BÀI HỌC 4
Buổi lễ đơn giản cho biết gì về một vị Vua trên trời?
“Bánh này tượng trưng cho thân thể tôi... Rượu này tượng trưng cho huyết của tôi, là ‘huyết của giao ước’”.—MAT 26:26-28.
BÀI HÁT 16 Ca ngợi Gia vì người Con được xức dầu của ngài
GIỚI THIỆUa
1, 2. (a) Tại sao không có gì lạ khi Chúa Giê-su hướng dẫn các môn đồ kỷ niệm sự hy sinh của ngài một cách đơn giản? (b) Chúng ta sẽ xem xét các đức tính nào của ngài?
Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Đấng Ki-tô được cử hành hằng năm. Anh chị có thể miêu tả điều diễn ra trong buổi lễ đó không? Hẳn hầu hết chúng ta có thể nhớ điều diễn ra trong buổi lễ ấy, cũng gọi là Bữa Ăn Tối Của Chúa, vì đó không phải là buổi lễ cầu kỳ. Tuy nhiên, đây là một sự kiện quan trọng, nên có lẽ chúng ta thắc mắc: “Tại sao buổi lễ này lại đơn giản như vậy?”.
2 Trong thánh chức trên đất, Chúa Giê-su nổi tiếng là người dạy những sự thật quan trọng một cách đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu (Mat 7:28, 29). Tương tự, ngài cũng hướng dẫn các môn đồ kỷ niệmb sự hy sinh của ngài một cách đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Hãy xem xét kỹ buổi lễ này và một số điều Chúa Giê-su đã nói và làm. Nhờ thế, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tính khiêm nhường, can đảm và yêu thương của Chúa Giê-su, và học cách theo sát gương ngài hơn.
CHÚA GIÊ-SU KHIÊM NHƯỜNG
3. Như được thấy qua Ma-thi-ơ 26:26-28, Lễ Tưởng Niệm mà Chúa Giê-su thiết lập đơn giản đến mức nào? Hai món cơ bản tượng trưng cho điều gì?
3 Chúa Giê-su thiết lập Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của ngài với sự hiện diện của 11 sứ đồ trung thành. Ngài lấy những gì còn lại sau bữa ăn của Lễ Vượt Qua và thiết lập buổi lễ đơn giản này. (Đọc Ma-thi-ơ 26:26-28). Ngài chỉ dùng bánh không men và rượu có sẵn. Chúa Giê-su nói với các sứ đồ rằng hai món cơ bản này tượng trưng cho thân thể và huyết hoàn hảo mà ngài sắp hiến dâng vì lợi ích của họ. Có lẽ các sứ đồ không ngạc nhiên về tính đơn giản của buổi lễ mới và quan trọng này. Tại sao?
4. Làm thế nào lời Chúa Giê-su khuyên Ma-thê giúp chúng ta hiểu lý do ngài thiết lập Lễ Tưởng Niệm đơn giản?
4 Hãy xem điều gì xảy ra trước đó nhiều tháng. Trong năm thứ ba làm thánh chức, Chúa Giê-su đã đến thăm nhà của các bạn thân là La-xa-rơ, Ma-thê và Ma-ri. Trong bầu không khí thư giãn ấy, ngài bắt đầu dạy dỗ. Ma-thê có mặt nhưng bị phân tâm vì lo chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn cho vị khách quý. Thấy vậy, Chúa Giê-su nhẹ nhàng sửa bà bằng cách giúp bà thấy không phải lúc nào cũng cần bữa ăn cầu kỳ (Lu 10:40-42). Sau này, chỉ vài giờ trước khi hy sinh mạng sống, chính Chúa Giê-su đã áp dụng lời mà ngài khuyên Ma-thê. Ngài thiết lập Lễ Tưởng Niệm đơn giản. Điều này cho biết gì về ngài?
5. Tính đơn giản của Lễ Tưởng Niệm cho biết gì về Chúa Giê-su? Điều này phù hợp với Phi-líp 2:5-8 như thế nào?
5 Chúa Giê-su khiêm nhường trong mọi điều ngài nói và làm. Vì thế, không lạ gì khi ngài thể hiện sự khiêm nhường nổi bật trong đêm cuối cùng trên đất (Mat 11:29). Chúa Giê-su biết rằng ngài sắp thực hiện sự hy sinh lớn nhất trong lịch sử nhân loại, và Đức Giê-hô-va sẽ làm ngài sống lại để nhận vị trí đầy vinh hiển trên trời. Dù vậy, Chúa Giê-su không hướng sự chú ý đến mình bằng cách đòi hỏi các môn đồ kỷ niệm sự hy sinh của ngài một cách cầu kỳ. Thay vì thế, ngài dặn họ tưởng nhớ ngài qua một buổi lễ đơn giản nhưng thích hợp, và lễ này sẽ được cử hành mỗi năm một lần (Giăng 13:15; 1 Cô 11:23-25). Buổi lễ ấy cho thấy Chúa Giê-su không phải là người kiêu ngạo. Chúng ta vui vì khiêm nhường là một trong các đức tính nổi bật của Vua chúng ta.—Đọc Phi-líp 2:5-8.
