Kinh-thánh nói gì về Đức Chúa Trời và Giê-su?
NẾU một người đọc Kinh-thánh từ đầu đến cuối và không có định kiến gì về Chúa Ba Ngôi, liệu người đó có tự đi đến ý niệm này không? Không đời nào.
Một người đọc cách khách quan sẽ thấy rõ rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng Toàn năng, Đấng Tạo hóa, tách rời và biệt lập hẳn với bất kỳ ai khác, và Giê-su, ngay cả trước khi làm người, cũng tách rời và biệt lập, một tạo vật được dựng nên, phục tùng Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời là một, không phải là ba
KINH-THÁNH dạy rằng Đức Chúa Trời là một Đấng duy nhất, sự dạy dỗ này được gọi là độc thần giáo. Giáo sư lịch sử giáo hội là ông L. L. Paine cho thấy rằng độc thần giáo trong thể thức tinh túy nhất của nó không có chỗ cho thuyết Chúa Ba Ngôi: “Cựu Ước hoàn toàn dạy độc thần giáo. Đức Chúa Trời là một Đấng cá biệt duy nhất. Ý niệm cho rằng Chúa Ba Ngôi có dạy trong Cựu Ước... là tuyệt đối vô bằng cớ”.
Liệu có bất kỳ một thay đổi nào từ độc thần giáo sau khi Chúa Giê-su xuống trái đất không? Ông Paine trả lời: “Về điểm này, không hề có sự gián đoạn nào giữa Cựu Ước và Tân Ước. Truyền thống độc thần giáo vẫn tiếp tục. Giê-su là người Do-thái, được cha mẹ Do-thái giáo dục theo Kinh-thánh Cựu Ước. Sự dạy dỗ của ngài là hoàn toàn Do-thái; tuy là một phúc âm mới nhưng không phải là một thần học mới... Ngài chấp nhận câu Kinh-thánh về độc thần giáo của người Do-thái như là tín ngưỡng của chính mình Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4 : “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai”.
Những lời đó ghi trong Thứ luật 6 4 (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4, bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn), như sau: “Hãy nghe, hỡi Israel, Yavê Thiên Chúa của chúng ta là Yavê độc nhất”.a Trong văn phạm của câu này, chữ “độc nhất” không có chữ gì kèm theo ở thể số nhiều để cho thấy rằng nó có nghĩa gì khác hơn là một Đấng duy nhất.
Sứ đồ Phao-lô, một tín đồ đấng Christ, cũng cho thấy không có thay đổi nào về bản chất của Đức Chúa Trời, ngay cả sau khi Giê-su xuống trái đất. Ông viết: “Đức Chúa Trời chỉ có một”. (Ga-la-ti 3:20; cũng xem I Cô-rinh-tô 8:4-6).
Hàng ngàn lần trong suốt Kinh-thánh, Đức Chúa Trời được nói đến như là một Đấng duy nhất. Khi Ngài lên tiếng, thì đó là tiếng một Đấng độc nhất. Kinh-thánh thật rõ ràng trong vấn đề này. Như Đức Chúa Trời có phán: “Ta là Đức Giê-hô-va, ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh-hiển ta cho một Đấng nào khác” (Ê-sai 42:8). “Ta là Ya-vê, Thiên Chúa của ngươi... Ngươi sẽ không có những thần khác trước nhan Ta” (Chúng tôi viết nghiêng) (Xuất hành 20 3 [Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
Nếu như Đức Chúa Trời thật sự là ba đấng thì tại sao tất cả những người viết Kinh-thánh do Đức Chúa Trời soi dẫn cứ nói đến Ngài như một Đấng duy nhất? Làm vậy ích gì trừ khi muốn lừa dối người ta? Chắc chắn nếu Đức Chúa Trời gồm ba đấng, hẳn Ngài đã khiến những người viết Kinh-thánh làm sáng tỏ sự kiện đó rất nhiều hầu khỏi có ai nghi ngờ chi hết. Ít ra những người viết Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp lẽ ra phải làm vậy vì họ từng liên lạc gần gũi với chính Con của Đức Chúa Trời. Nhưng họ đã không làm vậy.
