“Sự sáng đã đến thế-gian”
“Vả, [căn bản] sự đoán-xét đó là như vầy: sự sáng đã đến thế-gian, mà người ta ưa sự tối-tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu-xa” (GIĂNG 3:19).
1. Tại sao mỗi người nên quan tâm đến sự phán xét của Đức Chúa Trời?
NHIỀU người ngày nay không màng đến sự phán xét của Đức Chúa Trời. Một số người nghĩ đương nhiên Đức Chúa Trời sẽ dễ dãi đối với họ nếu họ đi nhà thờ đều đặn và không làm hại người lân cận. Đối với nhiều người thì các điều dạy dỗ của những tôn giáo tự xưng theo đấng Christ về lửa địa ngục và lò luyện tội đã làm mất ý nghĩa tất cả sự hiểu biết về sự phán xét của Đức Chúa Trời. Nhưng sự thờ ơ của phần đông người ta và các sự dối trá của những tôn giáo tự xưng theo đấng Christ không thể thay đổi sự kiện là cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ phán xét mỗi người (Rô-ma 14:12; II Ti-mô-thê 4:1; Khải-huyền 20:13). Và nhiều thành quả sẽ tùy thuộc vào sự phán xét này. Những người được khen thưởng sẽ nhận được sự ban cho của Đức Chúa Trời về sự sống đời đời, trong khi những kẻ bị xử phạt sẽ nhận đầy đủ tiền công của tội lỗi, tức là sự chết (Rô-ma 6:23).
2. Đâu là nền tảng cho sự phán xét của Đức Chúa Trời?
2 Bởi vậy, các tín đồ chân thật của đấng Christ quan tâm đến sự phán xét của Đức Chúa Trời, và họ hết lòng ước muốn làm đẹp lòng Ngài. Họ có thể làm điều này thế nào? Nơi Giăng 3:19, Giê-su cho chúng ta biết cái bí quyết. Ngài nói: “Vả, [căn bản] sự đoán-xét đó là như vầy: sự sáng đã đến thế-gian, mà người ta ưa sự tối-tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu-xa”. Đúng, sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ dựa trên sự kiện người ta có yêu chuộng sự sáng thay vì sự tối tăm.
“Đức Chúa Trời là sự sáng”
3. Sự tối tăm là gì, và sự sáng là gì?
3 Hiểu theo ý nghĩa thiêng liêng, sự tối tăm liên can đến sự ngu dốt và vô vọng ngự trị trong thế giới của Sa-tan—dù Sa-tan thường làm ra vẻ mình là “thiên-sứ sáng-láng” (II Cô-rinh-tô 4:4; 11:14; Ê-phê-sô 6:12). Mặt khác, sự sáng liên can đến sự thông biết và sự thông sáng đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Phao-lô nói về sự sáng khi ông viết: “Vì Đức Chúa Trời,—là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối-tăm!—đã làm cho sự sáng Ngài chói-lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông-biết về vinh-hiển Đức Chúa Trời soi-sáng nơi mặt Chúa Giê-su Christ” (II Cô-rinh-tô 4:6). Sự sáng thiêng liêng được kết hợp chặt chẽ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời nhiều đến độ sứ đồ Giăng viết: “Đức Chúa Trời là sự sáng” (I Giăng 1:5; Khải-huyền 22:5).
4. a) Đức Giê-hô-va đã làm thế nào cho sự sáng có thể tìm thấy được? b) Chúng ta có thể biểu lộ sự yêu chuộng đối với sự sáng bằng cách nào?
4 Đức Giê-hô-va đã đem đến sự sáng qua lời của Ngài, và lời này ngày nay được phổ biến rộng rãi dưới hình thức cuốn Kinh-thánh (Thi-thiên 119:105; II Phi-e-rơ 1:19). Bởi vậy, người viết Thi-thiên đã chân thành biểu lộ lòng yêu chuộng sự sáng khi ông viết: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy. Linh-hồn tôi gìn-giữ chứng-cớ Chúa, tôi yêu-mến chứng-cớ ấy nhiều lắm” (Thi-thiên 119:97, 167). Bạn có rõ ràng yêu chuộng sự sáng nhiều như người viết Thi-thiên không? Bạn có đều đặn đọc Lời Đức Chúa Trời, suy gẫm và cố gắng hết sức áp dụng những gì Kinh-thánh nói không? (Thi-thiên 1:1-3). Nếu có, bạn đang tìm cách để nhận được sự khen thưởng đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
“Ta là sự sáng của thế-gian”
