Được Đức Giê-hô-va dạy dỗ mãi đến ngày nay
“Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy-dỗ” (Ê-SAI 50:4).
1, 2. a) Đức Giê-hô-va sửa soạn học trò quý nhất của Ngài để làm điều gì, và với kết quả nào? b) Giê-su nhìn nhận Nguồn của các dạy dỗ của ngài bằng cách nói gì?
GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời đã làm Thầy kể từ khi Ngài làm Cha. Một thời sau khi một số con cái Ngài phản loạn, Ngài sửa soạn học trò quý nhất, Con đầu lòng của Ngài, để làm thánh chức trên đất (Châm-ngôn 8:30). Qua lời tiên tri, Ê-sai đoạn 50 cho thấy điều học trò này nói: “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy-dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng-đỡ kẻ mệt-mỏi” (Ê-sai 50:4). Vì áp dụng sự dạy dỗ của Cha ngài khi ở trên đất, Giê-su là một nguồn đem lại sự thoải mái cho tất cả những người “mệt-mỏi và gánh nặng” (Ma-thi-ơ 11:28-30).
2 Giê-su làm rất nhiều phép lạ vào thế kỷ thứ nhất. Ngài mở mắt cho người mù và còn khiến người chết sống lại, tuy vậy những người đương thời biết ngài chủ yếu là người thầy dạy. Cả môn đồ ngài lẫn những kẻ chống đối đều gọi ngài là thầy (Ma-thi-ơ 8:19; 9:11; 12:38; 19:16; Giăng 3:2). Giê-su không bao giờ cho những điều mình dạy là của riêng mình, nhưng ngài nhìn nhận một cách khiêm nhường: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến”. “Ta... nói điều Cha ta đã dạy ta” (Giăng 7:16; 8:28; 12:49).
Mối quan hệ lý tưởng giữa thầy và trò
3. Lời tiên tri của Ê-sai cho thấy Đức Giê-hô-va chú ý đến những người mà Ngài dạy như thế nào?
3 Người thầy tài giỏi tận tâm và yêu thương chú ý đến từng người học trò của mình. Ê-sai đoạn 50 cho thấy rằng Đức Giê-hô-va cũng chú ý đến những người Ngài dạy dỗ như thế. Lời tiên tri nhận xét: “Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học-trò vậy” (Ê-sai 50:4). Từ ngữ nơi đây ám chỉ đến một ông thầy đánh thức học trò mình vào sáng sớm để dạy dỗ chúng. Một học giả về Kinh-thánh nhận xét về cách áp dụng lời tiên tri này: “Câu này có ý nói là Đấng Chuộc tội sẽ là... một người ở trong trường học của Đức Chúa Trời, nói theo nghĩa bóng; và người sẽ có đầy đủ khả năng đặng chỉ dạy người khác... Đấng Mê-si rõ ràng là người có đầy đủ khả năng để chỉ dạy nhân loại vì ngài được Đức Chúa Trời dạy dỗ”.
4. Giê-su hưởng ứng sự dạy dỗ của Cha ngài như thế nào?
4 Điều lý tưởng là học trò hưởng ứng sự dạy dỗ của người thầy mình. Chúa Giê-su hưởng ứng sự dạy dỗ của Cha mình như thế nào? Ngài hưởng ứng sự dạy dỗ phù hợp với điều chúng ta đọc nơi Ê-sai 50:5: “Thật, Chúa Giê-hô-va đã mở tai ta, ta không trái-nghịch, cũng không giựt-lùi”. Đúng vậy, Giê-su nóng lòng muốn học hỏi. Ngài chăm chú lắng nghe. Hơn nữa, ngài sẵn lòng làm bất cứ điều gì Cha đòi hỏi nơi ngài. Ngài không trái nghịch; thay vì thế, ngài nói: “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” (Lu-ca 22:42).
