Đức Giê-hô-va—Đấng yêu chuộng sự công bình và công lý
MỘT em gái trẻ ở Sarajevo tự hỏi tại sao trẻ con trong thành phố của em phải chịu nhiều đau khổ đến thế. Em nói: “Chúng em đâu có làm gì đâu. Chúng em vô tội”. Những bà mẹ quẫn trí người Á Căn Đình, biểu tình tại quảng trường ở Buenos Aires khoảng 15 năm nay, để phản đối việc các con trai của họ bị mất tích. Emmanuel, một người Phi Châu có người mẹ và ba chị bị giết một cách dã man khi cuộc bạo động giữa các sắc dân bùng nổ, khẳng định: “Mỗi người phải được phần thưởng đích đáng của mình... Chúng tôi muốn có sự công bình”.
Sự công bình là một trong những đức tính chính của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Kinh-thánh nói: “Các đường-lối Ngài là công-bình”. Thật vậy, Đức Giê-hô-va là “Đấng yêu chuộng sự công bình và công lý” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Thi-thiên 33:5, NW). Muốn biết rõ về Đức Chúa Trời, chúng ta phải hiểu quan điểm của ngài về sự công bình và tập noi theo quan điểm đó (Ô-sê 2:19, 20; Ê-phê-sô 5:1).
Khái niệm của chúng ta về sự công bình có lẽ bị ảnh hưởng bởi những gì người ta nghĩ về đức tính này. Tại một vài nơi trên thế giới, công lý thường được tiêu biểu bằng hình một phụ nữ che mắt lại, tay cầm thanh gươm và bộ cân. Công lý của loài người được cho là không thiên vị, tức là không bị ảnh hưởng bởi sự giàu có hay quyền thế. Lẽ công lý phải được cân nhắc kỹ càng trong bộ cân để phán quyết xem bị cáo có tội hay vô tội. Với thanh gươm, công lý phải bảo vệ người vô tội và trừng phạt kẻ phạm tội.
Một sách (Right and Reason—Ethics in Theory and Practice) nói rằng “công lý có liên hệ đến luật pháp, bổn phận, quyền lợi và trách nhiệm, và thưởng phạt một cách không thiên vị hay tùy theo việc làm của một người”. Nhưng công lý của Đức Giê-hô-va còn đi xa hơn thế nữa. Chúng ta có thể thấy điều này khi xem xét những hành động và đức tính của Giê-su Christ, là đấng rất giống Cha trên trời của ngài (Hê-bơ-rơ 1:3).
Người viết sách Phúc Âm là Ma-thi-ơ áp dụng những lời nơi Ê-sai 42:3 cho Giê-su khi nói: “Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, cho đến chừng nào người khiến sự công-bình được thắng”. Giê-su tuyên bố thông điệp đầy an ủi cho những người giống như cây sậy bị dập, bị gãy và ngay cả bị chà đạp nữa. Họ giống như cái tim đèn gần tàn, ánh sinh quang cuối cùng gần như tắt lịm. Thay vì chà đạp cây sậy bị dập cũng như dập tắt cái tim đèn gần tàn theo nghĩa bóng, Giê-su thương xót những người khốn khổ, ngài dạy dỗ và chữa bệnh cho họ, và giúp họ hiểu rõ sự công bình của Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 12:10-21). Như lời tiên tri của Ê-sai báo trước, sự công bình như thế mang đến niềm hy vọng.
Sự thương xót và công lý của Đức Giê-hô-va
Sự thương xót là một phần cốt yếu của công lý Đức Chúa Trời. Điều này được làm nổi bật khi Giê-su ở trên đất. Ngài thể hiện một cách hoàn toàn các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, các thầy thông giáo Do Thái và người Pha-ri-si cố gắng đạt được sự công bình qua cách vâng theo một bộ luật khắt khe—phần nhiều là do họ đặt ra. Vì sự công bình của họ tôn trọng quá mức đến luật pháp nên họ thường bỏ qua sự thương xót. Nhiều cuộc tranh cãi giữa Giê-su và người Pha-ri-si tập trung vào vấn đề này: Công lý và sự công bình thật là gì? (Ma-thi-ơ 9:10-13; Mác 3:1-5; Lu-ca 7:36-47).
