BÀI HỌC 29
‘Hãy đi đào tạo môn đồ’
“Hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi”.—MAT 28:19.
BÀI HÁT 60 Thông điệp mang lại sự sống
GIỚI THIỆUa
1, 2. (a) Theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 28:18-20, sứ mạng chính của hội thánh đạo Đấng Ki-tô là gì? (b) Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi nào trong bài này?
Các sứ đồ hẳn vô cùng háo hức và hồi hộp khi nhóm lại bên sườn núi. Sau khi Chúa Giê-su được sống lại, ngài dặn họ gặp ngài tại đó (Mat 28:16). Có lẽ đây cũng là dịp “ngài hiện ra với hơn 500 anh em cùng một lúc” (1 Cô 15:6). Tại sao Chúa Giê-su muốn gặp các môn đồ? Ngài muốn giao cho họ một sứ mạng đầy hào hứng: “Hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi”.—Đọc Ma-thi-ơ 28:18-20.
2 Những môn đồ có mặt vào dịp này đã trở thành một phần của hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất. Sứ mạng chính của hội thánh là đào tạo thêm nhiều người trở thành môn đồ Đấng Ki-tô.b Ngày nay, hơn một trăm ngàn hội thánh trên khắp thế giới vẫn có cùng sứ mạng ấy. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận bốn câu hỏi: Tại sao đào tạo môn đồ là sứ mạng vô cùng quan trọng? Sứ mạng này bao hàm những gì? Có đúng là mọi tín đồ đều tham gia đào tạo môn đồ không? Và tại sao chúng ta cần kiên nhẫn để thi hành sứ mạng này?
TẠI SAO ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ LÀ SỨ MẠNG VÔ CÙNG QUAN TRỌNG?
3. Theo Giăng 14:6 và 17:3, tại sao đào tạo môn đồ là sứ mạng vô cùng quan trọng?
3 Tại sao đào tạo môn đồ là sứ mạng vô cùng quan trọng? Vì chỉ những ai là môn đồ Đấng Ki-tô mới có thể làm bạn với Đức Chúa Trời. Ngoài ra, những người noi theo gương của Đấng Ki-tô được cải thiện đời sống ngay bây giờ và có triển vọng hưởng sự sống vĩnh cửu trong tương lai. (Đọc Giăng 14:6; 17:3). Chúa Giê-su giao cho chúng ta một trọng trách, nhưng chúng ta không làm việc này bằng sức riêng. Sứ đồ Phao-lô viết về chính ông và các bạn đồng hành như sau: “Chúng tôi là người cùng làm việc với Đức Chúa Trời” (1 Cô 3:9). Đây quả là đặc ân mà Đức Giê-hô-va và Đấng Ki-tô ban cho con người bất toàn!
4. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của anh Ivan và chị Matilde?
4 Việc đào tạo môn đồ mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui. Hãy xem kinh nghiệm của anh Ivan và chị Matilde, sống ở Colombia. Họ làm chứng cho một thanh niên tên là Davier, anh Davier từng nói: “Tôi muốn thay đổi cuộc đời mình, nhưng tôi không thể”. Trước kia, anh Davier là một võ sĩ quyền anh, dùng ma túy, nhậu nhẹt say xỉn và sống chung với bạn gái tên là Erika. Anh Ivan cho biết: “Anh Davier sống ở một ngôi làng biệt lập, nên chúng tôi phải đạp xe nhiều tiếng trên những con đường bùn lầy để đến thăm anh. Sau khi thấy anh Davier thay đổi thái độ và cách cư xử, chị Erika cũng bắt đầu học Kinh Thánh”. Theo thời gian, anh Davier bỏ đấm bốc, ma túy và rượu. Anh cũng đăng ký kết hôn với chị Erika. Chị Matilde nói: “Khi anh Davier và chị Erika báp-têm vào năm 2016, chúng tôi nhớ lại anh Davier từng nói là anh ấy muốn thay đổi, nhưng anh không làm được. Chúng tôi không cầm được nước mắt”. Thật vậy, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui khôn xiết khi giúp người khác trở thành môn đồ Đấng Ki-tô.
ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ BAO HÀM NHỮNG GÌ?
