Noi gương Đức Giê-hô-va—Làm sự công bình chính trực
“Ta là Đức Giê-hô-va, là Đấng làm ra sự thương-xót, chánh-trực, và công-bình trên đất; vì ta ưa-thích những sự ấy” (GIÊ-RÊ-MI 9:24).
1. Đức Giê-hô-va đưa ra triển vọng tuyệt diệu nào?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA hứa rằng sẽ có ngày mọi người đều biết đến Ngài. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Ngài nói: “Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển” (Ê-sai 11:9). Thật là một triển vọng tuyệt diệu!
2. Biết Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì? Tại sao?
2 Nhưng biết Đức Giê-hô-va có nghĩa gì? Đức Giê-hô-va tiết lộ cho Giê-rê-mi biết điều có giá trị hơn hết: “[Có sự thông hiểu và, NW] biết ta là Đức Giê-hô-va, là Đấng làm ra sự thương-xót, chánh-trực, và công-bình trên đất; vì ta ưa-thích những sự ấy” (Giê-rê-mi 9:24). Vì vậy, biết Đức Giê-hô-va bao hàm việc biết cách Ngài thực hành sự công bình chính trực. Nếu thực hành những đức tính này, chúng ta sẽ làm Ngài vui lòng. Chúng ta có thể làm như thế bằng cách nào? Trong Lời của Ngài là Kinh-thánh, Đức Giê-hô-va bảo tồn một tài liệu ghi lại cách Ngài đối xử với những người bất toàn qua mọi thời đại. Bằng cách học hỏi Kinh-thánh, chúng ta có thể biết được đường lối công bình chính trực của Đức Giê-hô-va và nhờ đó noi theo gương của Ngài (Rô-ma 15:4).
Công bình nhưng hay thương xót
3, 4. Tại sao Đức Giê-hô-va có lý do tiêu diệt hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ?
3 Sự phán xét của Đức Chúa Trời trên Sô-đôm và Gô-mô-rơ, là một thí dụ điển hình cho thấy sự công bình của Đức Giê-hô-va có nhiều khía cạnh. Không những Đức Giê-hô-va thi hành sự trừng phạt cần thiết mà Ngài còn ban sự cứu rỗi cho những người xứng đáng. Việc tiêu diệt hai thành đó có thật sự công bằng không? Lúc đầu Áp-ra-ham nghĩ là không, vì dường như ông biết rất ít về sự gian ác của Sô-đôm. Đức Giê-hô-va trấn an Áp-ra-ham rằng nếu chỉ tìm được mười người công bình trong thành thôi, Ngài cũng sẽ tha cho thành đó. Rõ ràng là Đức Giê-hô-va không phán xét một cách hấp tấp hay nhẫn tâm (Sáng-thế Ký 18:20-32).
4 Sự thanh tra của hai thiên sứ cho thấy bằng chứng sống động là thành Sô-đôm rất đồi bại. Khi những người nam trong thành “từ trẻ đến già” biết được hai người đàn ông đã đến trọ trong nhà của Lót, họ tấn công vào nhà với ý đồ hiếp dâm tập thể, phạm tội đồng tính luyến ái. Sự đồi bại của họ thật sự đã xuống tới một mức độ tàn tệ! Chắc chắn là sự phán xét của Đức Giê-hô-va trên thành này là sự phán xét công bình (Sáng-thế Ký 19:1-5, 24, 25).
5. Đức Chúa Trời giải cứu Lót và gia đình ông khỏi Sô-đôm như thế nào?
5 Sau khi kể ra sự hủy diệt của Sô-đôm và Gô-mô-rơ để làm gương cảnh cáo, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Chúa biết cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ” (2 Phi-e-rơ 2:6-9). Sự công bình không được đáp ứng nếu người công bình Lót cùng gia đình ông bị tiêu diệt chung với những người không tin kính ở Sô-đôm. Vì vậy, thiên sứ của Đức Giê-hô-va báo cho Lót biết về sự hủy diệt sắp đến. Khi Lót lần lữa, các thiên sứ “Đức Giê-hô-va thương-xót Lót” đã nắm tay kéo Lót, vợ và các con gái ông ra khỏi thành (Sáng-thế Ký 19:12-16). Chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ tỏ lòng quan tâm giống như vậy đối với những người công bình trong sự hủy diệt của hệ thống gian ác này sắp tới.