5. a) Điều gì cho thấy rằng Giê-su biết trước về những thử thách mà ngài sẽ phải chịu khi ở trên đất? b) Lời tiên tri nơi Ê-sai 50:6 được ứng nghiệm như thế nào?
5 Lời tiên tri cho thấy rằng Người Con biết trước về hậu quả có thể xảy đến nếu làm theo ý của Đức Chúa Trời. Ta thấy điều này qua lời nói của ngài: “Ta đã đưa lưng cho kẻ đánh ta, và đưa má cho kẻ nhổ râu ta; ai mắng hoặc [nhổ] trên ta, ta chẳng hề che mặt” (Ê-sai 50:6). Như lời tiên tri cho thấy, Giê-su bị ngược đãi khi ở trên đất. Sứ đồ Ma-thi-ơ viết: “Họ bèn nhổ trên mặt Ngài,... lại có kẻ vả Ngài” (Ma-thi-ơ 26:67). Điều này xảy ra dưới quyền của các lãnh tụ tôn giáo vào đêm Lễ Vượt qua năm 33 công nguyên. Ngày hôm sau, Giê-su chịu để cho người ta đánh ngài, khi bọn lính La Mã đánh đập ngài một cách tàn nhẫn trước khi treo ngài lên cây trụ hình cho đến chết (Giăng 19:1-3, 16-23).
6. Điều gì cho thấy Giê-su đã không bao giờ mất đức tin nơi Thầy mình, và lòng tin tưởng của ngài được ban thưởng thế nào?
6 Vì được huấn luyện kỹ lưỡng trước đó, Con đã không bao giờ mất đức tin nơi Thầy. Ta thấy điều này qua những lời kế tiếp của ngài trong lời tiên tri: “Chúa Giê-hô-va sẽ giúp ta, nên ta chẳng bị mất-cỡ” (Ê-sai 50:7). Giê-su tin tưởng nơi sự giúp đỡ của Thầy mình nên ngài được ban thưởng dồi dào. Cha ngài tôn ngài lên rất cao, ban cho ngài địa vị cao hơn hết thảy các tôi tớ khác của Đức Chúa Trời (Phi-líp 2:5-11). Những ân phước dồi dào cũng sẽ đến với chúng ta nếu ta vâng lời và giữ theo những sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va và không “giựt-lùi”. Chúng ta hãy xem làm sao sự dạy dỗ đó vẫn tiếp tục mãi đến thời kỳ này của chúng ta.
Một chương trình dạy dỗ quy mô
7. Đức Giê-hô-va tiếp tục thi hành sự dạy dỗ của Ngài trên đất bằng cách nào?
7 Như chúng ta thấy ở trên, Đức Giê-hô-va dùng Đấng Đại diện cho Ngài trên đất, Giê-su Christ, để rao truyền sự dạy dỗ của Ngài trong thế kỷ thứ nhất (Giăng 16:27, 28). Giê-su luôn luôn dẫn chứng Lời Đức Chúa Trời, xem đó như thẩm quyền cho sự dạy dỗ của ngài, như vậy ngài làm gương cho những người nghe ngài dạy (Ma-thi-ơ 4:4, 7, 10; 21:13; 26:24, 31). Sau đó, sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va được rao truyền trên đất qua thánh chức của những người nghe Ngài dạy dỗ. Hãy nhớ Chúa Giê-su răn bảo họ: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân,... dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Khi người ta trở thành môn đồ, họ được nhận vào “nhà Đức Chúa Trời,... Hội-thánh của Đức Chúa Trời hằng sống” (I Ti-mô-thê 3:15). Họ cũng được tổ chức thành từng hội thánh, và tại đó họ được Đức Giê-hô-va dạy dỗ (Công-vụ các Sứ-đồ 14:23; 15:41; 16:5; I Cô-rinh-tô 11:16). Đức Chúa Trời có còn dạy dỗ theo cách đó trong thời kỳ này không?