5. Sự sáng của Đức Chúa Trời hội tụ nơi ai?
5 Sự sáng ban cho sự sống đến từ Đức Giê-hô-va hội tụ nơi Giê-su Christ. Trong phần nhập đề sách Phúc-âm theo Giăng, chúng ta đọc: “Trong [Giê-su] có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối-tăm, tối-tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng” (Giăng 1:4, 5). Quả thật, Giê-su đã tiếp xúc gần gũi nhiều với sự sáng đến đỗi ngài được gọi là “sự sáng thật, khi đến thế-gian soi-sáng mọi người” (Giăng 1:9). Chính Giê-su đã nói: “Đương khi ta còn ở thế-gian, ta là sự sáng của thế-gian” (Giăng 9:5).
6. Một người phải làm gì để nhận được một sự khen thưởng dẫn đến sự sống đời đời?
6 Bởi vậy, những người yêu chuộng sự sáng thì yêu mến Giê-su và đặt đức tin nơi ngài. Không thể nào nhận được một sự khen thưởng nếu không nhờ cậy nơi Giê-su. Đúng, chỉ bằng cách tin tưởng nơi Giê-su như phương tiện cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã ấn định thì chúng ta mới có thể nhận được một sự khen thưởng. Giê-su nói: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36). Nhưng thực hành đức tin nơi Giê-su có nghĩa gì?
7. Đức tin nơi Giê-su bao hàm đức tin nơi ai khác nữa?
7 Trước hết, chính Giê-su có nói: “Ai tin ta, chẳng phải [chỉ] tin ta, nhưng [cũng] tin Đấng đã sai ta đến. Ta là sự sáng đã đến thế-gian, để ai tin ta, chẳng ở nơi tối-tăm nữa” (Giăng 12:44-46). Những người yêu mến Giê-su và thực hành đức tin nơi ngài thì cũng phải yêu mến sâu đậm và đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời và Cha của Giê-su là Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 22:37; Giăng 20:17). Bất cứ ai dùng danh Giê-su trong sự thờ phượng của họ nhưng lại không tôn trọng Đức Giê-hô-va nhiều hơn thì không bày tỏ sự yêu chuộng chân thật đối với sự sáng (Thi-thiên 22:27; Rô-ma 14:7, 8; Phi-líp 2:10, 11).
Đấng làm đầu cội rễ của sự sống
8. Sự sáng của Đức Chúa Trời hội tụ thế nào nơi Giê-su ngay trước khi Giê-su sanh ra làm người?
8 Thực hành đức tin nơi Giê-su cũng có nghĩa là hoàn toàn chấp nhận vai trò của Giê-su trong ý định của Đức Giê-hô-va. Lời của thiên sứ nói với Giăng nêu rõ tầm quan trọng của vai trò này: “Sự làm chứng cho Giê-su là đại-ý của lời tiên-tri” (Khải-huyền 19:10; Công-vụ các Sứ-đồ 10:43; II Cô-rinh-tô 1:20). Ngay từ lời tiên tri đầu tiên nơi vườn Ê-đen, toàn thể những lời tiên tri được Đức Chúa Trời soi dẫn cuối cùng đều liên can đến Giê-su và vị thế của ngài trong việc thực thi ý định của Đức Chúa Trời. Cũng thế, Phao-lô nói với tín đồ đấng Christ tại miền Ga-la-ti rằng giao ước Luật pháp Môi-se là “thầy-giáo [người giám hộ] đặng dẫn chúng ta đến đấng Christ” (Ga-la-ti 3:24). Giao ước Luật pháp thuở xưa đã được ấn định là sẽ sửa soạn dân chúng đón tiếp Giê-su đến làm đấng Mê-si. Như vậy ngay trước khi Giê-su sanh ra làm người, sự sáng từ Đức Giê-hô-va đã hội tụ nơi Giê-su.
9. Việc yêu chuộng sự sáng đòi hỏi gì kể từ năm 33 công nguyên (kỷ nguyên chung)?
9 Năm 29 công nguyên (kỷ nguyên chung) Giê-su xuất hiện để làm báp têm và được xức dầu bằng thánh linh, vậy ngài trở thành đấng Mê-si đã được hứa trước. Năm 33 công nguyên (kỷ nguyên chung), ngài chết—cái chết của một người hoàn toàn. Sau đó ngài được sống lại, lên trời và nơi đó ngài dâng giá trị của sự sống ngài để chuộc tội lỗi của chúng ta (Hê-bơ-rơ 9:11-14, 24). Hàng loạt các biến cố này đã đánh dấu một khúc quanh trong cách Đức Chúa Trời đối xử với loài người. Giê-su bây giờ là “Chúa của sự sống”, “đấng làm cội-rễ sự cứu-rỗi”, “cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin” (Công-vụ các Sứ-đồ 3:15; Hê-bơ-rơ 2:10; 12:2; Rô-ma 3:23, 24). Từ năm 33 công nguyên (kỷ nguyên chung) trở về sau, những người yêu chuộng sự sáng nhận ra, và chấp nhận rằng, ngoài Giê-su ra, “chẳng có sự cứu-rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:12).
