BÀI HỌC 23
Hỡi các bậc cha mẹ—Hãy giúp con yêu mến Đức Giê-hô-va
“Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí”.—MAT 22:37.
BÀI HÁT 134 Con cái là sản nghiệp từ Đức Chúa Trời
GIỚI THIỆUa
1, 2. Hãy giải thích làm thế nào các nguyên tắc Kinh Thánh có thể có ý nghĩa hơn đối với chúng ta khi hoàn cảnh thay đổi.
Vào ngày cưới, cô dâu và chú rể chăm chú lắng nghe bài giảng dựa trên Kinh Thánh nói về hôn nhân. Những nguyên tắc được xem xét không mới đối với họ. Nhưng kể từ hôm đó, những nguyên tắc ấy sẽ có ý nghĩa hơn. Tại sao? Vì họ sẽ áp dụng vào đời sống hôn nhân của mình.
2 Điều này cũng tương tự khi một cặp vợ chồng đạo Đấng Ki-tô trở thành cha mẹ. Qua nhiều năm, rất có thể họ nghe nhiều bài giảng nói về việc nuôi dạy con cái. Nhưng giờ đây, những nguyên tắc này sẽ có ý nghĩa hơn đối với họ. Chính họ sẽ có con và cần nuôi dạy chúng. Quả là trách nhiệm lớn lao! Thật vậy, hoàn cảnh mới có thể thay đổi cái nhìn của chúng ta về những nguyên tắc Kinh Thánh quen thuộc. Đó là một lý do mà những người thờ phượng Đức Giê-hô-va đọc và suy ngẫm Kinh Thánh “mỗi ngày” trong suốt đời họ, giống như các vua Y-sơ-ra-ên được bảo phải làm.—Phục 17:19.
3. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?
3 Hỡi các bậc cha mẹ, anh chị có một trong những đặc ân lớn nhất mà một tín đồ có thể có, đó là dạy con về Đức Giê-hô-va. Nhưng anh chị muốn làm nhiều hơn là chỉ dạy con kiến thức về Đức Chúa Trời. Anh chị muốn giúp con yêu mến ngài sâu đậm. Vậy, anh chị có thể làm gì để khắc ghi tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va vào lòng con? Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận bốn nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp anh chị (2 Ti 3:16). Chúng ta cũng sẽ xem một số bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô đã nhận được lợi ích nào nhờ áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh.
BỐN NGUYÊN TẮC CÓ THỂ GIÚP CHA MẸ
4. Một nguyên tắc có thể giúp cha mẹ khắc ghi tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va vào lòng con là gì? (Gia-cơ 1:5)
4 Nguyên tắc 1: Tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho anh chị sự khôn ngoan cần thiết để giúp con vun trồng tình yêu thương dành cho ngài. (Đọc Gia-cơ 1:5). Ngài là đấng tốt nhất có thể cho chúng ta lời khuyên. Có nhiều lý do để tin điều đó. Hãy xem hai lý do. Thứ nhất, Đức Giê-hô-va là người Cha có nhiều kinh nghiệm nhất (Thi 36:9). Và thứ hai, lời khuyên khôn ngoan của ngài luôn mang lại lợi ích.—Ê-sai 48:17.
5. (a) Tổ chức của Đức Giê-hô-va cung cấp điều gì để giúp các bậc cha mẹ? (b) Như video cho thấy, anh chị học được gì từ cách vợ chồng anh Abilio nuôi dạy con cái?
5 Qua Lời ngài và tổ chức của ngài, Đức Giê-hô-va cung cấp dư dật thức ăn thiêng liêng dựa trên Kinh Thánh có thể giúp anh chị dạy con yêu mến Đức Giê-hô-va (Mat 24:45). Chẳng hạn, anh chị có thể tìm thấy nhiều lời khuyên thực tế nơi loạt bài “Xây đắp tổ ấm” được đăng trong tạp chí Tỉnh Thức! trong nhiều năm và hiện có trên trang web của chúng ta. Ngoài ra, nhiều video trên jw.org cũng có phần phỏng vấn và những cảnh giả định có thể giúp các bậc cha mẹ áp dụng lời khuyên của Đức Giê-hô-va khi nuôi dạy con cái.b—Châm 2:4-6.