Giê-su minh họa làm sao đối xử với người khác theo lẽ công lý và công bình. Có lần một người thông thạo Luật pháp hỏi Giê-su là phải làm điều gì để hưởng được sự sống đời đời. Để đáp lại, Giê-su hỏi ông một câu hỏi và khen ông khi ông trả lời rằng hai điều luật quan trọng nhất là phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí và hết sức kính mến Đức Chúa Trời và yêu thương người lân cận như mình. Rồi ông này hỏi: “Ai là người lân-cận tôi?” Giê-su trả lời bằng cách kể lại chuyện ví dụ về người Sa-ma-ri có tình láng giềng (Lu-ca 10:25-37).
Sự công bình và công lý đầy thương xót của Đức Giê-hô-va được làm nổi bật trong chuyện ví dụ của Giê-su về người Sa-ma-ri. Khi giúp đỡ một cách vô vụ lợi một người bị thương mà ông không quen biết, người Sa-ma-ri đã làm một điều ngay thẳng, công bằng và thương xót. Chính Giê-su đã biểu lộ cùng tinh thần đó khi ở trên đất. Ngài công bình và chính trực. Hơn nữa, ngài hy sinh mạng sống cho những người túng thiếu, cho loài người tội lỗi và bất toàn phải chịu đau khổ, bệnh tật và sự chết. Sứ đồ Phao-lô liên kết sự công bình với sự ban cho về giá chuộc. Ông viết: “Như bởi chỉ một tội mà sự đoán-phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công-bình mà sự xưng công-bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy” (Rô-ma 5:18). “Đức Chúa Trời dùng một việc công-bình” này để cứu loài người biết vâng lời khỏi hậu quả thảm thương do tội lỗi A-đam gây ra, là điều mà loài người không trực tiếp chịu trách nhiệm.
Qua công lý, Đức Chúa Trời tìm cách chuộc loài người tội lỗi và đồng thời ủng hộ các nguyên tắc công bình. Làm ngơ trước tội lỗi là điều không công bằng và không thương xót, vì làm thế sẽ khuyến khích người ta phạm pháp. Mặt khác, nếu công lý của Đức Chúa Trời chỉ giới hạn trong việc thưởng phạt, thì tình cảnh của loài người sẽ trở nên vô vọng. Theo Kinh-thánh, “tiền công của tội-lỗi là sự chết” và “chẳng có một người công-bình nào hết, dẫu một người cũng không” (Rô-ma 3:10; 6:23). Chính Đức Giê-hô-va và Con yêu dấu của ngài đã chịu mất mát thật nhiều khi ngài cung cấp sự hy sinh làm giá chuộc cho tội lỗi (I Giăng 2:1, 2).
Giá chuộc cho thấy công lý của Đức Chúa Trời gắn liền với tình yêu thương dựa trên nguyên tắc (chữ Hy Lạp, a·gaʹpe). Thật vậy, công lý của Đức Chúa Trời là việc thực hiện các nguyên tắc công bình của ngài—phản ảnh tiêu chuẩn của ngài về đạo đức. Do đó, khi áp dụng cho Đức Chúa Trời thì tình yêu thương a·gaʹpe làm nền tảng cho công lý của ngài (Ma-thi-ơ 5:43-48). Vậy khi chúng ta thật sự hiểu rõ công lý của Đức Giê-hô-va, thì chúng ta sẽ tin cậy tuyệt đối nơi luật pháp của ngài. Với tư cách là “Đấng đoán-xét toàn thế-gian”, ngài luôn luôn làm điều công bình (Sáng-thế Ký 18:25; Thi-thiên 119:75).
