KINH NGHIỆM
Chịu đựng thử thách đem lại ân phước
Viên sĩ quan KGB quát: “Anh là người cha độc ác.a Anh đã bỏ rơi người vợ đang mang thai và con gái bé nhỏ. Ai sẽ nuôi và chăm sóc họ? Hãy từ bỏ các hoạt động và về nhà đi!”. Tôi đáp: “Không, tôi không bỏ rơi gia đình. Chính các ông đã bắt tôi! Về tội gì?”. Viên sĩ quan vặn vẹo: “Phạm bất cứ tội gì còn tốt hơn làm một Nhân Chứng”.
Cuộc đối thoại ấy diễn ra tại một nhà tù trong thành phố Irkutsk ở Nga năm 1959. Tôi xin kể lại tại sao vợ tôi là Maria và tôi sẵn sàng “chịu khổ vì sự công chính” và cách chúng tôi được ban phước vì tiếp tục trung thành.—1 Phi 3:13, 14.
Tôi sinh ra trong làng Zolotniki ở Ukraine năm 1933. Năm 1937, vợ chồng người dì của tôi, đều là Nhân Chứng, từ Pháp đến thăm và để lại cho chúng tôi sách Chính phủ (Government) và Sự giải cứu (Deliverance), do Hội Tháp Canh xuất bản. Khi đọc những cuốn sách ấy, đức tin của cha tôi nơi Đức Chúa Trời được đánh thức. Đáng buồn là năm 1939, ông trở bệnh nặng nhưng trước khi mất, ông bảo mẹ tôi: “Đây là sự thật. Hãy dạy cho các con”.
SIBERIA—CÁNH ĐỒNG RAO GIẢNG MỚI
Tháng 4 năm 1951, các nhà cầm quyền bắt đầu lưu đày các Nhân Chứng từ miền tây Liên bang Xô Viết (USSR) đến Siberia. Tôi bị đày từ miền tây Ukraine cùng với mẹ và em trai là Grigory. Sau chuyến đi hơn 6.000km bằng xe lửa, chúng tôi đến thành phố Tulun ở Siberia. Hai tuần sau, anh trai tôi là Bogdan đến trại khổ sai trong thành phố Angarsk, gần Tulun. Anh ấy bị kết án 25 năm lao động khổ sai.
Mẹ, Grigory và tôi rao giảng trong các khu trại quanh Tulun, nhưng chúng tôi phải hết sức khéo léo. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ hỏi: “Có ai ở đây muốn bán bò không?”. Khi thấy ai có bò để bán, chúng tôi sẽ cho người đó biết con bò được tạo ra đáng kinh ngạc thế nào. Chẳng bao lâu, chúng tôi nói về Đấng Tạo Hóa. Vào thời gian đó, một bài báo viết rằng các Nhân Chứng hỏi về bò nhưng thực chất là đang tìm kiếm chiên. Và chúng tôi đã tìm được những người như chiên! Thật thú vị khi học hỏi Kinh Thánh với những người khiêm nhường và hiếu khách trong khu vực chưa được chỉ định cho hội thánh nào! Ngày nay, có một hội thánh với hơn 100 người công bố ở Tulun.
ĐỨC TIN CỦA MARIA BỊ THỬ THÁCH RA SAO?
Vợ tôi là Maria học chân lý ở Ukraine vào giữa Thế Chiến II. Khi cô ấy 18 tuổi, một viên sĩ quan của KGB bắt đầu quấy rối và cố gây áp lực để khiến cô ấy quan hệ với anh ta, nhưng cô ấy đã cương quyết từ chối. Một ngày nọ, cô ấy trở về nhà và thấy người đàn ông đó đang nằm trên giường của mình. Maria bỏ chạy. Viên sĩ quan giận dữ và dọa bỏ tù cô ấy vì là Nhân Chứng. Do đó vào năm 1952, Maria bị kết án mười năm tù. Cô ấy thấy mình giống Giô-sép, người đã bị tù vì giữ lòng trung kiên (Sáng 39:12, 20). Tài xế chở Maria từ phòng xử án đến nhà tù đã nói với cô ấy: “Đừng sợ. Nhiều người đi tù nhưng khi trở về vẫn còn trong trắng”. Những lời đó đã củng cố cô ấy.
