BÀI HỌC 45
Hãy tiếp tục thể hiện tình yêu thương thành tín với nhau
‘Hãy đối xử với nhau bằng tình yêu thương thành tín và lòng thương xót’.—XA 7:9.
BÀI HÁT 107 Gương mẫu yêu thương của Đức Chúa Trời
GIỚI THIỆUa
1, 2. Chúng ta có những lý do chính đáng nào để thể hiện tình yêu thương thành tín với nhau?
Chúng ta có những lý do chính đáng để thể hiện tình yêu thương thành tín với nhau. Một số lý do đó là gì? Hãy xem những câu châm ngôn sau trong Kinh Thánh giải đáp thế nào cho câu hỏi ấy: “Đừng để tình yêu thương thành tín và sự chân thật lìa xa con... thì con sẽ được ơn và sáng suốt tinh tường trước mắt Đức Chúa Trời lẫn loài người”. “Người nào yêu thương thành tín, chính mình được ích”. “Ai theo đuổi sự công chính cùng tình yêu thương thành tín sẽ tìm được sự sống”.—Châm 3:3, 4; 11:17, chú thích; 21:21.
2 Những câu châm ngôn này nói đến ba lý do chúng ta nên thể hiện tình yêu thương thành tín. Thứ nhất, việc thể hiện tình yêu thương thành tín làm chúng ta quý giá trước mắt Đức Chúa Trời. Thứ hai, khi thể hiện tình yêu thương thành tín, chính chúng ta được ích. Chẳng hạn, chúng ta xây đắp được tình bạn lâu dài với người khác. Thứ ba, việc theo đuổi tình yêu thương thành tín dẫn đến những ân phước trong tương lai, bao gồm sự sống vĩnh cửu. Quả thật, chúng ta có những lý do chính đáng để làm theo lời sau của Đức Giê-hô-va: ‘Hãy đối xử với nhau bằng tình yêu thương thành tín và lòng thương xót’.—Xa 7:9.
3. Bài này sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét lời giải đáp cho bốn câu hỏi: Chúng ta nên thể hiện tình yêu thương thành tín với ai? Chúng ta học được gì từ sách Ru-tơ về việc thể hiện tình yêu thương thành tín? Làm thế nào để thể hiện tình yêu thương thành tín ngày nay? Những người thể hiện tình yêu thương thành tín nhận được lợi ích nào?
CHÚNG TA NÊN THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG THÀNH TÍN VỚI AI?
4. Làm thế nào để bắt chước Đức Giê-hô-va trong việc thể hiện tình yêu thương thành tín? (Mác 10:29, 30)
4 Như đã học trong bài trước, Đức Giê-hô-va chỉ thể hiện tình yêu thương thành tín, tức sự gắn bó yêu thương và lâu dài, với những ai yêu mến và phụng sự ngài (Đa 9:4). Là con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời, chúng ta muốn bắt chước ngài (Ê-phê 5:1). Vì thế, chúng ta muốn vun trồng cảm xúc nồng ấm với anh em thiêng liêng và gắn bó lâu dài với họ.—Đọc Mác 10:29, 30.
5, 6. Từ “trung thành” thường được dùng trong bối cảnh nào?
5 Chắc chắn, anh chị đồng ý rằng càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tình yêu thương thành tín, chúng ta sẽ càng biết cách thể hiện tình yêu thương ấy với anh em đồng đạo. Để hiểu rõ hơn về tình yêu thương thành tín, hãy so sánh từ này với từ “trung thành” được dùng theo nghĩa phổ biến. Hãy xem một ví dụ.
6 Ngày nay, để miêu tả một người làm việc cho một công ty trong nhiều năm, có thể chúng ta sẽ dùng từ “nhân viên trung thành”. Tuy nhiên, trong suốt những năm làm ở công ty, có lẽ người ấy không bao giờ được gặp các giám đốc và không luôn đồng ý với những chính sách của công ty. Người ấy không yêu mến công ty nhưng hài lòng vì công việc đó giúp anh có tiền lương. Người ấy sẽ tiếp tục làm việc ở đó cho đến lúc nghỉ hưu, trừ khi anh được mời nhận công việc tốt hơn ở nơi khác.
