Lời Chúa sẽ được ban phước
GIỚI THIỆUa
1. Tại sao tất cả chúng ta cần sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời? (Châm ngôn 4:7)
Nếu từng đứng trước một quyết định quan trọng, chắc hẳn anh chị đã cầu xin sự khôn ngoan vì biết điều đó là cần thiết (Gia 1:5). Vua Sa-lô-môn ghi lại: “Sự khôn ngoan là quan trọng nhất”. (Đọc Châm ngôn 4:7). Dĩ nhiên, Sa-lô-môn không nói về sự khôn ngoan của con người mà nói về sự khôn ngoan đến từ Đức Giê-hô-va (Châm 2:6). Nhưng sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta đương đầu với những vấn đề ngày nay không? Chắc chắn có, như chúng ta sẽ thấy trong bài này.
2. Một cách để trở nên thật sự khôn ngoan là gì?
2 Một cách để trở nên thật sự khôn ngoan là học và áp dụng sự dạy dỗ của hai người nổi tiếng về sự khôn ngoan. Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét trường hợp của Sa-lô-môn. Kinh Thánh nói rằng “Đức Chúa Trời ban cho Sa-lô-môn dư dật sự khôn ngoan, thông sáng” (1 Vua 4:29). Sau đó, chúng ta sẽ xem xét trường hợp của Chúa Giê-su, là người khôn ngoan nhất đã từng sống (Mat 12:42). Kinh Thánh tiên tri như sau về Chúa Giê-su: “Thần khí của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên người, thần khí của sự khôn ngoan và hiểu biết”.—Ê-sai 11:2.
3. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?
3 Nhờ sự khôn ngoan mà Đức Chúa Trời ban, cả Sa-lô-môn và Chúa Giê-su đã đưa ra lời khuyên thực tế về những điều mà tất cả chúng ta quan tâm. Trong bài này, chúng ta sẽ xem ba điều: Đó là cần phải có quan điểm thăng bằng về tiền bạc, công việc ngoài đời và bản thân.
CÓ QUAN ĐIỂM THĂNG BẰNG VỀ TIỀN BẠC
4. Hoàn cảnh kinh tế của Sa-lô-môn khác với Chúa Giê-su như thế nào?
4 Sa-lô-môn vô cùng giàu có và sống ở một nơi rất xa hoa (1 Vua 10:7, 14, 15). Ngược lại, Chúa Giê-su có rất ít tài sản và không có nơi ở cố định (Mat 8:20). Tuy nhiên, cả hai người đều có quan điểm thăng bằng về của cải vật chất vì họ có sự khôn ngoan đến từ cùng một Nguồn là Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
5. Sa-lô-môn có quan điểm thăng bằng nào về tiền bạc?
5 Sa-lô-môn thừa nhận rằng tiền bạc là “nguồn che chở” (Truyền 7:12). Nhờ có tiền, chúng ta có thể mua những điều mình cần và có lẽ một số thứ mình muốn. Nhưng dù rất giàu có, Sa-lô-môn nhận thấy có những điều quan trọng hơn tiền bạc. Chẳng hạn, ông viết: “Danh tiếng tốt đáng chuộng hơn của dư dật” (Châm 22:1). Ngoài ra, Sa-lô-môn thấy rằng những người yêu tiền bạc thì thường không hài lòng với những gì mình có (Truyền 5:10, 12). Ông cũng cảnh báo về việc đặt hết lòng tin cậy nơi tiền bạc, vì nó có thể nhanh chóng tan biến.—Châm 23:4, 5.
6. Chúa Giê-su có quan điểm thăng bằng nào về những điều vật chất? (Ma-thi-ơ 6:31-33)
6 Chúa Giê-su có quan điểm thăng bằng về những điều vật chất. Ngài thưởng thức đồ ăn và thức uống (Lu 19:2, 6, 7). Dịp nọ, Chúa Giê-su làm phép lạ đầu tiên là biến nước thành rượu thượng hạng (Giăng 2:10, 11). Và vào ngày Chúa Giê-su chết, ngài mặc một cái áo đắt tiền (Giăng 19:23, 24). Nhưng Chúa Giê-su không để vật chất trở thành trọng tâm trong đời sống. Ngài nói với các môn đồ: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi Tiền Của” (Mat 6:24). Chúa Giê-su dạy rằng nếu chúng ta tìm kiếm Nước Trời trước hết, Đức Giê-hô-va đảm bảo là chúng ta sẽ có những gì mình cần.—Đọc Ma-thi-ơ 6:31-33.
