CHƯƠNG 17
“Không ai có tình yêu thương lớn hơn”
1-4. (a) Điều gì xảy ra khi Phi-lát đưa Chúa Giê-su ra trước đám đông đang tụ tập ngoài dinh của ông? (b) Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước sự sỉ nhục và đau đớn, và những câu hỏi quan trọng nào được nêu lên?
“Này! Người đây!”. Quan tổng đốc La Mã là Bôn-xơ Phi-lát nói những lời đó khi đưa Chúa Giê-su ra trước đám đông giận dữ đang tụ tập bên ngoài dinh của ông vào buổi sáng Lễ Vượt Qua năm 33 CN (Giăng 19:5). Chỉ vài ngày trước đó, Chúa Giê-su được đoàn dân nghênh đón khi ngài vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là vị Vua được Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Nhưng giờ đây, đám đông có quan điểm hoàn toàn khác về ngài.
2 Chúa Giê-su được khoác cho một chiếc áo choàng màu tía giống như áo của người hoàng tộc, và được đội cho chiếc vương miện. Tuy nhiên, việc mặc cho Chúa Giê-su chiếc áo choàng phủ những vết lằn ứa máu ở lưng, và đội vương miện được bện bằng gai đâm vào đầu làm ngài chảy máu, chẳng qua là cách để chế nhạo ngôi vị của ngài. Do bị các trưởng tế xúi giục, đám đông chối bỏ người đàn ông đầy thương tích đang đứng trước mặt họ. Các trưởng tế hét lên: “Treo hắn lên cột! Treo hắn lên cột!”. Vì rất muốn giết ngài, đám đông la lên: “Hắn phải chết”.—Giăng 19:1-7.
3 Với lòng kiên cường và can đảm, Chúa Giê-su chịu đựng sự sỉ nhục và đau đớn mà không một lời phàn nàn.a Ngài đã sẵn sàng để đối mặt với cái chết. Sau Lễ Vượt Qua hôm ấy, ngài tình nguyện chịu chết một cách đau đớn trên cây khổ hình.—Giăng 19:17, 18, 30.
4 Bằng cách hy sinh mạng sống, Chúa Giê-su chứng tỏ ngài là bạn chân chính của các môn đồ. Ngài nói: “Không ai có tình yêu thương lớn hơn người sẵn sàng hy sinh mạng sống vì bạn mình” (Giăng 15:13). Điều này đưa đến một số câu hỏi quan trọng. Chúa Giê-su có nhất thiết phải trải qua mọi sự đau đớn ấy và chết không? Tại sao ngài sẵn lòng làm thế? Là bạn và môn đồ của Chúa Giê-su, chúng ta có thể noi gương ngài như thế nào?
Tại sao Chúa Giê-su phải chịu đau đớn và chết?
5. Làm sao Chúa Giê-su biết trước những thử thách đang đợi ngài?
5 Là Đấng Mê-si được hứa từ trước, Chúa Giê-su biết ngài sẽ phải trải qua điều gì. Ngài biết những lời tiên tri trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ báo trước chi tiết về sự đau đớn và cái chết của Đấng Mê-si (Ê-sai 53:3-7, 12; Đa-ni-ên 9:26). Hơn một lần, ngài nói cho các môn đồ biết những thử thách đang đợi ngài ở phía trước (Mác 8:31; 9:31). Trên đường đến thành Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua lần cuối, ngài nói rõ với các sứ đồ: “Con Người sẽ bị nộp cho các trưởng tế và thầy kinh luật. Họ sẽ kết án tử hình ngài và nộp ngài cho dân ngoại. Những người ấy sẽ chế nhạo, nhổ vào ngài, đánh đập và giết đi” (Mác 10:33, 34). Sự việc xảy ra đúng như vậy. Ngài bị chế nhạo, phỉ nhổ, đánh đập và giết đi.
