BÀI HỌC 48
Hãy giữ mình tỉnh táo khi lòng trung thành bị thử thách
“Hãy giữ mình tỉnh táo trong mọi việc”.—2 TI 4:5.
BÀI HÁT 123 Trung thành phục tùng sự sắp đặt thần quyền
GIỚI THIỆUa
1. Giữ mình tỉnh táo có nghĩa gì? (2 Ti-mô-thê 4:5)
Khi gặp khó khăn, lòng trung thành của chúng ta với Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài có thể bị thử thách. Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua? Chúng ta cần giữ mình tỉnh táo và tỉnh thức, đứng vững trong đức tin. (Đọc 2 Ti-mô-thê 4:5). Chúng ta giữ mình tỉnh táo bằng cách bình tĩnh, suy nghĩ sáng suốt và cố gắng nhìn vấn đề theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, cảm xúc của chúng ta sẽ không chi phối suy nghĩ của mình.
2. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?
2 Trong bài trước, chúng ta đã xem ba thử thách đến từ bên ngoài hội thánh. Bài này sẽ xem xét ba thách đố đến từ bên trong hội thánh có thể thử thách lòng trung thành của mình với Đức Giê-hô-va. Đó là khi chúng ta (1) cảm thấy bị một anh em đồng đạo đối xử tệ, (2) nhận sự sửa dạy và (3) tranh đấu để thích nghi với thay đổi trong tổ chức. Làm thế nào để giữ mình tỉnh táo và trung thành gắn bó với Đức Giê-hô-va cũng như tổ chức của ngài khi đối mặt với những thách đố như thế?
KHI CẢM THẤY BỊ MỘT ANH EM ĐỒNG ĐẠO ĐỐI XỬ TỆ
3. Chúng ta có thể phản ứng thế nào nếu cảm thấy bị một anh em đồng đạo đối xử tệ?
3 Anh chị có từng cảm thấy bị một anh em đồng đạo, có lẽ một anh có trách nhiệm, đối xử tệ với mình chưa? Hẳn anh ấy không có ý làm anh chị tổn thương (Rô 3:23; Gia 3:2). Nhưng hành động của anh ấy có thể khiến anh chị bực tức, thậm chí mất ngủ vì nghĩ về chuyện đó. Có lẽ anh chị còn băn khoăn: “Nếu một anh hành động như thế thì đây có thật sự là tổ chức của Đức Chúa Trời không?”. Đó chính là cách mà Sa-tan muốn chúng ta phản ứng (2 Cô 2:11). Suy nghĩ tiêu cực như thế có thể khiến chúng ta tự ngăn cách mình khỏi Đức Giê-hô-va và tổ chức. Vậy, nếu cảm thấy bị một anh chị đối xử tệ, làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục giữ mình tỉnh táo và tránh lối suy nghĩ tai hại?
4. Giô-sép đã giữ mình tỉnh táo như thế nào khi bị đối xử tệ, và chúng ta rút ra bài học nào từ gương của ông? (Sáng thế 50:19-21)
4 Đừng trở nên cay đắng. Khi Giô-sép còn là thanh thiếu niên, các anh đã đối xử tệ bạc với ông. Họ ghét ông, thậm chí một số người anh còn muốn giết ông (Sáng 37:4, 18-22). Cuối cùng họ bán ông làm nô lệ. Hậu quả là Giô-sép phải đối mặt với gian nan thử thách trong khoảng 13 năm. Giô-sép đã có thể thắc mắc liệu Đức Giê-hô-va có thật sự yêu thương ông không và liệu ngài có bỏ rơi ông trong lúc ông cần ngài không. Nhưng Giô-sép đã không trở nên cay đắng. Thay vì thế, ông giữ mình tỉnh táo bằng cách bình tĩnh. Khi có cơ hội trả đũa các anh, Giô-sép đã không làm thế nhưng tỏ lòng yêu thương và tha thứ cho họ (Sáng 45:4, 5). Giô-sép hành động như thế là vì ông đã suy nghĩ sáng suốt. Thay vì tập trung vào vấn đề của mình, ông thấy bức tranh lớn, đó là ý định của Đức Giê-hô-va. (Đọc Sáng thế 50:19-21). Bài học là gì? Nếu bị đối xử tệ, đừng trở nên cay đắng với Đức Giê-hô-va hoặc thắc mắc liệu ngài có bỏ rơi anh chị hay không. Thay vì vậy, hãy suy ngẫm về cách ngài đang giúp anh chị chịu đựng thử thách. Ngoài ra, khi bị người khác đối xử tệ, hãy cố gắng che lấp khuyết điểm của họ bằng tình yêu thương.—1 Phi 4:8.