7. Một anh nhận được lợi ích nào nhờ có quan điểm thăng bằng về tiền bạc?
7 Nhiều anh chị đã nhận được lợi ích khi áp dụng lời khuyên khôn ngoan của Đức Giê-hô-va về tiền bạc. Hãy xem kinh nghiệm của một anh độc thân tên Daniel. Anh nói: “Khi còn ở tuổi thanh thiếu niên, tôi đã quyết định đặt những hoạt động thiêng liêng lên hàng đầu”. Vì giữ đời sống đơn giản nên anh Daniel đã có thể dùng thời gian và kỹ năng để tham gia nhiều dự án thần quyền. Anh cho biết thêm: “Nói thật là tôi chưa bao giờ hối tiếc con đường mình đã chọn. Dĩ nhiên, nếu đặt tiền bạc lên hàng đầu trong đời sống, tôi đã có thể kiếm được rất nhiều. Nhưng nếu làm thế, tôi đã không có những người bạn tuyệt vời như bây giờ và sự thỏa lòng đến từ việc đặt Nước Trời lên hàng đầu. Tiền bạc không thể sánh với những ân phước mà Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi”. Rõ ràng, chúng ta nhận được lợi ích khi tập trung vào những điều thiêng liêng thay vì tiền bạc.
CÓ QUAN ĐIỂM THĂNG BẰNG VỀ CÔNG VIỆC NGOÀI ĐỜI
8. Làm thế nào chúng ta biết Sa-lô-môn có quan điểm thăng bằng về công việc? (Truyền đạo 5:18, 19)
8 Sa-lô-môn nói rằng niềm vui mà chúng ta có từ công việc khó nhọc là “món quà của Đức Chúa Trời”. (Đọc Truyền đạo 5:18, 19). Ông viết: “Mọi loại việc khó nhọc đều đem lợi ích” (Châm 14:23). Ông biết những điều này là đúng vì ông là một người làm việc siêng năng. Ông xây nhà, trồng vườn nho, làm vườn và xây hồ nước. Ông cũng xây các thành (1 Vua 9:19; Truyền 2:4-6). Đó là những công việc cực nhọc, và chắc hẳn điều này mang lại cho ông sự thỏa lòng. Nhưng Sa-lô-môn nhận thấy rằng để có hạnh phúc thật, ông cần làm nhiều hơn thế. Ông cũng tham gia vào các hoạt động thiêng liêng. Chẳng hạn, ông giám sát việc xây đền thờ lộng lẫy dành cho sự thờ phượng Đức Giê-hô-va, là công trình kéo dài bảy năm! (1 Vua 6:38; 9:1). Sau khi tham gia nhiều hoạt động khác nhau, Sa-lô-môn nhận ra rằng hoạt động thiêng liêng là quan trọng nhất. Ông viết: “Sau khi đã nghe xong mọi chuyện, kết luận của sự việc là thế này: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn ngài”.—Truyền 12:13.
9. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su đặt công việc ngoài đời vào đúng chỗ?
9 Chúa Giê-su là người siêng năng làm việc. Khi còn trẻ, ngài là một thợ mộc (Mác 6:3). Chắc hẳn, cha mẹ ngài rất biết ơn sự giúp đỡ của ngài khi họ nỗ lực để chăm lo cho nhu cầu của một gia đình lớn. Vì là người hoàn hảo nên những gì Chúa Giê-su làm ra cũng hoàn hảo. Thế nên, rất có thể nhiều người muốn mua sản phẩm của ngài. Hẳn Chúa Giê-su yêu thích công việc của mình. Dù siêng năng làm việc nhưng ngài vẫn dành ra thời gian cho các hoạt động thiêng liêng (Giăng 7:15). Sau này, khi tham gia thánh chức trọn thời gian, Chúa Giê-su khuyên người nghe: “Hãy làm việc, không phải vì thức ăn hay bị thối rữa, nhưng vì thức ăn tồn tại mãi và mang lại sự sống vĩnh cửu” (Giăng 6:27). Và trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su dạy: “Hãy tích trữ của báu ở trên trời”.—Mat 6:20.