6. Tại sao Chúa Giê-su phải chịu đau đớn và chết?
6 Tại sao Chúa Giê-su phải chịu đau đớn và chết? Vì một số lý do rất quan trọng. Thứ nhất, qua việc giữ sự trung thành, Chúa Giê-su chứng tỏ lòng trọn thành của ngài và làm thánh danh Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ là Sa-tan đã quả quyết rằng loài người phụng sự Đức Chúa Trời vì lý do ích kỷ (Gióp 2:1-5). Bằng cách giữ lòng trung thành ‘cho đến chết trên cây khổ hình’, Chúa Giê-su đưa ra lời giải đáp thỏa đáng nhất cho sự cáo buộc vô căn cứ của Sa-tan (Phi-líp 2:8; Châm ngôn 27:11). Thứ hai, Kinh Thánh báo trước rằng qua việc chịu đau đớn và chết, Đấng Mê-si sẽ chuộc tội cho nhân loại (Ê-sai 53:5, 10; Đa-ni-ên 9:24). Thật vậy, Chúa Giê-su đã “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”, nhờ thế mở đường cho chúng ta có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 20:28). Thứ ba, qua việc chịu đựng mọi loại gian khổ và đau đớn, Chúa Giê-su “đã bị thử thách mọi bề như chúng ta”. Vì thế, ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đầy lòng trắc ẩn, đấng có thể “cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta”.—Hê-bơ-rơ 2:17, 18; 4:15.
Tại sao Chúa Giê-su sẵn sàng hy sinh mạng sống?
7. Chúa Giê-su đã từ bỏ những gì khi xuống thế?
7 Để hiểu Chúa Giê-su đã hy sinh đến mức nào, hãy thử nghĩ: “Có người nào sẵn sàng rời gia đình, nhà cửa để đến một nơi mà người ấy biết rằng phần lớn dân cư trong vùng đó sẽ chối bỏ mình, rồi mình còn phải chịu đau đớn, sỉ nhục và cuối cùng bị giết?”. Nhưng đó chính là điều Chúa Giê-su đã làm. Trước khi xuống trái đất, ngài có vị thế cao trọng ở trên trời, bên cạnh Cha. Tuy nhiên, Chúa Giê-su sẵn sàng rời chỗ ở trên trời để xuống thế làm người dù biết rằng ngài sẽ bị đa số người ta chối bỏ, chịu đau đớn tột cùng, bị sỉ nhục tàn nhẫn và bị giết (Phi-líp 2:5-7). Vậy điều gì thôi thúc Chúa Giê-su hy sinh như thế?
8, 9. Điều gì thôi thúc Chúa Giê-su hy sinh mạng sống?
8 Trên hết, Chúa Giê-su yêu thương Cha sâu đậm. Sự chịu đựng của Chúa Giê-su là bằng chứng cho thấy điều đó. Tình yêu thương ấy thôi thúc ngài quan tâm đến danh và danh tiếng của Cha (Ma-thi-ơ 6:9; Giăng 17:1-6, 26). Đối với Chúa Giê-su, điều quan trọng nhất là danh Cha được nên thánh và được tẩy sạch mọi vết nhơ. Vì thế, ngài xem việc chịu khổ vì sự công chính là niềm vinh dự không gì sánh bằng. Chúa Giê-su biết lòng trung kiên sẽ góp phần làm thánh danh vinh hiển của Cha.—1 Sử ký 29:13.
9 Một điều khác cũng thôi thúc Chúa Giê-su hy sinh mạng sống, đó là tình yêu thương dành cho nhân loại. Tình yêu thương này bắt đầu từ thời sơ khai của lịch sử loài người. Từ lâu trước khi Chúa Giê-su xuống thế, Kinh Thánh đã tiết lộ cảm xúc của ngài: “Ta đặc biệt quý mến loài người” (Châm ngôn 8:30, 31). Tình yêu thương ấy được thể hiện rõ khi ngài ở trên đất. Như đã xem trong ba chương trước, Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương với loài người nói chung và các môn đồ nói riêng qua nhiều cách. Nhưng vào ngày 14 Ni-san năm 33 CN, ngài còn sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chúng ta (Giăng 10:11). Đây là bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêu thương mà Chúa Giê-su dành cho chúng ta. Chúng ta có nên noi gương ngài trong khía cạnh này không? Có, sự thật là chúng ta được lệnh làm thế.
