Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Na-hum, Ha-ba-cúc và Sô-phô-ni
CƯỜNG QUỐC thế giới A-si-ri đã tàn phá Sa-ma-ri, thủ đô của nước Y-sơ-ra-ên mười chi phái. Từ lâu, A-si-ri cũng là một mối đe dọa cho nước Giu-đa. Nhà tiên tri Na-hum của Giu-đa có một thông điệp dành cho thủ đô Ni-ni-ve của A-si-ri. Cuốn sách mang tên ông trong Kinh Thánh, được soạn thảo trước năm 632 TCN, đã ghi lại thông điệp này.
Cường quốc thế giới tiếp theo là Đế quốc Ba-by-lôn, đôi khi thuộc quyền cai trị của các vua Canh-đê. Sách Ha-ba-cúc, có lẽ được hoàn tất vào năm 628 TCN, báo trước cách Đức Giê-hô-va sẽ dùng Ba-by-lôn để thi hành sự phán xét, cũng như cuối cùng điều gì sẽ xảy đến với cường quốc thế giới này.
Nhà tiên tri Sô-phô-ni của Giu-đa bắt đầu thi hành nhiệm vụ trước Na-hum và Ha-ba-cúc. Hơn 40 năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 607 TCN, Sô-phô-ni đã tiên tri về sự sụp đổ và hy vọng khôi phục của nước Giu-đa. Sách Sô-phô-ni của Kinh Thánh cũng chứa đựng thông điệp phán xét dành cho những nước khác.
“KHỐN THAY CHO THÀNH ĐỔ MÁU!”
Dù Đức Giê-hô-va là Đấng “chậm giận và có quyền lớn” và là “đồn-lũy trong ngày hoạn-nạn” cho những ai đến nương náu nơi Ngài, nhưng chính Ngài đã rao ra “gánh nặng [“sự đoán phạt”, Bản Diễn Ý] của Ni-ni-ve”. Vì thế, thành này sẽ bị hủy diệt.—Na-hum 1:1, 3, 7.
Đức Giê-hô-va hứa sẽ “khôi-phục sự vinh-hiển của Gia-cốp”. Tuy nhiên, giống như ‘sư-tử đực xé mồi’, A-si-ri đã hăm dọa dân tộc của Đức Chúa Trời. Vì thế, Đức Giê-hô-va “sẽ đốt xe-cộ [Ni-ni-ve], và làm cho tan ra khói; gươm sẽ nuốt những sư-tử con của [nó]”. (Na-hum 2:2, 12, 13) Đức Giê-hô-va phán với thành Ni-ni-ve: “Khốn thay cho thành đổ máu!”. Những người nào “nghe nói về [nó] đều vỗ tay” và vui mừng.—Na-hum 3:1, 19.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:9—Việc thành Ni-ni-ve bị “diệt hết cả” có ý nghĩa gì cho Giu-đa? Điều đó có nghĩa là Giu-đa sẽ được giải phóng hoàn toàn khỏi A-si-ri và “sẽ chẳng có tai-nạn dậy lên lần thứ hai”. Na-hum xem Ni-ni-ve như thể không còn nữa, ông nói: “Nầy, trên các núi có chân của kẻ đem tin lành và rao sự bình-an! Hỡi Giu-đa, ngươi khá giữ kỳ lễ mình”.—Na-hum 1:15.
2:6—“Các cửa sông” nào được mở ra? “Các cửa” ở đây muốn nói đến những phần bị vỡ của tường thành Ni-ni-ve do nước sông Tigris tràn vào. Năm 632 TCN, liên minh Ba-by-lôn và Mê-đi nổi lên đánh thành này nhưng nó không hề nao núng. Với tường thành cao ngất và kiên cố bao quanh, Ni-ni-ve xem mình là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, những cơn mưa ào ạt trút xuống đã làm nước sông Tigris tràn lên bờ. Sử gia Diodorus cho biết nước sông “tràn ngập một phần của thành này và làm sụp nhiều phần của tường thành”. Như lời tiên tri, “các cửa sông” được mở ra, và thành Ni-ni-ve nhanh chóng bị chiếm lấy như lửa thiêu hủy rơm khô.—Na-hum 1:8-10.