10. Một số anh chị có thể phải đối mặt với thách đố nào liên quan đến công việc ngoài đời?
10 Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng về công việc ngoài đời. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta được dạy là phải làm việc siêng năng và lương thiện (Ê-phê 4:28). Người chủ thường để ý đến sự trung thực và chăm chỉ của chúng ta, và họ có thể cho chúng ta biết họ rất quý trọng cách làm việc của mình. Để đáp lại, có lẽ chúng ta bắt đầu làm việc nhiều giờ hơn với hy vọng tạo thêm ấn tượng tốt cho chủ về Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng có thể chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng mình đang lơ là trách nhiệm gia đình và các hoạt động thần quyền. Chúng ta cần thay đổi để có sự thăng bằng giữa công việc và những điều quan trọng hơn.
11. Một anh đã học được gì về việc đặt công việc ngoài đời vào đúng chỗ?
11 Một anh trẻ tên là William đã thấy được giá trị của việc đặt công việc ngoài đời vào đúng chỗ. Khi nói về một trưởng lão từng là chủ của mình, anh William cho biết: “[Anh ấy] là một gương mẫu tuyệt vời về việc giữ thăng bằng trong công việc. Anh siêng năng và luôn làm tốt công việc của mình nên được lòng khách hàng. Nhưng đến cuối ngày, khi công việc hoàn tất, anh không mang việc về nhà mà tập trung vào gia đình và các hoạt động thiêng liêng. Anh chị biết không? Anh là một trong những người hạnh phúc nhất mà tôi biết!”.b
CÓ QUAN ĐIỂM THĂNG BẰNG VỀ BẢN THÂN
12. Sa-lô-môn cho thấy ông đã có quan điểm thăng bằng về bản thân như thế nào, nhưng điều gì khiến ông đánh mất quan điểm đó?
12 Khi trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va, Sa-lô-môn có quan điểm thăng bằng về bản thân. Lúc còn trẻ, ông khiêm nhường nhận biết giới hạn của mình và cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn (1 Vua 3:7-9). Không lâu sau khi lên ngôi, Sa-lô-môn cũng nhận thức được mối nguy hiểm của tính kiêu ngạo. Ông viết: “Sự kiêu ngạo đi trước sự sụp đổ, tinh thần cao ngạo đi trước sự vấp ngã” (Châm 16:18). Đáng buồn là sau này Sa-lô-môn không làm theo lời khuyên của chính mình. Sau khi cai trị một thời gian, ông trở nên kiêu ngạo và bắt đầu lờ đi đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, theo Luật pháp dành cho dân Y-sơ-ra-ên, vua “không được lấy nhiều vợ, hầu cho lòng mình không đi lạc lối” (Phục 17:17). Sa-lô-môn không vâng theo điều luật ấy; ông cưới 700 vợ và 300 cung phi, nhiều người trong số đó là người ngoại giáo! (1 Vua 11:1-3). Có lẽ Sa-lô-môn nghĩ rằng ông sẽ không gặp phải vấn đề khi làm thế. Dù sao đi nữa, với thời gian, Sa-lô-môn phải chịu hậu quả của việc không vâng lời Đức Giê-hô-va.—1 Vua 11:9-13.
13. Chúng ta học được gì khi suy ngẫm về thái độ khiêm nhường của Chúa Giê-su?
13 Chúa Giê-su luôn có quan điểm thăng bằng và khiêm nhường về bản thân. Trước khi xuống thế làm người, ngài đã làm nhiều điều tuyệt diệu trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Qua Chúa Giê-su, “mọi tạo vật khác được dựng nên ở trên trời và dưới đất” (Cô 1:16). Vào lúc báp-têm, rất có thể Chúa Giê-su nhớ lại những điều ngài đã làm khi còn ở với Cha (Mat 3:16; Giăng 17:5). Nhưng ngài không trở nên kiêu ngạo khi nhớ lại những điều đó. Thực tế, Chúa Giê-su không bao giờ tôn mình lên trên bất cứ ai. Ngài nói với các môn đồ rằng ngài đến thế gian “không phải để được người khác phục vụ, mà để phục vụ người khác và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mat 20:28). Chúa Giê-su cũng khiêm tốn thừa nhận là ngài không thể tự làm bất cứ điều gì (Giăng 5:19). Chúa Giê-su quả thật rất khiêm nhường! Ngài đã nêu gương tuyệt hảo cho chúng ta noi theo.