6. Một người cha cảm thấy thế nào về sự hướng dẫn vợ chồng anh nhận được từ tổ chức của Đức Giê-hô-va?
6 Nhiều bậc cha mẹ bày tỏ lòng biết ơn về sự giúp đỡ mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua tổ chức của ngài. Một người cha tên Joe thừa nhận: “Nuôi dạy ba người con trong chân lý là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Vợ chồng tôi luôn cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Nhiều lần chúng tôi thấy rằng một bài hoặc một video đến vào đúng lúc chúng tôi cần để đối phó với vấn đề mình đang gặp phải. Tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va là phao cứu sinh của chúng tôi”. Vợ chồng anh Joe thấy rằng sự cung cấp như thế giúp con của họ đến gần Đức Giê-hô-va.
7. Tại sao việc cha mẹ nỗ lực hết sức để nêu gương tốt cho con là điều quan trọng? (Rô-ma 2:21)
7 Nguyên tắc 2: Dạy bằng gương mẫu. Con cái quan sát kỹ cha mẹ và thường bắt chước theo. Dĩ nhiên, không cha mẹ nào là hoàn hảo (Rô 3:23). Dù vậy, cha mẹ khôn ngoan sẽ nỗ lực hết sức để nêu gương tốt cho con. (Đọc Rô-ma 2:21). Một người cha nói như sau về con cái: “Như miếng bông gòn, chúng hấp thu mọi điều”. Anh nói thêm: “Chúng sẽ lên tiếng khi thấy chúng ta nói một đằng làm một nẻo”. Vì thế, nếu muốn con yêu mến Đức Giê-hô-va, thì tình yêu thương của chính chúng ta dành cho ngài phải sâu đậm và cần được thấy rõ.
8, 9. Anh chị học được gì từ những lời chia sẻ của anh Andrew và chị Emma?
8 Có nhiều cách mà cha mẹ có thể dạy con yêu mến Đức Giê-hô-va. Hãy lưu ý đến điều một anh 17 tuổi tên Andrew nói: “Cha mẹ em luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Trước đây, đêm nào cha cũng cầu nguyện với em, ngay cả khi em đã tự cầu nguyện rồi. Cha mẹ luôn nhắc chúng em rằng: ‘Các con có thể trò chuyện với Đức Giê-hô-va bao nhiêu lần mình muốn’. Vì thế, việc cầu nguyện trở nên rất quan trọng đối với em. Giờ đây, em cảm thấy rất thoải mái cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và xem ngài là Cha yêu thương”. Hỡi các bậc cha mẹ, hãy luôn nhớ rằng tình yêu thương của anh chị dành cho Đức Giê-hô-va có thể tác động sâu sắc đến con.
9 Cũng hãy xem trường hợp của chị Emma. Khi cha chị rời bỏ gia đình, ông để lại cho mẹ chị những khoản nợ lớn. Chị Emma nói: “Có nhiều lần mẹ gặp khó khăn về tài chính, nhưng mẹ luôn nói về cách Đức Giê-hô-va chăm sóc và chu cấp cho các tôi tớ ngài. Qua đời sống của mẹ, tôi thấy mẹ thật sự tin điều đó. Mẹ dạy sao thì luôn làm vậy”. Bài học là gì? Các bậc cha mẹ có thể dạy bằng gương mẫu ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.—Ga 6:9.
10. Nhiều cha mẹ Y-sơ-ra-ên có những cơ hội nào để trò chuyện với con cái? (Phục truyền luật lệ 6:6, 7)
10 Nguyên tắc 3: Thường xuyên trò chuyện với con. Đức Giê-hô-va chỉ dẫn dân Y-sơ-ra-ên xưa rằng họ phải thường xuyên dạy con cái về ngài. (Đọc Phục truyền luật lệ 6:6, 7). Họ có nhiều cơ hội trong ngày để trò chuyện với con và khắc ghi tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va vào lòng con. Chẳng hạn, một cậu con trai Y-sơ-ra-ên có lẽ dành nhiều giờ để cùng cha trồng hoa màu hoặc thu hoạch vụ mùa. Con gái có lẽ dành nhiều thời gian trong ngày để cùng mẹ may vá, dệt vải và làm việc nhà. Khi làm việc chung với nhau, cha mẹ và con cái có thể trò chuyện về nhiều đề tài quan trọng. Ví dụ, họ có thể thảo luận về sự tốt lành của Đức Giê-hô-va và cách ngài đang giúp gia đình mình.
