Giúp người ta đến gần Đức Giê-hô-va
“Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”.—GIĂNG 14:6.
1. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su ban lệnh nào cho môn đồ, và khi Nhân Chứng Giê-hô-va vâng theo lệnh đó, họ được kết quả nào?
CHÚA GIÊ-SU CHRIST ban lệnh cho môn đồ ngài “hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ”. (Ma-thi-ơ 28:19) Trong mười năm qua, Nhân Chứng Giê-hô-va đã giúp hơn ba triệu người đến với Đức Chúa Trời, rồi làm báp têm cho họ biểu trưng việc họ dâng mình để làm theo ý Ngài. Chúng ta vui mừng biết bao khi giúp họ đến gần Đức Chúa Trời!—Gia-cơ 4:8.
2. Dù nhiều người mới đã làm báp têm, chúng ta thấy có điều gì xảy ra?
2 Tuy nhiên, tại một số nước, nơi có nhiều người mới đã làm báp têm, số người công bố về Nước Trời không gia tăng tương ứng với số môn đồ mới. Dĩ nhiên là phải kể một số người đã chết, tỉ số tử vong hàng năm là 1 phần trăm. Nhưng trong vài năm qua, một số người từ bỏ lẽ thật vì lý do nào đó. Tại sao? Trong bài này và bài tới, chúng ta sẽ xem xét người ta được thu hút đến với Đức Giê-hô-va như thế nào và những lý do có thể là nguyên nhân tại sao một số lại từ bỏ.
Mục đích của việc rao giảng
3. (a) Sứ mệnh được giao cho các môn đồ của Chúa Giê-su trùng hợp với sứ mệnh của thiên sứ được nói nơi Khải-huyền 14:6 như thế nào? (b) Cách nào là hữu hiệu để gợi người ta chú ý đến thông điệp Nước Trời, nhưng có vấn đề nào xảy ra?
3 Trong “thời kỳ cuối cùng” này, môn đồ Chúa Giê-su có sứ mệnh rao truyền “sự hiểu biết thật” về “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời”. (Đa-ni-ên 12:4, NW; Ma-thi-ơ 24:14) Sứ mệnh của họ trùng hợp với sứ mệnh của thiên sứ “có Tin-lành đời đời, đặng rao-truyền cho dân-cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc”. (Khải-huyền 14:6) Trong thế gian này, người ta rất bận rộn với những vấn đề thế tục, thường thì cách hữu hiệu nhất để khiến người ta chú ý đến Nước Đức Chúa Trời và giúp họ đến gần với Đức Giê-hô-va là nói cho họ biết về hy vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất. Dù điều này dễ hiểu, nhưng những ai kết hợp với dân tộc của Đức Chúa Trời chỉ vì muốn sống trong Địa Đàng thì họ không đi vững vàng trên con đường hẹp dẫn đến sự sống.—Ma-thi-ơ 7:13, 14.
4. Theo Chúa Giê-su và thiên sứ bay giữa trời, mục đích của việc chúng ta rao giảng là gì?
4 Chúa Giê-su nói: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Thiên sứ bay giữa trời rao truyền “Tin-lành đời đời” và nói với những người ở trên đất: “Hãy kính-sợ Đức Chúa Trời, và tôn-vinh Ngài, vì giờ phán-xét của Ngài đã đến; hãy thờ-phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước”. (Khải-huyền 14:7) Do đó, mục đích tối hậu của việc chúng ta rao giảng tin mừng là giúp người ta đến gần Đức Giê-hô-va qua trung gian Chúa Giê-su Christ.
Vai trò của chúng ta trong công việc của Đức Giê-hô-va
5. Phao-lô và Chúa Giê-su nói gì chứng tỏ rằng chúng ta đang làm công việc của Đức Giê-hô-va chứ không phải của chúng ta?
5 Viết cho các anh em tín đồ Đấng Christ được xức đầu, sứ đồ Phao-lô nói về “chức-vụ giảng-hòa” và nói rằng Đức Chúa Trời làm người ta hòa thuận lại với Ngài trên căn bản của sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ. Phao-lô nói rằng đó “cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên-bảo” và “chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài-xin anh em: hãy hòa-thuận lại với Đức Chúa Trời”. Quả là một ý tưởng làm ấm lòng! Dù chúng ta là “khâm-sai” được xức dầu của Đấng Christ hoặc là những sứ giả có hy vọng sống trên đất, chúng ta không bao giờ nên quên rằng đây là công việc của Đức Giê-hô-va chứ không phải của chúng ta. (2 Cô-rinh-tô 5:18-20) Chính Đức Chúa Trời kéo người ta đến với Ngài và dạy những người đến với Đấng Christ. Chúa Giê-su nói: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta, và ta sẽ làm cho người đó sống lại nơi ngày sau-rốt. Các sách tiên-tri có chép rằng: Ai nấy đều sẽ được Đức Chúa Trời dạy-dỗ. Hễ ai đã nghe Cha và học theo Ngài thì đến cùng ta”.—Giăng 6:44, 45.