“Hãy yêu thương nhau như tôi đã yêu thương anh em”
10, 11. Chúa Giê-su đã ban cho môn đồ điều răn mới nào, nó bao hàm điều gì, và tại sao vâng theo điều răn ấy là quan trọng?
10 Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su nói với các môn đồ thân cận nhất: “Tôi ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau; tôi đã yêu thương anh em thể nào thì anh em cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:34, 35). Tại sao “hãy yêu thương nhau” là “điều răn mới”? Chẳng phải Luật pháp Môi-se đã quy định “phải yêu người đồng loại [hay người lân cận] như chính mình” sao? (Lê-vi 19:18). Đúng, nhưng điều răn của Chúa Giê-su mới vì nó đòi hỏi một tình yêu thương lớn hơn, tình yêu thương này thôi thúc chúng ta hy sinh mạng sống cho người khác. Chính Chúa Giê-su đã nói: “Đây là điều răn của tôi: Anh em hãy yêu thương nhau như tôi đã yêu thương anh em. Không ai có tình yêu thương lớn hơn người sẵn sàng hy sinh mạng sống vì bạn mình” (Giăng 15:12, 13). Như thể “điều răn mới” nói: “Hãy yêu thương người khác, không phải như yêu bản thân mà còn hơn cả bản thân”. Qua lối sống và cái chết, Chúa Giê-su chứng tỏ là một ví dụ điển hình về việc thể hiện tình yêu thương này.
11 Tại sao việc chúng ta vâng theo “điều răn mới” là quan trọng? Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su nói: “Bởi điều này [tình yêu thương bất vị kỷ] mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi”. Thật vậy, tình yêu thương bất vị kỷ là dấu hiệu nhận diện chúng ta là môn đồ chân chính của Chúa Giê-su. Tình yêu thương này có thể ví như chiếc phù hiệu. Những đại biểu tham dự hội nghị hằng năm của Nhân Chứng Giê-hô-va thường đeo phù hiệu. Chiếc phù hiệu cho biết người ấy tên gì và thuộc hội thánh nào, nhờ đó người khác biết người ấy là ai. Tình yêu thương bất vị kỷ chính là “phù hiệu” nhận diện môn đồ chân chính của Chúa Giê-su. Nói cách khác, tình yêu thương mà chúng ta thể hiện nên rõ ràng như một dấu hiệu, hay phù hiệu, cho người khác biết chúng ta là môn đồ chân chính của Đấng Ki-tô. Vậy, hãy tự hỏi: “Người khác có thấy mình đeo ‘phù hiệu’ yêu thương bất vị kỷ trong đời sống không?”.
Tình yêu thương bất vị kỷ bao hàm điều gì?
12, 13. (a) Chúng ta phải sẵn sàng hy sinh đến mức nào? (b) Hy sinh bất vị kỷ có nghĩa gì?
12 Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta cần yêu thương người khác như ngài đã yêu chúng ta. Điều này có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng hy sinh vì anh em đồng đạo. Vậy chúng ta phải hy sinh đến mức nào? Kinh Thánh nói: “Chúng ta được biết về tình yêu thương là vì đấng ấy đã hy sinh mạng sống cho chúng ta; và chúng ta có bổn phận phải hy sinh mạng sống cho anh em mình” (1 Giăng 3:16). Như Chúa Giê-su, chúng ta phải sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người khác nếu cần. Khi bị bắt bớ, chúng ta sẵn sàng hy sinh thân mình, thay vì phản bội anh em đồng đạo. Ở những nước có xung đột về chủng tộc hoặc sắc tộc, chúng ta liều mình bảo vệ anh em, bất kể họ có gốc gác nào. Khi chiến tranh bùng nổ, chúng ta thà bị tù hay chịu chết còn hơn là chiến đấu với anh em cùng đức tin hoặc bất kỳ ai khác.—Giăng 17:14, 16; 1 Giăng 3:10-12.