7, 8. (a) Điều gì thúc đẩy một người thể hiện tình yêu thương thành tín? (b) Tại sao chúng ta sẽ xem xét một số đoạn trong sách Ru-tơ?
7 Sự khác biệt giữa từ “trung thành” được nói trong đoạn 6 và tình yêu thương thành tín là động cơ của một người. Vào thời Kinh Thánh, điều gì đã thúc đẩy tôi tớ của Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu thương thành tín? Họ làm thế không phải vì bị ép buộc nhưng vì được lòng thúc đẩy. Hãy xem trường hợp của Đa-vít. Lòng đã thúc đẩy ông thể hiện tình yêu thương thành tín với người bạn yêu quý là Giô-na-than, cho dù cha của Giô-na-than muốn giết Đa-vít. Nhiều năm sau khi Giô-na-than qua đời, Đa-vít vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu thương thành tín với con trai của Giô-na-than là Mê-phi-bô-sết.—1 Sa 20:9, 14, 15; 2 Sa 4:4; 8:15; 9:1, 6, 7.
8 Chúng ta có thể học được nhiều điều về tình yêu thương thành tín bằng cách xem xét một số đoạn trong sách Ru-tơ. Chúng ta rút ra bài học nào về tình yêu thương thành tín từ những nhân vật trong sách đó? Làm thế nào để áp dụng những bài học này trong hội thánh?b
CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ SÁCH RU-TƠ VỀ VIỆC THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG THÀNH TÍN?
9. Tại sao Na-ô-mi kết luận rằng Đức Giê-hô-va chống lại bà?
9 Sách Ru-tơ kể lại câu chuyện về Na-ô-mi, con dâu của bà là Ru-tơ và người đàn ông kính sợ Đức Chúa Trời tên Bô-ô, là họ hàng bên chồng của bà. Vì nạn đói ở Y-sơ-ra-ên nên Na-ô-mi cùng chồng và hai con trai chuyển đến Mô-áp. Trong thời gian ở đó, chồng của Na-ô-mi qua đời. Hai con trai bà kết hôn nhưng đáng buồn là sau đó họ cũng qua đời (Ru 1:3-5; 2:1). Những thảm kịch này khiến Na-ô-mi chìm đắm trong nỗi đau buồn. Bà nản lòng đến mức kết luận rằng Đức Giê-hô-va chống lại bà. Hãy để ý bà cảm thấy thế nào về Đức Chúa Trời qua những lời bà nói: “Tay Đức Giê-hô-va đã chống lại [tôi]”. “Đấng Toàn Năng đã khiến đời tôi cay đắng lắm”. Bà cũng nói: “Chính Đức Giê-hô-va đã chống lại tôi và Đấng Toàn Năng đã giáng họa trên tôi”.—Ru 1:13, 20, 21.
10. Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước những lời cay đắng của Na-ô-mi?
10 Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước những lời cay đắng của Na-ô-mi? Ngài không quay lưng bỏ mặc người tôi tớ đau buồn này. Trái lại, ngài cảm thông với bà. Đức Giê-hô-va hiểu rằng “sự áp bức có thể khiến người khôn hóa điên dại” (Truyền 7:7). Dù vậy, Na-ô-mi cần được giúp để thấy rằng ngài ở cùng bà. Đức Giê-hô-va đã cung cấp sự trợ giúp nào? (1 Sa 2:8). Ngài thôi thúc Ru-tơ hành động và thể hiện tình yêu thương thành tín với Na-ô-mi. Ru-tơ đã sẵn lòng và mềm mại giúp mẹ chồng lấy lại thăng bằng về cảm xúc và thiêng liêng. Chúng ta học được gì từ gương của Ru-tơ?
