BÀI HỌC 6
Kinh Thánh tiết lộ điều gì về Tác Giả của sách này?
“Con hãy ghi lại mọi lời ta truyền cho con vào một cuốn sách”.—GIÊ 30:2.
BÀI HÁT 96 Cuốn sách của Đức Chúa Trời—Kho tàng vô giá
GIỚI THIỆUa
1. Tại sao anh chị biết ơn về Kinh Thánh?
Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã ban Kinh Thánh! Qua Kinh Thánh, ngài cung cấp lời khuyên khôn ngoan có thể giúp chúng ta đối phó thành công với những vấn đề mình gặp ngày nay. Ngài cũng ban cho chúng ta hy vọng tuyệt diệu về tương lai. Quan trọng hơn, Đức Giê-hô-va dùng Kinh Thánh để tiết lộ nhiều đức tính của ngài. Khi suy ngẫm về những đức tính tuyệt vời ấy, chúng ta rất cảm động và được thôi thúc đến gần ngài bằng cách vun trồng tình bạn nồng ấm với ngài.—Thi 25:14.
2. Đức Giê-hô-va tiết lộ về ngài cho con người qua những cách nào?
2 Đức Giê-hô-va muốn người ta biết về ngài. Trong quá khứ, ngài đã tiết lộ về mình qua những cách như giấc chiêm bao, khải tượng và ngay cả là qua thiên sứ (Dân 12:6; Công 10:3, 4). Nhưng làm sao chúng ta có thể học về những giấc chiêm bao, khải tượng và thông điệp từ thiên sứ nếu những điều đó không được ghi lại? Thế nên, Đức Giê-hô-va đã dùng con người để ‘ghi lại vào một cuốn sách’ những điều mà ngài muốn chúng ta biết (Giê 30:2). Vì “đường lối Đức Chúa Trời là hoàn hảo” nên chúng ta có thể tin chắc rằng đây là phương pháp liên lạc tuyệt vời và mang lại lợi ích cho chúng ta.—Thi 18:30.
3. Làm thế nào Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng Kinh Thánh được bảo tồn? (Ê-sai 40:8)
3 Đọc Ê-sai 40:8. Lời Đức Chúa Trời cung cấp sự hướng dẫn khôn ngoan cho những người nam và nữ trung thành trong hàng ngàn năm qua. Làm sao có thể được? Suy cho cùng, Kinh Thánh được viết từ rất lâu và trên vật liệu dễ hỏng, vì thế không có bản gốc nào còn tồn tại đến ngày nay. Nhưng Đức Giê-hô-va đã đảm bảo sao cho sách thánh này được sao chép lại. Dù bất toàn, những người sao chép đã vô cùng cẩn thận. Chẳng hạn, một học giả viết về phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ như sau: “Người ta có thể vững tâm nói rằng không tài liệu cổ xưa nào đã được lưu truyền chính xác đến vậy”. Thật thế, bất kể thời gian, vật liệu dễ hỏng và sự bất toàn của người sao chép, chúng ta có thể tin chắc rằng những lời mình đọc trong Kinh Thánh ngày nay truyền tải ý tưởng của Tác Giả sách này, Đức Giê-hô-va.
4. Bài này sẽ thảo luận điều gì?
4 Đức Giê-hô-va là Nguồn của “mọi món quà tốt lành và hoàn hảo” (Gia 1:17). Kinh Thánh là một trong những món quà quý nhất mà ngài ban cho chúng ta. Một món quà cho biết người tặng hiểu chúng ta và nhu cầu của chúng ta rõ đến mức nào. Điều đó cũng đúng với đấng ban Kinh Thánh. Khi xem xét món quà này, chúng ta học được nhiều điều về Đức Giê-hô-va. Chúng ta học được rằng ngài hiểu rất rõ chúng ta và nhu cầu của chúng ta. Bài này sẽ thảo luận những điều mình học được từ Kinh Thánh về ba đức tính của Đức Giê-hô-va: sự khôn ngoan, công bằng và tình yêu thương của ngài. Trước hết, hãy xem Kinh Thánh phản ánh sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời như thế nào.