5. Anh Miqueas đã làm gì để giữ mình tỉnh táo khi cảm thấy bị đối xử tệ?
5 Hãy xem một kinh nghiệm thời hiện đại của một trưởng lão ở Nam Mỹ tên là Miqueas.b Anh nhớ một thời điểm khi anh cảm thấy mình bị một số anh có trách nhiệm đối xử khắt khe. Anh nói: “Tôi chưa bao giờ căng thẳng như thế. Tôi cảm thấy sợ. Tôi bị mất ngủ và rơi nước mắt vì thấy mình bất lực”. Dù vậy, anh đã giữ mình tỉnh táo và nỗ lực kiểm soát cảm xúc của mình. Anh thường xuyên cầu nguyện, xin Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh và sức mạnh để chịu đựng. Anh cũng tìm thông tin trong các ấn phẩm mà có thể giúp mình. Bài học là gì? Nếu cảm thấy bị một anh chị đối xử tệ, hãy bình tĩnh và cố gắng kiểm soát bất cứ cảm xúc tiêu cực nào. Anh chị có lẽ không biết hoàn cảnh nào đã khiến người ấy nói hoặc hành động như thế. Vì vậy, hãy nói với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, xin ngài giúp anh chị hiểu hoàn cảnh của người đó. Làm thế có thể giúp anh chị tin rằng người đó không có ý làm mình tổn thương và giúp anh chị tha thứ cho người đó (Châm 19:11). Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va biết hoàn cảnh của anh chị, và ngài sẽ ban sức mạnh cần thiết để anh chị chịu đựng.—2 Sử 16:9; Truyền 5:8.
KHI NHẬN SỰ SỬA DẠY
6. Tại sao chúng ta cần xem sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va là biểu hiện của tình yêu thương? (Hê-bơ-rơ 12:5, 6, 11)
6 Khi bị sửa dạy, một người có thể rất đau lòng. Nhưng nếu chỉ tập trung vào nỗi đau, có lẽ chúng ta sẽ xem nhẹ sự sửa dạy, cảm thấy điều đó bất công hoặc quá khắt khe. Hậu quả là chúng ta không nhận ra một điều quan trọng: Sự sửa dạy là biểu hiện của tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:5, 6, 11). Và nếu để cảm xúc chi phối, chúng ta sẽ cho Sa-tan cơ hội lợi dụng điều đó để tấn công mình. Hắn muốn chúng ta bác bỏ sự sửa dạy, tệ hơn nữa là tự ngăn cách mình khỏi Đức Giê-hô-va và hội thánh. Nếu bị sửa dạy, làm thế nào anh chị có thể giữ mình tỉnh táo?
7. (a) Như hình cho thấy, Phi-e-rơ đã được Đức Giê-hô-va dùng như thế nào sau khi chấp nhận sự sửa dạy? (b) Anh chị học được gì từ gương của Phi-e-rơ?
7 Chấp nhận sự sửa dạy và thực hiện những điều chỉnh cần thiết. Vài lần, Chúa Giê-su đã sửa Phi-e-rơ trước mặt các sứ đồ khác (Mác 8:33; Lu 22:31-34). Hẳn Phi-e-rơ rất xấu hổ. Tuy nhiên, ông vẫn trung thành với Chúa Giê-su. Ông chấp nhận sự sửa dạy và học từ lỗi lầm của mình. Kết quả là Đức Giê-hô-va ban thưởng cho sự trung thành của Phi-e-rơ và giao cho ông những trọng trách trong hội thánh (Giăng 21:15-17; Công 10:24-33; 1 Phi 1:1). Chúng ta học được gì từ gương của Phi-e-rơ? Nếu chúng ta không tập trung vào sự xấu hổ khi bị sửa dạy, mà chấp nhận sự chỉnh sửa và thực hiện những điều chỉnh cần thiết, thì chính mình và người khác sẽ nhận được lợi ích. Khi làm thế, chúng ta sẽ càng hữu dụng hơn cho Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo.