Ngược lại, những người viết Kinh-thánh đã làm sáng tỏ rất nhiều rằng Đức Chúa Trời là một Đấng duy nhất, Đấng độc nhất, không ai sánh bằng: “Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác, ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác nữa” (Ê-sai 45:5). “Chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất” (Thi-thiên 83:18).
Không phải một Đức Chúa Trời dạng số nhiều
GIÊ-SU từng gọi Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời có một và thật” (Giăng 17:3). Không bao giờ ngài đề cập đến Đức Chúa Trời như một Chúa trong dạng số nhiều. Đó là lý do tại sao trong suốt Kinh-thánh, không ai ngoài Đức Giê-hô-va được gọi là Đấng Toàn năng. Bằng chẳng vậy, chữ “toàn năng” thành ra vô nghĩa. Dù Giê-su hay thánh linh cũng không bao giờ được gọi là thế, vì chỉ có mình Đức Giê-hô-va là tối thượng. Nơi Sáng-thế Ký 17:1, Ngài phán: “Ta là Đức Chúa Trời toàn-năng”. Và Xuất Ê-díp-tô Ký 18:11 viết: “Đức Giê-hô-va là lớn hơn hết các thần”.
Trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, chữ ʼelohʹah (thần) có hai dạng số nhiều là ʼelo·himʹ (các thần) và ʼelo·hehʹ (các thần của). Những dạng số nhiều này thường được dùng cho Đức Giê-hô-va và được dịch ra là “Đức Chúa Trời” trong dạng số ít. Phải chăng các dạng số nhiều này chứng minh một Chúa Ba Ngôi? Không đâu. Trong “Một Tự điển Kinh-thánh” (A Dictionary of the Bible), William Smith nói: “Ảo tưởng cho rằng [ʼelo·himʹ] ám chỉ tam vị trong một Đức Chúa Trời, giờ đây không dễ tìm được sự ủng hộ trong giới học giả. Các nhà văn phạm gọi đó là số nhiều chỉ sự uy nghiêm cao cả, hoặc nó biểu thị sự trọn vẹn của sức mạnh của Đức Chúa Trời, tổng số quyền năng mà Đức Chúa Trời bày tỏ”.
“Tập san Hoa kỳ về Ngôn ngữ và Văn chương Do-thái” (The American Journal of Semitic Languages and Literatures) nói về ʼelo·himʹ rằng: “Chữ này hầu như luôn luôn được dùng với động từ số ít, và một tĩnh từ số ít”. Để thí dụ, tước hiệu ʼelo·himʹ xuất hiện 35 lần trong sự tường thuật về sự sáng tạo và mỗi lần động từ diễn tả điều Đức Chúa Trời nói và làm đều ở trong thể số ít (Sáng-thế Ký 1:1 đến 2:4). Do đó bài báo kết luận: “Đúng ra [ʼElo·himʹ] phải được giải thích là dạng số nhiều để nhấn mạnh, biểu thị sự vĩ đại và uy nghiêm”.
ʼElo·himʹ không có nghĩa là “các đấng”, mà là “các thần”. Vì thế những người biện luận rằng chữ này ám chỉ một Chúa Ba Ngôi thì tự họ làm mình nên môn đồ đa thần giáo, thờ nhiều vị Thần. Tại sao? Bởi vì điều đó có nghĩa là có ba vị thần trong một Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Nhưng hầu như tất cả những người ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi chống đối quan điểm cho rằng Chúa Ba Ngôi gồm ba vị thần biệt lập.
Kinh-thánh cũng sử dụng chữ ʼelo·himʹ và ʼelo·hehʹ khi đề cập đến một số các thần giả (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:12; 20:23). Nhưng những lần khác thì chữ đó đề cập đến “Đa-gôn, thần [ʼelo·hehʹ] của họ” (Các Quan Xét 16:23, 24). Ba-anh được gọi là “một thần [ʼelo·himʹ]” (I Các Vua 18:27). Ngoài ra chữ này còn được áp dụng cho loài người nữa (Thi-thiên 82:1, 6). Môi-se được bảo là phải phụng sự với tư cách như là “Đức Chúa Trời [ʼelo·himʹ]” cho A-rôn và Pha-ra-ôn (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:16; 7:1).