13 Sẵn sàng hy sinh mạng sống không phải là cách duy nhất để thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ. Trên thực tế, hiếm khi chúng ta phải hy sinh đến như vậy. Tuy nhiên, nếu chúng ta yêu thương anh em nhiều đến mức có thể chết cho họ, chẳng lẽ chúng ta không sẵn sàng hy sinh những điều nhỏ hơn sao? Hy sinh bất vị kỷ có nghĩa là chúng ta từ bỏ quyền lợi và ước muốn cá nhân vì lợi ích của người khác. Chúng ta đặt nhu cầu và lợi ích của người khác lên trên bản thân, ngay cả khi thấy khó làm điều đó (1 Cô-rinh-tô 10:24). Chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương bất vị kỷ qua một số cách thực tế nào?
Trong hội thánh và gia đình
14. (a) Trưởng lão phải hy sinh những gì? (b) Bạn cảm thấy thế nào về công khó của trưởng lão?
14 Các trưởng lão hy sinh nhiều để “chăn bầy” (1 Phi-e-rơ 5:2, 3). Ngoài việc chăm sóc gia đình, họ còn dành thời gian vào những buổi tối và cuối tuần để chăm lo cho hội thánh, gồm việc chuẩn bị các phần trong những buổi nhóm, thăm chiên và giải quyết các vụ việc tư pháp. Nhiều trưởng lão còn làm việc trong các ban của hội nghị, Ủy ban Liên lạc Bệnh viện hoặc Nhóm Thăm viếng Bệnh nhân. Số khác thì phụng sự với tư cách là tình nguyện viên thiết kế/xây dựng địa phương. Các trưởng lão hãy nhớ rằng khi sẵn sàng hy sinh thời gian, năng lực và vật chất để chăn bầy, các anh đang thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ (2 Cô-rinh-tô 12:15). Chắc chắn, Đức Giê-hô-va và các anh chị trong hội thánh rất quý tinh thần hy sinh của các anh.—Phi-líp 2:29; Hê-bơ-rơ 6:10.
15. (a) Vợ của trưởng lão phải hy sinh một số điều nào? (b) Bạn cảm thấy thế nào về những người vợ có tinh thần hy sinh như thế?
15 Nói sao về vợ của trưởng lão? Chẳng phải các chị cũng hy sinh nhiều để chồng có thể chăn bầy sao? Các chị ủng hộ việc chồng dùng một phần thời gian để lo các vấn đề của hội thánh. Cũng hãy nghĩ về vợ giám thị vòng quanh và những hy sinh của chị khi cùng chồng đi từ hội thánh này đến hội thánh khác, vòng quanh này đến vòng quanh khác. Chị từ bỏ ước muốn có nhà riêng, có lẽ mỗi tuần phải ngủ ở một chỗ khác. Những người vợ sẵn sàng đặt lợi ích của hội thánh lên trên lợi ích cá nhân đáng được khen vì đã thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ.—Phi-líp 2:3, 4.
16. Cha mẹ đạo Đấng Ki-tô hy sinh cho con như thế nào?
16 Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương bất vị kỷ trong gia đình? Là cha mẹ, bạn phải hy sinh nhiều để chăm lo cho con và nuôi dạy chúng bằng “sự sửa phạt và khuyên bảo của Đức Giê-hô-va” (Ê-phê-sô 6:4). Có lẽ bạn phải làm việc nhiều giờ để chu cấp cơm ăn, áo mặc và chỗ ở cho con. Bạn sẵn sàng hy sinh để con không bị thiếu thốn. Bạn cũng nỗ lực rất nhiều để học Kinh Thánh với con, đưa chúng đi nhóm họp và cùng chúng tham gia thánh chức (Phục truyền luật lệ 6:6, 7). Tình yêu thương bất vị kỷ của bạn làm hài lòng đấng sáng lập gia đình và có thể giúp con bạn nhận được sự sống vĩnh cửu.—Châm ngôn 22:6; Ê-phê-sô 3:14, 15.