6. Tại sao chúng ta không nên quá lo âu về sự hủy diệt của hệ thống gian ác sắp tới?
6 Mặc dù sự kết liễu hệ thống này sẽ là ngày “báo thù”, chúng ta không có lý do gì để lo âu quá độ (Lu-ca 21:22). Sự phán xét mà Đức Chúa Trời thi hành tại Ha-ma-ghê-đôn sẽ tỏ ra “đều công-bình cả” (Thi-thiên 19:9). Như Áp-ra-ham đã học biết, loài người chúng ta có thể hết lòng tin cậy nơi sự công bình của Đức Giê-hô-va. Sự công bình này cao siêu hơn là của chúng ta. Áp-ra-ham hỏi: “Đấng đoán-xét toàn thế-gian, há lại không làm sự công-bình sao?” (Sáng-thế Ký 18:25; so sánh Gióp 34:10). Hay là như Ê-sai đã nói rất thích hợp: “Ai đã... dạy [Đức Giê-hô-va] đường công-nghĩa?” (Ê-sai 40:14).
Hành động công bình để cứu nhân loại
7. Sự công bình của Đức Chúa Trời có liên hệ thế nào đến sự thương xót của Ngài?
7 Sự công bình của Đức Chúa Trời không phải chỉ được thể hiện qua việc trừng phạt những người phạm tội. Đức Giê-hô-va tự miêu tả Ngài là “Đức Chúa Trời... công-bình và là Cứu-Chúa” (Ê-sai 45:21). Chúng ta thấy rõ có một sự liên hệ chặt chẽ giữa sự chính trực, hay là sự công bình của Đức Chúa Trời, với ước muốn của Ngài để cứu nhân loại khỏi ảnh hưởng của tội lỗi. Bình luận về câu này, cuốn The International Standard Bible Encyclopedia, ấn bản năm 1982, nêu ra rằng “Đức Chúa Trời công bình tìm cách cụ thể để tỏ lòng thương xót của Ngài và để thực hiện sự cứu rỗi của Ngài”. Không phải là đức tính công bình của Đức Chúa Trời cần được dung hòa với lòng thương xót, nhưng là vì sự thương xót là cách Đức Chúa Trời biểu lộ sự công bình. Sự kiện Đức Chúa Trời cung cấp giá chuộc để cứu rỗi nhân loại là một gương mẫu nổi bật nhất về khía cạnh này của sự công bình Đức Chúa Trời.
8, 9. a) “Việc công-bình” bao hàm điều gì? Tại sao? b) Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta làm gì?
8 Chính giá chuộc—sự sống quí giá của Con độc sanh của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ—là một giá rất cao bởi vì tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va áp dụng chung cho vạn vật, và chính Ngài cũng làm đúng theo đó (Ma-thi-ơ 20:28). Một sự sống hoàn toàn, như của A-đam, đã bị mất, vậy cần có một sự sống hoàn toàn để chuộc lại sự sống cho con cháu A-đam (Rô-ma 5:19-21). Sứ đồ Phao-lô miêu tả đường lối trung kiên của Chúa Giê-su, kể cả việc trả giá chuộc, là “một việc công-bình” (Rô-ma 5:18). Tại sao vậy? Bởi vì theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, cứu chuộc loài người là một việc làm chính đáng và công bình, dù để làm thế, Ngài phải trả một giá rất cao. Con cháu của A-đam giống như “cây sậy đã gãy” mà Đức Chúa Trời không muốn chà đạp, hay là giống như “ngọn đèn gần tàn” mà Ngài không muốn dập tắt (Ma-thi-ơ 12:20). Đức Chúa Trời tin tưởng rằng nhiều người trung thành sẽ ra từ con cháu của A-đam. (So sánh Ma-thi-ơ 25:34).
9 Chúng ta nên đáp lại hành động cao cả đầy yêu thương và công bình này như thế nào? Một trong những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta là “làm sự công-bình” (Mi-chê 6:8). Chúng ta có thể làm điều này như thế nào?
Tìm kiếm sự công bình chính trực
10. a) Một cách để chúng ta làm sự công bình là gì? b) Chúng ta có thể tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời trước hết bằng cách nào?
