Giữ tình trạng thiêng liêng tốt khi phụng sự trong cánh đồng ngoại ngữ
“Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi”.—THI 119:11.
1-3. (a) Dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta nên ưu tiên cho điều gì? (b) Những anh chị đang học một ngôn ngữ mới phải đối mặt với các thử thách nào, và điều này dẫn đến những câu hỏi nào? (Xem hình nơi đầu bài).
Ngày nay, hàng ngàn Nhân Chứng Giê-hô-va đang tích cực góp phần vào sự ứng nghiệm của khải tượng liên quan đến việc loan báo tin mừng “cho mọi nước, mọi chi phái, mọi thứ tiếng cùng mọi dân tộc” (Khải 14:6). Anh chị có ở trong số những người đang học một ngoại ngữ không? Có phải anh chị đang phụng sự với tư cách là một giáo sĩ hay một người chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn ở nước ngoài không? Hoặc có phải anh chị đã bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp trong một hội thánh tiếng nước ngoài tại quê nhà của mình?
2 Là tôi tớ của Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta cần ưu tiên cho tình trạng thiêng liêng của mình và của gia đình (Mat 5:3). Nhưng vì bận rộn, đôi lúc chúng ta có thể cảm thấy việc học hỏi cá nhân một cách có ý nghĩa là điều khó. Tuy nhiên, các anh chị phụng sự trong cánh đồng ngoại ngữ còn phải đối mặt với những thử thách khác.
3 Ngoài việc học một ngôn ngữ mới, những anh chị phụng sự trong cánh đồng ngoại ngữ cũng cần phải đảm bảo rằng họ thường xuyên nuôi dưỡng lòng mình bằng thức ăn thiêng liêng đặc (1 Cô 2:10). Họ có thể làm điều này như thế nào nếu không hiểu rõ ngôn ngữ được dùng trong hội thánh? Tại sao các bậc cha mẹ tin kính nên làm mọi điều có thể để Lời Đức Chúa Trời động đến lòng con cái họ?
MỘT MỐI ĐE DỌA ĐỐI VỚI TÌNH TRẠNG THIÊNG LIÊNG
4. Điều gì có thể đe dọa tình trạng thiêng liêng của chúng ta? Hãy nêu ví dụ.
4 Việc không hiểu rõ Lời Đức Chúa Trời trong một ngôn ngữ khác có thể là mối đe dọa thật sự đối với tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Vào thế kỷ thứ năm TCN, Nê-hê-mi lo lắng khi biết được rằng một số em trẻ trong vòng những người Do Thái trở về từ Ba-by-lôn không thể nói tiếng Hê-bơ-rơ. (Đọc Nê-hê-mi 13:23, 24). Thật ra, vì không thể hiểu rõ ý nghĩa của Lời ngài, các em trẻ này đang dần mất đi những đặc điểm giúp mình được nhận diện là một tôi tớ Đức Chúa Trời.—Nê 8:2, 8.
5, 6. Một số bậc cha mẹ phụng sự trong cánh đồng ngoại ngữ đã nhận ra điều gì, và tại sao?
5 Một số bậc cha mẹ tin kính phụng sự trong cánh đồng ngoại ngữ đã nhận ra rằng con cái của họ không còn quan tâm nhiều đến sự thật như trước. Vì các em trẻ ấy không hiểu rõ những điều được thảo luận tại các buổi nhóm họp, nên chương trình thiêng liêng tại Phòng Nước Trời không thật sự động đến lòng các em. Anh Pedro[1] đã cùng gia đình chuyển từ Nam Mỹ đến sống ở Úc. Anh chia sẻ: “Những điều thiêng liêng nên tác động đến lòng và cảm xúc”.—Lu 24:32.
6 Khi chúng ta đọc tài liệu trong tiếng nước ngoài, có lẽ lòng của chúng ta không được tác động mạnh như khi đọc trong tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa, việc không thể giao tiếp tốt trong một ngôn ngữ khác có thể khiến chúng ta mệt mỏi về trí óc và thiêng liêng. Thế nên, trong khi tiếp tục giữ ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va trong cánh đồng ngoại ngữ, chúng ta cũng muốn bảo vệ tình trạng thiêng liêng của mình.—Mat 4:4.