6. Đức Giê-hô-va gây sự rúng động sơ khởi trong các nước như thế nào, và đồng thời ai được an toàn trong “nhà” thờ phượng của Ngài?
6 Trong những ngày sau rốt này, Đức Giê-hô-va kéo người ta và mở “cửa đức-tin” cho họ như thế nào? (Công-vụ các Sứ-đồ 14:27; 2 Ti-mô-thê 3:1) Một cách chính là cho các Nhân Chứng của Ngài rao truyền thông điệp về sự cứu rỗi và sự phán xét hệ thống mọi sự gian ác này. (Ê-sai 43:12; 61:1, 2) Sự rao truyền trên khắp thế giới này gây sự chấn động sơ khởi trong các nước—một dấu hiệu của sự đoán phạt tiêu hủy sắp đến. Đồng thời, những người “quí giá” trước mắt Đức Chúa Trời được kéo ra khỏi hệ thống này và tìm được sự an toàn trong “nhà” thờ phượng thật của Ngài. Do đó, Đức Giê-hô-va làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ngài do A-ghê ghi lại: “Ta cũng làm rúng-động hết thảy các nước, và những sự ao-ước của các nước hầu đến; rồi ta sẽ làm cho vinh-quang đầy-dẫy nhà nầy”.—A-ghê 2:6, 7, và cước chú NW; Khải-huyền 7:9, 15.
7. Đức Giê-hô-va mở lòng người ta và kéo những người đến với Ngài và Con Ngài như thế nào?
7 Đức Giê-hô-va mở lòng những người kính sợ Đức Chúa Trời—“những của quí nhất”—để họ có thể “chăm chỉ nghe lời” của Nhân Chứng Ngài nói. (A-ghê 2:7, Trịnh Văn Căn; Công-vụ các Sứ-đồ 16:14) Như trong thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va đôi khi dùng những thiên sứ để hướng dẫn Nhân Chứng của Ngài đến với những người chân thật đã kêu cầu Ngài giúp đỡ. (Công-vụ các Sứ-đồ 8:26-31) Khi những người đó học biết về những điều tuyệt diệu Đức Chúa Trời đã cung cấp cho họ qua Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, họ được thu hút đến với Đức Giê-hô-va qua tình yêu thương của Ngài. (1 Giăng 4:9, 10) Đúng vậy, Đức Chúa Trời kéo người ta đến với Ngài và Con Ngài qua “sự nhân-từ” hay “lòng yêu thương trung tín” của Ngài.—Giê-rê-mi 31:3 và cước chú NW.
Đức Giê-hô-va kéo ai?
8. Đức Giê-hô-va kéo những loại người nào đến với Ngài?
8 Đức Giê-hô-va kéo những người tìm kiếm Ngài đến với Ngài và Con Ngài. (Công-vụ các Sứ-đồ 17:27) Những người này bao gồm những người “than-thở khóc-lóc về mọi sự gớm-ghiếc đã phạm” trong các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ và thật vậy, trên khắp thế giới. (Ê-xê-chi-ên 9:4) Họ là những người “ý thức đến nhu cầu thiêng liêng”. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Quả thật, họ là “kẻ nhu-mì [“khiêm nhường”, cước chú NW] của đất”, những người sẽ ở trong địa đàng mãi mãi.—Sô-phô-ni 2:3.
9. Làm sao Đức Giê-hô-va có thể biết nếu người ta “có lòng ngay thẳng để được sống đời đời”, và Ngài kéo những người này đến với Ngài như thế nào?
9 Đức Giê-hô-va có thể biết lòng của một người. Vua Đa-vít nói với con mình là Sa-lô-môn: “Đức Giê-hô-va dò-xét tấm-lòng, và phân-biệt các ý-tưởng. Nếu con tìm-kiếm Ngài, Ngài sẽ cho con gặp”. (1 Sử-ký 28:9) Dựa vào trạng thái của lòng và tâm thần hoặc thái độ nổi bật của một người, Đức Giê-hô-va biết được người đó có lẽ sẽ đáp ứng hay không trước sự cung cấp của Đức Chúa Trời để tha tội và hy vọng được sống đời đời trong hệ thống mới công bình của Ngài. (2 Phi-e-rơ 3:13) Qua Lời Ngài, được các Nhân Chứng rao giảng và dạy dỗ, Đức Giê-hô-va kéo những người “có lòng ngay thẳng để được sống đời đời” đến với Ngài và Con Ngài, và những người này “trở thành người tin đạo”.—Công-vụ các Sứ-đồ 13:48, NW.