6. Khi gặp thử thách, bằng cách nào chúng ta có thể noi gương khiêm nhường của Chúa Giê-su?
6 Bằng cách nào chúng ta có thể noi gương khiêm nhường của Chúa Giê-su? Bằng cách đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích cá nhân (Phi-líp 2:3, 4). Hãy nhớ lại đêm cuối cùng Chúa Giê-su sống trên đất. Dù biết mình sắp trải qua cái chết đau đớn, nhưng ngài quan tâm sâu xa đến các sứ đồ trung thành, là những người sẽ đau buồn vì sự ra đi của ngài. Thế nên, ngài dành đêm đó để dạy dỗ, khích lệ và trấn an họ (Giăng 14:25-31). Chúa Giê-su khiêm nhường quan tâm đến lợi ích của người khác hơn chính mình. Ngài quả là gương mẫu xuất sắc cho chúng ta!
CHÚA GIÊ-SU CAN ĐẢM
7. Không lâu sau khi thiết lập Bữa Ăn Tối Của Chúa, Chúa Giê-su thể hiện lòng can đảm nổi bật như thế nào?
7 Không lâu sau khi thiết lập Bữa Ăn Tối Của Chúa, Chúa Giê-su thể hiện lòng can đảm nổi bật. Như thế nào? Ngài đã chấp nhận ý muốn của Cha dành cho ngài, dù biết làm thế có nghĩa là ngài sẽ bị xử tử vì tội phạm thượng đáng hổ thẹn (Mat 26:65, 66; Lu 22:41, 42). Chúa Giê-su giữ lòng trung thành trọn vẹn để tôn vinh danh Đức Giê-hô-va, ủng hộ quyền tối thượng của Cha và mở đường cho những người biết ăn năn có được sự sống vĩnh cửu. Đồng thời, Chúa Giê-su chuẩn bị cho các môn đồ đối mặt với những thử thách phía trước.
8. (a) Chúa Giê-su đã nói gì với các sứ đồ trung thành? (b) Nhiều năm sau khi Chúa Giê-su chết, các môn đồ đã noi gương can đảm của ngài ra sao?
8 Chúa Giê-su cũng thể hiện lòng can đảm bằng cách gạt lo lắng của mình sang một bên và chú tâm đến nhu cầu của các sứ đồ trung thành. Ngài thiết lập Lễ Tưởng Niệm đơn giản sau khi bảo Giu-đa đi khỏi. Lễ này nhắc những người sẽ trở thành môn đồ được xức dầu nhớ đến những lợi ích có được nhờ huyết mà Chúa Giê-su đổ ra và nhờ được dự phần vào giao ước mới (1 Cô 10:16, 17). Để giúp họ chứng tỏ là xứng đáng với lời mời gọi lên trời, Chúa Giê-su cho các môn đồ biết điều mà ngài và Cha đòi hỏi nơi họ (Giăng 15:12-15). Chúa Giê-su cũng cho các sứ đồ biết thử thách nào đón đợi họ. Rồi ngài khuyến giục họ noi gương ngài bằng cách “can đảm lên!” (Giăng 16:1-4a, 33). Nhiều năm sau, các môn đồ vẫn noi theo tinh thần hy sinh của ngài và thể hiện lòng can đảm. Khi gặp thử thách, họ trợ giúp lẫn nhau dù bị thiệt hại nặng nề.—Hê 10:33, 34.
9. Làm thế nào chúng ta có thể noi gương can đảm của Chúa Giê-su?
9 Ngày nay, chúng ta cũng noi gương can đảm của Chúa Giê-su. Chẳng hạn, chúng ta cần can đảm để giúp những anh em bị bắt bớ vì đức tin. Đôi khi, anh em chúng ta bị bỏ tù bất công. Khi chuyện này xảy ra, chúng ta cần làm mọi điều có thể để giúp đỡ, kể cả việc lên tiếng bênh vực họ (Phi-líp 1:14; Hê 13:19). Một cách khác để thể hiện lòng can đảm là tiếp tục dạn dĩ rao giảng (Công 14:3). Như Chúa Giê-su, chúng ta quyết tâm rao truyền thông điệp Nước Trời, ngay cả khi bị chống đối hoặc bắt bớ. Tuy nhiên, cũng có lúc chúng ta thấy thiếu can đảm. Chúng ta có thể làm gì?
