Bạn có tôn trọng phẩm giá của họ không?
NHỮNG người bản xứ Phi Châu bị lùa đi như thú vật, bị nhốt chung lại một chỗ bẩn thỉu và hôi thối không thể tưởng được để bị chở đi Mỹ Châu giống như những kiện hàng. Người ta ước lượng sẽ có ít nhất phân nửa trong số họ sẽ chết trước khi đến nơi. Những người cùng trong một gia đình thì bị tách ra một cách tàn nhẫn để rồi không bao giờ còn gặp nhau nữa. Việc buôn bán nô lệ là một trong những giai đoạn đen tối nhất trong việc đối xử vô nhân đạo giữa người với người. Những vụ tương tự khác xảy ra khi những người xâm lược có quyền lực đã ác nghiệt khuất phục các dân bản xứ không có khả năng tự vệ.
Việc tước lột nhân phẩm của một người có thể còn tàn nhẫn hơn là đánh đập người đó. Điều này hủy phá nghị lực của con người. Dù tại hầu hết các nước người ta đã hủy bỏ chế độ nô lệ, việc hạ nhân phẩm vẫn còn tiếp diễn, có lẽ dưới những hình thức tinh tế hơn.
Trái lại tín đồ thật của đấng Christ cố gắng làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su là “yêu người lân-cận như mình”. Bởi vậy, họ tự hỏi: ‘Tôi có tôn trọng phẩm giá của người khác không?’ (Lu-ca 10:27).
Phẩm giá được tiêu biểu
Theo một tự điển thì phẩm giá là phẩm chất hoặc tình trạng có giá trị, được tôn trọng hoặc được quí mến. Thật là một từ rất thích hợp thay để diễn tả địa vị của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Thống Trị Hoàn Vũ! Thật thế, Kinh-thánh nhiều lần liên kết phẩm giá với Đức Giê-hô-va và sự thống trị của Ngài. Môi-se, Ê-sai, Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên, sứ đồ Giăng và những người khác đã có đặc ân được ban cho sự hiện thấy về Đấng Tối Cao và nơi thiên cung, và lời miêu tả của họ đều nhất quán cho thấy sự uy nghi và phẩm giá đáng kính sợ (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:9-11; Ê-sai 6:1; Ê-xê-chi-ên 1:26-28; Đa-ni-ên 7:9; Khải-huyền 4:1-3). Trong một bài cầu nguyện ca ngợi, Vua Đa-vít nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va! sự cao-cả, quyền-năng, vinh-quang, toàn-thắng và oai-nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài” (I Sử-ký 29:11). Quả thật, không ai xứng đáng nhận được danh dự và sự kính mến bằng chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Khi tạo ra con người theo hình Ngài và giống như Ngài, Đức Giê-hô-va ban cho loài người sự xứng đáng, tự trọng và phẩm giá trong một mức độ nào đó (Sáng-thế Ký 1:26). Do đó, khi đối xử với người khác, chúng ta cần phải dành cho mỗi người sự tôn trọng và kính nể thích đáng. Khi làm như thế, chúng ta thật ra công nhận Nguồn của nhân phẩm, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Thi-thiên 8:4-9).
Phẩm giá trong các mối liên hệ gia đình
Dưới sự soi dẫn, sứ đồ Phi-e-rơ, một người đã lập gia đình, khuyên các người chồng tín đồ đấng Christ “trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn... nên phải kính-nể họ” (I Phi-e-rơ 3:7; Ma-thi-ơ 8:14). Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33). Do đó, trong hôn nhân, Kinh-thánh đòi hỏi mỗi người phải tôn trọng phẩm giá riêng của người hôn phối mình. Tôn trọng bằng những cách nào?