10. Tại sao nghe và vâng theo lời Giê-su lại quan trọng như thế?
10 Thực hành đức tin nơi Giê-su cũng có nghĩa chấp nhận ngài như là “Ngôi-Lời” và “Đấng Mưu-luận” (Giăng 1:1; Ê-sai 9:5). Những gì Giê-su nói thì luôn luôn phản ảnh lẽ thật của Đức Chúa Trời (Giăng 8:28; Khải-huyền 1:1, 2). Vâng lời ngài là vấn đề sống chết. Giê-su nói với những người Do-thái thời ngài: “Ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán-xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống” (Giăng 5:24). Trong thế kỷ thứ nhất công nguyên (kỷ nguyên chung), những ai thi hành lời Giê-su phán dạy thì theo nghĩa bóng họ được giải cứu khỏi sự tối tăm của thế gian theo Sa-tan và đến với sự sống. Họ đã được xưng là công bình với triển vọng trở thành thừa kế với Giê-su trong Nước Trời (Ê-phê-sô 1:1; 2:1, 4-7). Ngày nay, vâng theo lời dạy dỗ của Giê-su mở đường cho nhiều người được xưng là công bình với triển vọng sống sót qua khỏi trận giặc Ha-ma-ghê-đôn và đạt đến sự sống của người hoàn toàn trong thế giới mới. (Khải-huyền 21:1-4; so sánh Giăng 2:21, 25).
“Đấng làm đầu...mọi sự”
11. Giê-su đã nhận được uy quyền cao quí nào năm 33 công nguyên (kỷ nguyên chung)?
11 Sau khi sống lại, Giê-su tiết lộ cho các môn đồ một khía cạnh khác của sự sáng. Ngài nói: “Hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta” (Ma-thi-ơ 28:18). Vậy Giê-su được tôn lên địa vị cao trọng trong tổ chức hoàn vũ của Đức Giê-hô-va. Phao-lô cho biết thêm những chi tiết khác khi nói: “[Đức Chúa Trời] khiến [đấng Christ] từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời, cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế-lực, mọi quân-chủ cùng mọi danh vang ra, không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa. Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chơn đấng Christ, và ban cho đấng Christ làm đầu Hội-thánh, Hội-thánh là thân-thể của đấng Christ” (Ê-phê-sô 1:20-23; Phi-líp 2:9-11). Kể từ năm 33 công nguyên (kỷ nguyên chung), những người yêu chuộng sự sáng nhìn nhận thêm địa vị cao cả này của Giê-su.
12. Các tín đồ xức dầu đã vui sướng đón nhận điều gì ngay từ thuở ban đầu, và họ đã tỏ điều này bằng một cách thực tế nào?
12 Cuối cùng, toàn thể nhân loại sẽ phải nhìn nhận quyền thế của Giê-su (Ma-thi-ơ 24:30; Khải-huyền 1:7). Tuy nhiên, những người yêu chuộng sự sáng đã vui sướng nhìn biết điều đó ngay từ lúc đầu. Những người xức dầu thuộc hội-thánh đấng Christ chấp nhận Giê-su làm “đầu của thân-thể, tức là đầu Hội-thánh” (Cô-lô-se 1:18; Ê-phê-sô 5:23). Khi họ làm thành phần của thân thể đó, họ được “giải-thoát...khỏi quyền của sự tối-tăm, làm cho [họ] dời qua nước của Con rất yêu-dấu Ngài” (Cô-lô-se 1:13). Bởi thế cho nên, họ hết lòng noi theo sự lãnh đạo của Giê-su dưới mọi khía cạnh trong đời sống của họ, và trong thời chúng ta họ dạy các “chiên khác” làm giống như vậy (Giăng 10:16). Chấp nhận sự lãnh đạo của Giê-su là điều kiện then chốt để nhận được một sự khen thưởng.