Bắt chước sự công bình của Đức Giê-hô-va
Kinh-thánh khuyên chúng ta “hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 5:1). Điều này có nghĩa là bắt chước sự công bình cũng như tình yêu thương của ngài. Tuy nhiên, vì bất toàn, đường lối của chúng ta không cao quí bằng đường lối của Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Ê-sai 55:8, 9; Ê-xê-chi-ên 18:25). Vậy làm thế nào chúng ta có thể tỏ ra là người yêu chuộng sự công bình và công lý? Bằng cách mặc lấy “người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:24). Khi làm thế chúng ta sẽ yêu chuộng những gì Đức Chúa Trời yêu chuộng và ghét những gì ngài ghét. “Sự công-bình... của lẽ thật” tránh xa sự hung bạo, vô luân, ô uế và sự bội đạo, vì những điều này vi phạm những điều thánh khiết (Thi-thiên 11:5; Ê-phê-sô 5:3-5; II Ti-mô-thê 2:16, 17). Công lý của Đức Chúa Trời cũng thúc đẩy chúng ta bày tỏ lòng quan tâm chân thật đối với người khác (Thi-thiên 37:21; Rô-ma 15:1-3).
Hơn nữa, nếu chúng ta quí trọng bản chất thương xót của công lý Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không có khuynh hướng đoán xét các anh em thiêng liêng. Làm sao chúng ta có thể hiểu họ rõ bằng Đức Giê-hô-va được? Chẳng phải chúng ta đoán xét họ dựa theo quan điểm thiên vị của chính mình hay sao? Vì thế, Giê-su cảnh cáo: “Các ngươi đừng đoán-xét ai, để mình khỏi bị đoán-xét. Vì các ngươi đoán-xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán-xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy. Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả-hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được” (Ma-thi-ơ 7:1-5). Việc tự kiểm điểm một cách thành thật những điểm bất toàn nơi mình sẽ giúp chúng ta tránh đoán xét theo cách mà Đức Giê-hô-va xem là không công bình.
Các trưởng lão được bổ nhiệm trong hội thánh có bổn phận phán xét trong những vụ phạm tội nặng (I Cô-rinh-tô 5:12, 13). Khi phán xét, họ nhớ rằng công lý của Đức Chúa Trời tìm cách tỏ lòng thương xót khi có thể được. Nếu không có căn cứ để thương xót—như trong trường hợp của người phạm tội mà không ăn năn—các trưởng lão không thể tỏ lòng thương xót. Tuy thế, họ không khai trừ một người phạm tội ấy khỏi hội thánh vì có ác ý. Họ hy vọng rằng chính hành động khai trừ sẽ làm người đó thức tỉnh. (So sánh Ê-xê-chi-ên 18:23). Dưới quyền làm đầu của đấng Christ, trưởng lão phục vụ cho quyền lợi của công lý, và điều này bao gồm việc tỏ mình giống như “nơi núp gió và chỗ che bão-táp” (Ê-sai 32:1, 2). Do đó, họ phải tỏ ra không thiên vị và có tính phải lẽ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:16, 17).
Gieo giống trong sự công bình
Trong khi chờ đợi thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời, chúng ta phải “tìm-kiếm sự công-bình” để có được ân huệ của Đức Chúa Trời (Sô-phô-ni 2:3; II Phi-e-rơ 3:13). Ý tưởng này được miêu tả một cách tuyệt vời qua những lời ghi nơi Ô-sê 10:12: “Hãy gieo cho mình trong sự công-bình, hãy gặt theo sự nhơn-từ; hãy vỡ đất mới! Vì là kỳ tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, cho đến chừng nào Ngài đến và sa mưa công-bình trên các ngươi”.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có nhiều cơ hội để ‘gieo trong sự công-bình’, như Giê-su đã minh họa trong chuyện ngụ ngôn về người Sa-ma-ri có tình láng giềng. Đức Giê-hô-va sẽ đảm bảo sao cho chúng ta “gặt theo sự nhơn-từ”. Nếu cứ đi trên “đường công-nghĩa”, chúng ta sẽ tiếp tục nhận được sự chỉ dẫn trong sự công bình dưới sự cai trị của Nước Trời (Ê-sai 40:14). Với thời gian trôi qua, chắc chắn chúng ta sẽ càng ngày càng quí trọng sự kiện Đức Giê-hô-va là Đấng yêu chuộng sự công bình và công lý (Thi-thiên 33:4, 5, NW).
[Hình nơi trang 23]
Người Sa-ma-ri có tình láng giềng tiêu biểu cho công lý của Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 23]
Giê-su thương xót người khốn khổ, họ giống như cây sậy bị dập