Đức Chúa Trời soi dẫn Kinh-thánh bằng cách nào?
NGÀY NAY, việc truyền tin kỳ diệu hơn bất cứ lúc nào khác trong lịch sử. Điện thoại, máy fax, máy điện toán—cách đây nhiều năm, ai có thể hình dung được một thời mà thư tín được truyền đi hầu hết mọi nơi trên thế giới trong khoảnh khắc.
Nhưng có một loại truyền tin kỳ diệu nhất mà chính con người không thể nào thực hiện nổi—đó là sự soi dẫn của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đã soi dẫn khoảng 40 người để viết ra Lời của ngài, đó là Kinh-thánh. Giống như loài người có nhiều phương tiện thông tin, Đức Giê-hô-va cũng đã sử dụng nhiều cách thông tin để soi dẫn Kinh-thánh.
Đọc cho viết. Đức Chúa Trời truyền đạt những thông điệp rõ rệt mà sau này được viết trong Kinh-thánh.a Ví dụ, hãy xem xét các luật lệ hợp thành giao ước Luật pháp. Đức Giê-hô-va bảo Môi-se: “Hãy chép các lời nầy; vì theo các lời nầy mà ta lập giao-ước cùng ngươi và cùng Y-sơ-ra-ên” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:27). Những “lời nầy” được “truyền bởi các thiên-sứ”, đã được Môi-se chép lại và giờ đây chúng ta có thể tìm thấy trong Kinh-thánh ở sách Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân-số Ký và Phục-truyền Luật-lệ Ký (Công-vụ các Sứ-đồ 7:53).
Nhiều nhà tiên tri khác, kể cả Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, A-mốt, Na-hum và Mi-chê, đều nhận các thông điệp rõ rệt từ Đức Chúa Trời qua thiên sứ. Đôi khi những người này bắt đầu lời tuyên bố của họ với câu: “Đức Giê-hô-va có phán như vầy” (Ê-sai 37:6; Giê-rê-mi 2:2; Ê-xê-chi-ên 11:5; A-mốt 1:3; Mi-chê 2:3; Na-hum 1:12). Rồi họ viết xuống những gì Đức Giê-hô-va phán.
Sự hiện thấy, giấc chiêm bao và sự xuất thần. Sự hiện thấy là một hình ảnh, cảnh tượng hay thông điệp được đưa vào trí óc một người đương khi người ấy đang thức, thường xảy ra qua cách phi thường nào đó. Ví dụ, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng, đang lúc “tỉnh-thức”, đã chứng kiến sự hiện thấy về sự hóa hình của Chúa Giê-su (Lu-ca 9:28-36; II Phi-e-rơ 1:16-21). Trong vài trường hợp, thông điệp được truyền đạt qua một giấc chiêm bao, hoặc sự hiện thấy ban đêm, và được khắc ghi vào tiềm thức của người nhận đương khi người ấy đang ngủ. Vì vậy, Đa-ni-ên viết về “những sự hiện-thấy đã tỏ ra trong đầu ta khi ta nằm trên giường”—hoặc như dịch giả Ronald A. Knox dịch câu này là: “Trong khi ta nằm nhìn trong giấc chiêm bao” (Đa-ni-ên 4:10).
Một người được Đức Giê-hô-va làm xuất thần rõ ràng ở trong trạng thái hoàn toàn tập trung, mặc dù ít ra người đó cũng thức tỉnh một phần nào. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 10:9-16, Bản Diễn Ý). Trong Kinh-thánh, chữ Hy Lạp được dịch là “xuất thần” (ekʹsta·sis) có nghĩa là ‘sự cất đi hoặc sự dời chỗ’. Chữ này gợi ra ý tưởng trí óc bị đưa ra khỏi trạng thái bình thường. Vì thế, một người đang trong tình trạng xuất thần sẽ không để ý những gì xảy ra xung quanh trong khi hoàn toàn tiếp thu sự hiện thấy. Sứ đồ Phao-lô có lẽ đã ở trong trạng thái xuất thần như thế khi ông “được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra” (II Cô-rinh-tô 12:2-4).
Khác với những người chép lại những thông điệp do chính Đức Chúa Trời phán ra, người viết Kinh-thánh nhận được sự hiện thấy hay giấc chiêm bao hoặc trải qua trạng thái xuất thần, thường có ít nhiều tự do để miêu tả những gì họ thấy bằng lời lẽ riêng của họ. Đức Chúa Trời bảo Ha-ba-cúc: “Người khá chép lấy sự hiện-thấy, và rõ-rệt nó ra trên bảng, hầu cho người đương chạy đọc được” (Ha-ba-cúc 2:2).
