BÀI HỌC 47
Đừng để bất cứ điều gì ngăn cách anh chị khỏi Đức Giê-hô-va
‘Con tin cậy nơi ngài, Đức Giê-hô-va ôi!’—THI 31:14.
BÀI HÁT 122 Hãy kiên định, không lay chuyển!
GIỚI THIỆUa
1. Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va muốn mình đến gần ngài?
Đức Giê-hô-va mời chúng ta đến gần ngài (Gia 4:8). Ngài muốn là Đức Chúa Trời, Cha và Bạn của chúng ta. Ngài đáp lời cầu nguyện và giúp chúng ta trong những lúc khó khăn. Ngài cũng dùng tổ chức của ngài để dạy dỗ và bảo vệ chúng ta. Nhưng chúng ta cần làm gì để đến gần Đức Giê-hô-va?
2. Làm thế nào để đến gần Đức Giê-hô-va?
2 Chúng ta có thể đến gần Đức Giê-hô-va bằng cách cầu nguyện với ngài, cũng như đọc và suy ngẫm Lời ngài. Khi làm thế, lòng chúng ta sẽ tràn đầy tình yêu thương và sự biết ơn đối với ngài. Chúng ta được thúc đẩy để vâng lời và ngợi khen ngài, là những điều mà ngài hoàn toàn xứng đáng nhận (Khải 4:11). Càng hiểu về Đức Giê-hô-va, chúng ta càng tin cậy ngài và tổ chức mà ngài dùng để giúp đỡ chúng ta.
3. Ác Quỷ cố làm gì để ngăn cách chúng ta khỏi Đức Giê-hô-va, nhưng điều gì sẽ giúp chúng ta không bao giờ bỏ ngài và tổ chức của ngài? (Thi thiên 31:13, 14)
3 Tuy nhiên, Ác Quỷ cố ngăn cách chúng ta khỏi Đức Giê-hô-va, đặc biệt khi chúng ta đương đầu với thử thách. Hắn làm điều này bằng cách nào? Hắn cố làm suy yếu dần lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức. Nhưng chúng ta có thể đứng vững trước những mưu kế của hắn. Khi có đức tin mạnh mẽ và lòng tin cậy không lay chuyển nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không bỏ ngài và tổ chức của ngài.—Đọc Thi thiên 31:13, 14.
4. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?
4 Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận ba thử thách đến từ bên ngoài hội thánh. Mỗi thử thách có thể làm suy yếu lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức. Những thử thách này có thể ngăn cách chúng ta khỏi Đức Giê-hô-va như thế nào? Và chúng ta có thể làm gì để giữ trung thành với Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài?
KHI CHÚNG TA GẶP KHÓ KHĂN
5. Làm thế nào những khó khăn có thể làm suy yếu lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài?
5 Đôi khi chúng ta đối mặt với những khó khăn, chẳng hạn bị gia đình chống đối hoặc bị mất việc. Làm thế nào những khó khăn như thế có thể làm suy yếu lòng tin cậy của chúng ta nơi tổ chức của Đức Giê-hô-va và ngăn cách mình khỏi ngài? Khi chịu đựng nghịch cảnh trong một thời gian dài, có lẽ chúng ta cảm thấy nản lòng và vô vọng. Sa-tan lợi dụng những cơ hội đó và tìm cách để khiến chúng ta nghi ngờ tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho mình. Hắn muốn chúng ta nghĩ rằng Đức Giê-hô-va hoặc tổ chức của ngài chịu trách nhiệm về đau khổ của chúng ta. Điều tương tự đã xảy ra với một số người Y-sơ-ra-ên ở Ai Cập. Lúc đầu, họ tin là Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm Môi-se và A-rôn giải cứu họ khỏi cảnh nô lệ (Xuất 4:29-31). Nhưng về sau, khi Pha-ra-ôn khiến đời sống họ cơ cực hơn, họ đã đổ lỗi cho Môi-se và A-rôn về vấn đề của mình. Họ nói: “Các ông đã khiến Pha-ra-ôn cùng tôi tớ ông ta căm ghét chúng tôi. Các ông đã trao gươm vào tay họ để giết chúng tôi” (Xuất 5:19-21). Họ đổ lỗi cho những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời. Thật đáng buồn! Nếu phải chịu đựng khó khăn trong một thời gian dài, làm thế nào anh chị có thể giữ vững lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài?