HỌ ĐÃ BẢO VỆ TÌNH TRẠNG THIÊNG LIÊNG CỦA MÌNH
7. Người Ba-by-lôn đã cố đồng hóa Đa-ni-ên và cố khiến cậu hòa nhập với tôn giáo của họ như thế nào?
7 Khi Đa-ni-ên và những người bạn đã bị lưu đày, người Ba-by-lôn cố đồng hóa họ bằng cách dạy họ “tiếng của người Canh-đê”. Hơn nữa, vị quan phụ trách việc huấn luyện họ đã đặt cho họ tên trong tiếng Ba-by-lôn (Đa 1:3-7). Tên mới của Đa-ni-ên liên quan đến thần Bên, thần chính của Ba-by-lôn. Rất có thể vua Nê-bu-cát-nết-sa muốn Đa-ni-ên tin rằng Đức Chúa Trời của cậu, Đức Giê-hô-va, đã bị thần của Ba-by-lôn khuất phục.—Đa 4:8.
8. Điều gì đã giúp Đa-ni-ên giữ tình trạng thiêng liêng tốt trong khi sống ở một nước khác?
8 Dù được ban cho những đồ ngon vua ăn, nhưng Đa-ni-ên “quyết-định trong lòng” rằng cậu sẽ không “chịu ô-uế” (Đa 1:8). Nhờ tiếp tục học hỏi “các sách [“sách thánh”, Đặng Ngọc Báu]” trong tiếng mẹ đẻ, Đa-ni-ên đã giữ được tình trạng thiêng liêng tốt trong khi sống ở một nước khác (Đa 9:2). Thế nên, khoảng 70 năm sau khi đến Ba-by-lôn, Đa-ni-ên vẫn được biết đến với tên tiếng Hê-bơ-rơ của mình.—Đa 5:13.
9. Lời Đức Chúa Trời đã tác động thế nào đến người viết bài Thi-thiên 119?
9 Người viết bài Thi-thiên 119 đã tìm được sức mạnh từ Lời Đức Chúa Trời để giữ sự khác biệt. Ông phải chịu đựng thái độ coi thường của một số người trong triều đình (Thi 119:23, 61). Dù vậy, ông đã để những lời của Đức Chúa Trời tác động sâu sắc đến lòng mình.—Đọc Thi-thiên 119:11, 46.
GIỮ TÌNH TRẠNG THIÊNG LIÊNG TỐT
10, 11. (a) Khi học Lời Đức Chúa Trời, chúng ta nên có mục tiêu nào? (b) Làm thế nào chúng ta có thể đạt được mục tiêu của mình? Hãy minh họa.
10 Dù có lẽ chúng ta rất bận rộn với các trách nhiệm thần quyền và những trách nhiệm ngoài đời, nhưng tất cả chúng ta cần dành thời gian cho việc học cá nhân và buổi thờ phượng của gia đình (Ê-phê 5:15, 16). Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta không đơn thuần là xem xét một số trang tài liệu hoặc chỉ chuẩn bị những lời bình luận để phát biểu tại các buổi nhóm họp. Chúng ta muốn để Lời Đức Chúa Trời động đến lòng và củng cố đức tin của mình.
11 Để đạt mục tiêu đó, khi học hỏi, chúng ta nên thăng bằng giữa việc lưu ý đến nhu cầu của người khác và nhu cầu thiêng liêng của chính mình (Phi-líp 1:9, 10). Chúng ta phải nhận ra rằng khi chuẩn bị cho thánh chức, cho các buổi nhóm họp hoặc cho một bài giảng, có lẽ chúng ta nghĩ về việc giúp đỡ người khác và quên áp dụng tài liệu cho chính mình. Để minh họa: Dù một đầu bếp phải nếm thử các món trước khi người khác ăn, nhưng ông không thể sống chỉ dựa vào thức ăn mà mình nếm thử. Nếu muốn giữ sức khỏe tốt, ông phải chuẩn bị những bữa ăn giàu dinh dưỡng cho chính mình. Tương tự, chúng ta nên nỗ lực nuôi dưỡng tấm lòng bằng thức ăn thiêng liêng đáp ứng nhu cầu của cá nhân mình.