10 Trước hết, chúng ta phải tuân theo tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời. Bởi vì tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là công bình và ngay thẳng, chúng ta làm sự công bình khi sống hòa hợp với những tiêu chuẩn đó. Đó là điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân tộc của Ngài làm theo. Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy học làm lành, tìm-kiếm sự công-bình” (Ê-sai 1:17). Chúa Giê-su cũng nói lời khuyên tương tự với những người nghe Bài Giảng trên Núi của ngài, khi ngài dạy họ “trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33). Phao-lô đã khuyến khích Ti-mô-thê “tìm điều công-bình” (1 Ti-mô-thê 6:11). Khi chúng ta sống hòa hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về cách cư xử và mặc lấy nhân cách mới, chúng ta tìm kiếm sự công bình, chính trực thật (Ê-phê-sô 4:23, 24). Nói cách khác, chúng ta tìm kiếm sự công bình bằng cách làm theo đường lối của Đức Chúa Trời.
11. Tại sao chúng ta nên chống chọi với sự chế ngự của tội lỗi và bằng cách nào?
11 Như chúng ta đã biết rõ, không phải dễ cho một người bất toàn làm theo những điều công bình và ngay thẳng (Rô-ma 7:14-20). Phao-lô khuyến khích các tín đồ đấng Christ ở Rô-ma chống chọi với sự chế ngự của tội lỗi, để họ có thể dâng thân thể cho Đức Chúa Trời như là “đồ-dùng về sự công-bình” hầu được hữu dụng cho Đức Chúa Trời trong việc thực hiện ý định của Ngài (Rô-ma 6:12-14). Cũng thế, bằng cách học hỏi đều đặn và áp dụng Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể hấp thụ sự “khuyên-bảo của Chúa” và được ‘dạy trong sự công-bình’ (Ê-phê-sô 6:4; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17).
12. Chúng ta nên tránh điều gì nếu chúng ta đối đãi với người khác theo cách chúng ta muốn Đức Giê-hô-va đối đãi với chúng ta?
12 Thứ hai, chúng ta làm sự công bình khi đối đãi với người khác theo cách mà chúng ta muốn Đức Giê-hô-va đối đãi với chúng ta. Rất dễ để có hai tiêu chuẩn—một tiêu chuẩn dễ dãi cho chính mình và một tiêu chuẩn khắt khe cho người khác. Chúng ta sẵn sàng viện cớ bào chữa cho những yếu kém của mình, nhưng chúng ta mau mắn chỉ trích những lỗi lầm của người khác, rất có thể là những lỗi lầm đó không đáng kể so với lỗi của mình. Chúa Giê-su thẳng thắn hỏi: “Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?” (Ma-thi-ơ 7:1-3). Chúng ta chớ bao giờ quên rằng không người nào có thể đứng nổi nếu Đức Giê-hô-va tỉ mỉ xem xét các lỗi lầm của chúng ta (Thi-thiên 130:3, 4). Nếu sự công bình của Đức Giê-hô-va cho phép Ngài bỏ qua những sự yếu kém của anh em chúng ta, thì chúng ta là ai mà lại dám chỉ trích họ? (Rô-ma 14:4, 10).
13. Tại sao một người công bình cảm thấy phải rao giảng tin mừng về Nước Trời?
13 Thứ ba, chúng ta biểu lộ sự công bình theo ý Đức Chúa Trời khi chúng ta siêng năng làm công việc rao giảng. Đức Giê-hô-va khuyên chúng ta: “Chớ từ-chối làm lành cho kẻ nào xứng-đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy” (Châm-ngôn 3:27). Giữ riêng cho mình sự hiểu biết dẫn đến sự sống mà Đức Chúa Trời đã rộng lượng ban cho chúng ta là điều không đúng. Đành rằng nhiều người có thể bác bỏ thông điệp của chúng ta, nhưng hễ Đức Chúa Trời còn tiếp tục thương xót họ, thì chúng ta cũng phải sẵn sàng cho họ cơ hội để “ăn-năn” (2 Phi-e-rơ 3:9). Và cũng như Chúa Giê-su, chúng ta vui thích khi có thể giúp người khác quay sang đường công bình, chính trực (Lu-ca 15:7). Bây giờ là thời kỳ thuận tiện cho chúng ta ‘gieo trong sự công-bình’ (Ô-sê 10:12).