17. Làm thế nào người chồng đạo Đấng Ki-tô có thể noi theo tinh thần bất vị kỷ của Chúa Giê-su?
17 Người chồng có thể noi gương Chúa Giê-su thế nào trong việc thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ? Kinh Thánh nói: “Hỡi người làm chồng, hãy luôn yêu vợ mình, như Đấng Ki-tô yêu thương và hy sinh thân mình vì hội thánh” (Ê-phê-sô 5:25). Như chúng ta đã biết, Chúa Giê-su yêu thương môn đồ đến mức hy sinh mạng sống cho họ. Người chồng đạo Đấng Ki-tô bắt chước tinh thần bất vị kỷ của Chúa Giê-su, đấng “không làm hài lòng mình” (Rô-ma 15:3). Người chồng có tinh thần như thế sẵn sàng đặt nhu cầu và lợi ích của vợ lên trên bản thân. Anh không khăng khăng làm theo ý mình, nhưng sẵn sàng nhường khi ý muốn của vợ không trái với nguyên tắc Kinh Thánh. Những người chồng thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ sẽ được Đức Giê-hô-va ban phước và được vợ con yêu thương, kính trọng.
Bạn sẽ làm gì?
18. Điều gì thôi thúc chúng ta vâng theo “điều răn mới”?
18 Vâng theo “điều răn mới” không luôn dễ, nhưng chúng ta có động lực mạnh mẽ để làm thế. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tình yêu thương của Đấng Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi đã kết luận rằng một người chết cho mọi người... Ngài chết cho mọi người, để những người sống thì không sống cho chính mình nữa, mà sống cho đấng đã chết cho họ và đã được sống lại” (2 Cô-rinh-tô 5:14, 15). Chúa Giê-su đã chết vì chúng ta, vậy chẳng lẽ chúng ta không được thôi thúc để sống vì ngài sao? Chúng ta có thể làm thế bằng cách noi gương ngài trong việc thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ.
19, 20. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta món quà cao quý nào, và làm sao chúng ta cho thấy mình muốn nhận món quà ấy?
19 Chúa Giê-su không phóng đại khi nói: “Không ai có tình yêu thương lớn hơn người sẵn sàng hy sinh mạng sống vì bạn mình” (Giăng 15:13). Việc ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống là biểu hiện rõ nét nhất về tình yêu thương của ngài dành cho chúng ta. Tuy nhiên, có một đấng đã thể hiện tình yêu thương lớn hơn thế. Chúa Giê-su cho biết: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của ngài, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà có được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16). Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đến độ đã ban Con ngài làm giá chuộc, nhờ đó chúng ta có triển vọng thoát khỏi tội lỗi và sự chết (Ê-phê-sô 1:7). Giá chuộc là món quà cao quý đến từ Đức Giê-hô-va, nhưng ngài không ép chúng ta nhận.
20 Làm thế nào chúng ta cho thấy mình muốn nhận món quà của Đức Giê-hô-va? Bằng cách “thể hiện đức tin” nơi Con ngài. Chúng ta thể hiện đức tin không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, bằng lối sống (Gia-cơ 2:26). Chúng ta chứng tỏ mình tin Chúa Giê-su bằng cách noi gương ngài mỗi ngày. Khi làm thế, chúng ta sẽ nhận được ân phước dồi dào ngay bây giờ và mãi mãi về sau. Chương cuối sẽ thảo luận về điều này.
a Hôm đó, người ta nhổ vào Chúa Giê-su hai lần, đầu tiên là những nhà lãnh đạo tôn giáo và sau đó là lính La Mã (Ma-thi-ơ 26:59-68; 27:27-30). Dù bị đối xử rất thậm tệ, Chúa Giê-su vẫn chịu đựng mà không hề phàn nàn. Ngài làm ứng nghiệm lời tiên tri: “Tôi chẳng che mặt khi bị sỉ nhục, khạc nhổ”.—Ê-sai 50:6.