Giống như nước bồi dưỡng năng lực cho cây cối lớn lên, lời nói lịch sự và cử chỉ tử tế giữa vợ chồng khi ở trước mặt người khác và khi chỉ có một mình họ với nhau có thể bồi bổ mối quan hệ mật thiết của họ. Trái lại, những lời công kích lăng mạ, cay nghiệt hoặc những lời phê bình khiếm nhã, châm chọc như người ta thường thấy trong hài kịch trên ti-vi, đều gây tổn hại. Những điều này có thể gây ra cảm nghĩ có hại như cảm thấy mình vô dụng, buồn nản, giận hờn, thậm chí làm tổn thương tình cảm khó có thể hàn gắn được.
Tôn trọng nhân phẩm của người khác cũng có nghĩa là chấp nhận họ trong tình trạng hiện tại, không tìm cách khép họ vào một định kiến nào về người lý tưởng hoặc so sánh họ với người khác một cách bất công. Điều này đặc biệt là quan trọng giữa vợ chồng với nhau. Khi có sự trò chuyện và phát biểu ý kiến một cách cởi mở và thoải mái và không ai sợ bị chỉ trích hoặc mắng nhiếc, sự thân mật sẽ nẩy nở. Khi một người có thể bộc lộ hết tâm tình trong hôn nhân, gia đình thật sự trở nên một nơi ẩn náu để tránh thế gian độc ác, gay gắt ở bên ngoài.
Kinh-thánh nói con cái có bổn phận kính trọng và vâng lời cha mẹ. Rồi đến lượt cha mẹ khôn ngoan và đầy yêu thương cũng nên nhìn nhận phẩm giá của con cái. Lời khen ngợi nồng nhiệt khi chúng cư xử tốt, cùng với sự sửa trị kiên nhẫn khi cần, có hiệu lực trong việc tăng cường “sự... khuyên-bảo của Chúa”. Việc lúc nào cũng chỉ trích, la hét và chửi rủa bằng những lời nhục mạ như “đồ ngu”, “đồ ngốc” chỉ làm chúng giận hờn mà thôi (Ê-phê-sô 6:4).
Một trưởng lão tín đồ đấng Christ, và là cha của ba người con trai và ba con gái, nói: “Tại Phòng Nước Trời chúng tôi dùng kỷ luật cần thiết càng êm càng tốt. Một cái thúc nhẹ hoặc một cái liếc cảnh cáo nghiêm nghị thường là đủ rồi. Nếu cần phải sửa trị nghiêm khắc hơn nữa, chúng tôi đợi về nhà để khuất mắt các đứa trẻ khác. Bây giờ chúng đã lớn hơn, kỷ luật bao gồm việc khuyên bảo mỗi đứa một cách khôn ngoan và đầy yêu thương dựa trên Lời Đức Chúa Trời tùy theo nhu cầu riêng. Chúng tôi cố gắng giữ kín các vấn đề cá nhân này, như vậy tỏ ra tôn trọng quyền riêng tư và phẩm cách của mỗi đứa”.
Cũng không nên bỏ qua nhu cầu là cần phải lịch sự qua lời nói và hành động trong gia đình. Sự thân mật không nên khiến chúng ta loại bỏ những từ như “xin làm ơn”, “cám ơn”, “xin lỗi” và “rất tiếc”. Phép lịch sự là điều cơ bản trong việc giữ gìn phẩm giá của chính mình và tôn trọng phẩm giá của người khác.
Trong hội thánh tín đồ đấng Christ
Chúa Giê-su nói: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28). Những người bị áp bức, những người buồn nản, ngay cả trẻ em, thảy đều rất muốn đến gần Chúa Giê-su. Họ bị giới giáo phẩm và các lãnh tụ phách lối và tự cho mình là công bình thời ấy khinh bỉ. Nhưng họ thấy Chúa Giê-su tôn trọng phẩm giá của họ.