5. Bước đầu tiên chúng ta cần làm để đào tạo môn đồ là gì?
5 Bước đầu tiên chúng ta cần làm để đào tạo môn đồ là tìm kiếm người có lòng ngay thẳng (Mat 10:11). Khi vâng theo mệnh lệnh rao giảng của Chúa Giê-su và cố gắng làm chứng cho tất cả những ai mình gặp trong khu vực, chúng ta chứng tỏ mình là Nhân Chứng Giê-hô-va đích thực và là tín đồ chân chính.
6. Điều gì có thể giúp chúng ta thành công trong thánh chức?
6 Khi đi rao giảng, chúng ta thấy một số người sẵn sàng tìm hiểu Kinh Thánh, nhưng nhiều người lúc đầu có vẻ thờ ơ. Có thể chúng ta phải vun trồng sự chú ý của họ. Để thành công trong thánh chức, chúng ta cần chuẩn bị kỹ. Hãy chọn những đề tài có thể thu hút những người anh chị gặp. Rồi chuẩn bị trước cách nhập đề.
7. Anh chị có thể bắt chuyện với người ta như thế nào, và tại sao việc lắng nghe và tôn trọng quan điểm của người khác là điều quan trọng?
7 Chẳng hạn, anh chị có thể hỏi chủ nhà: “Tôi xin phép hỏi ý kiến của ông/bà về điều này được không? Nhiều vấn đề mà chúng ta đối mặt ngày nay cũng đang ảnh hưởng đến người ta trên khắp thế giới. Theo ông/bà, những vấn đề đó sẽ được giải quyết như thế nào?”. Rồi anh chị có thể thảo luận câu Đa-ni-ên 2:44. Hoặc anh chị có thể nói: “Theo ông/bà, bí quyết để nuôi dạy con cái thành công là gì?”. Rồi thảo luận câu Phục truyền luật lệ 6:6, 7. Dù anh chị chọn đề tài nào, hãy luôn nghĩ đến người nghe. Hãy hình dung họ sẽ nhận được lợi ích như thế nào khi học những gì Kinh Thánh thật sự dạy. Khi nói chuyện, điều quan trọng là lắng nghe và tôn trọng quan điểm của họ. Nếu làm thế, anh chị sẽ hiểu họ hơn và họ sẽ dễ lắng nghe anh chị hơn.
8. Tại sao chúng ta nên kiên trì trong việc thăm lại?
8 Để một người sẵn sàng học Kinh Thánh, có lẽ anh chị cần đầu tư thời gian và nỗ lực trở lại thăm họ. Tại sao? Có thể họ bận rộn hoặc không có ở nhà khi chúng ta đến thăm. Hơn nữa, có thể anh chị cũng phải đến thăm nhiều lần cho đến khi chủ nhà cảm thấy sẵn sàng học Kinh Thánh. Khi một cây được tưới nước thường xuyên thì rất có thể cây đó sẽ ngày càng lớn lên. Tương tự, tình yêu thương của một người dành cho Đức Giê-hô-va và Đấng Ki-tô rất có thể sẽ ngày càng phát triển khi chúng ta thường xuyên thảo luận Lời Đức Chúa Trời với họ.
CÓ ĐÚNG LÀ MỌI TÍN ĐỒ ĐỀU THAM GIA ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ KHÔNG?
9, 10. Tại sao có thể nói là mỗi môn đồ Đấng Ki-tô đều góp phần trong việc tìm kiếm những người có lòng thành?
9 Mỗi môn đồ Đấng Ki-tô đều góp phần trong việc tìm kiếm những người có lòng thành. Chúng ta có thể ví công việc này với việc tìm kiếm một em bé bị lạc. Như thế nào? Hãy xem một kinh nghiệm có thật về một em bé ba tuổi đi lạc khỏi nhà. Có khoảng 500 người cùng nhau tìm kiếm em. Cuối cùng, sau khoảng 20 tiếng, một người đã tìm thấy em trong một cánh đồng. Dù tìm được em bé nhưng người ấy từ chối nhận công trạng và nói: “Hàng trăm người đã góp phần tìm ra đứa bé”.
