CHƯƠNG 16
“Làm sự công-bình” khi bước đi với Đức Chúa Trời
1-3. (a) Tại sao chúng ta mang ơn Đức Giê-hô-va? (b) Đấng Cứu Sinh đầy yêu thương đòi hỏi chúng ta điều gì?
HÃY tưởng tượng bạn bị kẹt trên một chiếc tàu đang chìm. Ngay lúc tưởng chừng tuyệt vọng, có người đến cứu và đưa bạn tới chỗ an toàn. Bạn cảm thấy nhẹ nhõm biết bao khi ân nhân ấy đem bạn ra khỏi nơi nguy hiểm và nói: “Thế là an toàn rồi”! Bạn không mang ơn người ấy sao? Thật vậy, bạn nợ người đó mạng sống mình.
2 Thí dụ trên minh họa phần nào những gì Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng ta. Chắc chắn chúng ta mang ơn Ngài. Suy cho cùng, Ngài đã cung cấp giá chuộc, giúp chúng ta có thể thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tội lỗi và sự chết. Chúng ta yên tâm vì biết rằng miễn là thực hành đức tin nơi giá chuộc quý báu ấy, chúng ta được tha tội và chắc chắn có tương lai vĩnh cửu. (1 Giăng 1:7; 4:9) Như chúng ta đã biết trong Chương 14, giá chuộc là biểu hiện cao nhất của tình yêu thương và công lý của Đức Giê-hô-va. Chúng ta phải đền đáp thế nào?
3 Điều thích hợp là xét xem chính Đấng Cứu Sinh yêu thương ấy đòi hỏi chúng ta điều gì. Qua tiên tri Mi-chê, Đức Giê-hô-va nói: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (Mi-chê 6:8) Hãy lưu ý, một trong những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta là “làm sự công-bình”. Chúng ta có thể làm điều đó như thế nào?
Theo đuổi “sự công-bình” chân chính
4. Làm thế nào chúng ta biết Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta sống theo những tiêu chuẩn công bình của Ngài?
4 Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta sống theo tiêu chuẩn của Ngài về điều phải và điều trái. Vì những tiêu chuẩn của Ngài là công minh và công bình nên khi tuân theo những tiêu chuẩn ấy, chúng ta theo đuổi sự công bình. Ê-sai 1:17 nói: “Hãy học làm lành, tìm-kiếm sự công-bình”. Lời Đức Chúa Trời khuyên giục chúng ta “tìm-kiếm sự công-bình”. (Sô-phô-ni 2:3) Kinh Thánh cũng khuyên giục chúng ta “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình” chân chính. (Ê-phê-sô 4:24) Sự công bình chân chính không dung túng sự hung bạo, ô uế và vô luân vì những điều này vi phạm sự thánh khiết.—Thi-thiên 11:5; Ê-phê-sô 5:3-5.
5, 6. (a) Tại sao việc tuân thủ những tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va không là gánh nặng đối với chúng ta? (b) Kinh Thánh cho thấy việc theo đuổi sự công bình là một tiến trình liên tục như thế nào?
5 Tuân theo những tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va có phải là gánh nặng không? Không. Một tấm lòng được thu hút đến với Đức Giê-hô-va, không bực bội trước những đòi hỏi của Ngài. Vì yêu mến Đức Chúa Trời và tất cả những đức tính tiêu biểu của Ngài, chúng ta muốn sống sao cho Ngài vui lòng. (1 Giăng 5:3) Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va “yêu sự công-bình”. (Thi-thiên 11:7) Nếu thật sự noi theo sự công bình của Đức Chúa Trời, chúng ta phải phát huy lòng yêu mến những gì Đức Giê-hô-va yêu và ghét những gì Ngài ghét.—Thi-thiên 97:10.
6 Theo đuổi sự công bình không phải dễ đối với con người bất toàn. Chúng ta phải lột bỏ nhân cách cũ cùng với những thực hành tội lỗi và mặc lấy nhân cách mới. Kinh Thánh nói nhân cách mới là “người đang đổi ra mới” nhờ sự hiểu biết chính xác. (Cô-lô-se 3:9, 10) Từ ngữ “đang đổi ra mới” cho thấy việc mặc lấy nhân cách mới là tiến trình liên tục, một tiến trình đòi hỏi nỗ lực siêng năng. Cho dù cố gắng đến đâu để làm điều phải, bản chất tội lỗi khiến chúng ta có lúc lầm lỡ trong tư tưởng, lời nói hoặc hành động.—Rô-ma 7:14-20; Gia-cơ 3:2.
