Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Châm-ngôn
VUA nước Y-sơ-ra-ên xưa là Sa-lô-môn đã nói “ba ngàn câu châm-ngôn”. (1 Các Vua 4:32) Chúng ta có thể đọc được những lời khôn ngoan của ông không? Câu trả lời là được. Hoàn tất khoảng năm 717 TCN, sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh ghi lại nhiều câu châm ngôn của Sa-lô-môn. Chỉ có hai chương cuối là do những người khác viết—A-gu-rơ con của Gia-kê và Vua Lê-mu-ên. Tuy nhiên, một số người cho rằng Lê-mu-ên là tên khác của Sa-lô-môn.
Những lời soi dẫn sưu tập trong sách Châm-ngôn có hai mục tiêu—“đặng khiến cho người ta hiểu-biết sự khôn-ngoan và điều khuyên-dạy”. (Châm-ngôn 1:2) Những lời khuyên đó giúp chúng ta có được sự khôn ngoan, tức khả năng hiểu rõ vấn đề và áp dụng sự hiểu biết để giải quyết các khó khăn. Qua các câu châm ngôn trong sách này, chúng ta cũng nhận được lời sửa dạy, tức giáo huấn về đạo đức. Lưu ý đến các câu châm ngôn và làm theo lời khuyên ấy có thể tác động đến lòng chúng ta, góp phần tạo hạnh phúc, và đưa chúng ta đến thành công.—Hê-bơ-rơ 4:12.
‘CẦU LẤY SỰ KHÔN-NGOAN VÀ NẮM CHẮC ĐIỀU KHUYÊN-DẠY’
Sa-lô-môn nói: “Sự khôn-ngoan hô lên ngoài đường”. (Châm-ngôn 1:20) Tại sao chúng ta nên lắng nghe tiếng hô rõ ràng của sự khôn ngoan? Chương 2 nêu ra nhiều lợi ích của việc cầu xin sự khôn ngoan. Chương 3 bàn về cách để tạo được mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Sau đó, Sa-lô-môn nói: “Sự khôn-ngoan là điều cần-nhứt; vậy, khá cầu lấy sự khôn-ngoan; hãy dùng hết của con đã được mà mua sự thông-sáng. Hãy nắm chắc điều khuyên-dạy, chớ buông ra”.—Châm-ngôn 4:7, 13.
Điều gì sẽ giúp chúng ta tránh lối sống vô luân của thế gian? Chương 5 sách Châm-ngôn cho biết đó là nhờ dùng khả năng suy xét, và nhận ra những cách thế gian lôi cuốn chúng ta. Chúng ta cũng nên xem xét hậu quả khôn lường của việc phạm tội vô luân. Chương kế tiếp cảnh báo về những thực hành và thái độ làm hại đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Chương 7 vạch trần đường lối hành động của một người có lối sống vô luân. Trong chương 8, giá trị và sức thu hút của sự khôn ngoan được trình bày một cách đặc sắc. Chương 9 là lời kết luận thú vị về những điều đã được bàn trong các chương trước. Chương này đưa ra một minh họa hào hứng thôi thúc chúng ta tìm kiếm sự khôn ngoan.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:7; 9:10—Theo nghĩa nào sự kính sợ Đức Giê-hô-va là “khởi-đầu sự tri-thức” và “khởi đầu sự khôn-ngoan”? Không có lòng kính sợ Đức Giê-hô-va thì chắc chắn không thể có sự tri thức, vì Ngài là Đấng đã tạo ra muôn vật và là Tác Giả của Kinh Thánh. (Rô-ma 1:20; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Ngài là Nguồn của mọi tri thức chính xác. Vì thế, tri thức bắt nguồn từ sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Kính sợ Đức Chúa Trời cũng là khởi đầu của sự khôn ngoan vì không thể có sự khôn ngoan mà không có tri thức. Hơn nữa, một người thiếu lòng kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ không dùng tri thức của mình để tôn vinh Đấng Tạo Hóa.