10. Điều gì cho thấy việc Đức Giê-hô-va kéo một số người mà không kéo một số khác đến với Ngài không có liên hệ đến sự tiền định?
10 Việc Đức Giê-hô-va kéo một số người mà không kéo một số khác đến với Ngài có liên hệ đến sự tiền định không? Chắc chắn không! Việc Đức Chúa Trời kéo người ta tùy thuộc vào nguyện vọng của chính họ. Ngài tôn trọng sự tự do ý chí của họ. Đức Giê-hô-va đặt trước mặt những người trên đất ngày nay cùng một sự lựa chọn mà Ngài đã đặt trước mặt dân Y-sơ-ra-ên hơn 3.000 năm trước, bấy giờ Môi-se nói: “Ngày nay ta đặt trước mặt ngươi sự sống và phước-lành, sự chết và tai-họa... Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước-lành và sự rủa-sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng-dõi ngươi được sống, thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu-mến Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:15-20.
11. Những người Y-sơ-ra-ên chọn sự sống bằng cách nào?
11 Hãy chú ý rằng dân Y-sơ-ra-ên phải chọn sự sống bằng cách ‘thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vâng theo tiếng phán Ngài, và trìu-mến Ngài’. Khi những lời đó được nói ra, dân Y-sơ-ra-ên chưa nhận được Đất Hứa. Họ đang ở trong Đồng Bằng Mô-áp, chuẩn bị băng qua Sông Giô-đanh và vào đất Ca-na-an. Mặc dù nghĩ đến đất “đẹp-đẽ và rộng-rãi, đượm sữa và mật” mà họ sắp sửa nhận được là điều tự nhiên, nhưng việc thực hiện được mơ ước đó tùy thuộc vào tình yêu thương của họ đối với Đức Giê-hô-va, vâng theo tiếng Ngài và trìu mến Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:8) Môi-se đã nói rõ điều này: “Vì ngày nay, ta bảo ngươi thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đi trong các đường-lối Ngài, và gìn-giữ những điều-răn luật-lệ và mạng-lịnh Ngài, để ngươi sống, gia-thêm, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban phước cho ngươi trong xứ mà ngươi sẽ vào nhận lấy”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:16.
12. Gương của dân Y-sơ-ra-ên nên dạy chúng ta điều gì về công việc rao giảng và dạy dỗ của chúng ta?
12 Chẳng phải phần trên dạy chúng ta điều gì đó về công việc rao giảng và dạy dỗ trong thời kỳ cuối cùng này hay sao? Chúng ta nghĩ về Địa Đàng sắp đến trên đất và nói với người ta khi đi rao giảng. Nhưng không ai, kể cả chúng ta lẫn môn đồ mà mình đào tạo, sẽ được thấy sự ứng nghiệm của lời hứa đó nếu phụng sự Đức Chúa Trời vì những lý do ích kỷ. Như những người Y-sơ-ra-ên, chúng ta và những người chúng ta dạy phải biết ‘thương-mến Đức Giê-hô-va, vâng theo tiếng phán Ngài và trìu-mến Ngài’. Nếu chúng ta nhớ điều này khi đi rao giảng, chúng ta thật sự sẽ hợp tác với Đức Chúa Trời trong việc kéo người đến với Ngài.
Người cùng làm việc với Đức Chúa Trời
13, 14. (a) Theo 1 Cô-rinh-tô 3:5-9, chúng ta trở thành bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Khi có bất cứ sự gia tăng nào thì công trạng đó phải quy cho ai và tại sao?
13 Phao-lô minh họa việc hợp tác với Đức Chúa Trời bằng cách nói về việc trồng trọt ngoài đồng. Ông viết: “Thế thì, A-bô-lô là ai, và Phao-lô là ai? Ấy là kẻ tôi-tớ, mà bởi kẻ đó anh em đã tin-cậy, y theo Chúa đã ban cho mọi người. Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy, người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm. Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời; anh em là ruộng của Đức Chúa Trời cày”.—1 Cô-rinh-tô 3:5-9.