7. Chúng ta nên có quan điểm nào khi thất bại trong nỗ lực theo đuổi sự công bình?
7 Chúng ta nên có quan điểm gì về các thất bại trong việc nỗ lực theo đuổi sự công bình? Dĩ nhiên chúng ta không muốn giảm thiểu tầm nghiêm trọng của tội lỗi. Đồng thời chúng ta chớ bao giờ buông xuôi, nghĩ rằng các khuyết điểm khiến chúng ta không xứng đáng phụng sự Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời nhân từ có các sắp đặt khiến những người chân thành ăn năn được hưởng ân huệ Ngài. Hãy xem xét những lời trấn an của sứ đồ Giăng: “Ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội”. Nhưng rồi ông nói thêm một cách thực tế: “Nếu có ai phạm tội [vì sự bất toàn di truyền], thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus-Christ”. (1 Giăng 2:1) Đúng, Đức Giê-hô-va đã cung cấp giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su, nhờ vậy chúng ta có thể phụng sự Ngài và được chấp nhận dù bản chất tội lỗi. Điều đó không thôi thúc chúng ta muốn làm hết sức để đẹp lòng Đức Giê-hô-va sao?
Tin mừng và sự công bình của Đức Chúa Trời
8, 9. Việc công bố tin mừng biểu hiện sự công bình của Đức Giê-hô-va như thế nào?
8 Chúng ta có thể làm sự công bình—thực vậy, noi gương Đức Chúa Trời về sự công bình—bằng cách tham gia trọn vẹn vào công việc rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời cho người khác. Có mối tương quan nào giữa tin mừng và sự công bình của Đức Giê-hô-va?
9 Đức Giê-hô-va cho loan ra lời cảnh báo trước khi hủy diệt hệ thống ác này. Trong lời tiên tri về điều sẽ xảy ra vào thời kỳ sau cùng, Chúa Giê-su nói: “Trước hết Tin-lành phải được giảng ra cho khắp muôn dân đã”. (Mác 13:10; Ma-thi-ơ 24:3) Việc dùng từ ngữ “trước hết” ở đây hàm ý những biến cố khác sẽ theo sau công việc rao giảng trên khắp đất. Các biến cố đó bao gồm hoạn nạn lớn đã được báo trước, nghĩa là người ác sẽ bị hủy diệt và mở đường cho một thế giới mới công bình. (Ma-thi-ơ 24:14, 21, 22) Chắc chắn, không ai có thể có lý do chính đáng để nói rằng Đức Giê-hô-va đã bất công với kẻ ác. Bằng cách cho loan ra lời cảnh báo, Ngài đang cho họ nhiều cơ hội để thay đổi đường lối, nhờ đó thoát khỏi sự hủy diệt.—Giô-na 3:1-10.
10, 11. Việc chúng ta tham gia rao truyền tin mừng phản ánh sự công bình của Đức Chúa Trời như thế nào?
10 Việc chúng ta rao truyền tin mừng phản ánh sự công bình của Đức Chúa Trời như thế nào? Trước hết, việc chúng ta cố hết sức giúp người khác đạt sự cứu rỗi là điều phải làm. Hãy xem lại minh họa về việc được cứu khỏi chiếc tàu đang chìm. Sau khi an toàn trong thuyền cứu sinh, chắc chắn bạn cũng muốn giúp những người khác còn ở dưới nước. Tương tự thế, chúng ta có nghĩa vụ đối với những người còn đang chật vật phấn đấu dưới “nước”, tượng trưng cho thế gian độc ác này. Đành rằng nhiều người bác bỏ thông điệp của chúng ta nhưng chừng nào Đức Giê-hô-va còn tiếp tục kiên nhẫn, chúng ta vẫn còn trách nhiệm cho họ cơ hội “ăn-năn” và nhờ thế họ có triển vọng được cứu rỗi.—2 Phi-e-rơ 3:9.
11 Bằng cách rao truyền tin mừng cho mọi người chúng ta gặp, chúng ta biểu hiện sự công bình theo một cách quan trọng khác: Chúng ta tỏ ra không thiên vị. Hãy nhớ rằng “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai [“không thiên vị người nào”, Tòa Tổng Giám Mục], nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:34, 35) Nếu muốn noi gương Ngài về sự công bình, chúng ta không được có định kiến đối với người ta. Thay vì thế, chúng ta phải chia sẻ tin mừng với người khác, bất luận chủng tộc, địa vị xã hội, hoặc giàu nghèo. Như thế, chúng ta cho tất cả những ai sẵn lòng có cơ hội được nghe và đáp ứng tin mừng.—Rô-ma 10:11-13.