2:16—Tại sao Kinh Thánh gọi dâm phụ là người “đàn-bà lạ”? Châm-ngôn 2:17 miêu tả “người đàn-bà lạ” như một người “quên sự giao-ước của Đức Chúa Trời mình”. Những ai thờ phượng tà thần hoặc từ bỏ Luật Pháp Môi-se, kể cả dâm phụ, thì bị gọi là người lạ.—Giê-rê-mi 2:20-25.
7:1, 2—“Các lời ta” và “các mạng-lịnh ta” bao gồm những gì? Ngoài những sự dạy dỗ của Kinh Thánh, những điều này bao gồm cả các phép tắc hay quy định trong nhà, do cha mẹ đặt ra vì lợi ích của những người trong gia đình. Người trẻ cần tuân giữ những phép tắc đó cũng như những sự dạy dỗ của Kinh Thánh mà họ nhận được từ cha mẹ.
8:30—Ai là “thợ cái”? Sự khôn ngoan được nhân cách hóa, tự gọi mình là thợ cái. Đây không chỉ là cách hành văn nhằm giải thích những đặc tính của sự khôn ngoan, mà còn được dùng tượng trưng cho Con đầu lòng của Đức Chúa Trời, tức Chúa Giê-su Christ trước khi xuống thế. Từ lâu trước khi sinh ra trên đất, ngài được tạo ra “trong buổi Đức Giê-hô-va khởi cuộc tạo-hóa”. (Châm-ngôn 8:22) Với tư cách là “thợ cái”, ngài tích cực làm việc bên cạnh Cha ngài trong công cuộc sáng tạo mọi vật.—Cô-lô-se 1:15-17.
9:17—“Nước ăn-cắp” là gì, và tại sao lại “ngọt-ngào”? Kinh Thánh ví việc ái ân giữa vợ chồng với việc uống nước mát từ giếng, còn “nước ăn-cắp” tượng trưng cho quan hệ vô luân lén lút. (Châm-ngôn 5:15-17) Vì tưởng rằng mình sẽ không bị phát giác nên một người cảm thấy “nước ăn-cắp” có vẻ ngọt ngào.
Bài học cho chúng ta:
1:10-14. Chúng ta nên đề phòng để không bị quyến dụ nghe theo lời hứa được giàu có mà đi vào đường xấu xa của kẻ tội nhân.
3:3. Chúng ta cần trân trọng sự yêu thương nhân từ và tính chân thật, thể hiện rõ hai đức tính này như thể đeo một sợi dây chuyền quý giá trên cổ. Chúng ta cũng cần khắc ghi những đức tính này vào lòng, như một phần không thể tách rời.
4:18. Tri thức, tức sự hiểu biết về thiêng liêng, ngày càng gia tăng. Để luôn được ở trong sự sáng, chúng ta phải tiếp tục bày tỏ tính khiêm nhường và nhu mì.
5:8. Chúng ta cần phải tránh xa mọi ảnh hưởng vô luân, dù là từ âm nhạc, các loại hình giải trí, Internet, hoặc sách vở và báo chí.
5:21. Liệu một người yêu mến Đức Giê-hô-va có muốn đánh đổi mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời để được một vài giây phút khoái lạc không? Hiển nhiên là không! Động cơ mạnh mẽ nhất để gìn giữ sự trong sạch về đạo đức là việc biết được Đức Giê-hô-va nhìn thấy lối sống của chúng ta, và chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Ngài.
6:1-5. Trong các câu này, chúng ta quả có được những lời khuyên hữu ích về việc tránh “bảo-lãnh”, hay gánh trách nhiệm tài chính cho người khác một cách thiếu khôn ngoan! Nếu sau khi xem xét kỹ và thấy hành động của mình có vẻ thiếu khôn ngoan, chúng ta hãy nhanh chóng “nài-xin người lân-cận” và làm hết khả năng để chỉnh lại vấn đề.
6:16-19. Nơi đây ghi bảy loại thực hành cơ bản liên quan đến hầu hết mọi hình thức của hành động sai trái. Chúng ta nên tập ghét những thực hành đó.
6:20-24. Được dạy Kinh Thánh từ nhỏ có thể là sự che chở để một người không bị rơi vào bẫy tình dục vô luân. Cha mẹ không nên chểnh mảng trong việc dạy dỗ con cái.