8, 9. Sau khi bị sửa dạy, lúc đầu anh Bernardo cảm thấy thế nào, nhưng điều gì đã giúp anh điều chỉnh lối suy nghĩ?
8 Hãy xem trường hợp của anh Bernardo ở Mozambique. Anh bị mất đặc ân làm trưởng lão. Lúc đầu, anh Bernardo cảm thấy thế nào? Anh nói: “Tôi cảm thấy oán giận vì tôi không thích sự sửa dạy mà mình nhận được”. Anh lo là người khác trong hội thánh sẽ nghĩ xấu về mình. Anh thừa nhận: “Phải mất vài tháng tôi mới có quan điểm đúng về vấn đề và có lại lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức”. Điều gì đã giúp anh Bernardo thay đổi quan điểm?
9 Anh Bernardo đã điều chỉnh lối suy nghĩ. Anh cho biết: “Khi còn là trưởng lão, tôi dùng Hê-bơ-rơ 12:7 để giúp người khác có quan điểm đúng về sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va. Giờ tôi tự hỏi: ‘Ai cần áp dụng câu Kinh Thánh này?’. Tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va, kể cả mình”. Sau đó, anh Bernardo đã làm thêm những điều khác để xây dựng lại lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức. Anh dành nhiều thời gian hơn để đọc và suy ngẫm Kinh Thánh. Dù lo lắng về cách các anh chị khác nghĩ về mình, anh vẫn đi thánh chức với họ và bình luận tại các buổi nhóm họp. Với thời gian, anh Bernardo được bổ nhiệm làm trưởng lão trở lại. Như anh Bernardo, nếu anh chị nhận sự sửa dạy, hãy cố gắng đừng tập trung vào sự xấu hổ, mà hãy chấp nhận lời khuyên và thực hiện những điều chỉnh cần thiếtc (Châm 8:33; 22:4). Khi làm thế, anh chị có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho anh chị vì đã trung thành gắn bó với ngài và tổ chức.
KHI TRANH ĐẤU ĐỂ THÍCH NGHI VỚI THAY ĐỔI TRONG TỔ CHỨC
10. Sự thay đổi nào về mặt tổ chức có thể đã thử thách lòng trung thành của một số người Y-sơ-ra-ên?
10 Những thay đổi trong tổ chức có thể thử thách lòng trung thành của chúng ta. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể để cho những thay đổi đó ngăn cách mình khỏi Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, hãy xem một thay đổi về mặt tổ chức dưới Luật pháp Môi-se có thể đã ảnh hưởng thế nào đến một số người Y-sơ-ra-ên. Trước khi Luật pháp được thiết lập, người chủ gia đình thực hiện công việc của thầy tế lễ. Họ dựng bàn thờ và thay mặt gia đình dâng vật tế lễ cho Đức Giê-hô-va (Sáng 8:20, 21; 12:7; 26:25; 35:1, 6, 7; Gióp 1:5). Nhưng khi Luật pháp được thiết lập, người chủ gia đình không còn có đặc ân đó nữa. Đức Giê-hô-va bổ nhiệm các thầy tế lễ thuộc dòng dõi A-rôn để dâng vật tế lễ. Sau khi sự thay đổi đó có hiệu lực, nếu một người chủ gia đình không thuộc dòng dõi A-rôn mà làm công việc của thầy tế lễ, người đó có thể bị xử tửd (Lê 17:3-6, 8, 9). Có phải sự thay đổi này là một lý do khiến cho Cô-rê, Đa-than, A-bi-ram và 250 thủ lĩnh chống lại quyền hành của Môi-se và A-rôn không? (Dân 16:1-3). Chúng ta không biết chắc. Dù gì đi nữa, Cô-rê và những kẻ theo phe hắn đã không giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Nếu những thay đổi trong tổ chức thử thách lòng trung thành của anh chị, anh chị có thể làm gì?