3:4—Tại sao nói thành Ni-ni-ve giống một dâm phụ? Ni-ni-ve lừa các nước khác bằng cách hứa kết tình bằng hữu và giúp đỡ họ, nhưng thật ra nó tìm cách đàn áp các nước này. Chẳng hạn, A-si-ri đã làm một số điều giúp vua Giu-đa là A-cha chống lại âm mưu của liên minh Sy-ri và Y-sơ-ra-ên. Nhưng cuối cùng, ‘vua A-si-ri đến cùng A-cha và hà-hiếp người’.—2 Sử-ký 28:20.
Bài học cho chúng ta:
1:2-6. Việc Đức Giê-hô-va báo thù những kẻ chống lại Ngài—những kẻ không dành cho Ngài sự thờ phượng chuyên độc—cho thấy điều mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi những người phụng sự Ngài là sự thờ phượng chuyên độc.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5.
1:10. Dù thành Ni-ni-ve có tường kiên cố và đồ sộ với hàng trăm tháp canh, lời Đức Giê-hô-va phán nghịch cùng nó vẫn ứng nghiệm. Tương tự thế, kẻ thù của dân Đức Chúa Trời thời nay cũng không thể thoát khỏi sự phán xét của Ngài.—Châm-ngôn 2:22; Đa-ni-ên 2:44.
‘NGƯỜI CÔNG-BÌNH SẼ SỐNG’
Hai chương đầu trong sách Ha-ba-cúc ghi lại cuộc đối thoại giữa nhà tiên tri này với Đức Chúa Trời. Ha-ba-cúc đau buồn khi nhìn thấy những gì đang xảy ra ở Giu-đa nên ông hỏi Đức Chúa Trời: “Nhân sao Chúa khiến tôi thấy sự gian-ác, và Ngài nhìn-xem sự ngang-trái?”. Đức Giê-hô-va đáp lời ông: “Ta khiến người Canh-đê dấy lên, nó là một dân dữ-tợn”. Nhà tiên tri ngạc nhiên vì Đức Chúa Trời dùng “kẻ làm sự dối-trá” để đoán phạt Giu-đa. (Ha-ba-cúc 1:3, 6, 13) Tuy nhiên, Ngài bảo đảm với ông rằng người công bình sẽ tiếp tục sống, nhưng kẻ thù của họ sẽ không thoát khỏi án phạt. Ngoài ra, Ha-ba-cúc ghi lại năm lời rủa sả trên kẻ thù là dân Canh-đê.—Ha-ba-cúc 2:4.
Ha-ba-cúc cầu xin Đức Chúa Trời thương xót. Ông dùng “thể thi-ca” để miêu tả cách Ngài thể hiện quyền năng lớn lao tại Biển Đỏ, trong đồng vắng và ở thành Giê-ri-cô. Nhà tiên tri cũng báo trước Đức Giê-hô-va sẽ đến với cơn thạnh nộ để hủy diệt kẻ ác trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Ông kết thúc lời cầu nguyện như sau: “Đức Giê-hô-va là Chúa, là sức-mạnh của tôi, Ngài làm cho chân tôi giống như chân con hươu, khiến tôi đi trên các nơi cao của mình”.—Ha-ba-cúc 3:1, 19.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:5, 6—Tại sao việc Đức Giê-hô-va dấy quân Canh-đê lên để hủy diệt Giê-ru-sa-lem là điều khó tin đối với dân Giu-đa? Khi Ha-ba-cúc bắt đầu nói tiên tri, nước Giu-đa đang ở dưới quyền kiểm soát của Ê-díp-tô. (2 Các Vua 23:29, 30, 34) Vào lúc đó, Ba-by-lôn đang ngày một hùng mạnh, nhưng quân đội của đế quốc này vẫn chưa đánh bại Pha-ra-ôn Nê-cô. (Giê-rê-mi 46:2) Hơn nữa, vương triều dòng Vua Đa-vít vẫn liên tục cai trị ở Giê-ru-sa-lem, nơi đền thờ của Đức Giê-hô-va đang tọa lạc. Đối với người Giu-đa thời đó, việc Đức Giê-hô-va cho phép người Canh-đê hủy diệt Giê-ru-sa-lem là điều khó tin. Tuy nhiên, dù lời của Ha-ba-cúc khó tin đến đâu đi nữa, nhưng sự hiện thấy về thành Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lôn hủy diệt đã được ứng nghiệm vào năm 607 TCN.—Ha-ba-cúc 2:3.