Noi theo gương Chúa Giê-su, chúng ta cũng muốn là nguồn đem lại sự thoải mái cho anh em cùng đạo. Điều này có nghĩa là chúng ta tìm cơ hội để xây dựng họ qua lời nói và hành động. Khi chuyện trò, thường xuyên nói những lời nhận xét thành thật, tử tế và tích cực luôn luôn là điều thích hợp (Rô-ma 1:11, 12; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11). Chúng ta cho thấy mình để ý đến tình cảm của người khác bằng cách ý tứ trong lời nói cũng như qua cách nói (Cô-lô-se 4:6). Việc phục sức và thái độ đúng đắn tại các buổi họp đạo đấng Christ cũng biểu lộ sự kính trọng sâu xa đối với phẩm giá của Đức Chúa Trời chúng ta, sự thờ phượng dành cho Ngài, và đối với anh em cùng đạo.
Chúa Giê-su tôn trọng phẩm giá của người ta ngay cả khi ngài phục vụ họ. Ngài không bao giờ tự nâng mình lên bằng cách hạ người khác xuống hoặc làm họ bẽ mặt. Khi một người phung đến gần ngài để xin được chữa lành, Chúa Giê-su không xua đuổi người đó cho rằng người đó không được thanh sạch và không xứng đáng, và ngài cũng không đánh trống thổi kèn bắt người ta phải chú ý đến ngài. Thay vì thế, khi người phung nài xin Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi được sạch!”, ngài nâng cao phẩm giá người phung này khi ngài nói: “Ta khứng” (Lu-ca 5:12, 13). Thật là tuyệt diệu làm sao khi chúng ta không những giúp đỡ người cần sự giúp đỡ mà lại còn trấn an họ rằng họ không phải là gánh nặng mà được quí mến và yêu thương! Những người nhút nhát, người bị trầm uất và tàn phế thường bị bỏ rơi, xa lánh hoặc bị bêu xấu trong thế gian. Nhưng họ cần tìm thấy tình bạn và được chấp nhận trong vòng anh chị em tín đồ đấng Christ. Chúng ta phải làm phần mình để góp phần xây dựng tinh thần này.
Chúa Giê-su yêu thương môn đồ như là “kẻ thuộc về mình” và “yêu cho đến cuối-cùng” bất kể các khuyết điểm và tính tình riêng của họ (Giăng 13:1). Ngài nhận thấy họ có lòng trong sạch và hết lòng tin kính Cha ngài. Cũng thế, chúng ta chớ bao giờ nên nghĩ xấu cho anh em cùng đạo chỉ vì có lẽ họ không hành động theo cách của chúng ta hoặc vì thói quen hay nhân cách của họ có vẻ chướng tai gai mắt đối với chúng ta. Sự tôn trọng nhân phẩm của anh em sẽ thúc đẩy chúng ta yêu thương họ và chấp nhận họ như hiện tại, tin cậy rằng họ cũng yêu thương Đức Giê-hô-va và phụng sự Ngài với động lực trong sạch (I Phi-e-rơ 4:8-10).
Các trưởng lão nên đặc biệt thận trọng để không gây ra phiền muộn cho những người được giao phó cho họ chăm sóc (I Phi-e-rơ 5:2, 3). Khi hội kiến với một người đã phạm tội trong hội thánh, các trưởng lão nên lựa lời mềm mỏng tử tế mà nói với người đó và tránh nêu những câu hỏi làm người đó bị lúng túng một cách không cần thiết (Ga-la-ti 6:1). Ngay dù cần phải khiển trách hoặc sửa trị nghiêm trọng, họ nên tiếp tục tôn trọng phẩm giá và lòng tự trọng của người phạm tội (I Ti-mô-thê 5:1, 2).
Giữ gìn nhân phẩm
Vì được tạo ra theo hình và giống như Đức Chúa Trời, chúng ta phản ảnh càng nhiều càng tốt các đức tính tuyệt vời của Ngài—kể cả phẩm giá—trong đời sống hàng ngày của chúng ta (Sáng-thế Ký 1:26). Cũng thế, trong điều răn “hãy yêu kẻ lân-cận như mình” có hàm ẩn nhu cầu có một mức độ thăng bằng về nhân phẩm và sự tự trọng (Ma-thi-ơ 22:39). Sự kiện là nếu chúng ta muốn người khác tôn trọng mình và phẩm giá mình, chúng ta phải tỏ ra xứng đáng với phẩm giá đó.