KINH THÁNH PHẢN ÁNH SỰ KHÔN NGOAN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
5. Một cách mà Kinh Thánh phản ánh sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là gì?
5 Đức Giê-hô-va biết chúng ta cần lời khuyên khôn ngoan của ngài. Và món quà của ngài là Kinh Thánh chứa đầy sự khôn ngoan. Lời khuyên của Kinh Thánh có tác động tích cực trên người ta và giúp họ thay đổi đời sống. Khi viết những sách đầu tiên của Kinh Thánh, Môi-se nói với dân Đức Chúa Trời là dân Y-sơ-ra-ên: “Lời này chẳng phải là sáo rỗng đối với anh em nhưng ấy là sự sống của anh em” (Phục 32:47). Những người vâng theo Kinh Thánh có thể có đời sống thành công và hạnh phúc (Thi 1:2, 3). Dù được viết cách đây rất lâu, Lời Đức Chúa Trời vẫn có quyền lực cải thiện đời sống người ta. Chẳng hạn, trong loạt bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống” trên jw.org, anh chị sẽ tìm được hơn 50 kinh nghiệm có thật cho thấy Kinh Thánh tác động mạnh mẽ trên những người tin sách ấy ngày nay.—1 Tê 2:13.
6. Tại sao có thể nói rằng không có sách nào giống như Kinh Thánh?
6 Không có sách nào giống như Lời của Đức Chúa Trời. Tại sao có thể nói như thế? Vì Tác Giả của sách này, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là toàn năng, hiện hữu muôn đời và có sự khôn ngoan không ai sánh bằng. Nhiều sách tồn tại lâu hơn tuổi thọ của tác giả, nhưng lời khuyên trong đó lại thường lỗi thời theo thời gian. Trái lại, những nguyên tắc khôn ngoan của Kinh Thánh thì luôn hữu ích cho người ta trong mọi thời đại. Khi chúng ta đọc và suy ngẫm những bài học trong sách thánh này, Đức Giê-hô-va dùng thần khí thánh mạnh mẽ để giúp chúng ta thấy cách áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh vào đời sống (Thi 119:27; Mal 3:16; Hê 4:12). Thật vậy, Tác Giả hằng sống của Kinh Thánh rất muốn giúp đỡ anh chị. Chẳng phải điều đó thôi thúc chúng ta muốn đọc sách này đều đặn sao?
7. Kinh Thánh giúp hợp nhất dân Đức Chúa Trời như thế nào trong quá khứ?
7 Một cách nổi bật khác mà Kinh Thánh phản ánh sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là giúp hợp nhất dân ngài. Khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, họ sống ở nhiều vùng khác nhau. Một số là người đánh cá, số khác chăn nuôi gia súc và cũng có người làm nghề nông. Những người Y-sơ-ra-ên sống trong một vùng có thể dễ mất đi lòng quan tâm đối với người đồng hương ở những vùng khác. Nhưng Đức Giê-hô-va đã sắp đặt cho người Y-sơ-ra-ên tập hợp lại vào nhiều dịp khác nhau để nghe Lời ngài được đọc và giải nghĩa (Phục 31:10-13; Nê 8:2, 8, 18). Hãy hình dung một người Y-sơ-ra-ên trung thành cảm thấy thế nào khi đến Giê-ru-sa-lem và thấy có lẽ hàng triệu người cùng thờ phượng Đức Chúa Trời đến từ mọi miền của Đất Hứa! Qua cách đó, Đức Giê-hô-va giúp dân ngài tiếp tục hợp nhất. Sau này, hội thánh đạo Đấng Ki-tô bao gồm những người nam và nữ nói nhiều thứ tiếng, đến từ nhiều tầng lớp và có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Nhưng vì yêu mến Kinh Thánh nên họ hợp nhất trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Những người trở thành người tin đạo chỉ có thể hiểu Lời Đức Chúa Trời nhờ sự giúp đỡ của anh em đồng đạo và việc nhóm lại với họ.—Công 2:42; 8:30, 31.
8. Kinh Thánh giúp hợp nhất dân Đức Chúa Trời như thế nào ngày nay?
8 Đức Chúa Trời đầy khôn ngoan tiếp tục dạy dỗ và hợp nhất dân ngài qua Kinh Thánh. Sách này là nguồn thức ăn thiêng liêng mà chúng ta rất quý. Chúng ta đều đặn nhóm lại tại các buổi nhóm họp và hội nghị để nghe đọc, giải thích và thảo luận Kinh Thánh. Vì thế, Kinh Thánh đóng vai trò thiết yếu trong ý định của Đức Giê-hô-va là giúp những người thờ phượng ngài “kề vai sát cánh hầu việc ngài”.—Xô 3:9.
9. Phẩm chất nào là thiết yếu để hiểu thông điệp của Kinh Thánh? (Lu-ca 10:21)
9 Hãy xem một bằng chứng khác cho thấy sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va. Ngài đã hướng dẫn để nhiều phần của Kinh Thánh được viết theo cách mà chỉ người khiêm nhường mới hiểu được. (Đọc Lu-ca 10:21). Người ta ở khắp mọi nơi đều đọc Kinh Thánh. Như một học giả nói, Kinh Thánh “không chỉ là sách được đọc nhiều nhất mà còn là sách được đọc kỹ nhất”. Nhưng chỉ người khiêm nhường mới thật sự hiểu và áp dụng những điều sách này dạy.—2 Cô 3:15, 16.