11. Tại sao những anh chị nhân từ nỗ lực giúp đỡ người buồn nản?
11 Tình yêu thương thành tín thôi thúc chúng ta nỗ lực giúp đỡ người buồn nản. Giống như Ru-tơ gắn bó với Na-ô-mi, các anh chị nhân từ ngày nay sẵn lòng gắn bó với những người trong hội thánh đang buồn hoặc nản lòng. Họ yêu thương anh em và muốn làm những gì có thể để giúp anh em (Châm 12:25, chú thích; 24:10). Điều này phù hợp với lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: ‘Hãy an ủi người buồn nản, nâng đỡ người yếu đuối và kiên nhẫn với mọi người’.—1 Tê 5:14.
12. Thường thì cách tốt nhất để giúp một anh em bị nản lòng là gì?
12 Thường thì cách tốt nhất để giúp một anh em nản lòng là lắng nghe và trấn an họ rằng chúng ta yêu thương họ. Đức Giê-hô-va để ý khi chúng ta thể hiện lòng quan tâm chân thành đến chiên quý giá của ngài (Thi 41:1). Châm ngôn 19:17 nói: “Người làm ơn cho kẻ thấp hèn là cho Đức Giê-hô-va vay mượn; ngài sẽ báo đáp việc người đã làm”.
13. Ru-tơ khác với Ọt-ba như thế nào, và tại sao quyết định của Ru-tơ là hành động yêu thương thành tín? (Xem hình nơi trang bìa).
13 Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về tình yêu thương thành tín khi xem xét điều xảy ra với Na-ô-mi sau khi chồng và hai con trai bà qua đời. Khi Na-ô-mi biết rằng “Đức Giê-hô-va đã đoái đến dân ngài và ban lương thực cho họ”, bà quyết định trở về quê nhà (Ru 1:6). Lúc đầu, cả hai con dâu cùng đi với bà. Nhưng trên đường đi, ba lần Na-ô-mi bảo hai con dâu trở về Mô-áp. Chuyện gì xảy ra? Kinh Thánh cho biết: “Ọt-ba hôn mẹ chồng và đi. Nhưng Ru-tơ thì gắn bó với Na-ô-mi” (Ru 1:7-14). Ọt-ba đã làm theo lời của Na-ô-mi và trở về Mô-áp. Tuy nhiên, Ru-tơ đã làm điều ngoài mong đợi của Na-ô-mi. Cô cũng có thể trở về quê nhà, nhưng vì tình yêu thương thành tín, cô đã quyết định ở lại và giúp đỡ Na-ô-mi (Ru 1:16, 17). Ru-tơ đã chọn gắn bó với Na-ô-mi không phải vì cô phải làm thế nhưng vì cô muốn làm thế. Quyết định của Ru-tơ là một hành động yêu thương thành tín. Chúng ta rút ra bài học nào từ lời tường thuật này?
14. (a) Ngày nay, nhiều anh em chọn làm điều gì? (b) Theo Hê-bơ-rơ 13:16, những vật tế lễ nào làm hài lòng Đức Chúa Trời?
14 Tình yêu thương thành tín thúc đẩy một người làm điều ngoài mong đợi. Như trong quá khứ, nhiều anh em chúng ta chọn thể hiện tình yêu thương thành tín với anh em đồng đạo, ngay cả với những anh em mà họ không biết. Chẳng hạn, khi nghe một thảm họa thiên nhiên xảy ra, họ lập tức muốn biết cách để trợ giúp. Khi một người trong hội thánh gặp khó khăn về tài chính, họ giúp đỡ một cách thực tế. Giống như các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất ở Ma-xê-đô-ni-a, họ làm nhiều hơn điều được mong đợi. Họ thể hiện tinh thần hy sinh, ban cho “thậm chí còn hơn khả năng của mình” để giúp những anh em đang gặp khó khăn (2 Cô 8:3). Đức Giê-hô-va hài lòng biết bao khi thấy họ thể hiện tình yêu thương thành tín như thế!—Đọc Hê-bơ-rơ 13:16.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG THÀNH TÍN NGÀY NAY?
15, 16. Ru-tơ thể hiện sự kiên trì như thế nào?