Một yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn sự tự trọng và phẩm giá cá nhân là việc duy trì một lương tâm trong sạch. Một lương tâm bị dấy bẩn và bị dày vò vì phạm tội dễ dẫn đến cảm giác không xứng đáng, thất vọng và buồn nản. Bởi vậy, nếu lỡ phạm phải một lỗi nặng, một người nên lập tức có biện pháp để ăn năn và tìm kiếm sự giúp đỡ thiêng liêng nơi các trưởng lão hầu nhận lãnh “kỳ thơ-thái đến từ Chúa”. Bao gồm trong kỳ thơ thái này là việc khôi phục lại nhân phẩm và sự tự trọng (Công-vụ các Sứ-đồ 3:20).
Tốt hơn là nên cố gắng không ngừng để gìn giữ lương tâm được Kinh-thánh huấn luyện, không để cho bất cứ chuyện gì làm cho lương tâm hoen ố hay yếu đi. Việc tỏ ra biết tự chủ trong mọi khía cạnh của đời sống hàng ngày—ăn, uống, kinh doanh, giải trí, cư xử với người khác phái—sẽ giúp chúng ta giữ gìn lương tâm trong sạch và có khả năng phản ảnh sự vinh hiển và phẩm giá của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta (I Cô-rinh-tô 10:31).
Nói gì nếu mặc cảm tội lỗi không nguôi ngoai? Hoặc nói gì nếu ký ức về việc bị bạo hành cứ tiếp tục dày xéo? Các cảm nghĩ này có thể chà đạp nhân phẩm của chúng ta và khiến chúng ta vô cùng u uất. Thật là an ủi biết bao những lời của Vua Đa-vít nơi Thi-thiên 34:18: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương. Và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”! Đức Giê-hô-va sẵn sàng và mong muốn nâng đỡ các tôi tớ của Ngài khi họ phải đối phó với chứng trầm uất và cảm nghĩ không xứng đáng. Việc cầu khẩn Ngài cùng với việc tìm kiếm sự giúp đỡ của những người có khả năng thiêng liêng, chẳng hạn như cha mẹ là tín đồ đấng Christ, các trưởng lão và những người thành thục khác trong hội thánh, là phương tiện để khôi phục lại sự tự trọng và nhân phẩm (Gia-cơ 5:13-15).
Mặt khác, chúng ta cần phải đề phòng chống lại việc nhầm lẫn nhân phẩm với tính kiêu căng. Kinh-thánh khuyên “chớ có tư-tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm-tình tầm-thường, y theo lượng đức-tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người” (Rô-ma 12:3). Dù việc vun trồng sự tự trọng là đúng, chúng ta không muốn phóng đại giá trị của mình hoặc nhầm lẫn nhân phẩm với các nỗ lực ích kỷ và thái quá mà một số người cố vận dụng nhằm giữ thể diện trước người khác.
Đúng vậy, việc tôn trọng phẩm giá của người khác là một điều cần thiết đối với tín đồ đấng Christ. Những người trong gia đình chúng ta và anh em cùng đạo đấng Christ thảy đều quí giá và xứng đáng được chúng ta tôn trọng, nể nang và quí chuộng. Đức Giê-hô-va đã ban cho mỗi người chúng ta một mức độ phẩm giá và danh dự mà chúng ta nên công nhận và gìn giữ. Nhưng trên hết mọi sự, chúng ta phải vun trồng sự tôn kính sâu xa đối với phẩm giá và sự uy nghi tột bực của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Cha trên trời của chúng ta.
[Hình nơi trang 31]
Những người trẻ có thể tỏ ra kính trọng đối với người bị tật nguyền