7:4. Chúng ta nên tập yêu thích sự khôn ngoan và thông sáng.
CÁC CÂU CHÂM-NGÔN KHÁC HƯỚNG DẪN CHÚNG TA
Các câu châm ngôn khác của Sa-lô-môn là những câu tục ngữ súc tích. Viết theo lối tương phản, tương ứng và so sánh, các câu châm ngôn này chứa đựng những bài học hữu ích về thái độ, lời nói và hạnh kiểm.
Chương 10 đến 24 nhấn mạnh giá trị của sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Các câu châm ngôn từ chương 25 đến 29 là do “các người của Ê-xê-chia, vua Giu-đa” sao chép. (Châm-ngôn 25:1) Những câu châm ngôn này dạy chúng ta nương tựa nơi Đức Giê-hô-va, và nêu ra những bài học quan trọng khác.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
10:6—Làm sao “miệng kẻ ác giấu sự cường-bạo”? Điều này có thể có nghĩa là bằng lời nói ngọt ngào, kẻ ác che giấu ý đồ hại người. Hoặc có lẽ do thường bị người khác thù ghét, nên kẻ ác phải im miệng.
10:10—Làm thế nào ‘kẻ nheo mắt’ gây ưu sầu? “Kẻ vô-loại” không chỉ dùng đến “miệng giả-dối” nhưng cũng tìm cách che giấu động lực của mình qua điệu bộ, như “nheo mắt”. (Châm-ngôn 6:12, 13) Cách lừa gạt này có thể là nguyên nhân làm cho nạn nhân sầu não.
10:29—“Con đường của Đức Giê-hô-va” là gì? Câu này muốn nói đến cách Đức Giê-hô-va đối xử với nhân loại, chứ không phải là lối sống mà chúng ta phải theo. Cách Đức Chúa Trời đối xử với nhân loại cho thấy người trọn vẹn sẽ được an toàn, còn người ác sẽ bị diệt vong.
11:31—Tại sao kẻ hung ác “được báo-đáp” hơn người công bình? Sự báo đáp nơi đây muốn nói đến mức độ trừng phạt mà mỗi người phải gánh chịu. Khi người công bình phạm lỗi, sự “báo-đáp” mà người đó phải chịu là bị kỷ luật. Người ác cố ý phạm tội và không chịu sửa đổi để trở về với đường lối tốt, thì đáng bị trừng phạt nặng nề hơn.
12:23—Một người “giấu điều mình biết” như thế nào? Giấu hay che đậy điều mình biết không có nghĩa là không bao giờ tỏ nó ra. Thay vì thế, câu này có nghĩa là người đó bày tỏ sự hiểu biết một cách khôn khéo, không khoe khoang.
18:19—Vì sao “một anh em bị mếch lòng lấy làm khó được lòng lại hơn là chiếm thủ cái thành kiên-cố”? Như một cái thành bị bao vây, người như thế có thể cương quyết không chịu nhượng bộ. Mối bất hòa giữa người làm lỗi và người bị mếch lòng dễ trở thành điều cản trở như “những chốt cửa đền”.
Bài học cho chúng ta:
10:11-14. Để lời nói của chúng ta mang tính xây dựng, tâm trí chúng ta phải tràn đầy sự hiểu biết chính xác, lòng chúng ta phải được thúc đẩy bởi tình yêu thương, và sự khôn ngoan phải tác động đến những gì chúng ta nói.
10:19; 12:18; 13:3; 15:28; 17:28. Mong rằng chúng ta nên ít lời và suy nghĩ trước khi nói.
11:1; 16:11; 20:10, 23. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta lương thiện trong công việc làm ăn.
11:4. Thật là điều dại dột khi bỏ qua việc học hỏi Kinh Thánh cá nhân, nhóm họp, cầu nguyện và tham gia thánh chức để theo đuổi sự giàu có.
13:4. “Mong-ước” được một vị thế có trách nhiệm trong hội thánh hoặc được sống trong thế giới mới thì chưa đủ. Chúng ta cũng cần phải siêng năng và nỗ lực để hội đủ điều kiện.