15 Chúng ta có thể rút ra nhiều bài học hữu ích khi xem xét cách Ru-tơ giúp Na-ô-mi. Hãy xem vài bài học.
16 Hãy kiên trì. Khi Ru-tơ xin đi cùng với mẹ chồng trở về Giu-đa, lúc đầu Na-ô-mi từ chối. Nhưng Ru-tơ không bỏ cuộc. Kết quả là gì? Kinh Thánh cho biết: “Na-ô-mi thấy Ru-tơ một mực muốn đi với mình nên bà thôi không thuyết phục cô nữa”.—Ru 1:15-18.
17. Điều gì sẽ giúp chúng ta không dễ bỏ cuộc?
17 Áp dụng: Cần kiên nhẫn để giúp những anh chị buồn nản, vì thế chúng ta không nên bỏ cuộc. Một anh chị cần được khích lệ có lẽ lúc đầu từ chối sự giúp đỡ. Tuy nhiên, tình yêu thương thành tín sẽ thúc đẩy chúng ta nỗ lực gắn bó với anh chị ấy (Ga 6:2). Chúng ta hy vọng rằng cuối cùng anh chị ấy sẽ nhận sự giúp đỡ và sự an ủi của chúng ta.
18. Điều gì hẳn đã khiến Ru-tơ đau lòng?
18 Đừng quá nhạy cảm. Khi Na-ô-mi và Ru-tơ đến Bết-lê-hem, Na-ô-mi gặp những người hàng xóm trước đây. Bà nói với họ: “Khi ra đi tôi đầy tràn, nhưng Đức Giê-hô-va khiến tôi trở về tay không” (Ru 1:21). Hãy hình dung Ru-tơ cảm thấy thế nào khi nghe những lời ấy của Na-ô-mi. Ru-tơ đã nỗ lực hết sức để giúp Na-ô-mi. Cô khóc với bà, an ủi bà và cùng đi bộ với bà trong nhiều ngày. Vậy mà Na-ô-mi nói: “Đức Giê-hô-va khiến tôi trở về tay không”. Khi nói những lời này, Na-ô-mi không hề nhìn nhận sự giúp đỡ của Ru-tơ, người đang đứng bên cạnh bà. Hẳn Ru-tơ cảm thấy đau lòng biết bao! Dù vậy, cô vẫn gắn bó với Na-ô-mi.
19. Điều gì sẽ giúp chúng ta gắn bó với một người buồn nản?
19 Áp dụng: Ngày nay, một anh chị buồn nản có lẽ nói những lời gây đau lòng, dù chúng ta đã nỗ lực để giúp anh chị ấy. Nhưng hãy cố gắng để không quá nhạy cảm. Chúng ta gắn bó với anh chị ấy và xin Đức Giê-hô-va giúp mình biết cách an ủi họ.—Châm 17:17.
20. Điều gì đã giúp Ru-tơ có sức cần thiết để tiếp tục chịu đựng?
20 Hãy khích lệ đúng lúc. Ru-tơ đã thể hiện tình yêu thương thành tín với Na-ô-mi, nhưng giờ đây chính Ru-tơ cũng cần được khích lệ. Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy Bô-ô khích lệ cô. Bô-ô nói với Ru-tơ: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho những gì con đã làm và nguyện con nhận được phần thưởng trọn vẹn từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, là đấng mà con tìm nơi trú ẩn dưới cánh ngài”. Những lời ấm lòng này làm Ru-tơ rất cảm động. Ru-tơ nói với Bô-ô: “Ông đã an ủi và làm yên lòng con, là tôi tớ ông” (Ru 2:12, 13). Những lời đúng lúc của Bô-ô đã giúp Ru-tơ có sức cần thiết để tiếp tục chịu đựng.
21. Theo Ê-sai 32:1, 2, các trưởng lão có lòng quan tâm sẽ làm gì?
21 Áp dụng: Những người thể hiện tình yêu thương thành tín với người khác đôi lúc cũng cần được khích lệ. Giống như Bô-ô đã khen Ru-tơ về lòng nhân từ của cô, trưởng lão ngày nay cũng khen anh em trong hội thánh khi thấy họ yêu thương giúp đỡ người khác. Lời khen chân thành và đúng lúc như thế sẽ giúp anh em có sức cần thiết để tiếp tục hỗ trợ người khác.—Đọc Ê-sai 32:1, 2.