6. Chúng ta học được gì từ nhà tiên tri Ha-ba-cúc về cách đương đầu với khó khăn? (Ha-ba-cúc 3:17-19)
6 Trút đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, và hướng đến ngài để được trợ giúp. Nhà tiên tri Ha-ba-cúc phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vào một thời điểm, dường như ông băn khoăn liệu Đức Giê-hô-va có quan tâm đến mình hay không. Thế nên, ông đã trút đổ lòng mình với ngài qua lời cầu nguyện. Ông nói: “Ôi Đức Giê-hô-va, con phải cầu cứu cho đến bao giờ ngài mới đoái nghe?... Sao ngài dung túng những chuyện áp bức?” (Ha-ba 1:2, 3). Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu nguyện tha thiết của tôi tớ trung thành này (Ha-ba 2:2, 3). Sau khi suy ngẫm về các hành động giải cứu của Đức Giê-hô-va, Ha-ba-cúc tràn đầy niềm vui trở lại. Ông tin chắc rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến ông và sẽ giúp ông chịu đựng bất cứ thử thách nào. (Đọc Ha-ba-cúc 3:17-19). Bài học là gì? Khi đối mặt với khó khăn, hãy cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và cho ngài biết cảm xúc của anh chị. Rồi hãy hướng đến ngài để được trợ giúp. Khi làm thế, anh chị có thể tin chắc là Đức Giê-hô-va sẽ ban sức mạnh cần thiết để anh chị chịu đựng. Và khi cảm nghiệm được sự trợ giúp của ngài, đức tin của anh chị nơi ngài sẽ vững mạnh hơn.
7. Người thân của chị Shirley cố thuyết phục chị tin gì, và điều gì giúp chị không đánh mất đức tin nơi Đức Giê-hô-va?
7 Duy trì nề nếp thiêng liêng. Hãy xem điều đó đã giúp chị Shirley ở Papua New Guinea như thế nào khi đối mặt với khó khăn.b Gia đình của chị rất nghèo, và đôi khi họ phải vật lộn mới có đủ đồ ăn. Một người thân cố làm suy yếu lòng tin cậy của chị nơi Đức Giê-hô-va. Người đó nói: “Em nói rằng thần khí thánh của Đức Chúa Trời đang giúp em, nhưng có thấy giúp gì đâu. Gia đình em vẫn nghèo rớt mồng tơi. Em đang lãng phí thời gian cho cái việc rao giảng gì đó”. Chị Shirley thừa nhận: “Tôi tự hỏi: ‘Đức Chúa Trời có thật sự quan tâm đến chúng tôi không?’. Tôi lập tức cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và nói với ngài về mọi điều làm tôi băn khoăn. Tôi vẫn tiếp tục đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm, cũng như không ngừng rao giảng và tham dự nhóm họp”. Không lâu sau, chị bắt đầu nhận ra là Đức Giê-hô-va đang chăm sóc cho gia đình mình. Gia đình chị không đói, và họ vẫn hạnh phúc. Chị cho biết: “Tôi cảm thấy là Đức Giê-hô-va đang đáp lời cầu nguyện của mình” (1 Ti 6:6-8). Nếu giữ nề nếp thiêng liêng tốt, anh chị cũng sẽ không để cho những khó khăn và các mối nghi ngờ ngăn cách mình khỏi Đức Giê-hô-va.
KHI CÁC ANH CÓ TRÁCH NHIỆM BỊ NGƯỢC ĐÃI
8. Điều gì có thể xảy ra cho những anh có trách nhiệm trong tổ chức?
8 Qua phương tiện truyền thông và mạng xã hội, các kẻ thù của chúng ta lan truyền lời dối trá hoặc thông tin sai lệch về những anh có trách nhiệm trong tổ chức (Thi 31:13). Một số anh bị bắt và bị buộc tội. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã đối mặt với tình huống tương tự khi sứ đồ Phao-lô bị vu oan và bị bắt. Họ đã phản ứng thế nào?
9. Một số tín đồ đã phản ứng thế nào khi Phao-lô bị bỏ tù?
9 Một số tín đồ vào thế kỷ thứ nhất không còn ủng hộ sứ đồ Phao-lô nữa khi ông bị bỏ tù ở Rô-ma (2 Ti 1:8, 15). Tại sao? Có phải họ thấy hổ thẹn về Phao-lô vì người ta xem ông là tội phạm không? (2 Ti 2:8, 9). Hay họ sợ mình cũng sẽ bị ngược đãi? Dù lý do của họ là gì, hãy hình dung Phao-lô cảm thấy thế nào. Ông đã chịu đựng nhiều khó khăn, thậm chí liều mạng sống mình vì họ (Công 20:18-21; 2 Cô 1:8). Mong sao chúng ta không bao giờ giống như những người đã bỏ rơi Phao-lô trong những lúc ông cần họ! Chúng ta nên nhớ điều gì khi các anh có trách nhiệm bị ngược đãi?