2:5—“Nó” trong câu này là ai? Và tại sao nó “chẳng ở yên chỗ mình”? “Nó” trong câu này được dịch là “bọn mạnh sức” trong bản Kinh Thánh Bản Dịch Mới. Người Ba-by-lôn dùng quân đội dũng mãnh của mình để chinh phục các nước khác, nên họ hợp lại thành “bọn mạnh sức”. Vì say men chiến thắng, nước này giống như một kẻ ghiền rượu. Tuy nhiên, nó “chẳng ở yên chỗ mình”, tức “chẳng đạt thành công” (Tòa Tổng Giám Mục), trong việc hội hiệp các nước vì Đức Giê-hô-va đã dùng liên minh Mê-đi và Phe-rơ-sơ để đánh đổ nó. Ngày nay, các thế lực chính trị cũng hợp thành “bọn mạnh sức”. Họ đang say sưa trong sự tự tin và niềm kiêu hãnh về chính mình, cũng như lòng tham vô độ muốn làm bá chủ thế giới. Nhưng họ sẽ không đạt được mục tiêu “thâu-góp mọi nước”. Chỉ có nước của Đức Chúa Trời mới có thể hợp nhất nhân loại.—Ma-thi-ơ 6:9, 10.
Bài học cho chúng ta:
1:1-4; 1:12–2:1. Nhà tiên tri Ha-ba-cúc chân thành đặt câu hỏi và Đức Giê-hô-va đã trả lời ông. Điều này cho thấy Đức Chúa Trời luôn lắng nghe lời cầu nguyện của các tôi tớ trung thành.
2:1. Giống như Ha-ba-cúc, chúng ta nên tiếp tục tỉnh thức và hoạt động sốt sắng về thiêng liêng. Ngoài ra, chúng ta cũng nên lắng nghe lời Đức Chúa Trời nói và sẵn sàng thay đổi lối suy nghĩ của mình cho phù hợp với sự sửa trị mà chúng ta nhận được.
2:3; 3:16. Trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va đến, chúng ta đừng đánh mất tinh thần khẩn trương.
2:4. Để sống sót qua ngày phán xét sắp đến của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải trung thành chịu đựng.—Hê-bơ-rơ 10:36-38.
2:6, 7, 9, 12, 15, 19. Tai họa chắc chắn sẽ ập trên những ai tham lợi bất nghĩa, ưa thích sự hung bạo, làm điều vô luân và thờ hình tượng. Chúng ta phải cảnh giác để tránh những thực hành đó.
2:11. Nếu chúng ta không vạch trần sự gian ác của thế gian này thì ‘đá sẽ kêu lên’. Vì thế, tiếp tục dạn dĩ rao truyền thông điệp Nước Trời là điều quan trọng!
3:6. Không gì có thể ngăn được Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét, dù đó là những tổ chức loài người có vẻ rất vững chắc như núi đồi.
3:13. Chúng ta được bảo đảm rằng sự hủy diệt tại trận chiến Ha-ma-ghê-đôn là có chọn lọc. Đức Giê-hô-va sẽ cứu những tôi tớ trung thành của Ngài.
3:17-19. Dù có thể phải chịu đựng nhiều khó khăn trước và trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban “sức-mạnh” để chúng ta tiếp tục vui mừng phụng sự Ngài.
“NGÀY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐÃ GẦN”
Dân Giu-đa thờ thần Ba-anh khắp nơi trong xứ. Vì thế, Đức Giê-hô-va phán qua nhà tiên tri Sô-phô-ni: “Ta sẽ dang tay ta trên Giu-đa và trên hết thảy dân-cư Giê-ru-sa-lem”. Sô-phô-ni cảnh báo: “Ngày của Đức Giê-hô-va đã gần”. (Sô-phô-ni 1:4, 7, 14) Chỉ những ai làm theo đòi hỏi của Đức Giê-hô-va mới “được giấu-kín” trong ngày đó.—Sô-phô-ni 2:3.