10. Kinh Thánh phản ánh sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va qua cách nào khác?
10 Chúng ta thấy sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va trong Kinh Thánh qua một cách khác nữa. Ngài dùng Kinh Thánh không chỉ để dạy toàn thể dân ngài mà còn để hướng dẫn và an ủi từng cá nhân. Tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận Đức Giê-hô-va quan tâm đến cá nhân mình khi đọc Lời ngài (Ê-sai 30:21). Khi đối mặt với vấn đề, đã bao lần anh chị tìm đến Kinh Thánh và đọc một câu dường như được viết cho riêng mình? Kinh Thánh được viết theo cách mà hàng triệu người có thể hiểu. Vậy làm sao Kinh Thánh lại có những thông tin hợp thời mà đúng với nhu cầu của cá nhân anh chị? Điều này chỉ có thể có được vì Tác Giả của Kinh Thánh là đấng khôn ngoan có một không hai.—2 Ti 3:16, 17.
KINH THÁNH CHO THẤY SỰ CÔNG BẰNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
11. Làm thế nào Đức Chúa Trời cho thấy ngài không thiên vị qua cách Kinh Thánh được viết ra?
11 Công bằng là một đức tính khác của Đức Giê-hô-va (Phục 32:4). Công bằng có liên quan chặt chẽ với tính không thiên vị, và Đức Giê-hô-va là đấng không thiên vị (Công 10:34, 35; Rô 2:11). Tính không thiên vị của ngài được thấy rõ qua những ngôn ngữ được dùng để viết Kinh Thánh. Phần đầu của Kinh Thánh gồm 39 sách được viết chủ yếu bằng tiếng Hê-bơ-rơ, là ngôn ngữ dễ hiểu đối với dân Đức Chúa Trời lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ nhất, tiếng Hy Lạp được sử dụng rộng rãi. Vì thế, 27 sách sau của Kinh Thánh được viết chủ yếu trong ngôn ngữ này. Đức Giê-hô-va đã không để cho Lời ngài được viết chỉ trong một ngôn ngữ. Ngày nay có gần tám tỉ người trên đất và họ nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Vậy làm thế nào nhiều người đến thế có thể biết về Đức Giê-hô-va?
12. Trong những ngày sau cùng này, Đa-ni-ên 12:4 được ứng nghiệm qua cách nào?
12 Qua nhà tiên tri Đa-ni-ên, Đức Giê-hô-va hứa rằng trong thời kỳ cuối cùng, “sự hiểu biết thật” trong Kinh Thánh “sẽ có dư tràn”. Nhiều người sẽ hiểu Kinh Thánh. (Đọc Đa-ni-ên 12:4). Một cách để sự hiểu biết đó trở nên dư tràn là qua việc dịch, sản xuất cũng như phân phát Kinh Thánh và ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Kinh Thánh đã trở thành sách được dịch và phân phát rộng rãi nhất trên thế giới. Những bản dịch Kinh Thánh do các công ty thương mại sản xuất thì đôi khi rất đắt tiền. Đến nay, dân Đức Giê-hô-va đã dịch Lời Đức Chúa Trời, trọn bộ hoặc từng phần, sang hơn 240 ngôn ngữ, và bất cứ ai cũng có thể có một bản miễn phí. Kết quả là người từ mọi nước đang hưởng ứng ‘tin mừng về Nước Trời’ trước khi sự kết thúc đến (Mat 24:14). Đức Chúa Trời công chính của chúng ta muốn cho càng nhiều người càng tốt có cơ hội được biết về ngài qua việc đọc Lời ngài. Lý do là vì ngài yêu thương tất cả chúng ta rất nhiều.
KINH THÁNH PHẢN ÁNH TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
13. Tại sao chúng ta có thể nói Kinh Thánh phản ánh tình yêu thương của Đức Giê-hô-va? (Giăng 21:25)
13 Kinh Thánh phản ánh đức tính tuyệt vời nhất của Tác Giả sách này, đó là tình yêu thương (1 Giăng 4:8). Hãy xem những điều Đức Giê-hô-va cho ghi lại và không cho ghi lại trong Kinh Thánh. Ngài cho ghi lại đúng những điều chúng ta cần để có mối quan hệ với ngài, có đời sống hạnh phúc ngay bây giờ và có được sự sống vĩnh cửu. Nhưng vì yêu thương, Đức Giê-hô-va không làm chúng ta choáng ngợp bởi quá nhiều chi tiết không cần thiết.—Đọc Giăng 21:25.
14. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời được phản ánh qua Kinh Thánh theo cách nào khác?
14 Đức Giê-hô-va cũng cho thấy tình yêu thương qua việc liên lạc với chúng ta theo cách tôn trọng phẩm giá của chúng ta. Trong Kinh Thánh, ngài không đưa ra một danh sách vô tận gồm các luật để kiểm soát nhất cử nhất động của chúng ta. Thay vì thế, ngài dùng những câu chuyện có thật, các lời tiên tri hào hứng và lời khuyên thực tế để giúp chúng ta dùng khả năng suy xét hầu đưa ra quyết định đúng. Qua những cách này, Lời Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta yêu thương và vâng lời ngài từ đáy lòng.
15. (a) Đức Giê-hô-va cho thấy ngài quan tâm đến những người đọc Lời ngài như thế nào? (b) Trong hình, em gái, anh trẻ và chị lớn tuổi đang suy ngẫm về những nhân vật nào trong Kinh Thánh? (Sáng 39:1, 10-12; 2 Vua 5:1-3; Lu 2:25-38)
15 Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va rất quan tâm đến chúng ta. Bằng cách nào? Lời ngài chứa đựng nhiều lời tường thuật thể hiện cảm xúc của con người. Chúng ta có thể cảm thông với các nhân vật trong Kinh Thánh vì họ là người “có cảm xúc như chúng ta” (Gia 5:17). Quan trọng hơn, khi xem xét cách Đức Chúa Trời đối xử với những người giống như chúng ta, chúng ta có thể thấy rõ hơn “Đức Giê-hô-va là đấng giàu lòng trắc ẩn và thương xót”.—Gia 5:11.
16. Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va khi đọc trong Kinh Thánh về những người đã phạm lỗi? (Ê-sai 55:7)
16 Kinh Thánh phản ánh tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta qua cách khác. Sách này bảo đảm rằng Đức Chúa Trời sẽ không bỏ rơi chúng ta khi chúng ta phạm lỗi. Dân Y-sơ-ra-ên đã phạm tội với Đức Giê-hô-va hết lần này đến lần khác. Nhưng khi họ thật lòng ăn năn thì ngài tha thứ cho họ. (Đọc Ê-sai 55:7). Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất cũng biết Đức Giê-hô-va yêu thương họ rất nhiều. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để khuyến giục anh em đồng đạo “tha thứ và an ủi” một người đi theo con đường tội lỗi nhưng đã ăn năn (2 Cô 2:6, 7; 1 Cô 5:1-5). Thật khích lệ khi Đức Giê-hô-va không từ bỏ những người thờ phượng ngài chỉ vì họ phạm tội! Thay vì thế, ngài yêu thương giúp đỡ, chỉnh sửa và mời họ trở về với vòng tay của ngài. Ngài hứa cũng làm thế với tất cả những người phạm tội biết ăn năn ngày nay.—Gia 4:8-10.
QUÝ TRỌNG “MÓN QUÀ TỐT LÀNH” LÀ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI
17. Tại sao Kinh Thánh là món quà rất đặc biệt?
17 Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta một món quà tuyệt vời. Tại sao Lời ngài đặc biệt đến thế? Như chúng ta vừa xem xét, Kinh Thánh tiết lộ về sự khôn ngoan, công bằng và tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Sách này cho thấy rõ Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tìm hiểu về ngài. Ngài muốn chúng ta trở thành bạn ngài.
18. Làm thế nào để cho thấy chúng ta biết ơn về “món quà tốt lành” của Đức Giê-hô-va là Kinh Thánh?
18 Chúng ta không muốn xem nhẹ “món quà tốt lành” là Lời Đức Chúa Trời (Gia 1:17). Vì thế, hãy tiếp tục thể hiện lòng biết ơn về món quà đó. Chúng ta có thể làm thế bằng cách đọc và suy ngẫm những lời thánh trong sách này. Khi làm vậy, chúng ta có thể tin chắc Tác Giả vĩ đại của Kinh Thánh sẽ ban phước cho những nỗ lực của mình và chúng ta “sẽ tìm được tri thức về Đức Chúa Trời”.—Châm 2:5.
BÀI HÁT 98 Kinh Thánh—Bởi Đức Chúa Trời soi dẫn
a Kinh Thánh giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va. Sách thánh này dạy chúng ta điều gì về sự khôn ngoan, công bằng và tình yêu thương của ngài? Những điều học được sẽ giúp chúng ta càng quý trọng Lời Đức Chúa Trời và xem Kinh Thánh thật sự là món quà từ Cha trên trời.