8. Giê-su cho thấy rằng công việc rao giảng sẽ được điều khiển như thế nào trước khi sự cuối cùng đến?
8 Có chứ! Ba ngày trước khi Giê-su chết, ngài nói tiên tri rằng sẽ có một công việc rao giảng to lớn trước khi hệ thống mọi sự này kết liễu. Ngài nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. Giê-su mô tả tiếp chương trình rao giảng và dạy dỗ trên toàn cầu sẽ được thực hiện như thế nào. Ngài nói về “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, sẽ hành động với tư cách một cơ quan, hoặc phương tiện, đặng cung cấp đồ ăn thiêng liêng cho các tôi tớ Ngài (Ma-thi-ơ 24:14, 45-47). Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng “đầy-tớ” này để trông nom quyền lợi của Nước Trời trên khắp trái đất.
9. Những ai hợp thành đầy tớ trung tín và khôn ngoan?
9 Ngày nay, đầy tớ trung tín và khôn ngoan gồm có những người kế tự Nước Trời còn sót lại. Họ là tín đồ đấng Christ được xức dầu, thuộc 144.000 người còn sót lại trên đất; họ “thuộc về Đấng Christ” và có phần trong “dòng-dõi của Áp-ra-ham” (Ga-la-ti 3:16, 29; Khải-huyền 14:1-3). Làm sao bạn có thể nhận diện được đầy tớ trung tín và khôn ngoan? Đặc biệt là nhờ việc làm của họ và cách họ theo sát Lời của Đức Chúa Trời, Kinh-thánh.
10. Lớp đầy tớ đã dùng những phương tiện nào để cổ võ các dạy dỗ của Đức Giê-hô-va?
10 Đức Giê-hô-va dùng “đầy-tớ” này để dạy dỗ dân sự Ngài ngày nay. Những người thuộc nhóm đầy tớ lấy tên Nhân-chứng Giê-hô-va vào năm 1931. Kể từ lúc đó, hàng triệu người đã kết hợp với họ và đã nhận lấy tên đó và cùng công bố Nước của Đức Chúa Trời. Tạp chí này, Tháp Canh Thông báo Nước của Đức Giê-hô-va, là công cụ chính mà “đầy-tớ” dùng trong công việc dạy dỗ. Tuy nhiên, họ cũng dùng sách báo khác, kể cả các sách bìa cứng, sách nhỏ, sách mỏng, giấy nhỏ và tạp chí Awake! (Tỉnh thức!).
11. “Đầy-tớ” đã mở những trường học nào, và mỗi trường học có mục đích gì?
11 Hơn nữa, “đầy-tớ” này cũng mở một số trường khác nhau. Trong số này có Trường Kinh-thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh, đây là một khóa học dài năm tháng có mục đích đào tạo những người truyền giáo trẻ đi làm giáo sĩ ở nước ngoài, và Trường Huấn luyện Thánh chức dài hai tháng, nhằm huấn luyện những trưởng lão độc thân và các tôi tớ thánh chức để làm những nhiệm vụ đặc biệt trong tổ chức thần quyền. Cũng có Trường Thánh chức Nước Trời được tổ chức định kỳ, nơi đó các trưởng lão và tôi tớ thánh chức của tín đồ đấng Christ được chỉ dạy về các trách nhiệm của họ trong hội thánh, và Trường công việc tiên phong, có mục đích trang bị người truyền giáo trọn thời gian để giúp họ rao giảng một cách hữu hiệu hơn.
12. Một khía cạnh của chương trình dạy dỗ hàng tuần là gì?
12 Một khía cạnh khác của chương trình dạy dỗ là năm buổi họp hàng tuần, được tổ chức trong hơn 75.500 hội thánh của dân sự Đức Giê-hô-va trên khắp đất. Bạn có nhận được lợi ích tối đa qua các buổi họp này không? Bằng cách chú ý lắng nghe sự chỉ dạy tại các buổi họp, bạn có cho thấy bạn thật sự tin rằng bạn đang ở trong trường học của Đức Chúa Trời, nói theo nghĩa bóng không? Sự tấn tới về thiêng liêng của bạn có cho người khác thấy rõ rằng bạn có “lưỡi của người được dạy-dỗ” không? (Ê-sai 50:4; I Ti-mô-thê 4:15, 16).