“Quan-trưởng lấy lẽ công-bình”
14. Nói về sự công bình, các trưởng lão đóng vai trò gì?
14 Tất cả chúng ta phải đi trong đường lối công bình, nhưng trưởng lão của hội thánh đạo đấng Christ có trách nhiệm đặc biệt về phương diện này. Sự cai trị của Chúa Giê-su “lập lên trong sự chánh-trực công-bình”. Do đó, tiêu chuẩn cho các trưởng lão là sự công bình của Đức Chúa Trời (Ê-sai 9:6). Họ nhớ những điều được miêu tả với tính cách tiên tri nơi Ê-sai 32:1: “Nầy, sẽ có một vua lấy nghĩa trị-vì, các quan-trưởng lấy lẽ công-bình mà cai-trị”. Là những giám thị do thánh linh bổ nhiệm, tức là “kẻ quản-lý nhà Đức Chúa Trời”, các trưởng lão nên làm theo đường lối Đức Chúa Trời (Tít 1:7).
15, 16. a) Các trưởng lão bắt chước người chăn chiên trung thành trong lời ví dụ của Chúa Giê-su như thế nào? b) Các trưởng lão cảm thấy như thế nào về những người bị lầm lạc về thiêng liêng?
15 Chúa Giê-su cho thấy sự công bình của Đức Giê-hô-va đầy trắc ẩn, thương xót, và phải lẽ. Đặc biệt là ngài cố gắng để giúp những người có vấn đề và “tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu-ca 19:10). Như người chăn chiên trong ví dụ của Chúa Giê-su đã nhất định tìm cho ra con chiên bị thất lạc, các trưởng lão tìm những người đã lạc lối về thiêng liêng và cố gắng hướng dẫn họ trở về với bầy (Ma-thi-ơ 18:12, 13).
16 Thay vì lên án những người có lẽ đã phạm tội trọng, các trưởng lão tìm cách để chữa lành và dẫn họ về con đường ăn năn nếu có thể được. Họ vui mừng khi có thể giúp một người đã bị lầm lạc. Tuy nhiên, họ sẽ rất buồn khi một người phạm tội không chịu ăn năn. Lúc đó tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời đòi hỏi họ phải khai trừ người không ăn năn. Mặc dù thế, giống như người cha của đứa con hoang đàng, họ hy vọng rằng một ngày nào đó, người lầm lỗi sẽ “tỉnh-ngộ” (Lu-ca 15:17, 18). Vì vậy, trưởng lão phải khởi động đến thăm những người bị khai trừ nào đó để nhắc nhở họ làm cách nào họ có thể trở lại tổ chức của Đức Giê-hô-va.a
17. Các trưởng lão có mục tiêu nào khi giải quyết một trường hợp phạm tội và đức tính nào sẽ giúp họ đạt được mục tiêu đó?
17 Các trưởng lão đặc biệt cần noi theo sự công bình của Đức Giê-hô-va khi giải quyết những trường hợp phạm tội. Những người có tội “đến gần” Chúa Giê-su bởi vì họ cảm thấy ngài sẽ hiểu họ và giúp họ (Lu-ca 15:1; Ma-thi-ơ 9:12, 13). Dĩ nhiên, Chúa Giê-su không dung túng sự sai quấy. Dùng một bữa ăn với Chúa Giê-su đã khiến cho Xa-chê, một người nổi tiếng bóc lột, ăn năn và đền bù lại tất cả những thiệt hại mà ông đã gây ra cho người khác (Lu-ca 19:8-10). Trưởng lão ngày nay cũng có một mục tiêu giống như thế khi xét xử trong ủy ban tư pháp—để đưa người phạm tội trở lại ăn năn. Nếu trưởng lão dễ cho người ta đến gần như Chúa Giê-su vậy, thì nhiều người phạm tội sẽ thấy dễ đến nhờ họ giúp đỡ hơn.
18. Điều gì sẽ giúp trưởng lão để giống như “nơi núp gió”?