10. Chúng ta nên nhớ điều gì khi các anh có trách nhiệm bị ngược đãi, và tại sao?
10 Nhớ lý do chúng ta bị ngược đãi và ai gây ra điều đó. Câu 2 Ti-mô-thê 3:12 nói: “Hết thảy những ai muốn sống cuộc đời tin kính của môn đồ Đấng Ki-tô Giê-su cũng sẽ bị ngược đãi”. Vì thế, chúng ta không nên ngạc nhiên là Sa-tan đặc biệt nhắm vào các anh có trách nhiệm. Mục đích của hắn là phá đổ lòng trọn thành của các anh và làm chúng ta sợ hãi.—1 Phi 5:8.
11. Chúng ta học được gì từ gương của Ô-nê-si-phô-rơ? (2 Ti-mô-thê 1:16-18)
11 Tiếp tục hỗ trợ anh em và trung thành gắn bó với họ. (Đọc 2 Ti-mô-thê 1:16-18). Một tín đồ vào thế kỷ thứ nhất tên Ô-nê-si-phô-rơ phản ứng khác khi Phao-lô bị bỏ tù. Ông “chẳng hổ thẹn về việc [Phao-lô] bị xiềng xích”. Trái lại, Ô-nê-si-phô-rơ đi tìm Phao-lô, và khi gặp được, ông tìm cách để hỗ trợ Phao-lô qua những cách thực tế. Ô-nê-si-phô-rơ đã liều mạng sống mình khi làm thế. Bài học là gì? Đừng để nỗi sợ loài người khiến chúng ta thoái chí hoặc ngăn cản mình hỗ trợ các anh em đang bị ngược đãi. Thay vì thế, hãy bênh vực và giúp đỡ họ (Châm 17:17). Họ cần tình yêu thương và sự hỗ trợ của chúng ta.
12. Chúng ta học được gì từ những anh chị ở Nga?
12 Hãy xem các anh chị ở Nga giúp đỡ anh em yêu dấu đang bị cầm tù như thế nào. Khi một số anh em bị xét xử, nhiều anh chị đến tòa để ủng hộ họ. Bài học là gì? Khi các anh có trách nhiệm bị vu khống, bị bắt hoặc bị ngược đãi, đừng sợ hãi. Hãy cầu nguyện cho họ, chăm sóc cho gia đình của họ và tìm những cách thực tế khác để hỗ trợ họ.—Công 12:5; 2 Cô 1:10, 11.
KHI CHÚNG TA BỊ CHẾ GIỄU
13. Làm thế nào sự chế giễu có thể làm suy yếu lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức?
13 Người thân, đồng nghiệp hoặc bạn học không tin đạo có thể chế giễu vì chúng ta làm công việc rao giảng hoặc vì chúng ta sống theo tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Giê-hô-va (1 Phi 4:4). Có lẽ họ nói: “Tôi thích con người của bạn, nhưng đạo của bạn quá gò bó và lỗi thời rồi”. Một số người có lẽ chỉ trích chúng ta về cách mình đối xử với người bị khai trừ. Họ nói những câu như: “Thế mà bảo mình là người biết yêu thương!”. Những lời như thế có thể gieo sự nghi ngờ vào trí chúng ta. Chúng ta có thể bắt đầu băn khoăn: “Đức Giê-hô-va có đòi hỏi quá nhiều nơi mình không? Tổ chức của ngài có quá khắt khe không?”. Nếu đang phải đương đầu với một tình huống như vậy, làm thế nào anh chị có thể gắn bó với Đức Giê-hô-va và tổ chức?
14. Chúng ta nên phản ứng thế nào khi bị người khác chế giễu vì làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va? (Thi thiên 119:50-52)
14 Quyết tâm làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Gióp làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va dù bị chế giễu. Một trong những người bạn giả tạo của Gióp thậm chí cố khiến ông tin rằng Đức Chúa Trời không quan tâm đến việc ông có vâng theo tiêu chuẩn của ngài hay không (Gióp 4:17, 18; 22:3). Nhưng Gióp không tin những lời dối trá đó. Ông biết là tiêu chuẩn của ngài luôn đúng, và quyết tâm làm theo. Ông không để người khác khiến mình từ bỏ lòng trọn thành (Gióp 27:5, 6). Bài học là gì? Đừng để sự chế giễu khiến anh chị nghi ngờ tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Hãy nghĩ về trải nghiệm của bản thân. Chẳng phải nhiều lần anh chị thấy tiêu chuẩn của ngài là đúng và mang lại lợi ích cho mình sao? Hãy quyết tâm ủng hộ tổ chức đang làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, không có sự chế giễu nào có thể ngăn cách anh chị khỏi ngài.—Đọc Thi thiên 119:50-52.