Cách chúng ta đối xử với người khác
12, 13. (a) Tại sao chúng ta không nên vội đoán xét người khác? (b) Lời khuyên của Chúa Giê-su là “đừng đoán-xét” và “đừng lên án”, có nghĩa gì? (Cũng xem cước chú).
12 Chúng ta cũng có thể làm sự công bình qua việc đối xử với người khác như cách Đức Giê-hô-va đối xử với chúng ta. Lên án người khác, chỉ trích khuyết điểm và nghi ngờ động lực của họ là điều rất dễ dàng. Nhưng có ai trong chúng ta muốn Đức Giê-hô-va xét nét từng động lực và khuyết điểm của mình một cách thiếu độ lượng không? Đức Giê-hô-va không đối xử với chúng ta như thế. Người viết Thi-thiên nhận xét: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác [“tội”, TTGM], thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống?” (Thi-thiên 130:3) Đức Chúa Trời công bằng khoan dung, không soi mói những sai sót của chúng ta, chẳng lẽ chúng ta không biết ơn sao? (Thi-thiên 103:8-10) Vậy, chúng ta phải đối xử với người khác như thế nào?
13 Nếu nhận thức rằng sự công bình của Đức Chúa Trời có bản chất thương xót, chúng ta sẽ không vội vã phê phán người khác về những vấn đề không thật sự liên quan đến mình hoặc không quan trọng mấy. Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su cảnh báo: “Các ngươi đừng đoán-xét ai, để mình khỏi bị đoán-xét”. (Ma-thi-ơ 7:1) Theo sự tường thuật của Lu-ca, Chúa Giê-su nói thêm: “Đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án”.a (Lu-ca 6:37) Chúa Giê-su đã cho thấy ngài biết con người bất toàn có khuynh hướng hay phê phán người khác. Những người nghe ngài, bất luận là ai có thói quen khắt khe phán xét người khác cũng phải sửa đổi.
14. Chúng ta phải ngừng đoán xét người khác vì những lý do nào?
14 Tại sao chúng ta phải ngừng đoán xét người khác? Một lý do là, thẩm quyền chúng ta có giới hạn. Môn đồ Gia-cơ nhắc chúng ta nhớ: “Chỉ có một Đấng lập ra luật-pháp và một Đấng xét-đoán”—Đức Giê-hô-va. Thế nên Gia-cơ hỏi thẳng: “Ngươi là ai, mà dám xét-đoán kẻ lân-cận mình?” (Gia-cơ 4:12; Rô-ma 14:1-4) Ngoài ra, bản chất tội lỗi có thể dễ dàng làm cho sự xét đoán của chúng ta thiếu công bằng. Nhiều thái độ và động lực—kể cả thành kiến, bị chạm tự ái, lòng ghen tị, và tính tự cho mình là công bình—có thể làm lệch lạc quan điểm của chúng ta đối với người khác. Chúng ta còn có những giới hạn khác, suy ngẫm về những điều này sẽ ngăn giữ chúng ta không vội bắt lỗi người khác. Chúng ta không có khả năng đọc được lòng người, cũng không hiểu hết mọi hoàn cảnh của người khác. Vậy, chúng ta là ai mà dám quy kết động lực xấu cho anh em cùng đức tin hoặc phê phán những nỗ lực của họ trong việc phụng sự Đức Chúa Trời? Quả tốt hơn biết bao nếu chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách tìm ưu điểm thay vì tập trung vào khuyết điểm của anh chị em!
15. Những người thờ phượng Đức Chúa Trời không được có lời nói và cách cư xử nào, và tại sao?
15 Thế còn việc đối xử với những người trong gia đình thì sao? Đáng buồn thay, trong thế gian ngày nay, một số lời đoán xét cay nghiệt nhất lại diễn ra ở nơi đáng lẽ phải là chỗ trú ẩn bình an—gia đình. Chúng ta thường nghe nói về những người chồng, vợ hoặc cha mẹ thường xuyên mắng nhiếc hay đánh đập người trong gia đình. Nhưng những người thờ phượng Đức Chúa Trời không được có những lời hằn học, mỉa mai gay gắt và cư xử ngược đãi. (Ê-phê-sô 4:29, 31; 5:33; 6:4) Lời khuyên của Chúa Giê-su “đừng đoán xét” và “đừng lên án” vẫn có hiệu lực khi chúng ta ở nhà. Hãy nhớ rằng làm sự công bình bao hàm việc đối xử với người khác như cách Đức Giê-hô-va đối xử với chúng ta. Và Đức Chúa Trời không bao giờ đối xử khắc nghiệt hoặc tàn nhẫn với chúng ta. Trái lại, Ngài “đầy lòng thương-xót và nhân-từ” với những ai yêu mến Ngài. (Gia-cơ 5:11) Thật là một gương tuyệt diệu cho chúng ta noi theo!