Từ năm 1952 đến 1956, Maria phải làm việc trong trại khổ sai gần thành phố Gorkiy (nay là Nizhniy Novgorod) ở Nga. Cô ấy bị bắt đi nhổ cây ngay cả trong thời tiết lạnh giá. Sức khỏe của cô ấy bị ảnh hưởng, nhưng năm 1956 cô ấy được thả ra và đến Tulun.
XA CÁCH VỢ CON
Khi một anh ở Tulun nói rằng có một chị sắp đến, tôi lấy xe đạp chạy đến trạm xe buýt để gặp chị ấy và xin được giúp chở hành lý. Khi gặp Maria, tôi đã thích cô ấy ngay từ cái nhìn đầu tiên. Việc chinh phục trái tim cô ấy đòi hỏi nỗ lực, nhưng tôi đã thành công. Chúng tôi kết hôn năm 1957. Một năm sau, con gái của chúng tôi là Irina chào đời, nhưng niềm vui được chung sống với cô ấy bị rút ngắn. Năm 1959, tôi bị bắt vì in ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Tôi bị biệt giam trong nửa năm. Để giữ được sự bình an trong thời gian đó, tôi thường xuyên cầu nguyện, hát bài ca Nước Trời và hình dung cách mình sẽ rao giảng nếu được thả ra.
Khi ở tù, trong một cuộc thẩm vấn, viên thanh tra hét lớn: “Chẳng bao lâu, chúng tôi sẽ giẫm nát mấy người như giẫm chuột trên sàn nhà!”. Tôi đáp: “Chúa Giê-su nói rằng tin mừng về Nước Trời SẼ được rao giảng cho muôn dân và không ai có thể ngăn cản”. Sau đó, viên thanh tra đổi chiến thuật và cố gây áp lực khiến tôi từ bỏ đức tin, như tôi đã nói trong phần giới thiệu. Khi lời đe dọa và dụ dỗ không có tác dụng, họ kết án tôi bảy năm lao động trong trại khổ sai gần thành phố Saransk. Trên đường đến trại khổ sai, tôi biết tin con gái thứ hai là Olga ra đời. Dù xa cách vợ và các con gái, tôi được an ủi khi biết rằng vợ chồng tôi vẫn trung thành với Đức Giê-hô-va.
Mỗi năm một lần, Maria đến Saransk để thăm tôi, dù chuyến đi bằng xe lửa từ Tulun và trở về mất 12 ngày. Mỗi năm, vợ tôi mang cho tôi một đôi giày cao cổ mới. Trong gót giày có giấu những Tháp Canh mới nhất. Có một năm, cuộc viếng thăm của Maria rất đặc biệt vì cô ấy dắt theo hai con gái. Hãy hình dung tôi cảm động thế nào khi thấy và được ở cùng vợ con!
NHỮNG NƠI MỚI VÀ THỬ THÁCH MỚI
Năm 1966, tôi được thả khỏi trại khổ sai và bốn người chúng tôi chuyển đến thành phố Armavir, gần Biển Đen. Ở đó, các con trai của chúng tôi là Yaroslav và Pavel được sinh ra.