Có phải đó có nghĩa là những phần này trong Kinh-thánh về mặt nào đó không được hoàn toàn soi dẫn giống như những đoạn Kinh-thánh được truyền từng chữ không? Chắc chắn không phải vậy. Qua thánh linh, Đức Giê-hô-va khắc sâu thông điệp của ngài vào trí óc của mỗi người viết Kinh-thánh, để mà ý tưởng của Đức Chúa Trời chứ không phải của con người được truyền đạt. Mặc dầu Đức Giê-hô-va cho phép người viết chọn lựa những từ ngữ thích hợp, nhưng ngài đã hướng dẫn tâm trí người viết để họ không bỏ sót những điều trọng yếu và cuối cùng ta có thể đúng lý xem những lời đó là Lời Đức Chúa Trời (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).
Thiên khải. Kinh-thánh có những lời tiên tri—lịch sử được tiết lộ và viết ra trước khi xảy ra—một điều ngoài khả năng của loài người. Một thí dụ như sự thăng trầm của “vua nước Gờ-réc” là A Lịch Sơn Đại đế đã được tiên tri khoảng 200 năm trước đó! (Đa-ni-ên 8:1-8, 20-22). Kinh-thánh cũng tiết lộ về những sự kiện mà mắt loài người chưa bao giờ được chứng kiến. Sự sáng tạo trời đất là một thí dụ (Sáng-thế Ký 1:1-27; 2:7, 8). Rồi còn có những cuộc đối thoại diễn ra ở trên trời, như những cuộc đối thoại được tường thuật trong sách Gióp (Gióp 1:6-12; 2:1-6).
Nếu Đức Chúa Trời không trực tiếp tiết lộ các sự kiện này cho những người viết Kinh-thánh, thì ngài cho một người nào đó biết về những sự kiện như thế, để rồi những điều đó trở thành một phần của lịch sử thành văn hoặc bất thành văn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia, cho đến khi những điều đó được chép lại trong Kinh-thánh. (Xin xem khung nơi trang 7). Dù sao đi nữa, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va chính là Nguồn Gốc của tất cả các tài liệu như thế, và ngài đã hướng dẫn những người viết Kinh-thánh, để họ không tường thuật những điều không chính xác, phóng đại, hoặc chuyện hoang đường. Phi-e-rơ viết về lời tiên tri: “Ấy là bởi Đức Thánh-Linh cảm-động [dẫn đưa, NW] mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời”b (II Phi-e-rơ 1:21).
Đòi hỏi sự cố gắng tỉ mỉ
Mặc dầu những người viết Kinh-thánh được “Đức Thánh-Linh cảm động”, họ vẫn phải suy nghĩ kỹ lưỡng. Ví dụ, Sa-lô-môn “cân-nhắc, tra-soát, và sắp-đặt thứ-tự nhiều câu châm-ngôn. [Ông] chuyên-lo tìm-kiếm những câu luận tốt-đẹp; và các lời đã viết ra đều là chánh-trực và chơn-thật” (Truyền-đạo 12:9, 10).
Một số người viết Kinh-thánh phải nghiên cứu rất nhiều để chứng minh tài liệu của họ. Ví dụ, Lu-ca viết về lời tường thuật trong Phúc Âm của ông: “Sau khi đã xét kỹ-càng từ đầu mọi sự ấy, tôi cũng tưởng nên theo thứ tự viết”. Tất nhiên, thánh linh Đức Chúa Trời ban phước cho các sự cố gắng của Lu-ca, và chắc hẳn khiến ông tìm ra được các tài liệu lịch sử đáng tin cậy và phỏng vấn những nhân chứng đáng tin, chẳng hạn như các sứ đồ còn sống và có thể mẹ của Chúa Giê-su là bà Ma-ri. Sau đó thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn Lu-ca ghi lại những điều đó một cách chính xác (Lu-ca 1:1-4).
Khác với sách Phúc Âm của Lu-ca, Giăng tường thuật những điều mà chính ông đã chứng kiến và viết sách của ông khoảng 65 năm sau khi Chúa Giê-su chết. Chắc hẳn thánh linh của Đức Giê-hô-va đã làm trí nhớ của Giăng bén nhạy để không bị lu mờ theo thời gian. Điều này phù hợp với những gì mà Chúa Giê-su đã hứa với các môn đồ ngài: “Đấng Yên-ủi, tức là Đức Thánh-Linh mà Cha sẽ nhơn danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy-dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi đều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26).