Được dạy dỗ tại các buổi họp hội thánh
13. a) Một cách quan trọng mà Đức Giê-hô-va dạy dỗ dân sự Ngài ngày nay là gì? b) Làm sao chúng ta có thể cho thấy chúng ta quí trọng tạp chí Tháp Canh?
13 Đức Giê-hô-va đặc biệt dạy dỗ dân Ngài qua buổi học Kinh-thánh hàng tuần, dùng tạp chí Tháp Canh làm phương tiện dạy dỗ. Bạn có xem buổi họp này là một nơi mà bạn có thể được Đức Giê-hô-va dạy dỗ không? Mặc dù câu Ê-sai 50:4 áp dụng trước hết cho Giê-su, câu này cũng có thể áp dụng cho tất cả những ai tận dụng những sắp đặt của Đức Chúa Trời để nhận được “lưỡi của người được dạy-dỗ”. Một cách bạn có thể cho thấy mình quí trọng tạp chí Tháp Canh là đọc mỗi số nhận được càng sớm càng tốt. Rồi khi hội thánh học Tháp Canh, bạn có thể biểu lộ lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va bằng cách có mặt ở buổi họp cũng như sửa soạn trước để làm chứng công khai về niềm hy vọng của bạn (Hê-bơ-rơ 10:23).
14. a) Tại sao việc bình luận tại các buổi họp là một đặc ân quan trọng đến thế? b) Những loại bình luận nào của người trẻ rất là khích lệ?
14 Bạn có nhận thức rằng bạn có thể có phần trong chương trình dạy dỗ vĩ đại của Đức Giê-hô-va khi bạn bình luận tại các buổi họp không? Không chút nghi ngờ gì cả, việc bình luận tại các buổi họp là một cách quan trọng mà chúng ta có thể khuyên giục lẫn nhau “về lòng yêu-thương và việc tốt-lành” (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Phải chăng trẻ con cũng có thể có phần trong chương trình chỉ dạy này? Đúng vậy, những lời bình luận thật thà của trẻ em thường khuyến khích người lớn tuổi. Đôi khi những người mới đến dự các buổi họp được khích lệ chú ý nhiều hơn đến lẽ thật trong Kinh-thánh qua các lời bình luận của trẻ con. Một số trẻ em có thói quen đọc lời bình luận trực tiếp trong đoạn hay lặp lại những gì người lớn nhắc thầm cho chúng. Tuy nhiên, khi chúng sửa soạn kỹ những lời bình luận, điều này rất khích lệ. Những lời bình luận như thế tôn vinh Đấng Dạy dỗ Vĩ đại và chương trình dạy dỗ xuất sắc của Ngài (Ê-sai 30:20, 21, NW).
15. Các bậc cha mẹ có thể làm gì để giúp con cái bình luận một cách hữu hiệu hơn?
15 Chúng ta vui mừng biết bao khi thấy trẻ con muốn góp phần vào việc ca ngợi Đức Chúa Trời. Giê-su quí trọng những lời ca ngợi đến từ trẻ con (Ma-thi-ơ 21:15, 16). Một trưởng lão tín đồ đấng Christ nhận xét: “Khi tôi còn nhỏ, tôi muốn trả lời tại Buổi học Tháp Canh. Sau khi giúp tôi sửa soạn một câu trả lời, cha tôi bảo tôi phải tập nói câu trả lời ít nhất bảy lần”. Có lẽ khi bạn học hỏi với gia đình, các bậc cha mẹ có thể giúp con cái sửa soạn câu trả lời cho một số đoạn chọn lọc trong Tháp Canh, dùng lời lẽ riêng của chúng. Giúp chúng quí trọng đặc ân lớn được có phần trong chương trình dạy dỗ của Đức Giê-hô-va.