Rõ ràng, việc sử dụng các tước hiệu ʼelo·himʹ và ʼelo·hehʹ cho các thần giả và ngay cả cho loài người, không ngụ ý chỉ rằng mỗi đấng gồm nhiều vị thần; cũng thế khi sử dụng từ ʼelo·himʹ và ʼelo·hehʹ cho Đức Giê-hô-va không có nghĩa là Ngài gồm có nhiều ngôi, đặc biệt khi chúng ta xem xét bằng chứng của các chỗ khác trong Kinh-thánh về đề tài này.
Giê-su, một tạo vật biệt lập
KHI ngài ở trên đất, Giê-su là một người, mặc dù hoàn toàn vì chính Đức Chúa Trời đã chuyển sự sống của Giê-su vào lòng bà Ma-ri (Ma-thi-ơ 1:18-25). Nhưng đó không phải là sự bắt đầu của Giê-su. Chính ngài từng tuyên bố ngài “từ trời xuống” (Giăng 3:13). Vì thế chẳng có gì lạ khi về sau ngài bảo các môn đồ rằng: “Nếu các ngươi trông thấy Con Người [Giê-su] lên nơi Ngài đã có trước?” (Tin Mừng theo Thánh Yoan 6 62 [Giăng 6:62], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
Thế thì Giê-su đã hiện hữu ở trên trời trước khi xuống trái đất. Nhưng phải chăng ngài là một ngôi trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi toàn năng và đời đời? Không, vì Kinh-thánh nói rõ rằng trước khi xuống thế làm người, Giê-su là một tạo vật thần linh, cũng như các thiên sứ là những tạo vật thần linh được Đức Chúa Trời tạo ra. Cả Giê-su lẫn các thiên sứ đều không hiện hữu trước khi họ được tạo ra.
Trước khi làm người, Giê-su là “Đấng sanh đầu-nhất trong mọi vật thọ-tạo” (Cô-lô-se 1:15, bản dịch Hội Ghi-đê-ôn Quốc tế). Ngài là “Đấng làm nguyên thủy tạo vật của Thiên Chúa” (Khải Huyền Khải-huyền 3:14, bản dịch phổ thông Vatican, 1959). Ta không thể nào giải thích đúng chữ “Đấng làm nguyên thủy” [tiếng Hy-lạp là ar·kheʹ] để cho hiểu rằng Giê-su là “đấng bắt đầu” sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Trong các sách Kinh-thánh do Giăng viết, ông dùng các thể khác nhau của từ Hy-lạp ar·kheʹ hơn 20 lần, và luôn luôn chữ này có ý nghĩa thông dụng là “sự bắt đầu”. Đúng vậy, Giê-su được chính Đức Chúa Trời dựng nên. Ngài là sự bắt đầu của các tạo vật vô hình của Đức Chúa Trời.
Xin hãy chú ý các lời ghi trên về nguồn gốc của Giê-su có tương quan chặt chẽ thế nào với các lời của “sự khôn ngoan” được nhân cách hóa trong sách Châm-ngôn của Kinh-thánh: “Ya-vê đã dựng nên ta, tiên thường của công trình Người, trước mọi công trình cổ xưa của Người. Trước khi núi non được cắm trồng, trước gò nỗng, ta đã được sinh ra. Khi Người chưa làm ra [trái] đất và đồng nội và những hạt bụi đầu tiên của thế giới” (Cách ngôn 8 12, 22, 25, 26, Châm-ngôn 8:12, 22, 25, 26 bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Trong khi danh từ “sự khôn ngoan” được dùng để nhân cách hóa đấng mà Đức Chúa Trời dựng nên, hầu hết các học giả đều đồng ý rằng đó thật là một lối diễn tả áp dụng cho Giê-su với tư cách một tạo vật thần linh trước khi xuống thế làm người.