Trong một vài trường hợp, người viết Kinh-thánh đã trích từ những tài liệu chứng thực của những nhà viết lịch sử trước đó mà không phải tất cả mọi người này đều được soi dẫn. Giê-rê-mi đã soạn thảo phần lớn sách I và II Các Vua bằng cách này (II Các Vua 1:18). E-xơ-ra đã tra cứu ít nhất 14 nguồn tư liệu không được soi dẫn để thu thập tài liệu cho sách I và II Sử-ký, kể cả “sử-ký vua Đa-vít” và “sách các vua Giu-đa và Y-sơ-ra-ên” (I Sử-ký 27:24; II Sử-ký 16:11). Môi-se còn trích dẫn từ “sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va”—rõ ràng là một tài liệu đáng tin cậy về các chiến trận của dân Đức Chúa Trời (Dân-số Ký 21:14, 15).
Trong những trường hợp như thế, thánh linh đã tích cực hoạt động, thúc đẩy người viết Kinh-thánh chỉ lựa những tài liệu đáng tin cậy để rồi những tài liệu này trở thành một số những văn bản được soi dẫn trong Kinh-thánh.
Lời khuyên thực tế—của ai?
Kinh-thánh có rất nhiều lời khuyên thực tế dựa vào sự quan sát sắc bén cá nhân. Ví dụ, Sa-lô-môn viết: “Chẳng gì tốt cho người hơn là ăn, uống, khiến linh-hồn mình hưởng phước của lao khổ mình. Ta xem thấy đều đó cũng bởi tay Đức Chúa Trời mà đến” (Truyền-đạo 2:24). Phao-lô nói rằng lời khuyên bảo của ông về sự cưới gả là “theo ý [ông]”, dù vậy ông nói thêm: “Tôi tưởng tôi cũng có Thánh-Linh của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 7:25, 39, 40). Phao-lô chắc chắn có thánh linh Đức Chúa Trời, vì như sứ đồ Phi-e-rơ nhận xét, những gì Phao-lô viết là “sự khôn-ngoan được ban cho mình” (II Phi-e-rơ 3:15, 16). Vì vậy, dưới sự hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời, Phao-lô đã cho ý kiến của ông.
Khi người viết Kinh-thánh phát biểu niềm tin chắc cá nhân như thế, họ đã làm vậy sau một quá trình học hỏi và áp dụng phần Kinh-thánh mà họ có vào lúc đó. Chúng ta có thể chắc chắn rằng những điều họ viết phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Những điều họ ghi trở thành một phần của Lời Đức Chúa Trời.
Tất nhiên, Kinh-thánh cũng có những lời nói của một số người có lối suy nghĩ không đúng. (So sánh Gióp 15:15 với Gióp 42:7). Kinh-thánh cũng bao gồm một vài câu nói cho thấy nỗi thống khổ của các tôi tớ Đức Chúa Trời, dầu rằng những câu nói đó không cho chúng ta biết rõ vấn đề.c Trong lúc phát biểu những điều cá nhân, người viết vẫn được thánh linh Đức Chúa Trời soi dẫn để ghi lại chính xác, và như vậy giúp chúng ta nhận biết và vạch trần những lập luận sai lầm. Hơn nữa, trong mỗi trường hợp, văn cảnh giúp cho độc giả thấy rõ là sự suy nghĩ của người viết có đúng đắn hay không.
Nói tóm lại, chúng ta có thể tin tưởng rằng cả cuốn Kinh-thánh là thông điệp của Đức Chúa Trời. Quả thật, Đức Giê-hô-va lo sao để mọi điều trong Kinh-thánh phù hợp với ý định ngài và cung cấp sự chỉ dẫn trọng yếu cho những ai mong muốn phụng sự ngài (Rô-ma 15:4).
Tại sao dùng loài người để viết Kinh-thánh?
Cách Đức Giê-hô-va dùng loài người để viết Kinh-thánh cho thấy sự khôn ngoan cao cả của ngài. Hãy nghĩ xem: giả sử Đức Chúa Trời giao phó công việc này cho các thiên sứ, liệu Kinh-thánh có hấp dẫn như thế không? Đành rằng chúng ta sẽ vui thích được đọc về các đức tính và cách đối xử của Đức Chúa Trời theo quan điểm của thiên sứ. Nhưng nếu Kinh-thánh được viết mà hoàn toàn thiếu bản chất con người, thì chúng ta có thể thấy khó hiểu thông điệp của Kinh-thánh.