Đức Giê-hô-va phán với thành Giê-ru-sa-lem: ‘Khốn thay cho thành làm sự bạo-ngược!. . . Các ngươi khá đợi ta cho đến ngày ta sẽ dấy lên đặng cướp-bắt; vì ta đã định thâu-góp các dân-tộc, hầu cho ta đổ sự thạnh-nộ trên chúng nó’. Nhưng Ngài hứa: “Ta sẽ làm cho các ngươi nổi danh-tiếng và được khen-lao giữa mọi dân trên đất, khi ta đem phu-tù các ngươi về trước mặt các ngươi”.—Sô-phô-ni 3:1, 8, 20.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
3:9—“Môi-miếng thanh-sạch” là gì? Làm sao chúng ta có thể dùng “môi-miếng thanh-sạch”? Đó là lẽ thật về Đức Chúa Trời và tất cả những sự dạy dỗ được tìm thấy trong Lời Ngài, là Kinh Thánh. Chúng ta dùng “môi-miếng thanh-sạch” qua việc tin vào lẽ thật, giúp người khác hiểu chính xác về Kinh Thánh và sống phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời.
Bài học cho chúng ta:
1:8. Dường như một số người vào thời Sô-phô-ni muốn được các nước xung quanh chấp nhận nên họ “mặc áo lạ”, hay “y phục ngoại bang” (TTGM). Thật thiếu khôn ngoan thay nếu những người thờ phượng Đức Giê-hô-va ngày nay cũng tìm cách bắt chước thế gian!
1:12; 3:5, 16. Đức Giê-hô-va vẫn tiếp tục sai các nhà tiên tri đi rao thông điệp phán xét cho dân Giu-đa, dù nhiều người trong số họ chỉ chú tâm vào cuộc sống thường ngày và lờ đi thông điệp ấy, giống như cặn rượu đọng lại dưới đáy bình. Ngày nay chúng ta đang sống trong thời kỳ rất gần ngày lớn của Đức Giê-hô-va. Vì thế, chúng ta cần tiếp tục rao báo thông điệp Nước Trời và đừng để cho thái độ thờ ơ của người xung quanh làm ‘tay chúng ta yếu-đuối’.
2:3. Chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể cứu chúng ta khỏi ngày thạnh nộ của Ngài. Để tiếp tục nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải: (1) ‘tìm-kiếm Ngài’ bằng cách cẩn thận học hỏi Kinh Thánh, cầu xin Ngài hướng dẫn và đến gần Ngài; (2) “tìm-kiếm sự công-bình” qua việc giữ một lối sống thanh sạch về đạo đức; và (3) “tìm-kiếm sự nhu-mì” bằng cách vun trồng thái độ khiêm nhường và phục tùng.
2:4-15; 3:1-5. Trong ngày Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét, khối đạo tự xưng theo Đấng Christ và tất cả các nước—những thành phần bắt bớ dân của Ngài—sẽ chịu chung án phạt giống như thành Giê-ru-sa-lem thời xưa và các dân tộc xung quanh nó. (Khải-huyền 16:14, 16; 18:4-8) Vì thế, chúng ta nên tiếp tục dạn dĩ rao báo thông điệp phán xét của Đức Chúa Trời.
3:8, 9. Trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy chuẩn bị để được sống sót bằng cách học “môi-miếng thanh-sạch”, và “kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va” qua việc dâng mình cho Ngài. Chúng ta cũng “một lòng” phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với dân của Ngài và dâng “tế-lễ bằng lời ngợi-khen” cho Ngài.—Hê-bơ-rơ 13:15.
“Nó đến rất kíp”
Người viết Thi-thiên hát: “Một chút nữa kẻ ác không còn. Ngươi sẽ xem-xét chỗ hắn, thật không còn nữa”. (Thi-thiên 37:10) Khi suy ngẫm những lời tiên tri về thành Ni-ni-ve trong sách Na-hum cũng như về Đế quốc Ba-by-lôn và xứ Giu-đa bội đạo trong sách Ha-ba-cúc, chúng ta tin chắc lời của người viết Thi-thiên sẽ thành hiện thực. Tuy nhiên, chúng ta phải chờ đợi bao lâu nữa?
Sô-phô-ni 1:14 cho biết: “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gần, đã gần rồi; nó đến rất kíp”. Sách Sô-phô-ni cũng cho thấy chúng ta có thể được giấu kín trong ngày đó như thế nào, và chúng ta phải làm gì ngay từ bây giờ để chuẩn bị được sống sót. Thật vậy, “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm”.—Hê-bơ-rơ 4:12.
[Các hình nơi trang 8]
Dù Ni-ni-ve có tường thành kiên cố và đồ sộ, lời tiên tri của Na-hum vẫn ứng nghiệm
[Nguồn tư liệu]
Randy Olson/National Geographic Image Collection