10. Trong những tuần trước Lễ Tưởng Niệm, chúng ta nên làm gì, và tại sao?
10 Chúng ta có thể củng cố lòng can đảm nếu nghĩ đến niềm hy vọng mà sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su mang lại cho mình (Giăng 3:16; Ê-phê 1:7). Trong những tuần trước Lễ Tưởng Niệm, chúng ta có cơ hội đặc biệt để vun đắp lòng biết ơn về giá chuộc. Vào thời gian đó, hãy theo sát chương trình đọc Kinh Thánh trong mùa Lễ Tưởng Niệm, cầu nguyện và suy ngẫm về những sự kiện xung quanh cái chết của Chúa Giê-su. Nhờ thế, khi tham dự buổi lễ này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của các món biểu tượng và sự hy sinh cao cả được tượng trưng bởi những món ấy. Khi hiểu những gì Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su làm cho chúng ta cũng như lợi ích mà mình và người thân được hưởng, niềm hy vọng của chúng ta càng vững chắc. Chúng ta cũng được thúc đẩy để can đảm bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng.—Hê 12:3.
11, 12. Đến đây chúng ta đã học được gì?
11 Đến đây chúng ta đã học được rằng Bữa Ăn Tối Của Chúa không chỉ nhắc chúng ta về giá chuộc quý báu, mà còn cho biết về các đức tính nổi bật của Chúa Giê-su là khiêm nhường và can đảm. Thật biết ơn vì Chúa Giê-su tiếp tục thể hiện những đức tính này trên cương vị Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trên trời, đấng nài xin cho chúng ta! (Hê 7:24, 25). Để tỏ lòng biết ơn chân thành, chúng ta phải đều đặn kỷ niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su, theo mệnh lệnh của ngài (Lu 22:19, 20). Chúng ta làm điều này vào ngày tương ứng với ngày 14 Ni-san, ngày quan trọng nhất trong năm.
12 Qua đặc điểm đơn giản của Bữa Ăn Tối Của Chúa, chúng ta hiểu rằng có một đức tính khác đã thúc đẩy Chúa Giê-su chết cho chúng ta. Khi làm người trên đất, ngài nổi tiếng về đức tính này. Đó là đức tính nào?
CHÚA GIÊ-SU YÊU THƯƠNG
13. Giăng 15:9 và 1 Giăng 4:8-10 miêu tả thế nào về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, và ai nhận được lợi ích từ tình yêu thương ấy?
13 Đức Giê-hô-va rất yêu thương chúng ta, và Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo tình yêu thương ấy trong mọi việc ngài làm. (Đọc Giăng 15:9; 1 Giăng 4:8-10). Trên hết, ngài được thúc đẩy từ đáy lòng để hiến dâng mạng sống vì chúng ta. Dù là người được xức dầu hay “chiên khác”, chúng ta đều nhận được lợi ích từ tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va và Con ngài thể hiện qua sự hy sinh đó (Giăng 10:16; 1 Giăng 2:2). Ngoài ra, tính đơn giản của Lễ Tưởng Niệm cũng cho thấy tình yêu thương và lòng quan tâm của Chúa Giê-su đối với các môn đồ. Tại sao có thể nói thế?
14. Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương với các môn đồ bằng cách nào?
14 Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương với các môn đồ được xức dầu bằng cách thiết lập một buổi lễ đơn giản, thay vì nghi lễ phức tạp. Sau này, họ cần cử hành Lễ Tưởng Niệm hằng năm trong những hoàn cảnh khác nhau, kể cả trong tù (Khải 2:10). Họ có thể vâng lời Chúa Giê-su không? Chắc chắn có.
15, 16. Một số anh chị đã cử hành Bữa Ăn Tối Của Chúa ra sao trong hoàn cảnh khó khăn?