11. Chúng ta học được gì từ gương của một số người Kê-hát thuộc chi phái Lê-vi?
11 Hết lòng ủng hộ những thay đổi trong tổ chức. Trong thời gian ở hoang mạc, người Kê-hát có một nhiệm vụ đặc biệt. Mỗi lần dân Y-sơ-ra-ên nhổ trại, một số người Kê-hát khiêng Hòm Giao Ước đi trước hết thảy dân chúng (Dân 3:29, 31; 10:33; Giô-suê 3:2-4). Quả là một đặc ân! Tuy nhiên, có sự thay đổi liên quan đến họ khi dân Y-sơ-ra-ên định cư ở Đất Hứa. Hòm Giao Ước không còn cần được thường xuyên di chuyển nữa. Vì thế, đến thời Sa-lô-môn cai trị, một số người Kê-hát được chỉ định làm người ca hát, một số làm người gác cổng và cũng có người coi sóc các nhà kho (1 Sử 6:31-33; 26:1, 24). Không có nơi nào nói người Kê-hát phàn nàn hoặc đòi hỏi một vai trò nổi bật hơn vì trước đây họ từng có nhiệm vụ đặc biệt. Bài học là gì? Hãy hết lòng ủng hộ những thay đổi trong tổ chức của Đức Giê-hô-va, kể cả những thay đổi ảnh hưởng đến nhiệm vụ của anh chị. Hãy tìm niềm vui trong bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Hãy nhớ rằng giá trị của anh chị không tùy thuộc vào nhiệm vụ. Đức Giê-hô-va quý sự vâng lời của anh chị hơn bất cứ nhiệm vụ nào.—1 Sa 15:22.
12. Chị Zaina cảm thấy thế nào khi nhận sự thay đổi về nhiệm sở?
12 Hãy xem trường hợp của chị Zaina ở Trung Đông. Chị nhận sự thay đổi về nhiệm sở và không còn đặc ân mà chị rất quý. Chị được chỉ định ra cánh đồng sau khi phụng sự ở Bê-tên hơn 23 năm. Chị cho biết: “Tôi cảm thấy sốc khi nhận được sự thay đổi nhiệm sở này. Tôi cảm thấy mình vô dụng và cứ tự hỏi: ‘Mình đã làm gì sai?’”. Đáng buồn là một số anh chị trong hội thánh làm chị càng đau lòng hơn khi nói với chị: “Nếu chị làm tốt thì tổ chức đâu để chị đi”. Trong một thời gian, chị Zaina cảm thấy nản lòng đến mức đêm nào chị cũng khóc. Nhưng chị nói: “Tôi không bao giờ để cho mình nghi ngờ tổ chức hay tình yêu thương của Đức Giê-hô-va”. Vậy, chị Zaina đã làm gì để giữ mình tỉnh táo?
13. Chị Zaina đã làm gì để vượt qua cảm xúc tiêu cực?
13 Chị Zaina đã có thể vượt qua cảm xúc tiêu cực. Như thế nào? Chị đọc các bài trong những ấn phẩm nói về vấn đề mà chị đang phải đương đầu. Bài “Bạn có thể đối phó với sự ngã lòng!” trong Tháp Canh ngày 1-2-2001 đã giúp chị rất nhiều. Bài đó giải thích rằng người viết Kinh Thánh là Mác có thể đã tranh đấu với cảm xúc tương tự khi có sự thay đổi về nhiệm sở. Chị Zaina nhớ lại: “Gương của Mác là phương thuốc giúp tôi vượt qua sự nản lòng”. Chị cũng kết hợp với những người bạn thân của chị. Chị không tự cô lập mình, cũng không để cho mình cảm thấy tủi thân. Chị nhận thấy thần khí của Đức Giê-hô-va hoạt động qua tổ chức của ngài và những anh dẫn đầu rất quan tâm đến chị. Nhưng chị cũng nhận ra tổ chức phải làm điều tốt nhất để công việc của Đức Giê-hô-va được thực hiện.