18 Lòng nhạy cảm sẽ giúp các trưởng lão thi hành sự công bình của Đức Chúa Trời, đức tính này không khắc nghiệt hay là tàn nhẫn. Điều đáng chú ý là E-xơ-ra đã chuẩn bị không những trí mà cả lòng ông để dạy dỗ sự công bình cho dân Y-sơ-ra-ên (E-xơ-ra 7:10). Lòng hiểu biết sẽ giúp các trưởng lão áp dụng những nguyên tắc Kinh-thánh thích hợp và xem xét hoàn cảnh của mỗi người. Khi Chúa Giê-su chữa lành người đàn bà bị mất huyết, ngài cho thấy rằng sự công bình theo ý Đức Giê-hô-va có nghĩa là hiểu được tinh thần và cả chi tiết của luật pháp (Lu-ca 8:43-48). Các trưởng lão thi hành sự công bình với lòng trắc ẩn có thể được ví như “nơi núp gió” cho những người đã bị vùi dập bởi sự yếu kém của họ hay là bởi hệ thống gian ác mà chúng ta đang sống (Ê-sai 32:2).
19. Một chị đã đáp ứng thế nào khi trưởng lão áp dụng sự công bình của Đức Chúa Trời?
19 Một chị phạm tội trọng đã trực tiếp hiểu được sự công bình của Đức Chúa Trời. Chị thú nhận: “Thành thật mà nói, tôi rất sợ đến các trưởng lão, nhưng họ lấy lòng trắc ẩn đối đãi với tôi và tôn trọng tôi. Các trưởng lão giống như người cha thay vì quan án khắt khe. Họ đã giúp tôi hiểu rằng Đức Giê-hô-va sẽ không từ bỏ tôi nếu tôi quyết tâm sửa lại đường lối mình. Tôi trực tiếp biết được cách Ngài sửa trị chúng ta như một người Cha yêu thương. Tôi có thể mở rộng lòng với Đức Giê-hô-va và tin tưởng rằng Ngài sẽ nghe lời nài xin của tôi. Khi nghĩ lại, tôi có thể thành thật nói rằng buổi họp với các trưởng lão bảy năm trước đã là một ân phước của Đức Giê-hô-va. Từ đó trở đi, mối liên lạc của tôi với Ngài đã được vững mạnh hơn”.
Giữ điều chính trực và làm sự công bình
20. Việc hiểu biết và làm sự công bình chính trực đem lại những lợi ích nào?
20 Đáng mừng là sự công bình của Đức Chúa Trời không phải chỉ có nghĩa là thưởng phạt phân minh. Sự công bình của Đức Giê-hô-va đã khiến Ngài ban sự sống đời đời cho những người thực hành đức tin (Thi-thiên 103:10; Rô-ma 5:15, 18). Đức Chúa Trời cư xử với chúng ta như thế bởi vì lòng công bình khiến Ngài xem xét hoàn cảnh riêng của chúng ta, và tìm cách để cứu rỗi thay vì lên án. Thật vậy, hiểu biết rõ về tầm bao quát của sự công bình Đức Giê-hô-va khiến chúng ta đến gần Ngài hơn. Và khi chúng ta cố gắng noi theo khía cạnh này của nhân cách Ngài, sự sống của chúng ta và những người khác sẽ được ban phước dồi dào. Cha trên trời của chúng ta sẽ chú ý đến việc chúng ta theo đuổi đường lối công bình. Đức Giê-hô-va hứa với chúng ta: “Hãy giữ điều chánh-trực, và làm sự công-bình; vì sự cứu-rỗi của ta gần đến, sự công-bình của ta sắp được bày-tỏ. Phước thay cho người làm điều đó” (Ê-sai 56:1, 2).
[Chú thích]
a Xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-4-1991, trang 22-23.
Bạn có nhớ không?
◻ Sự hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ dạy chúng ta điều gì về sự công bình của Đức Giê-hô-va?
◻ Tại sao giá chuộc là một sự biểu lộ nổi bật của sự công bình và yêu thương của Đức Chúa Trời?
◻ Ba cách mà chúng ta có thể làm sự công bình là gì?
◻ Các trưởng lão noi theo sự công bình của Đức Chúa Trời qua cách đặc biệt nào?
[Các hình nơi trang 15]
Qua công việc rao giảng, chúng ta biểu lộ sự công bình của Đức Chúa Trời
[Hình nơi trang 16]
Khi trưởng lão biểu lộ sự công bình theo ý Đức Chúa Trời, những người có vấn đề thấy dễ đến nhờ họ giúp đỡ hơn