10 Nhiều người ngày nay cũng ở trong tình trạng như em bé ấy. Họ không có hy vọng và muốn được giúp đỡ (Ê-phê 2:12). Hơn tám triệu anh em chúng ta đang góp phần tìm kiếm những người như thế. Có thể anh chị không tìm được học hỏi Kinh Thánh. Tuy nhiên, những anh chị công bố khác đang làm chứng trong cùng khu vực ấy có thể tìm được một người muốn biết chân lý. Khi anh chị nào đó tìm được một người mà sau này trở thành môn đồ Đấng Ki-tô, thì tất cả những ai cùng tham gia tìm kiếm có lý do chính đáng để vui mừng.
11. Dù hiện nay không có học hỏi Kinh Thánh, anh chị vẫn có thể hỗ trợ việc đào tạo môn đồ bằng cách nào?
11 Dù hiện nay không có học hỏi Kinh Thánh, anh chị vẫn có thể hỗ trợ việc đào tạo môn đồ theo những cách khác. Chẳng hạn, anh chị có thể chào đón và làm quen với những người mới khi họ đến Phòng Nước Trời. Khi thể hiện tình yêu thương theo cách này, anh chị có thể giúp họ nhận thấy chúng ta là môn đồ thật của Đấng Ki-tô (Giăng 13:34, 35). Những bình luận của anh chị trong các buổi nhóm, dù ngắn gọn, có thể giúp cho người mới biết làm thế nào để bày tỏ niềm tin một cách chân thật và tôn trọng. Anh chị cũng có thể cùng tham gia thánh chức với những anh chị công bố mới và giúp họ biết cách dùng Kinh Thánh để lý luận với người khác. Khi làm thế, anh chị sẽ giúp họ noi gương Đấng Ki-tô.—Lu 10:25-28.
12. Chúng ta có cần những khả năng đặc biệt để đào tạo môn đồ không? Hãy giải thích.
12 Chúng ta không nên nghĩ rằng mình cần có những khả năng đặc biệt để giúp người khác trở thành môn đồ Đấng Ki-tô. Tại sao? Hãy xem kinh nghiệm của chị Faustina, sống ở Bolivia. Khi mới gặp Nhân Chứng Giê-hô-va, chị Faustina không biết đọc. Kể từ đó, chị bắt đầu học chữ và biết đọc một chút. Giờ đây chị đã báp-têm và yêu thích việc dạy người khác về Kinh Thánh. Chị thường điều khiển năm học hỏi Kinh Thánh mỗi tuần. Dù không thể đọc tốt như đa số học viên Kinh Thánh của mình, nhưng chị Faustina đã giúp sáu người tiến bộ đến bước báp-têm.—Lu 10:21.
13. Ngay cả khi rất bận rộn, chúng ta có thể nhận được những ân phước nào khi tham gia đào tạo môn đồ?
13 Nhiều tín đồ bận rộn chăm lo cho các trách nhiệm quan trọng. Dù vậy họ vẫn dành thời gian để điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh và nhận được nhiều niềm vui. Hãy xem kinh nghiệm của chị Melanie, một người mẹ đơn thân sống ở Alaska cùng với con gái tám tuổi. Chị phải làm việc trọn thời gian để kiếm sống và chăm sóc cha bị ung thư. Chị Melanie là Nhân Chứng duy nhất trong một thị trấn biệt lập. Chị cầu nguyện để có thêm sức đi rao giảng trong thời tiết lạnh giá, vì chị rất muốn tìm được một học viên Kinh Thánh. Cuối cùng, chị gặp được chị Sara. Chị Sara vô cùng hào hứng khi biết là Đức Chúa Trời có một tên riêng, và với thời gian chị đồng ý học Kinh Thánh. Chị Melanie cho biết: “Vào mỗi tối thứ sáu, tôi thường rất mệt, nhưng cả tôi và con gái đều nhận được lợi ích khi điều khiển học hỏi Kinh Thánh. Chúng tôi thích tra cứu để tìm lời giải đáp cho những thắc mắc của chị Sara, và thật vui mừng khi thấy chị ấy trở thành bạn của Đức Giê-hô-va”. Chị Sara đã can đảm đương đầu với sự chống đối, chị bỏ nhà thờ và tiến bộ đến bước báp-têm.
TẠI SAO ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ ĐÒI HỎI SỰ KIÊN NHẪN?
14. (a) Việc đào tạo môn đồ giống với việc đánh cá như thế nào? (b) Những lời của Phao-lô nơi 2 Ti-mô-thê 4:1, 2 tác động thế nào đến anh chị?