11. Một cơ hội cha mẹ có để trò chuyện với con cái là khi nào?
11 Đời sống ngày nay đã thay đổi. Tại nhiều nước, cha mẹ và con cái không thể dành thời gian với nhau trong ngày. Cha mẹ có lẽ ở chỗ làm, còn con cái thì ở trường học. Vì thế, cha mẹ phải tìm cơ hội để trò chuyện với con (Ê-phê 5:15, 16; Phi-líp 1:10). Buổi thờ phượng của gia đình là một trong những cơ hội đó. Một anh trẻ tên Alexander nói: “Cha luôn sắp đặt để có buổi thờ phượng của gia đình, và cha không để bất cứ điều gì cản trở buổi học này. Sau mỗi buổi học, gia đình em trò chuyện với nhau”.
12. Chủ gia đình cần nhớ điều gì trong buổi thờ phượng của gia đình?
12 Nếu là chủ gia đình, chúng ta có thể làm gì để con vui thích buổi thờ phượng của gia đình? Chúng ta có thể học với con ấn phẩm mới Vui sống mãi mãi!. Cuộc học hỏi đó là cơ hội tuyệt vời để có những cuộc trò chuyện sôi nổi. Anh chị muốn con nói ra cảm xúc và mối lo lắng của con. Vì thế, đừng dùng thời gian trong buổi thờ phượng của gia đình để thuyết giảng hoặc la rầy chúng. Cũng đừng phản ứng thái quá nếu con bày tỏ quan điểm không phù hợp với các nguyên tắc Kinh Thánh. Thay vì thế, hãy vui vì chúng thành thật nói ra cảm xúc của mình, và khuyến khích con thoải mái làm thế. Chỉ khi hiểu con thật sự nghĩ gì, anh chị mới có thể giúp con một cách tốt nhất.
13. Các bậc cha mẹ có cơ hội nào khác để giúp con đến gần Đức Giê-hô-va?
13 Hỡi các bậc cha mẹ, hãy tìm cơ hội trong ngày để giúp con đến gần Đức Giê-hô-va. Anh chị không cần phải đợi đến buổi học hỏi chính thức để dạy con về Đức Chúa Trời yêu thương. Hãy để ý đến điều mà một người mẹ tên Lisa nói: “Chúng tôi dùng sự sáng tạo xung quanh để dạy con về Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, khi thấy chú chó cưng làm một động tác khiến các con cười, chúng tôi nói với các cháu rằng điều đó cho thấy Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hạnh phúc và có tính khôi hài, và ngài cũng tạo ra chúng ta với những đặc tính như thế”.
14. Tại sao việc cha mẹ giúp con chọn bạn tốt là điều quan trọng? (Châm ngôn 13:20)
14 Nguyên tắc 4: Giúp con chọn bạn tốt. Lời Đức Chúa Trời cho thấy rõ bạn bè có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến chúng ta. (Đọc Châm ngôn 13:20). Hỡi các bậc cha mẹ, anh chị có biết bạn của con mình là những ai không? Anh chị đã bao giờ gặp chúng và dành thời gian với chúng chưa? Anh chị có thể làm gì để giúp con kết bạn với những người yêu mến Đức Giê-hô-va? (1 Cô 15:33). Để giúp con chọn bạn một cách khôn ngoan, anh chị có thể mời một số người có tình trạng thiêng liêng tốt cùng tham gia các hoạt động với gia đình mình.—Thi 119:63.
15. Các bậc cha mẹ có thể làm gì để giúp con có những bạn tốt?
15 Hãy xem kinh nghiệm của một người cha tên Tony. Anh cho biết điều mà vợ chồng anh đã làm để giúp các con có những bạn tốt. Anh nói: “Trong nhiều năm, vợ chồng tôi mời các anh chị có tuổi tác và gốc gác khác nhau đến nhà. Họ cùng dùng bữa với chúng tôi và tham gia buổi thờ phượng của gia đình. Đây là một cách tuyệt vời để biết thêm về những anh chị yêu mến và phụng sự Đức Giê-hô-va với niềm vui. Thật là một ân phước khi được tiếp đón giám thị vòng quanh, giáo sĩ và các anh chị khác đến ở nhà mình. Kinh nghiệm, lòng sốt sắng và tinh thần hy sinh bất vị kỷ của họ đã tác động mạnh mẽ đến các con và giúp chúng đến gần với Đức Giê-hô-va”. Hỡi các bậc cha mẹ, hãy quyết tâm giúp con có những bạn tốt.