13:24; 29:15, 21. Cha mẹ yêu thương thì không nuông chiều hoặc lờ đi lỗi lầm của con cái. Thay vì thế, cha hoặc mẹ áp dụng hình thức sửa dạy để loại trừ tận gốc trước khi những lỗi lầm ăn sâu trong lòng con cái.
14:10. Vì lẽ chúng ta không thể diễn đạt hết những cảm xúc sâu kín và người khác không luôn luôn hiểu được, nên sự an ủi của họ chỉ có giới hạn. Chúng ta có thể phải chịu đựng một số khó khăn bằng cách hết lòng nương tựa nơi Đức Giê-hô-va.
15:7. Không nên nói cho một người tất cả những gì chúng ta biết, như nông dân không rải hết hạt giống ở một nơi. Người khôn ngoan rải tri thức ra từ từ, tùy theo nhu cầu.
15:15; 18:14. Giữ thái độ lạc quan sẽ giúp chúng ta tìm được hạnh phúc, ngay cả trong hoàn cảnh gian nan.
17:24. Khác với “kẻ ngu-muội” không để mắt và tâm trí tập trung vào những điều quan trọng, chúng ta nên tìm kiếm sự thông sáng để có thể hành động khôn ngoan.
23:6-8. Chúng ta nên cẩn thận để không tỏ lòng hiếu khách cách giả dối.
27:21. Cách phản ứng trước những gì người khác khen có thể cho thấy chúng ta là người như thế nào. Nếu là người khiêm nhường, lời khen sẽ thúc đẩy chúng ta bày tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va và khuyến khích chúng ta tiếp tục phụng sự Ngài. Khi lời khen làm cho chúng ta cảm thấy cao trọng hơn người khác, điều này cho thấy chúng ta thiếu khiêm nhường.
27:23-27. Dựa trên khung cảnh đồng quê, những câu châm ngôn này nhấn mạnh giá trị của việc tìm được sự thỏa lòng trong cuộc sống giản dị khi siêng năng làm việc. Những lời này đặc biệt khắc sâu vào tâm trí chúng ta sự cần thiết của việc nhờ cậy nơi Đức Chúa Trời.a
28:5. Nếu chúng ta “tìm-cầu Đức Giê-hô-va” qua lời cầu nguyện và việc học Lời Ngài, chúng ta sẽ “hiểu-biết mọi sự” cần thiết để phụng sự Ngài và được Ngài chấp nhận.
‘NHỮNG LỜI QUAN TRỌNG’
Sách Châm-ngôn trong Kinh Thánh kết luận với hai “lời quan trọng”. (Châm-ngôn 30:1; 31:1; NW) Bằng những sự so sánh gợi suy nghĩ, lời của A-gu-rơ minh họa việc không thể thỏa mãn được lòng tham, và cho thấy không dễ nhận ra cách mà một kẻ quyến dụ dùng để thuyết phục một người nữ.b Lời đó cũng cảnh cáo thái độ tự cao và lời nói giận dữ.
Lời quan trọng mà Lê-mu-ên nhận được từ mẹ ông gồm những lời khuyên khôn ngoan về việc dùng rượu và chất uống say, cũng như việc xét đoán một cách công bình. Lời miêu tả về người vợ tài đức kết thúc bằng câu: “Hãy ban cho nàng bông-trái của tay nàng; khá để các công-việc nàng ngợi-khen nàng”.—Châm-ngôn 31:31.
Sách Châm-ngôn giúp chúng ta có được sự khôn ngoan, chấp nhận kỷ luật, vun trồng lòng kính sợ Đức Chúa Trời, nương cậy Đức Giê-hô-va. Những câu châm ngôn được soi dẫn quả là bài học giá trị! Hãy quyết tâm áp dụng lời khuyên trong những câu châm ngôn này và nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được niềm hạnh phúc của ‘người kính-sợ Đức Giê-hô-va’.—Thi-thiên 112:1.
[Chú thích]
a Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-8-1991, trang 31.
b Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-7-1992, trang 31.
[Các hình nơi trang 16]
Đức Giê-hô-va là Nguồn của mọi tri thức chính xác
[Hình nơi trang 18]
“Rải sự tri-thức ra” có nghĩa gì?