14. Anh Vlado cảm thấy khó thích nghi với sự thay đổi nào trong tổ chức, và điều gì đã giúp anh?
14 Anh Vlado, một trưởng lão 73 tuổi ở Slovenia, cảm thấy khó thích nghi khi hội thánh anh sáp nhập với hội thánh khác và Phòng Nước Trời mà anh tham dự bị đóng cửa. Anh nói: “Tôi không hiểu tại sao một Phòng Nước Trời đẹp như vậy mà phải đóng cửa. Tôi cảm thấy đau lòng vì chúng tôi vừa mới sửa chữa Phòng Nước Trời. Tôi là thợ mộc và tôi mới đóng vài món đồ cho Phòng Nước Trời. Ngoài ra, việc sáp nhập dẫn đến nhiều điều chỉnh mà không dễ cho những người công bố lớn tuổi như chúng tôi”. Điều gì đã giúp anh Vlado ủng hộ chỉ dẫn này? Anh cho biết: “Thích nghi với những thay đổi trong tổ chức Đức Giê-hô-va luôn mang lại ân phước. Những thay đổi đó giúp chúng ta sẵn sàng cho những thay đổi lớn hơn trong tương lai”. Anh chị có đang phải tranh đấu để thích nghi với việc sáp nhập hội thánh hoặc sự thay đổi về nhiệm vụ không? Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va hiểu cảm xúc của anh chị. Khi ủng hộ những thay đổi như thế và trung thành gắn bó với Đức Giê-hô-va và tổ chức mà ngài đang dùng, anh chị chắc chắn sẽ được ban phước.—Thi 18:25.
GIỮ MÌNH TỈNH TÁO TRONG MỌI VIỆC
15. Làm thế nào để giữ mình tỉnh táo khi đối mặt với những thách đố đến từ bên trong hội thánh?
15 Khi chúng ta càng đến gần thời điểm kết thúc của thế gian này, sẽ có những thách đố đến từ bên trong hội thánh. Những thách đố đó có thể thử thách lòng trung thành của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Vì thế, chúng ta phải giữ mình tỉnh táo. Nếu cảm thấy bị một anh em đồng đạo đối xử tệ, đừng để mình trở nên cay đắng. Nếu nhận sự sửa dạy, đừng tập trung vào sự xấu hổ, mà hãy chấp nhận lời khuyên và thực hiện những điều chỉnh cần thiết. Khi tổ chức Đức Giê-hô-va có những thay đổi ảnh hưởng đến cá nhân anh chị, hãy hết lòng chấp nhận những thay đổi đó và vâng theo chỉ dẫn.
16. Làm thế nào để giữ vững lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài?
16 Anh chị có thể giữ vững lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài khi lòng trung thành của mình bị thử thách. Nhưng để làm thế, anh chị cần giữ mình tỉnh táo, tức là bình tĩnh, suy nghĩ sáng suốt và nhìn vấn đề theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Hãy quyết tâm học về những nhân vật trong Kinh Thánh đã đối phó thành công với những vấn đề tương tự và suy ngẫm gương của họ. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Và đừng bao giờ tự cô lập mình khỏi hội thánh. Khi anh chị làm những điều đó thì dù chuyện gì xảy ra đi nữa, Sa-tan cũng không thể ngăn cách anh chị khỏi Đức Giê-hô-va hoặc tổ chức của ngài.—Gia 4:7.
BÀI HÁT 126 Hãy luôn tỉnh thức, đứng vững và mạnh mẽ
a Lòng trung thành của chúng ta với Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài có thể bị thử thách, đặc biệt khi chúng ta đối mặt với những thách đố đến từ bên trong hội thánh. Bài này sẽ thảo luận ba thách đố và điều chúng ta có thể làm để giữ trung thành với Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài.
b Một số tên đã được thay đổi.
c Anh chị có thể tìm thêm những gợi ý hữu ích trong bài “Anh từng có đặc ân? Anh có thể vươn lên không?” trong Tháp Canh ngày 15-8-2009, trg 30.
d Luật pháp quy định rằng những người chủ gia đình muốn làm thịt con vật thì phải mang nó đến nơi thánh. Nhưng cũng có ngoại lệ là những người chủ gia đình ở quá xa nơi thánh.—Phục 12:21.