Không lâu sau, các sĩ quan của KGB bắt đầu khám xét nhà chúng tôi để tìm ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Họ lục lọi khắp nơi, ngay cả trong đồ ăn của bò. Vào một lần, các sĩ quan đổ mồ hôi nhễ nhại và quần áo đầy bụi bẩn. Maria tội nghiệp cho họ vì họ chỉ làm theo mệnh lệnh. Cô ấy rót cho họ nước trái cây rồi đem bàn chải phủi bụi quần áo, thau nước và khăn cho họ. Sau đó, khi sĩ quan trưởng của KGB đến, các sĩ quan kể cho ông ấy nghe về việc họ được đối xử tử tế. Khi họ đi, sĩ quan trưởng mỉm cười và vẫy chào chúng tôi. Chúng tôi vui khi thấy việc cố gắng “luôn lấy điều thiện thắng điều ác” mang lại kết quả tốt.—Rô 12:21.
Dù bị khám xét, chúng tôi tiếp tục rao giảng ở Armavir. Chúng tôi cũng giúp củng cố một nhóm nhỏ ở gần thị trấn Kurganinsk. Tôi rất vui mừng khi biết ngày nay có sáu hội thánh ở Armavir và bốn ở Kurganinsk.
Trong nhiều năm, có những lúc chúng tôi bị suy yếu về thiêng liêng. Nhưng chúng tôi biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài dùng các anh trung thành để chỉnh sửa và củng cố chúng tôi về thiêng liêng (Thi 130:3). Việc phụng sự bên cạnh những điệp viên của KGB, người được cài vào hội thánh mà chúng tôi không biết, cũng là thử thách gay go với chúng tôi. Họ tỏ vẻ rất sốt sắng và tích cực trong thánh chức. Thậm chí, một số người còn nhận được trách nhiệm trong tổ chức. Dù vậy với thời gian, chúng tôi phát hiện ra họ thật sự là ai.
Năm 1978, khi Maria 45 tuổi, cô ấy mang thai lần nữa. Vì Maria bị bệnh tim mãn tính, nên các bác sĩ lo cho tính mạng của cô ấy và cố thuyết phục cô ấy bỏ thai. Maria từ chối. Do đó, một số bác sĩ chạy theo cô ấy khắp nơi trong bệnh viện với một ống tiêm để cố tiêm thuốc và thúc ép sinh sớm. Để bảo vệ đứa bé trong bụng, Maria chạy trốn khỏi bệnh viện.
KGB ra lệnh cho chúng tôi rời khỏi thành phố. Chúng tôi chuyển đến một làng gần thành phố Tallinn ở Estonia, thời đó là một phần của Liên bang Xô Viết. Ở Tallinn, trái với dự đoán của các bác sĩ, Maria sinh một con trai khỏe mạnh là Vitaly.
Sau này, chúng tôi chuyển từ Estonia đến khu dân cư của Nezlobnaya ở miền nam nước Nga. Chúng tôi thận trọng rao giảng ở khu nghỉ dưỡng gần đó, nơi mà người từ mọi miền đất nước đến tham quan. Họ đến đây vì lý do sức khỏe, nhưng một số rời khỏi với hy vọng sống vĩnh cửu!
NUÔI DẠY CON YÊU THƯƠNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
Chúng tôi cố gắng khắc ghi vào lòng các con tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và ước muốn phụng sự ngài. Chúng tôi thường mời những anh có ảnh hưởng tốt đến các con tới nhà chơi. Một khách thường xuyên là Grigory, em trai tôi, làm giám thị lưu động từ năm 1970 đến 1995. Cả gia đình tôi thích các cuộc viếng thăm của em ấy, vì em là người vui vẻ và khôi hài. Khi nhà có khách, chúng tôi thường chơi trò đố Kinh Thánh và con cái chúng tôi dần yêu thích các lời tường thuật của Kinh Thánh.