12, 13. Tại sao nhiều anh chị phụng sự trong cánh đồng ngoại ngữ thấy việc đều đặn học Kinh Thánh trong tiếng mẹ đẻ là điều mang lại lợi ích?
12 Nhiều anh chị phụng sự trong cánh đồng ngoại ngữ thấy việc đều đặn học Kinh Thánh trong “tiếng của xứ mình” là điều mang lại lợi ích (Công 2:8). Ngay cả các giáo sĩ cũng nhận ra rằng để tiếp tục vững mạnh trong nhiệm sở của mình tại nước ngoài, họ không thể chỉ dựa vào sự hiểu biết cơ bản về thức ăn thiêng liêng mà họ nhận được tại các buổi nhóm họp.
13 Anh Alain đã học tiếng Ba Tư khoảng tám năm. Anh thừa nhận: “Khi chuẩn bị cho các buổi nhóm họp trong tiếng Ba Tư, tôi thường tập trung vào chính thứ tiếng ấy. Vì hoạt động này chủ yếu liên quan đến trí óc, nên những ý tưởng về thiêng liêng mà tôi đọc không hẳn động đến lòng tôi. Đó là lý do tôi thường xuyên dành thời gian để học Kinh Thánh và các ấn phẩm khác trong tiếng mẹ đẻ”.
ĐỘNG ĐẾN LÒNG CON CÁI
14. Các bậc cha mẹ nên chú trọng đến điều gì, và tại sao?
14 Các bậc cha mẹ tin kính nên làm mọi điều có thể để Lời Đức Chúa Trời dần dần động đến lòng và trí của con cái. Sau khi phụng sự trong một cánh đồng ngoại ngữ được hơn ba năm, anh Serge và vợ là chị Muriel nhận thấy người con trai 17 tuổi của họ không có niềm vui trong các hoạt động thần quyền. Chị Muriel nói: “Con trai tôi cảm thấy khó chịu khi đi rao giảng trong ngôn ngữ khác, dù trước đây cháu rất thích rao giảng bằng tiếng Pháp, là tiếng mẹ đẻ của cháu”. Anh Serge chia sẻ: “Khi nhận ra rằng hoàn cảnh đó đã ngăn cản con tiến bộ về thiêng liêng, chúng tôi đã quyết định trở về hội thánh cũ”.
15. (a) Các bậc cha mẹ có thể xem xét những yếu tố nào khi cân nhắc việc chuyển về một hội thánh dùng ngôn ngữ mà con cái hiểu tốt nhất? (b) Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-7 đưa ra lời chỉ dẫn nào cho các bậc cha mẹ?
15 Các bậc cha mẹ có thể xem xét những yếu tố nào khi cân nhắc việc chuyển về một hội thánh dùng ngôn ngữ mà con cái hiểu tốt nhất? Trước tiên, họ nên xác định xem liệu mình thật sự có đủ thời gian và sức lực để vừa dạy con cái yêu mến Đức Giê-hô-va, vừa dạy chúng học một ngoại ngữ hay không. Thứ hai, có thể họ nhận thấy các con không mấy hứng thú với những hoạt động thiêng liêng hoặc với cánh đồng ngoại ngữ mà gia đình họ đang phục vụ. Trong những hoàn cảnh như thế, các bậc cha mẹ tin kính có thể nghĩ đến việc chuyển về một hội thánh dùng ngôn ngữ mà con cái họ hiểu tốt nhất, cho đến khi chúng đứng vững trong sự thật.—Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-7.
16, 17. Bằng cách nào một số bậc cha mẹ đã có thể huấn luyện con cái về thiêng liêng trong khi phụng sự tại một cánh đồng ngoại ngữ?