13. Giê-su đã bắt đầu nắm quyền trong Nước Trời khi nào, và điều gì diễn ra tiếp theo đó trên đất này?
13 Khi lên trời năm 33 công nguyên (kỷ nguyên chung), Giê-su không nắm ngay toàn quyền. Dù là Đầu hội-thánh đấng Christ, ngài chờ đợi cho đến đúng lúc để nắm toàn quyền trên nhân loại nói chung (Thi-thiên 110:1; Công-vụ các Sứ-đồ 2:33-35). Thời kỳ đó đã đến vào năm 1914, khi Giê-su được phong làm vua Nước Đức Chúa Trời và những “ngày sau-rốt” của thế gian bắt đầu (II Ti-mô-thê 3:1). Kể từ năm 1919, công việc gom góp những người xức dầu còn sót lại đã tiến hành đến giai đoạn cuối cùng. Đặc biệt là từ năm 1935, Giê-su đang phân chia nhân loại ra làm hai nhóm: “chiên” là những người sẽ thừa hưởng “[Nước Trời] đã sắm sẵn cho [họ]”, và “dê” là những kẻ sẽ “vào hình-phạt đời đời” (Ma-thi-ơ 25:31-34, 41, 46).
14. Một đám đông đã biểu lộ yêu chuộng sự sáng như thế nào, và kết quả là gì đối với họ?
14 Sung sướng thay, chiên đã tỏ ra đông đảo trong những ngày sau rốt này. Một đám đông chiên “bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra” tính được đến hàng triệu đã xuất hiện ra trên cục diện thế giới. Giống như các bạn đồng hành của họ là những người xức dầu, những người giống như chiên này cũng yêu chuộng sự sáng. Họ đã “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”, và cất tiếng lớn nói: “Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con”. Bởi lẽ đó, đám đông, như một tập thể, sẽ nhận được sự khen thưởng. Những người thuộc đám đông “ra khỏi cơn đại-nạn”, sống sót qua khỏi sự hủy diệt tại trận giặc Ha-ma-ghê-đôn nơi những kẻ yêu chuộng sự tối tăm phải chết (Khải-huyền 7:9, 10, 14).
“Các con sáng-láng”
15. Bằng cách nào các hành động của chúng ta tỏ ra cho thấy chúng ta phục tùng Vị Vua Giê-su Christ?
15 Tuy nhiên, làm sao trên thực tế, những người yêu chuộng sự sáng, dù họ là người xức dầu hoặc chiên khác, lại có thể phục tùng Giê-su là đấng đã được Đức Chúa Trời phong làm Vua và giữ chức Quan án? Một cách là cố gắng cư xử như hạng người mà Giê-su chấp nhận. Trong khi còn ở trên đất, Giê-su đã tỏ ra quí trọng các đức tính như sự thành thật, hết lòng và sốt sắng đối với lẽ thật, và chính ngài đã làm gương trong các đức tính này (Mác 12:28-34, 41-44; Lu-ca 10:17, 21). Nếu muốn nhận được sự khen thưởng, chúng ta phải vun trồng các đức tính như thế.
16. Tại sao lột bỏ việc làm thuộc về sự tối tăm là điều trọng yếu?
16 Chúng ta đặc biệt cần phải vun trồng các đức tính này bởi vì sự tối tăm của thế gian của Sa-tan càng ngày càng dày đặc hơn trong khi sự cuối cùng càng ngày càng gần đến (Khải-huyền 16:10). Do đó, những lời của Phao-lô viết cho người Rô-ma thật là thích hợp: “Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối-tăm mà mặc lấy áo giáp [vũ khí] sáng-láng. Hãy bước đi cách hẳn-hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say-sưa, buông-tuồng và bậy-bạ, rầy-rà và ghen-ghét” (Rô-ma 13:12, 13). Trong khi sự sống đời đời là một sự ban cho của Đức Chúa Trời, sự chân thật của đức tin và sự kiện chúng ta yêu chuộng sự sáng được thể hiện rõ qua các hành động của chúng ta (Gia-cơ 2:26). Bởi vậy, sự phán xét mà chúng ta nhận được phần lớn sẽ tùy thuộc vào mức độ chúng ta thực hành các việc tốt lành và tránh các việc ác.
17. “Mặc lấy Đức Chúa Giê-su Christ” có nghĩa gì?