16. Trường Thánh chức Thần quyền mang lại những lợi ích nào, và ai có thể ghi tên vào trường học?
16 Trong những buổi họp khác của tín đồ đấng Christ, cả người có đặc ân trình bày tài liệu cũng như người nghe phải nghiêm chỉnh chú ý đến sự dạy dỗ tại đó. Trong hơn 50 năm nay, Đức Giê-hô-va đã dùng Trường Thánh chức Thần quyền hàng tuần để huấn luyện hàng triệu người nam và nữ để trình bày thông điệp Nước Trời một cách hữu hiệu hơn. Những ai tích cực kết hợp với hội thánh có thể xin ghi tên, kể cả những người mới bắt đầu đến dự các buổi họp, miễn là họ đang sống phù hợp với các nguyên tắc tín đồ đấng Christ.
17. a) Buổi họp Công cộng được thiết lập vì lý do chính yếu nào? b) Các diễn giả nên ghi nhớ những điểm nào?
17 Chương trình dạy dỗ còn bao hàm một buổi họp đã có từ lâu, đó là Buổi họp Công cộng. Như tên của buổi họp này cho biết, nó được thiết lập cốt để giúp những người không phải là Nhân-chứng quen thuộc với các dạy dỗ căn bản trong Kinh-thánh. Do đó, diễn giả nên trình bày tài liệu sao cho dễ hiểu đối với những người mới nghe thông điệp lần đầu tiên. Điều này có nghĩa phải giải thích những từ, chẳng hạn như “chiên khác”, “anh em” và “những người còn sót lại”, tức những từ mà người không phải là Nhân-chứng có thể không hiểu. Vì những người đến dự Buổi họp Công cộng có thể có tín ngưỡng hoặc nếp sống trái ngược với Kinh-thánh—dù được xã hội ngày nay chấp nhận—diễn giả nên luôn luôn tế nhị và không bao giờ chế giễu những tín ngưỡng hoặc nếp sống đó. (So sánh I Cô-rinh-tô 9:19-23).
18. Có những buổi họp hàng tuần nào nữa, và mỗi buổi họp có mục đích gì?
18 Tại Buổi học Cuốn sách Hội thánh, mỗi tuần các Nhân-chứng học hỏi những sách báo được biên soạn dưới sự hướng dẫn của đầy tớ trung tín và khôn ngoan, cùng với Kinh-thánh. Sách Revelation—Its Grand Climax At Hand! là cuốn sách hiện đang học trong nhiều xứ. Buổi họp Công tác có mục đích trang bị dân sự Đức Giê-hô-va góp phần đầy đủ vào công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời và đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Mác 13:10).
Được dạy dỗ tại các buổi họp lớn hơn
19. Mỗi năm, “đầy-tớ” tổ chức những buổi họp lớn hơn nào?
19 Hơn một trăm năm nay, “đầy-tớ trung-tín” đã tổ chức các hội nghị địa hạt và hội nghị vòng quanh nhằm dạy dỗ và đặc biệt khuyến khích các tín đồ thật của đấng Christ. Hiện nay, mỗi năm có ba buổi họp lớn hơn được tổ chức. Có hội nghị một ngày, và một nhóm hội thánh hợp thành một vòng quanh đến đó tham dự. Trong năm, mỗi vòng quanh cũng có một buổi họp hai ngày gọi là hội nghị vòng quanh. Hơn nữa, có một buổi họp khác gọi là hội nghị địa hạt, nơi đó một số vòng quanh đến dự. Cứ khoảng vài năm lại có thể có hội nghị quốc tế. Những đại hội có Nhân-chứng từ nhiều nước khác nhau đến dự, thật là làm đức tin của dân sự Đức Giê-hô-va vững mạnh làm sao! (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:16).