14 Ngay cả khi thánh chức của anh chị có vẻ không mấy kết quả, đừng bỏ cuộc mà hãy tiếp tục tìm kiếm những người có tiềm năng trở thành môn đồ. Hãy nhớ là Chúa Giê-su ví việc đào tạo môn đồ với việc đánh cá. Để bắt được cá, có lẽ ngư dân phải làm việc nhiều giờ. Họ thường đánh cá vào tối khuya hoặc sáng sớm, và thỉnh thoảng phải đi xa bờ (Lu 5:5). Tương tự, một số người đào tạo môn đồ phải kiên nhẫn dành nhiều thời gian để “đánh cá” vào thời gian và địa điểm khác nhau. Tại sao? Vì họ sẽ có thêm cơ hội gặp được người ta. Những ai bỏ nhiều công sức thường đạt được kết quả tốt là gặp được những người chú ý đến thông điệp. Anh chị có thể thử rao giảng vào một thời gian khác trong ngày hoặc tại một địa điểm mà có lẽ dễ gặp được nhiều người hơn không?—Đọc 2 Ti-mô-thê 4:1, 2.
15. Tại sao việc điều khiển học hỏi Kinh Thánh đòi hỏi sự kiên nhẫn?
15 Tại sao việc điều khiển học hỏi Kinh Thánh đòi hỏi sự kiên nhẫn? Một lý do là chúng ta không chỉ giúp học viên biết và yêu mến những giáo lý trong Kinh Thánh, mà còn cần giúp họ biết và yêu thương Tác Giả của Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va. Ngoài việc dạy học viên những gì Chúa Giê-su đòi hỏi nơi các môn đồ, chúng ta cần giúp họ biết cách sống theo lối sống của một môn đồ chân chính. Chúng ta phải kiên nhẫn trợ giúp khi họ gặp khó khăn trong việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. Một số người có thể thay đổi lối suy nghĩ và thói quen chỉ trong vài tháng; còn những người khác thì cần nhiều thời gian hơn.
16. Anh chị rút ra bài học nào từ trường hợp của anh Raúl?
16 Kinh nghiệm của một giáo sĩ ở Peru cho thấy lợi ích của việc kiên nhẫn. Anh giáo sĩ chia sẻ: “Tôi đã học hết hai sách với một học viên Kinh Thánh tên Raúl, nhưng anh ấy vẫn đương đầu với những thử thách lớn trong đời sống. Cuộc sống hôn nhân của anh đầy sóng gió, anh nói tục, và các con anh thấy khó để tôn trọng anh. Tuy nhiên, anh tham dự nhóm họp đều đặn, nên tôi tiếp tục đến thăm để giúp anh và gia đình. Hơn ba năm sau khi tôi gặp anh ấy, anh ấy đã hội đủ điều kiện để báp-têm”.
17. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài kế tiếp?
17 Chúa Giê-su lệnh cho chúng ta “hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ” của ngài. Để hoàn thành sứ mạng ấy, chúng ta thường phải nói chuyện với những người có lối suy nghĩ rất khác với mình, gồm cả những người không thuộc về một tôn giáo nào hoặc không tin có Đức Chúa Trời. Bài kế tiếp sẽ thảo luận làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tin mừng cho những người ấy.
BÀI HÁT 68 Gieo hạt giống Nước Trời
a Hội thánh đạo Đấng Ki-tô có một sứ mạng chính là giúp người ta trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô. Bài này đưa ra những đề nghị thực tế giúp chúng ta thi hành sứ mạng này.
b GIẢI NGHĨA: Môn đồ Đấng Ki-tô làm nhiều hơn là chỉ học những gì Chúa Giê-su dạy. Họ áp dụng những gì học được và cố gắng theo sát dấu chân, hay gương mẫu của Chúa Giê-su.—1 Phi 2:21.
c HÌNH ẢNH: Một người đàn ông nhận ấn phẩm từ Nhân Chứng tại sân bay. Sau đó, khi đi tham quan, anh thấy những Nhân Chứng khác đang làm chứng nơi công cộng. Sau khi anh về nhà, hai người công bố làm chứng cho anh.
d HÌNH ẢNH: Người đàn ông ấy chấp nhận học Kinh Thánh. Cuối cùng anh hội đủ điều kiện để báp-têm.