17 Sau khi cho sự khuyên bảo nơi Rô-ma 13:12, 13, sứ đồ Phao-lô kết luận như sau: “Hãy mặc lấy Đức Chúa Giê-su Christ, chớ chăm-nom về xác-thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó” (Rô-ma 13:14). “Mặc lấy Đức Chúa Giê-su Christ” có nghĩa gì? Có nghĩa là các tín đồ đấng Christ nên theo sát Giê-su, bằng cách noi theo gương mẫu và bắt chước tâm tính của ngài, cố gắng làm giống như ngài vậy. Phi-e-rơ nói: “Anh em đã được kêu-gọi đến sự đó, vì đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi [sát theo] dấu chơn ngài” (I Phi-e-rơ 2:21).
18. Chúng ta cần phải đi đến sự thay đổi toàn diện nào nếu muốn nhận được sự khen thưởng?
18 Điều này thường đòi hỏi một tín đồ đấng Christ phải thay đổi toàn diện nếp sống. Phao-lô nói: “Vả, lúc trước anh em đương còn tối-tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng-láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng-láng; vì trái của sự sáng-láng ở tại mọi điều nhơn-từ, công-bình và thành-thật” (Ê-phê-sô 5:8, 9). Bất cứ người nào thực hành các công việc của sự tối tăm thì không phải là những người yêu chuộng sự sáng và sẽ không nhận được sự khen thưởng, trừ phi họ thay đổi.
“Các ngươi là sự sáng của thế-gian”
19. Một tín đồ đấng Christ có thể phản chiếu sự sáng bằng những cách khác nhau nào?
19 Cuối cùng, yêu chuộng sự sáng có nghĩa là phản chiếu sự sáng hầu cho những người khác có thể nhìn thấy và để họ được lôi kéo đến gần sự sáng. Giê-su nói: “Các ngươi là sự sáng của thế-gian”. Và ngài nói thêm: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi-khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:14, 16). Các việc lành của tín đồ đấng Christ gồm có việc thể hiện đủ loại nhân từ, công bình và lẽ thật, bởi lẽ hạnh kiểm tốt dường ấy làm chứng tốt cho lẽ thật (Ga-la-ti 6:10; I Phi-e-rơ 3:1). Các việc lành đặc biệt bao gồm việc nói với người khác về lẽ thật. Ngày nay, điều này có nghĩa là tham gia một chương trình thế giới nhằm rao giảng “[tin mừng] nầy về Nước Trời...ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân”. Điều này cũng có nghĩa là kiên nhẫn trở lại thăm viếng những người chú ý, học hỏi Kinh-thánh với họ và giúp đỡ chính họ mang lại bông trái của các việc làm thuộc về sự sáng (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20).
20. a) Ngày nay sự sáng chói lọi như thế nào? b) Những người hưởng ứng sự sáng vui hưởng những ân phước nào?
20 Thời nay, nhờ hoạt động rao giảng sốt sắng của các tín đồ đấng Christ trung thành, tin mừng về Nước Trời được phổ biến trong hơn 200 nước, và sự sáng chói lọi hơn bao giờ hết. Giê-su nói: “Ta là sự sáng của thế-gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối-tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12). Thật là một niềm vui được tham gia vào việc thực hiện lời hứa này! Bây giờ đời sống của chúng ta càng phong phú hơn và chúng ta không còn tiều tụy trong sự tối tăm của thế gian theo Sa-tan nữa. Và triển vọng của chúng ta thật là kỳ diệu trong khi chúng ta chờ đợi trông mong một sự khen thưởng đến từ Quan án do Đức Giê-hô-va bổ nhiệm (II Ti-mô-thê 4:8). Thật là một thảm kịch cho chúng ta, nếu sau khi bước ra sự sáng chúng ta lại lầm lạc quay trở lại vào trong sự tối tăm và nhận lãnh sự xử phạt! Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ thảo luận về cách chúng ta có thể đứng vững trong đức tin.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Đâu là nền tảng cho sự phán xét của Đức Chúa Trời?
◻ Giê-su đóng vai trò then chốt nào trong các ý định của Đức Giê-hô-va?
◻ Chúng ta chứng tỏ thế nào rằng chúng ta phục tùng Giê-su là đấng đã được Đức Giê-hô-va phong làm Vua?
◻ Chúng ta có thể chứng tỏ là “các con sáng-láng” như thế nào?
◻ Trong sự tối tăm của thế gian này, bằng cách nào sự sáng chói lọi hơn bao giờ hết?
[Hình nơi trang 15]
Cuối cùng, toàn thể nhân loại sẽ phải công nhận uy quyền của Giê-su
[Hình nơi trang 17]
Chúng ta tỏ ra yêu chuộng sự sáng khi chúng ta phản chiếu sự sáng đến những người khác