Để minh họa: Kinh-thánh có thể đơn giản tường thuật rằng Vua Đa-vít phạm tội ngoại tình và giết người và sau đó ông đã ăn năn. Thế nhưng, thật hay hơn biết bao khi được đọc chính lời lẽ của Đa-vít, khi ông diễn tả nỗi thống khổ về hành động của ông và đã van xin Đức Giê-hô-va tha thứ! Ông viết: “Tội-lỗi hằng ở trước mặt tôi. Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh-dể đâu” (Thi-thiên 51:3, 17). Vì thế, Kinh-thánh có được sự nồng ấm, đa dạng, và sức hấp dẫn nhờ có bản chất con người.
Đúng vậy, Đức Giê-hô-va chọn cách tốt nhất để ban cho chúng ta Lời của ngài. Mặc dầu ngài dùng loài người yếu kém và khiếm khuyết, nhưng họ được thánh linh dẫn đưa để không viết xuống bất cứ điều gì sai lầm. Vì vậy, Kinh-thánh có giá trị tột bậc. Lời khuyên bảo của Kinh-thánh rất vững chắc và các lời tiên tri của Kinh-thánh về Địa Đàng tương lai rất đáng tin cậy (Thi-thiên 119:105; II Phi-e-rơ 3:13).
Tại sao chúng ta không tập thói quen đọc một phần Kinh-thánh mỗi ngày? Phi-e-rơ viết: “Hãy ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh-hồn” (I Phi-e-rơ 2:2). Vì lẽ Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn, bạn sẽ thấy cả Kinh-thánh đều “có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16, 17).
[Chú thích]
a Ít nhất có một trường hợp, như Mười Điều Răn là tài liệu được trực tiếp viết “bởi ngón tay Đức Chúa Trời”. Môi-se sau đó chỉ việc chép lại những lời ấy vào cuộn sách hay những vật liệu khác (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18; Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:1-5).
b Chữ Hy Lạp ở đây dịch là “dẫn đưa”, pheʹro, được dùng dưới một hình thái khác ở Công-vụ các Sứ-đồ 27:15, 17 để miêu tả một chiếc thuyền được gió đẩy đi. Vậy, thánh linh ‘lèo lái dẫn đưa’ những người viết Kinh-thánh. Thánh linh thúc đẩy họ loại bỏ bất cứ tài liệu nào không xác thực và chỉ ghi lại những tài liệu có thật.
c Ví dụ, so sánh I Các Vua 19:4 với câu I Các Vua 19:14 và 18; Gióp 10:1-3; Thi-thiên 73:12, 13, 21; Giô-na 4:1-3, 9; Ha-ba-cúc 1:1-4, 13.
[Khung/Các hình nơi trang 7]
Môi-se đã kiếm được tài liệu ở đâu?
MÔI-SE viết sách Sáng-thế Ký trong Kinh-thánh, nhưng tất cả những điều ông ghi lại đều đã xảy ra từ lâu trước khi ông sinh ra. Vậy thì Môi-se đã kiếm được tài liệu đó ở đâu? Có thể Đức Chúa Trời đã trực tiếp tiết lộ tài liệu này cho ông, hoặc có thể sự hiểu biết về một số biến cố đã được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ kia. Vì loài người sống lâu hơn trong thời ban đầu, nên đa số những điều mà Môi-se ghi lại trong sách Sáng-thế Ký có thể được lưu truyền từ A-đam đến Môi-se chỉ qua năm đời người—Mê-tu-sê-la, Sem, Y-sác, Lê-vi và Am-ram.
Ngoài ra, có thể Môi-se đã tham khảo các ghi chép lịch sử. Về phương diện này, điều đáng chú ý là Môi-se thường dùng nhóm từ “đây là dòng dõi [lịch sử, NW] của” trước khi nêu tên của người mà ông nói đến (Sáng-thế Ký 6:9; 10:1; 11:10, 27; 25: 12, 19; 36:1, 9; 37:2). Một số học giả nói rằng chữ Hê-bơ-rơ được dịch là “lịch sử”, toh·le·dhohthʹ, nói đến một tài liệu lịch sử có sẵn mà Môi-se dùng làm nguồn tư liệu cho những gì ông viết. Dĩ nhiên, chúng ta không thể kết luận chắc chắn về điều này.
Có thể những tài liệu trong sách Sáng-thế Ký được thu thập qua cả ba cách trên—một phần qua sự tiết lộ trực tiếp, một phần qua lời truyền khẩu và một phần từ những lời ghi chép. Điểm quan trọng là thánh linh Đức Giê-hô-va soi dẫn Môi-se. Vì vậy, những gì ông viết đều được đúng lý xem là lời Đức Chúa Trời.
[Hình nơi trang 4]
Bằng nhiều cách khác nhau, Đức Chúa Trời đã soi dẫn người ta viết Kinh-thánh