Trước khi làm người, với tư cách là “sự khôn ngoan” Giê-su nói tiếp rằng ngài “ở bên cạnh [Đức Chúa Trời] làm thợ cái” (Châm-ngôn 8:30). Phù hợp với vai trò làm thợ cái này, Cô-lô-se 1:16 nói về Giê-su rằng: “Vì trong Ngài, vạn vật đã được tạo thành, chốn trời cao và nơi dương thế” (Thư gửi tín hữu Colosê 1 16 [Cô-lô-se 1:16], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
Vậy, nhờ tay thợ cái này, tức người bạn đồng làm việc bậc dưới của mình, Đức Chúa Trời Toàn năng đã dựng nên mọi vật khác. Kinh-thánh tóm lược vấn đề này như sau: “Chỉ có một Thiên Chúa là Cha, do tự Người mà có mọi sự... và chỉ có một Chúa, Đức Yêsu Kitô [Christ], nhờ Ngài mà có mọi sự” (Chúng tôi viết nghiêng) (Thư thứ I gửi tín hữu Corinthô 8 6 [I Cô-rinh-tô 8:6], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
Chắc chắn chính với người thợ cái này mà Đức Chúa Trời đã phán: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình [chúng] ta” (Sáng-thế Ký 1:26). Một số người cho rằng chữ “chúng ta” ở đây chứng tỏ Chúa Ba Ngôi. Nhưng giả sử bạn nói: “Chúng ta hãy làm cái gì cho mình đi”, thường thì chẳng ai nghĩ rằng câu này hàm ý nhiều nhân vật hiệp thành một trong người của bạn. Bạn chỉ muốn nói rằng hai hoặc nhiều cá nhân sẽ cùng làm việc với nhau để thực hiện một việc gì. Cũng thế, khi Đức Chúa Trời nói “chúng ta”, Ngài chỉ nói chuyện với một cá nhân khác, tức tạo vật thần linh đầu tiên, thợ cái của Ngài, là Giê-su trước khi làm người.
Đức Chúa Trời có thể bị cám dỗ chăng?
MA-THI-Ơ 4:1 nói về Chúa Giê-su bị “ma-quỉ cám-dỗ”. Sau khi chỉ cho Giê-su thấy “các nước thế-gian cùng sự vinh-hiển các nước ấy”, Sa-tan nói: “Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ-lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy” (Ma-thi-ơ 4:8, 9). Sa-tan ra sức dụ dỗ Giê-su bất trung với Đức Chúa Trời.
Nhưng nếu Giê-su là Đức Chúa Trời thì sự thử thách về lòng trung thành đó có ý nghĩa gì không? Không lẽ Đức Chúa Trời tự phản nghịch mình sao? Không đâu, nhưng thiên sứ và loài người có thể phản nghịch Đức Chúa Trời và họ đã làm thế. Sự cám dỗ Giê-su chỉ có nghĩa lý nếu ngài không phải là Đức Chúa Trời, nhưng là một cá nhân biệt lập, có sự tự do lựa chọn, là một người có thể chọn trở nên bất trung nếu muốn, như một thiên sứ hay con người vậy.
Mặt khác, ta không thể nào tưởng tượng được là Đức Chúa Trời có thể phạm tội và bất trung với chính mình Ngài. “Công-việc của Hòn-Đá [Đức Chúa Trời] là trọn-vẹn... Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín... công-bình và chánh-trực” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Do đó, nếu Giê-su là Đức Chúa Trời, thì ngài không thể bị cám dỗ (Gia-cơ 1:13).
Vì không phải là Đức Chúa Trời, Giê-su đã có thể tỏ ra bất trung. Nhưng ngài một mực giữ sự trung thành, ngài nói: “Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ-phượng Chúa [Giê-hô-va] là Đức Chúa Trời ngươi và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:10).
Giá chuộc đáng giá bao nhiêu?
MỘT trong các lý do chính khiến Giê-su xuống trái đất cũng có liên hệ trực tiếp đến thuyết Chúa Ba Ngôi. Kinh-thánh nói: “Chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung-bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê-su Christ, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc [tương xứng, NW] cho mọi người” (I Ti-mô-thê 2:5, 6).
Giê-su, một người hoàn toàn không hơn không kém, đã trở nên một giá chuộc để trả chính xác cho những gì A-đam đã đánh mất—quyền được sống làm người hoàn toàn trên đất. Vì thế, sứ đồ Phao-lô đã gọi Giê-su cách đúng lý là “A-đam sau hết”, và ông nói trong cùng ý nghĩa đó: “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cùng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:22, 45). Sự sống làm người hoàn toàn của Giê-su là “giá chuộc tương xứng” mà công lý của Đức Chúa Trời đòi hỏi, không thể hơn hay kém. Một nguyên tắc căn bản ngay cả trong công lý loài người là giá đền trả phải xứng hợp với tội lỗi đã phạm.