15 Từ xưa đến nay, các tín đồ chân chính nỗ lực kỷ niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su. Họ cố gắng hết sức để làm theo khuôn mẫu của Bữa Ăn Tối Của Chúa, đôi khi trong hoàn cảnh khó khăn. Hãy xem các kinh nghiệm dưới đây. Khi bị biệt giam tại một nhà tù ở Trung Quốc, anh Harold King đã phải tìm cách cử hành Lễ Tưởng Niệm. Anh thận trọng chuẩn bị các món biểu tượng bằng những gì mình có. Anh cũng cố gắng tính toán kỹ ngày của Lễ này. Khi đến lúc cử hành, dù một mình trong phòng giam, anh đã hát, cầu nguyện và nói bài giảng dựa trên Kinh Thánh.
16 Sau đây là kinh nghiệm khác. Một nhóm các chị bị giam trong trại tập trung vào Thế Chiến II đã liều mạng để cử hành Bữa Ăn Tối Của Chúa. Tuy nhiên, vì tính đơn giản của buổi lễ nên họ có thể cử hành một cách thận trọng. Họ báo cáo: “Chúng tôi đứng thành một vòng tròn. Ở giữa, có một cái ghế đẩu trải khăn màu trắng, trên đó có các món biểu tượng. Chúng tôi thắp một cây nến, vì đèn điện có thể khiến chúng tôi bị phát hiện... Chúng tôi dâng lời cầu nguyện tha thiết với Cha và thề nguyện một lần nữa rằng sẽ dùng hết sức để biện minh cho danh thánh của ngài”. Quả là đức tin nổi bật! Thật vậy, Chúa Giê-su đã thể hiện tình yêu thương lớn lao khi thiết lập Lễ Tưởng Niệm đơn giản, nhờ thế các môn đồ có thể cử hành ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.
17. Chúng ta có thể tự hỏi điều gì?
17 Khi Lễ Tưởng Niệm đến gần, hãy tự hỏi: “Làm thế nào để theo sát gương của Chúa Giê-su hơn trong việc thể hiện tình yêu thương? Mình có nghĩ đến nhu cầu của anh em đồng đạo nhiều hơn nhu cầu của bản thân không? Mình đòi hỏi nhiều hơn những gì anh em có thể làm hay là hiểu giới hạn của họ?”. Mong sao chúng ta luôn noi gương Chúa Giê-su và “biểu lộ sự đồng cảm”.—1 Phi 3:8.
NOI THEO TÍNH KHIÊM NHƯỜNG, CAN ĐẢM VÀ TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊ-SU
18, 19. (a) Chúng ta có thể tin chắc điều gì? (b) Anh chị quyết tâm làm gì?
18 Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ không còn cử hành Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Đấng Ki-tô. Khi Chúa Giê-su “đến” trong hoạn nạn lớn, ngài sẽ thu nhóm “những người được chọn” còn sót lại lên trời, và Lễ Tưởng Niệm sẽ không còn được cử hành nữa.—1 Cô 11:26; Mat 24:31.
19 Ngay cả khi Lễ Tưởng Niệm không còn được cử hành nữa, chúng ta có thể tin chắc rằng dân Đức Giê-hô-va sẽ ghi nhớ buổi lễ đơn giản này, là buổi lễ cho thấy tính khiêm nhường, can đảm và tình yêu thương lớn lao nhất từng có trong nhân loại. Khi đó, hẳn những người từng tham dự sẽ kể về buổi lễ đặc biệt này vì lợi ích của mọi người sống vào lúc ấy. Nhưng để nhận lợi ích ngay từ bây giờ qua buổi lễ này, chúng ta phải quyết tâm noi theo tính khiêm nhường, can đảm và tình yêu thương của Chúa Giê-su. Khi làm thế, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho mình.—2 Phi 1:10, 11.
BÀI HÁT 13 Đấng Ki-tô, gương mẫu của chúng ta
a Chúng ta sắp tham dự Bữa Ăn Tối Của Chúa để kỷ niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su. Buổi lễ đơn giản này cho biết về tính khiêm nhường, can đảm và tình yêu thương của ngài. Trong bài này, chúng ta sẽ xem làm thế nào mình có thể noi theo những đức tính quý báu ấy.
b GIẢI NGHĨA: Kỷ niệm nghĩa là làm điều gì đó đặc biệt để nhớ đến và tỏ lòng tôn kính đối với một người hay một sự kiện quan trọng.
c HÌNH ẢNH: Diễn lại việc các tín đồ trung thành cử hành Lễ Tưởng Niệm: vào thế kỷ thứ nhất; vào cuối thế kỷ 19; trong trại tập trung của Quốc Xã; vào thời nay, tại một Phòng Nước Trời đơn giản ở một nước thuộc Nam Mỹ với khí hậu ấm áp.