16 Mặt khác, một số bậc cha mẹ đã tìm được những cách để dạy dỗ con bằng tiếng mẹ đẻ, trong khi vẫn tham dự các buổi nhóm họp tại một hội thánh hoặc một nhóm ngoại ngữ. Anh Charles có ba con gái ở độ tuổi từ 9 đến 13, và gia đình anh kết hợp với một nhóm nói tiếng Lingala, ngôn ngữ của một số nước ở châu Phi. Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã quyết định điều khiển các buổi học hỏi với con cũng như buổi thờ phượng của gia đình trong tiếng mẹ đẻ. Nhưng chúng tôi cũng có những phần thực hành và trò chơi trong tiếng Lingala để các con có thể cảm thấy thích thú khi học ngôn ngữ ấy”.
17 Anh Kevin có hai con gái, một cháu 5 tuổi và một cháu 8 tuổi. Anh đã nghĩ ra cách để bù đắp cho việc các con không hiểu những điều được trình bày tại các buổi nhóm họp trong ngôn ngữ khác. Anh giải thích: “Vợ chồng tôi học cá nhân với cả hai con bằng tiếng Pháp, là tiếng mẹ đẻ của các cháu. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu tham dự nhóm họp trong tiếng Pháp mỗi tháng một lần, và tận dụng những kỳ nghỉ của mình để tham dự các hội nghị được tổ chức trong tiếng mẹ đẻ”.
18. (a) Làm thế nào nguyên tắc nơi Rô-ma 15:1, 2 có thể giúp anh chị xác định xem điều gì là tốt nhất cho lợi ích của con cái? (b) Một số bậc cha mẹ đã đưa ra những gợi ý nào? (Xem chú thích).
18 Dĩ nhiên, mỗi gia đình cần tự xác định xem điều gì sẽ giúp ích nhiều nhất cho tình trạng thiêng liêng của con cái họ (Ga 6:5).[2] Chị Muriel, người được đề cập ở trên, thừa nhận rằng vợ chồng chị đã phải hy sinh những sở thích riêng vì lợi ích về thiêng liêng của con trai. (Đọc Rô-ma 15:1, 2). Khi hồi tưởng lại, anh Serge nghĩ rằng vợ chồng anh đã đưa ra quyết định đúng. Anh nói: “Từ lúc chuyển về một hội thánh tiếng Pháp, con trai chúng tôi đã phát triển về thiêng liêng và làm báp-têm. Giờ đây, cháu đang phụng sự với tư cách tiên phong đều đều. Thậm chí cháu còn nghĩ đến việc trở lại phụng sự trong một nhóm ngoại ngữ!”.
HÃY ĐỂ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỘNG ĐẾN LÒNG ANH CHỊ
19, 20. Bằng cách nào chúng ta có thể cho thấy mình yêu mến Lời Đức Chúa Trời?
19 Vì yêu thương, Đức Giê-hô-va đã để Lời của ngài là Kinh Thánh được phổ biến trong hàng trăm ngôn ngữ. Nhờ thế, ‘mọi loại người có thể hiểu biết chính xác về sự thật’ (1 Ti 2:4). Ngài biết rằng con người có thể được thỏa mãn nhu cầu tâm linh tốt hơn nếu họ đọc về những tư tưởng của ngài trong ngôn ngữ động đến lòng họ.
20 Nhưng dù hoàn cảnh cá nhân ra sao, chúng ta nên quyết tâm nuôi dưỡng lòng mình bằng thức ăn thiêng liêng đặc. Qua việc đều đặn học Kinh Thánh trong ngôn ngữ động đến lòng, chúng ta sẽ giữ cho tình trạng thiêng liêng của mình và của gia đình được mạnh mẽ, đồng thời cho thấy chúng ta thật sự quý trọng Lời Đức Chúa Trời.—Thi 119:11.
^ [1] (đoạn 5) Một số tên đã được thay đổi.
^ [2] (đoạn 18) Để biết thêm về những nguyên tắc có thể giúp ích cho gia đình anh chị, hãy xem bài “Dưỡng dục con cái ở xứ lạ—Các khó khăn và phần thưởng” trong Tháp Canh ngày 15-10-2002.