20. Tại các buổi họp lớn hơn của Nhân-chứng Giê-hô-va, người ta luôn luôn nhấn mạnh đến điều gì?
20 Vào năm 1922, khi khoảng 10.000 người tụ họp ở Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ, các đại biểu rất cảm kích trước lời khuyến khích của diễn giả: “Đây là ngày trọng đại hơn mọi ngày khác. Nhìn kìa, vị Vua đang trị vì! Các bạn được cử đi công bố về ngài. Vậy hãy loan báo, loan báo, loan báo, Vua và Nước Trời”. Những đại hội như thế đã luôn luôn nhấn mạnh công việc rao giảng. Thí dụ, tại hội nghị quốc tế ở New York City năm 1953, có một thông báo cho biết là sẽ có chương trình huấn luyện trong tất cả các hội thánh về công việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Việc ứng dụng chương trình này mang lại hiệu quả tích cực cho công việc rao giảng về Nước Trời trong nhiều xứ.
Đức Chúa Trời dạy chúng ta để biết cách dạy
21. Chúng ta muốn nhận đặc ân nào, đồng thời không bỏ qua mục đích của nó?
21 Đức Giê-hô-va chắc chắn có một chương trình dạy dỗ tuyệt diệu trên đất ngày nay! Hết thảy những ai tận dụng chương trình này có thể được Đức Chúa Trời dạy dỗ, đúng vậy, họ có thể thuộc nhóm người được ban cho “cái lưỡi của những người được dạy-dỗ”. Thật là đặc ân làm sao khi được ở trong trường học của Đức Chúa Trời nói theo nghĩa bóng! Tuy vậy, khi nhận đặc ân này, chúng ta chớ nên bỏ qua mục đích của nó. Đức Giê-hô-va dạy Giê-su để ngài có thể dạy người khác, và Giê-su dạy dỗ môn đồ để họ có thể thi hành cùng công việc như ngài, nhưng trên một bình diện còn rộng lớn hơn. Tương tự thế, chúng ta đang được huấn luyện qua chương trình dạy dỗ vĩ đại của Đức Giê-hô-va với mục đích dạy dỗ người khác (Giăng 6:45; 14:12; II Cô-rinh-tô 5:20, 21; 6:1; II Ti-mô-thê 2:2).
22. a) Môi-se và Giê-rê-mi có vấn đề nào, và nó được giải quyết ra sao? b) Chúng ta có sự bảo đảm nào về việc Đức Chúa Trời sẽ lo cho công việc rao giảng về Nước Trời được hoàn thành?
22 Bạn có nói như Môi-se không: “Tôi... chẳng phải một tay nói giỏi”, hay như Giê-rê-mi: “Tôi chẳng biết nói chi”? Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn như Ngài đã giúp họ. Ngài nói với Môi-se: “Ta sẽ ở cùng miệng ngươi”. Và Ngài nói cùng Giê-rê-mi: “Đừng sợ... Ta ở với ngươi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:10-12; Giê-rê-mi 1:6-8). Khi các lãnh tụ tôn giáo muốn làm nín lặng môn đồ Giê-su, ngài nói: “Nếu họ nín-lặng thì đá sẽ kêu lên” (Lu-ca 19:40). Nhưng lúc đó đá đã không phải kêu lên, và bây giờ đá cũng không cần phải kêu lên vì Đức Giê-hô-va đang dùng lưỡi của những người được Ngài dạy dỗ để truyền bá thông điệp Nước Trời.
Bạn có thể trả lời không?
◻ Ê-sai đoạn 50 nhấn mạnh mối quan hệ lý tưởng nào giữa Thầy và trò?
◻ Đức Giê-hô-va thực hiện một chương trình dạy dỗ rộng lớn như thế nào?
◻ Chương trình dạy dỗ của Đức Giê-hô-va có những đặc điểm nào?
◻ Tại sao việc có phần trong chương trình dạy dỗ của Đức Giê-hô-va là một đặc ân tuyệt vời?
[Hình nơi trang 16]
Những lời bình luận thật thà của trẻ em thường khuyến khích người lớn tuổi