14 Là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời, chúng ta phải trung thành trồng “đạo nước thiên-đàng” vào lòng người ta và tưới bất cứ sự chú ý nào mà họ biểu lộ bằng cách chuẩn bị kỹ khi đi thăm lại và học hỏi Kinh Thánh với họ. Nếu đất, tức là lòng, được tốt, Đức Giê-hô-va sẽ làm phần của Ngài bằng cách làm cho hột giống của lẽ thật Kinh Thánh lớn lên thành một cây đầy hoa quả. (Ma-thi-ơ 13:19, 23) Ngài sẽ kéo người đó đến với Ngài và Con Ngài. Tóm lại, khi có bất cứ sự gia tăng nào về số người công bố Nước Trời, ấy là vì Đức Giê-hô-va tác động đến lòng người ta, làm cho hột giống lẽ thật phát triển và kéo những người đó đến với Ngài và Con Ngài.
Công việc xây dựng mà sẽ còn lại
15. Phao-lô dùng minh họa nào cho thấy cách chúng ta giúp người khác phát triển đức tin?
15 Dù vui mừng khi có gia tăng, chúng ta thành thật muốn thấy người ta tiếp tục yêu thương Đức Giê-hô-va, vâng theo tiếng phán Ngài, và trìu mến Ngài. Chúng ta buồn khi thấy một số người nguội lạnh và bỏ lẽ thật. Chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn điều này? Trong một minh họa khác, Phao-lô cho thấy cách chúng ta có thể giúp người ta phát triển đức tin. Ông viết: “Chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jêsus-Christ. Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu-thạch, gỗ, cỏ khô, rơm-rạ mà xây trên nền ấy, thì công-việc của mỗi người sẽ bày-tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ-tường công-việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công-việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra”.—1 Cô-rinh-tô 3:11-13.
16. (a) Hai minh họa mà Phao-lô dùng có mục tiêu khác nhau như thế nào? (b) Công việc xây dựng của chúng ta có thể biến thành thất vọng hoặc không chống được lửa như thế nào?
16 Trong minh họa của Phao-lô về ruộng, sự tăng trưởng tùy thuộc vào việc chăm chỉ trồng, đều đặn tưới nước và được ân phước của Đức Chúa Trời. Một minh họa khác của sứ đồ làm nổi bật trách nhiệm của người rao giảng về kết quả công trình xây dựng của mình. Người đó có xây trên một nền tảng vững chắc với những vật liệu tốt không? Phao-lô cảnh giác: “Ai nấy phải cẩn-thận về sự mình xây trên nền đó”. (1 Cô-rinh-tô 3:10) Sau khi gợi sự chú ý của một người bằng cách nói về hy vọng sống đời đời trong Địa Đàng, có phải chúng ta chỉ tập trung dạy những điều căn bản của sự hiểu biết về Kinh Thánh và rồi chủ yếu nhấn mạnh đến việc người ấy phải làm gì để được sống đời đời không? Có thể nào chúng ta chỉ dạy họ điều này: ‘Nếu bạn muốn sống đời đời trong Địa Đàng, bạn phải học hỏi, đi dự buổi họp và tham gia vào công việc rao giảng’ không? Nếu thế thì chúng ta không xây dựng đức tin của người đó trên một nền tảng vững chắc, và những gì chúng ta xây không thể chống được lửa của sự thử thách hoặc đứng vững với thời gian. Cố gắng kéo người ta đến với Đức Giê-hô-va bằng cách đưa ra hy vọng được sống trong Địa Đàng mà chỉ cần mất vài năm phụng sự Ngài thì cũng giống như là chúng ta xây bằng “gỗ, cỏ khô, rơm-rạ” vậy.
Xây dựng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và Đấng Christ
17, 18. (a) Điều gì không thể thiếu nếu một người muốn đức tin mình được bền bỉ? (b) Chúng ta có thể giúp một người như thế nào để Đấng Christ ngự trong lòng người đó?
17 Muốn đức tin được bền bỉ, nó phải dựa trên mối quan hệ cá nhân với Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua trung gian Chúa Giê-su Christ. Là người bất toàn, chúng ta chỉ có thể có được mối quan hệ hòa thuận với Đức Chúa Trời bằng một cách duy nhất là qua Con Ngài. (Rô-ma 5:10) Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su nói: “Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”. Muốn giúp những người khác xây dựng đức tin thì “chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jêsus-Christ”. Điều này bao hàm những gì?—Giăng 14:6; 1 Cô-rinh-tô 3:11.