Trưởng lão phục vụ theo “lẽ công-bình”
16, 17. (a) Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi các trưởng lão? (b) Cần phải làm gì khi người phạm tội không thành thật ăn năn, và tại sao?
16 Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm thực thi công lý, nhưng trưởng lão trong hội thánh tín đồ Đấng Christ đặc biệt có trách nhiệm về phương diện này. Hãy lưu ý đến lời tiên tri miêu tả “các quan-trưởng”, tức các trưởng lão, mà Ê-sai ghi lại: “Nầy, sẽ có một vua lấy nghĩa trị-vì, các quan-trưởng lấy lẽ công-bình mà cai-trị”. (Ê-sai 32:1) Đúng, Đức Giê-hô-va đòi hỏi các trưởng lão phục vụ hòa hợp với lẽ công bình. Họ có thể làm điều này như thế nào?
17 Những người nam này có đủ điều kiện thiêng liêng, biết rõ rằng sự công bình đòi hỏi phải giữ hội thánh thanh sạch. Đôi khi các trưởng lão có trách nhiệm phải xét xử những trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Khi làm thế, họ nhớ rằng sự công bình của Đức Chúa Trời đòi hỏi phải tìm cách mở rộng lòng khoan dung nếu có thể được. Bằng cách này họ cố đưa người phạm tội đến sự ăn năn. Nhưng giả sử các trưởng lão đã tận tình giúp đỡ, người phạm tội vẫn không biểu lộ lòng ăn năn thành thật thì sao? Hoàn toàn công bằng, Lời Đức Giê-hô-va ra lệnh phải thực hiện bước cứng rắn: “Hãy trừ-bỏ kẻ gian-ác khỏi anh em”. Nghĩa là khai trừ người đó khỏi hội thánh. (1 Cô-rinh-tô 5:11-13; 2 Giăng 9-11) Buồn lòng khi phải hành động như thế, nhưng các trưởng lão nhận thức rằng điều đó cần thiết để bảo vệ sự thanh sạch của hội thánh về phương diện đạo đức và thiêng liêng. Dù vậy, họ vẫn hy vọng một ngày nào đó người phạm tội sẽ ăn năn tỉnh ngộ và trở về với hội thánh.—Lu-ca 15:17, 18.
18. Trưởng lão nên nhớ điều gì khi cho lời khuyên dựa trên Kinh Thánh?
18 Phục vụ theo lẽ công bình cũng bao hàm việc cho lời khuyên dựa trên Kinh Thánh khi cần thiết. Dĩ nhiên các trưởng lão không tìm khuyết điểm của anh em. Họ cũng không nắm lấy mọi cơ hội để sửa sai người khác. Nhưng một anh em cùng đức tin có thể “tình-cờ phạm lỗi”. Khi nhớ rằng sự công bình của Đức Chúa Trời không khắc nghiệt cũng không nhẫn tâm, điều đó sẽ thôi thúc các trưởng lão “lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại”. (Ga-la-ti 6:1) Vì vậy, trưởng lão không trách mắng người phạm lỗi hoặc nói những lời cay nghiệt. Trái lại, họ cho lời khuyên một cách yêu thương khích lệ người nghe. Ngay cả khi khiển trách thẳng thắn—vạch rõ hậu quả của đường lối thiếu khôn ngoan—trưởng lão cũng phải nhớ rằng người anh em phạm lỗi là chiên trong bầy của Đức Giê-hô-va.b (Lu-ca 15:7) Khi lời khuyên hoặc khiển trách rõ ràng là do tình yêu thương thôi thúc và dựa trên tinh thần yêu thương thì có nhiều khả năng cải hóa người phạm lỗi.