NHỮNG NGƯỜI THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG THÀNH TÍN NHẬN ĐƯỢC LỢI ÍCH NÀO?
22, 23. Thái độ của Na-ô-mi thay đổi thế nào, và tại sao? (Thi thiên 136:23, 26)
22 Sau một thời gian, Bô-ô cho Ru-tơ và Na-ô-mi nhiều thức ăn (Ru 2:14-18). Na-ô-mi phản ứng thế nào trước lòng rộng rãi của Bô-ô? Bà nói: “Nguyện người đó được Đức Giê-hô-va ban phước, ngài chẳng hề ngưng thể hiện lòng yêu thương thành tín với người sống lẫn người chết” (Ru 2:20a). Thái độ của Na-ô-mi đã hoàn toàn thay đổi! Trước đó, bà thốt lên trong đau đớn: “Đức Giê-hô-va đã chống lại tôi”, nhưng giờ đây bà vui mừng nói: ‘Đức Giê-hô-va chẳng hề ngưng thể hiện lòng yêu thương thành tín’. Điều gì đã giúp Na-ô-mi thay đổi thái độ?
23 Cuối cùng Na-ô-mi đã thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va trong đời sống bà. Ngài đã dùng Ru-tơ để cung cấp sự trợ giúp cần thiết trên đường trở về Giu-đa (Ru 1:16). Na-ô-mi cũng thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va khi Bô-ô, “một trong những người có quyền chuộc lại” của họ, đã yêu thương cung cấp rộng rãi thực phẩm cho bà và con dâuc (Ru 2:19, 20b). Hẳn bà nghĩ: “Giờ mình mới hiểu Đức Giê-hô-va chưa từng bỏ mình, ngài ở bên mình trong suốt thời gian qua!”. (Đọc Thi thiên 136:23, 26). Chắc chắn, Na-ô-mi rất biết ơn vì Ru-tơ và Bô-ô đã không bỏ cuộc trong việc giúp bà. Hẳn cả ba rất vui mừng khi Na-ô-mi có lại niềm vui.
24. Tại sao chúng ta muốn tiếp tục thể hiện tình yêu thương thành tín với anh em đồng đạo?
24 Chúng ta học được gì từ sách Ru-tơ về tình yêu thương thành tín? Tình yêu thương thành tín thúc đẩy chúng ta không dễ bỏ cuộc khi giúp đỡ anh em buồn nản. Tình yêu thương ấy cũng thúc đẩy chúng ta hy sinh một số điều để giúp đỡ họ. Trưởng lão cần đưa ra lời khích lệ nồng ấm và đúng lúc đối với những anh chị thể hiện tình yêu thương thành tín với người khác. Khi thấy những anh chị buồn nản có lại sức về thiêng liêng, chúng ta cảm thấy rất vui mừng (Công 20:35). Nhưng lý do quan trọng nhất chúng ta tiếp tục thể hiện tình yêu thương thành tín là gì? Đó là vì chúng ta muốn bắt chước và làm vui lòng Đức Giê-hô-va, đấng “giàu tình yêu thương thành tín”.—Xuất 34:6; Thi 33:22.
BÀI HÁT 130 Hãy tha thứ
a Đức Giê-hô-va muốn chúng ta thể hiện tình yêu thương thành tín với anh em trong hội thánh. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn tình yêu thương thành tín là gì bằng cách xem xét một số tôi tớ của Đức Chúa Trời vào thời xưa đã thể hiện phẩm chất này như thế nào. Trong bài này, chúng ta sẽ xem mình học được gì từ gương của Ru-tơ, Na-ô-mi và Bô-ô.
b Để nhận lợi ích trọn vẹn từ bài này, chúng tôi khuyến khích anh chị đọc sách Ru-tơ chương 1 và 2.
c Để biết thêm về vai trò của Bô-ô với tư cách là người có quyền chuộc lại, xem bài “Hãy noi theo đức tin của họ—‘Người đàn bà hiền đức’” trong Tháp Canh ngày 1-10-2012, trg 20.