ĐỪNG TỪ BỎ HY VỌNG!
16. Nói sao nếu con anh chị nói là không muốn phụng sự Đức Giê-hô-va?
16 Nói sao nếu anh chị đã nỗ lực hết sức nhưng con anh chị nói là không muốn phụng sự Đức Giê-hô-va? Đừng kết luận rằng anh chị đã thất bại trong vai trò cha mẹ. Đức Giê-hô-va ban cho tất cả chúng ta, bao gồm con cái anh chị, món quà tự do ý chí, nghĩa là chúng ta có thể chọn phụng sự ngài hay không. Nếu con anh chị quyết định rời bỏ Đức Giê-hô-va, đừng từ bỏ hy vọng rằng một ngày nào đó người con ấy sẽ trở lại. Hãy nghĩ đến minh họa về người con lầm lạc (Lu 15:11-19, 22-24). Người trai trẻ ấy đã đi chệch xa khỏi đường lối công chính, nhưng cuối cùng, anh đã trở lại. Có lẽ một số người nói: “Đó chỉ là minh họa thôi. Có thể xảy ra ngoài đời thực không?”. Chắc chắn có! Thực tế, đó là kinh nghiệm của một anh trẻ tên Elie.
17. Kinh nghiệm của anh Elie khích lệ anh chị như thế nào?
17 Anh Elie nói về cha mẹ mình như sau: “Họ đã cố gắng hết sức để khắc ghi vào lòng tôi tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và Lời của ngài, Kinh Thánh. Dù thế, khi đến tuổi niên thiếu thì tôi bắt đầu nổi loạn”. Anh Elie sống hai mặt và bác bỏ mọi nỗ lực của cha mẹ nhằm giúp anh về thiêng liêng. Sau khi bỏ nhà đi, anh làm nhiều điều sai trái. Dù vậy, thỉnh thoảng anh thảo luận Kinh Thánh với một người bạn. Anh Elie cho biết: “Càng nói về Đức Giê-hô-va cho bạn, tôi càng thấy mình nghĩ đến ngài nhiều hơn. Dần dần, hạt giống sự thật trong Kinh Thánh đã ngủ quên trong lòng tôi, hạt giống mà cha mẹ tôi đã khó nhọc vun trồng, bắt đầu lớn lên”. Với thời gian, anh Elie trở lại với chân lý.c Hãy hình dung cha mẹ anh vui mừng thế nào vì đã nỗ lực hết sức dạy anh yêu mến Đức Giê-hô-va từ khi anh còn nhỏ!—2 Ti 3:14, 15.
18. Anh chị cảm thấy thế nào về những bậc cha mẹ nỗ lực dạy con yêu mến Đức Giê-hô-va?
18 Hỡi các bậc cha mẹ, anh chị được ban cho đặc ân tuyệt vời là được nuôi dạy một thế hệ mới những người thờ phượng Đức Giê-hô-va (Thi 78:4-6). Đó là nhiệm vụ không hề nhỏ, và chúng tôi chân thành khen anh chị vì đã nỗ lực không mệt mỏi để giúp đỡ con! Nếu tiếp tục cố gắng hết sức để giúp con yêu mến Đức Giê-hô-va cũng như dùng sự sửa phạt và khuyên bảo của ngài để nuôi dạy chúng, anh chị có thể tin chắc rằng Cha yêu thương trên trời sẽ hài lòng.—Ê-phê 6:4.
BÀI HÁT 135 Đức Giê-hô-va mến gọi: ‘Hỡi con, hãy khôn ngoan!’
a Cha mẹ đạo Đấng Ki-tô yêu thương con họ rất nhiều. Họ nỗ lực chăm lo nhu cầu tình cảm và thể chất cho con. Quan trọng hơn, những bậc cha mẹ này nỗ lực hết sức để khắc ghi vào lòng con tình yêu thương sâu đậm dành cho Đức Giê-hô-va. Bài này sẽ xem xét bốn nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp cha mẹ đạt được mục tiêu đó.
b Xem video Được Đức Giê-hô-va dạy dỗ để nuôi dạy con cái trên jw.org.
c Xem bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống” trong Tháp Canh ngày 1-4-2012.
d HÌNH ẢNH: Để biết rõ hơn về những người bạn của con, một người cha chơi bóng rổ cùng với con và bạn của con.