19. Trưởng lão phải quyết định một số vấn đề nào, và họ phải dựa vào đâu để quyết định?
19 Các trưởng lão thường phải quyết định một số vấn đề; những quyết định này ảnh hưởng đến anh em cùng đức tin. Chẳng hạn, các trưởng lão có những phiên họp định kỳ để xem những anh nào trong hội thánh đủ điều kiện làm trưởng lão hoặc tôi tớ thánh chức. Các trưởng lão hiểu tầm quan trọng của việc không thiên vị. Họ để những điều kiện của Đức Chúa Trời chi phối quyết định đề cử, chứ không dựa vào cảm xúc riêng. Có vậy, họ hành động ‘không theo thành kiến, không làm chi thiên vị’.—1 Ti-mô-thê 5:21, Trần Đức Huân.
20, 21. (a) Trưởng lão cố gắng trở thành người như thế nào, và tại sao? (b) Trưởng lão có thể làm gì để giúp “những kẻ ngã lòng”?
20 Trưởng lão cũng làm sự công bình của Đức Chúa Trời qua những cách khác. Sau khi báo trước rằng các quan trưởng sẽ phục vụ theo “lẽ công-bình”, Ê-sai nói tiếp: “Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bão-táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn-mỏi”. (Ê-sai 32:2) Vậy, các trưởng lão cố gắng trở thành nguồn an ủi tươi mát cho anh em cùng đức tin.
21 Ngày nay có những khó khăn làm nản lòng, nên nhiều người cần được khích lệ. Hỡi các trưởng lão, các anh có thể làm gì để giúp “những kẻ ngã lòng”? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14) Hãy lắng nghe với lòng thấu cảm. (Gia-cơ 1:19) Họ có thể cần chia sẻ “sự buồn-rầu” trong lòng với người mà họ tin cậy. (Châm-ngôn 12:25) Hãy trấn an tinh thần bằng cách cho họ biết rằng họ được—chính Đức Giê-hô-va cũng như các anh chị em—quý trọng và yêu mến. (1 Phi-e-rơ 1:22; 5:6, 7) Ngoài ra, các anh có thể cùng cầu nguyện với những người ấy hoặc cầu nguyện cho họ. Khi nghe một trưởng lão thay mặt dâng lời cầu nguyện chân thành, họ rất được an ủi. (Gia-cơ 5:14, 15) Đức Chúa Trời chí công sẽ thấy những nỗ lực đầy yêu thương của các anh nhằm giúp đỡ những anh em ngã lòng.
Các trưởng lão phản ánh sự công bình của Đức Giê-hô-va khi họ khuyến khích những người ngã lòng
22. Chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va về sự công bình bằng những cách nào, và kết quả là gì?
22 Quả thật, chúng ta càng ngày càng đến gần Đức Giê-hô-va hơn bằng cách noi theo gương Ngài về sự công bình! Khi ủng hộ những tiêu chuẩn công bình, khi chia sẻ tin mừng cứu người, và khi chủ ý tập trung vào những ưu điểm của người khác thay vì tìm lỗi lầm của họ, chúng ta biểu hiện sự công bình của Đức Chúa Trời. Hỡi các trưởng lão, khi bảo vệ sự thanh sạch của hội thánh, khi cho lời khuyên xây dựng dựa vào Kinh Thánh, khi quyết định một cách công bằng, và khi khuyến khích những anh em ngã lòng, các anh đang phản ánh sự công bình của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va hẳn vui lòng biết bao khi từ trời nhìn xuống, thấy dân Ngài cố hết sức “làm sự công-bình” khi bước đi với Đức Chúa Trời!
a Cách dịch “đừng đoán-xét” và “đừng lên án” hàm ý “chớ bắt đầu đoán xét” và “chớ bắt đầu lên án”. Tuy nhiên, trong nguyên ngữ, ở đây những người viết Kinh Thánh dùng thì hiện tại (liên tục) để diễn đạt các lệnh này. Vì vậy, hành động đoán xét và lên án đang diễn ra nhưng phải chấm dứt.
b Nơi 2 Ti-mô-thê 4:2, Kinh Thánh nói đôi khi trưởng lão phải “bẻ-trách, nài-khuyên, sửa-trị”. Từ Hy Lạp được dịch là “nài-khuyên” (pa·ra·ka·leʹo) có thể có nghĩa “khuyến khích”. Một từ Hy Lạp liên quan đến từ này là pa·raʹkle·tos, có thể chỉ người biện hộ trong một vấn đề pháp lý. Do đó, ngay cả khi trưởng lão cứng rắn khiển trách, họ vẫn phải là người trợ giúp những ai cần sự hỗ trợ về thiêng liêng.