14. Chúa Giê-su dạy chúng ta điều gì về việc có quan điểm đúng về bản thân?
14 Chúa Giê-su dạy các môn đồ nên có quan điểm đúng về bản thân. Vào dịp nọ, ngài trấn an họ rằng: “Tóc trên đầu anh em cũng được đếm hết rồi” (Mat 10:30). Những lời này an ủi chúng ta rất nhiều, đặc biệt là nếu chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Những lời ấy cho thấy Cha trên trời quan tâm sâu xa đến chúng ta và chúng ta rất quý giá trong mắt ngài. Chúng ta không bao giờ muốn nghi ngờ sự phán xét của Đức Giê-hô-va bằng cách kết luận rằng mình không xứng đáng thờ phượng ngài hoặc nhận được sự sống trong thế giới mới.
15. (a) Tháp Canh khuyến khích chúng ta có quan điểm thăng bằng nào về bản thân? (b) Như được thấy trong các hình nơi trang 24, chúng ta sẽ đánh mất những ân phước nào nếu tập trung quá nhiều vào bản thân?
15 Cách đây khoảng 15 năm, Tháp Canh nói rằng chúng ta nên có quan điểm thăng bằng về bản thân như sau: “Chắc chắn chúng ta không muốn tự đánh giá mình quá cao đến độ trở nên kiêu ngạo; chúng ta cũng không muốn đi đến thái cực khác là xem mình không ra gì. Thay vì thế, mục tiêu của chúng ta là tập có cái nhìn thăng bằng về chính mình, nhận ra cả những ưu điểm và giới hạn của mình. Một nữ tín đồ Đấng Christ diễn đạt điều này như sau: ‘Tôi không phải hoàn toàn thánh thiện, cũng không phải hoàn toàn xấu xa. Như mọi người, tôi có khuyết điểm và cũng có ưu điểm’”.c Chẳng phải chúng ta nhận được rất nhiều lợi ích khi có quan điểm thăng bằng về bản thân sao?
16. Tại sao Đức Giê-hô-va cho chúng ta sự hướng dẫn khôn ngoan?
16 Qua Lời ngài, Đức Giê-hô-va cho chúng ta sự hướng dẫn khôn ngoan. Ngài yêu thương chúng ta và muốn chúng ta hạnh phúc (Ê-sai 48:17, 18). Đường lối khôn ngoan và mang lại hạnh phúc thật là đặt quyền lợi của Đức Giê-hô-va lên hàng đầu. Khi làm thế, chúng ta sẽ tránh được nhiều vấn đề mà những người quá chú tâm vào tiền bạc, công việc ngoài đời hoặc bản thân gặp phải. Mong sao mỗi chúng ta quyết tâm trở nên khôn ngoan và làm cho lòng Đức Giê-hô-va vui mừng!—Châm 23:15.
BÀI HÁT 94 Biết ơn Đức Chúa Trời vì đã ban Lời ngài
a Sa-lô-môn và Chúa Giê-su có sự khôn ngoan vượt trội. Đức Giê-hô-va là Nguồn của sự khôn ngoan đó. Trong bài này, chúng ta sẽ xem mình học được gì từ những lời khuyên được soi dẫn của Sa-lô-môn và Chúa Giê-su liên quan đến việc có quan điểm thăng bằng về tiền bạc, công việc ngoài đời và bản thân. Chúng ta cũng sẽ xem một số anh em đồng đạo nhận được lợi ích nào nhờ áp dụng lời khuyên dựa trên Kinh Thánh trong những khía cạnh này.
b Xem bài “Làm sao để vui thích công việc khó nhọc?” trong Tháp Canh ngày 1-2-2015.
c Xem bài “Kinh Thánh có thể giúp bạn tìm được niềm vui” trong Tháp Canh ngày 1-8-2005.
d HÌNH ẢNH: Anh Hùng và anh Thông là hai anh trẻ trong cùng một hội thánh. Anh Hùng dành nhiều thời gian chăm chút xe của mình. Anh Thông dùng xe của mình để chở các anh chị đi rao giảng và nhóm họp.
e HÌNH ẢNH: Anh Hùng đang làm thêm giờ. Anh không muốn làm chủ thất vọng nên mỗi lần chủ bảo làm thêm giờ, anh đều đồng ý. Cũng chiều tối hôm đó, anh Thông là phụ tá hội thánh cùng đi thăm chiên với một trưởng lão. Trước đây, anh Thông giải thích với chủ là anh dành vài buổi tối trong tuần để tham gia các hoạt động liên quan đến việc thờ phượng Đức Giê-hô-va nên không thể đi làm vào những giờ đó.
f HÌNH ẢNH: Anh Hùng chú tâm vào bản thân. Anh Thông đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống, nhờ thế anh có thêm nhiều bạn mới khi tham gia sửa chữa Phòng hội nghị.