18 Xây dựng trên nền tảng Đấng Christ có nghĩa là dạy dỗ sao cho người học hỏi Kinh Thánh phát triển một tình yêu thương sâu đậm đối với Chúa Giê-su qua sự hiểu biết đầy đủ về vai trò của ngài là Đấng Cứu Chuộc, Đầu của hội thánh, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đầy yêu thương và Vua đang cai trị. (Đa-ni-ên 7:13, 14; Ma-thi-ơ 20:28; Cô-lô-se 1:18-20; Hê-bơ-rơ 4:14-16) Điều này có nghĩa là làm Chúa Giê-su có thật đối với họ đến độ ngài hầu như ngự trong lòng họ. Lời chúng ta cầu nguyện cho họ cũng nên giống như lời Phao-lô nài xin cho các tín đồ Đấng Christ tại Ê-phê-sô. Ông viết: “Tôi quì gối trước mặt Cha... Tôi cầu-xin Ngài... khiến anh em được... Đấng Christ nhân đức-tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em... đâm rễ vững nền trong sự yêu-thương”.—Ê-phê-sô 3:14-18.
19. Xây dựng tình yêu thương đối với Đấng Christ trong lòng của những người học Kinh Thánh với chúng ta sẽ đưa đến kết quả nào, nhưng chúng ta phải dạy điều gì?
19 Nếu chúng ta xây dựng sao cho tình yêu thương đối với Đấng Christ phát triển trong lòng của người học Kinh Thánh, thì cũng như là xây dựng lòng yêu thương của người đó đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Tình yêu thương, cảm xúc và lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su phản ảnh một cách trung thực những đức tính của Đức Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 11:28-30; Mác 6:30-34; Giăng 15:13, 14; Cô-lô-se 1:15; Hê-bơ-rơ 1:3) Vì vậy, khi người ta biết và yêu thương Chúa Giê-su thì họ cũng sẽ biết và yêu thương Đức Giê-hô-va.a (1 Giăng 4:14, 16, 19) Chúng ta cần dạy người học Kinh Thánh rằng Đức Giê-hô-va sắp đặt mọi điều Đấng Christ đã làm cho nhân loại và vì vậy chúng ta phải cảm tạ, ca ngợi và thờ phượng Ngài là “Đức Chúa Trời, sự cứu-rỗi của chúng tôi”.—Thi-thiên 68:19, 20; Ê-sai 12:2-5; Giăng 3:16; 5:19.
20. (a) Chúng ta có thể giúp người ta đến gần Đức Chúa Trời và Con Ngài như thế nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?
20 Là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời, chúng ta hãy giúp người ta đến gần Ngài và Con Ngài, giúp họ phát triển tình yêu thương và đức tin trong lòng. Nhờ đó họ sẽ cảm thấy Đức Giê-hô-va có thật đối với họ. (Giăng 7:28) Qua Đấng Christ, họ có thể thiết lập mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, và họ sẽ yêu thương Ngài và trìu mến Ngài. Họ sẽ không đặt giới hạn thì giờ trong việc yêu thương phụng sự Ngài, tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện lời hứa tuyệt diệu của Ngài vào thời điểm Ngài ấn định. (Ca-thương 3:24-26; Hê-bơ-rơ 11:6) Tuy nhiên, trong khi giúp những người khác phát triển đức tin, niềm hy vọng và tình yêu thương, chúng ta phải xây dựng đức tin của chính mình để nó giống như một con tàu vững chắc có thể vượt qua được dông bão khắc nghiệt. Chúng ta sẽ xem xét điều này trong bài tới.
[Chú thích]
a Một công cụ tuyệt vời giúp chúng ta biết rõ hơn về Chúa Giê-su và qua ngài biết Cha ngài, Đức Giê-hô-va, là cuốn Người vĩ đại nhất đã từng sống, do Hội Tháp Canh xuất bản.
Để ôn lại
◻ Chúng ta thường gợi người ta chú ý đến thông điệp Nước Trời như thế nào, nhưng có mối nguy hiểm nào?
◻ Đức Giê-hô-va kéo loại người nào đến với Ngài và Con Ngài?
◻ Việc dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa tùy thuộc nơi điều gì, và chúng ta có thể học được gì qua sự kiện đó?
◻ Chúng ta đóng vai trò nào trong việc giúp người ta đến gần Đức Giê-hô-va và Con Ngài?
[Hình nơi trang 10]
Mặc dù chúng ta đem cho người ta hy vọng về sự sống đời đời trong Địa Đàng, mục tiêu chính của chúng ta là kéo họ đến với Đức Giê-hô-va
[Hình nơi trang 13]
Việc thăm lại của chúng ta có thể rất hữu hiệu nếu chuẩn bị kỹ