Năm 1987, con trai chúng tôi là Yaroslav chuyển đến thành phố Riga ở Latvia, nơi mà con có thể tự do rao giảng hơn. Nhưng khi từ chối nhập ngũ, Yaroslav bị kết án một năm rưỡi tù và bị giam trong chín nhà tù khác nhau. Trước đây, tôi kể cho con về kinh nghiệm ở tù của mình và điều này đã giúp con chịu đựng. Sau một thời gian, con bắt đầu làm tiên phong. Năm 1990, con trai Pavel của chúng tôi được 19 tuổi và muốn làm tiên phong ở Sakhalin, một đảo nằm ở phía bắc Nhật Bản. Lúc đầu, chúng tôi không muốn con đi. Cả đảo chỉ có 20 người công bố, và chúng tôi sống cách đảo hơn 9.000km. Nhưng cuối cùng chúng tôi đồng ý và đó là quyết định đúng. Nhiều người ở đó hưởng ứng thông điệp Nước Trời. Chỉ trong vài năm đã có tám hội thánh. Pavel phụng sự ở Sakhalin cho đến năm 1995. Lúc ấy, chỉ có con trai út là Vitaly vẫn ở nhà. Từ khi còn nhỏ, cháu đã yêu thích đọc Kinh Thánh. Khi được 14 tuổi, Vitaly bắt đầu làm tiên phong và tôi cũng làm tiên phong với con được hai năm. Thời gian ấy thật tuyệt! Khi 19 tuổi, Vitaly rời nhà và làm tiên phong đặc biệt.
Trước đây vào năm 1952, một sĩ quan KGB đã nói với Maria: “Từ bỏ đức tin hoặc là mười năm tù. Khi ra tù, cô sẽ già và cô đơn”. Nhưng mọi việc diễn ra rất khác. Chúng tôi cảm nghiệm được tình yêu thương của Đức Chúa Trời thành tín, Đức Giê-hô-va, của các con và của nhiều người mà chúng tôi có đặc ân giúp họ tìm được chân lý. Vợ chồng tôi có niềm vui khi thăm những nơi mà các con phụng sự. Chúng tôi thấy được lòng biết ơn của những người mà các con chúng tôi giúp học về Đức Giê-hô-va.
BIẾT ƠN VỀ SỰ TỐT LÀNH CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
Năm 1991, hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va được công nhận về mặt pháp lý. Điều này tạo động lực mới cho anh em trong công việc rao giảng. Thậm chí, hội thánh của chúng tôi đã mua một chiếc xe buýt để chúng tôi có thể đi đến những thị trấn và làng lân cận vào mỗi cuối tuần.
Tôi vui vì vợ chồng Yaroslav và Alyona, Pavel và Raya phụng sự tại Bê-tên, còn vợ chồng Vitaly và Svetlana làm công việc vòng quanh. Con gái lớn của chúng tôi là Irina và gia đình sống ở Đức. Con rể Vladimir và cả ba cháu trai đều làm trưởng lão. Con gái chúng tôi là Olga sống ở Estonia và thường xuyên gọi điện cho tôi. Đáng buồn là người vợ yêu dấu của tôi, Maria, đã qua đời năm 2014. Tôi rất trông mong được gặp cô ấy khi cô ấy sống lại! Bây giờ, tôi sống ở thành phố Belgorod và anh em ở đây giúp đỡ tôi rất nhiều.
Những năm phụng sự Đức Giê-hô-va dạy tôi rằng việc giữ lòng trung kiên đòi hỏi sự hy sinh, nhưng bù lại Đức Giê-hô-va ban sự bình an nội tâm là điều vô cùng quý giá. Vì trung thành, vợ chồng tôi nhận được ân phước ngoài sức tưởng tượng của tôi. Trước khi Liên bang Xô Viết tan rã vào năm 1991, chỉ có hơn 40.000 người công bố. Ngày nay, có hơn 400.000 người công bố trong những nước mà trước đây thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Hiện giờ, tôi đã 83 tuổi và vẫn làm trưởng lão. Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, tôi luôn có sức để chịu đựng. Thật vậy, Đức Giê-hô-va ban thưởng dồi dào cho tôi.—Thi 13:5, 6.
a KGB là tên viết tắt trong tiếng Nga cho Cơ quan Tình báo của chính quyền Xô Viết.