15. Tại sao chị Brizit bị chế giễu?
15 Hãy xem kinh nghiệm của chị Brizit ở Ấn Độ. Chị bị gia đình chế giễu vì niềm tin. Không lâu sau khi chị báp-têm vào năm 1997, người chồng không tin đạo của chị mất việc. Thế nên, anh quyết định là hai vợ chồng cùng các con gái sẽ chuyển đến sống với ba mẹ anh ở một thành phố khác. Nhưng chị còn phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn. Vì chồng chị thất nghiệp, nên chị phải làm việc trọn thời gian để chu cấp cho gia đình. Ngoài ra, hội thánh gần nhất cách nơi chị ở khoảng 350km. Đáng buồn là gia đình chồng chống đối chị vì niềm tin của chị. Tình hình căng thẳng đến mức gia đình chị lại phải chuyển đi. Rồi chồng chị bất ngờ qua đời. Sau đó, một người con gái của chị chết vì ung thư khi mới chỉ 12 tuổi. Tệ hơn nữa, chị bị người thân đổ lỗi về những chuyện này. Họ cho rằng nếu chị không trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va thì tất cả những thảm kịch này đã không xảy đến. Dù vậy, chị vẫn tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va và gắn bó với tổ chức của ngài.
16. Vì gắn bó với Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài, chị Brizit được ban phước thế nào?
16 Vì chị Brizit sống rất xa hội thánh nên một giám thị vòng quanh khuyến khích chị rao giảng trong khu vực chị sống và tổ chức các buổi nhóm họp tại nhà của chị. Lúc đầu, chị cảm thấy điều đó quá khó đối với chị. Nhưng chị vẫn làm theo chỉ dẫn ấy. Chị chia sẻ tin mừng với người khác, tổ chức các buổi nhóm họp tại nhà và đều đặn có buổi thờ phượng của gia đình với các con gái. Kết quả là gì? Chị bắt đầu và điều khiển nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh. Một số học viên của chị đã báp-têm. Vào năm 2005, chị bắt đầu làm tiên phong đều đều. Lòng tin cậy của chị nơi Đức Giê-hô-va và lòng trung thành với tổ chức của ngài đã được tưởng thưởng. Các con gái của chị đang trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va, và hiện nay có hai hội thánh ở khu vực đó. Chị Brizit tin chắc rằng Đức Giê-hô-va đã ban cho chị sức mạnh để đối phó với những khó khăn và chịu đựng sự chế giễu từ gia đình.
TIẾP TỤC TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ TỔ CHỨC CỦA NGÀI
17. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?
17 Sa-tan muốn chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va từ bỏ chúng ta khi mình gặp thử thách và việc ủng hộ tổ chức của ngài chỉ khiến đời sống mình khó khăn hơn. Sa-tan muốn chúng ta cảm thấy sợ hãi khi các anh có trách nhiệm bị vu khống, ngược đãi hoặc bị bỏ tù. Và qua sự chế giễu, hắn muốn làm suy yếu lòng tin cậy của chúng ta nơi tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va và nơi tổ chức của ngài. Tuy nhiên, chúng ta biết rõ những thủ đoạn hiểm độc của hắn và không bị đánh lừa (2 Cô 2:11). Hãy quyết tâm bác bỏ những lời dối trá của Sa-tan, và tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va cũng như tổ chức của ngài. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ từ bỏ anh chị (Thi 28:7). Vì thế, đừng để bất cứ điều gì ngăn cách anh chị khỏi Đức Giê-hô-va!—Rô 8:35-39.
18. Bài kế tiếp sẽ thảo luận điều gì?
18 Trong bài này, chúng ta đã thảo luận những thử thách đến từ bên ngoài hội thánh. Nhưng những thách đố đến từ bên trong hội thánh cũng có thể thử thách lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài. Làm thế nào để đối phó thành công với những thách đố như thế? Chúng ta sẽ thảo luận điều này trong bài kế tiếp.
BÀI HÁT 118 ‘Xin cho chúng con thêm đức tin’
a Để trung thành chịu đựng trong những ngày sau cùng này, chúng ta cần tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài. Ác Quỷ cố dùng những thử thách để phá đổ lòng tin cậy đó. Bài này sẽ thảo luận ba thử thách mà Ác Quỷ dùng và chúng ta có thể làm gì để giữ trung thành với Đức Giê-hô-va cũng như tổ chức của ngài.
b Một số tên đã được thay đổi.