Tuy nhiên, nếu Giê-su là một phần trong Đức Chúa Trời, thì giá chuộc là quá cao so với điều mà chính Luật pháp của Đức Chúa Trời đòi hỏi (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:23-25; Lê-vi Ký 24:19-21). A-đam, người phạm tội trong vườn Ê-đen, chỉ là một người hoàn toàn, chứ không phải là Đức Chúa Trời. Do đó, giá chuộc, theo đúng tiêu chuẩn công lý của Đức Chúa Trời, phải tuyệt đối tương đương, ấy là một người hoàn toàn, “A-đam sau hết”. Bởi đó, khi Đức Chúa Trời sai Giê-su xuống trái đất để làm giá chuộc, Ngài đã làm cho Giê-su sanh ra như một người hoàn toàn, “ở dưới các thiên-sứ một chút” chứ không phải một sự hóa thân lấy xác thịt, cũng không phải một vị nửa là thần nửa là người. (Hê-bơ-rơ 2:9; so sánh Thi-thiên 8:5, 6). Có thể nào bất kỳ một phần trong một Đức Chúa Trời Toàn năng, Cha, Con hoặc thánh thần, lại thấp kém hơn thiên sứ được sao?
“Con độc sanh” như thế nào?
KINH-THÁNH gọi Giê-su là “Con độc sanh” (Con một) của Đức Chúa Trời (Giăng 1:14; 3:16, 18; I Giăng 4:9). Những người ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi nói rằng vì lẽ Đức Chúa Trời vốn là hằng hữu nên Con Đức Chúa Trời cũng là hằng hữu. Nhưng làm sao một người là con, lại có thể bằng tuổi với cha mình?
Giới ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi cho rằng, trong trường hợp Giê-su, “độc sanh” không có cùng nghĩa với chữ “sanh ra” như tự điển định nghĩa, là “đẻ ra” (Việt-Nam Tự điển của Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ). Họ bảo rằng trong trường hợp Giê-su, chữ ấy mang “ý nghĩa mối liên hệ không có bắt đầu”, một loại liên hệ của con trai duy nhất mà “không cần sanh ra” (“Tự điển của Vine giải thích từ ngữ trong Cựu Ước và Tân Ước” [Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words]). Bạn nghe thấy hợp lý không? Có thể nào một người cha sanh ra một con mà “không cần sanh ra” hay sao?
Hơn nữa, tại sao Kinh-thánh dùng cùng một từ Hy-lạp “độc sanh” (như Vine đã công nhận và không giải thích gì) để miêu tả quan hệ giữa Y-sác với Áp-ra-ham? Hê-bơ-rơ 11:17 nói Y-sác là “con độc sanh [con một]” của Áp-ra-ham. Chắc chắn trong trường hợp Y-sác, người là đứa con duy nhất theo nghĩa bình thường, không bằng với cha mình về tuổi tác hoặc địa vị.
Theo “Bảng liệt kê tường tận” của Strong (Strong’s Exhaustive Concordance) chữ “độc sanh” theo gốc tiếng Hy-lạp được dùng cho Giê-su và Y-sác là mo·no·ge·nesʹ, ra từ chữ moʹnos có nghĩa là “độc nhất”, và giʹno·mai, chữ gốc có nghĩa là “phát sinh ra”, “trở thành” (bắt đầu hiện hữu). Do đó, mo·no·ge·nesʹ được định nghĩa là “Con duy nhất, độc sanh, tức là con một” (“Một Tự điển về Tân Ước tiếng Hy-lạp và Anh-ngữ” của E. Robinson [A Greek and English Lexicon of the New Testament, by E. Robinson]).
Cuốn “Tự điển Thần học về Tân Ước” (Theological Dictionary of the New Testament) do Gerhard Kittel xuất bản, viết: “[Mo·no·ge·nesʹ] có nghĩa là hậu tự duy nhất, tức là không có anh chị em”. Cuốn này cũng nói rằng ở Giăng 1:18; 3:16, 18; và I Giăng 4:9, “mối quan hệ của Giê-su không phải chỉ so sánh với mối quan hệ của một đứa con và cha nó, nhưng là mối quan hệ giữa con độc sanh với Đức Cha”.
Như thế, Giê-su là Con độc sanh đã có sự bắt đầu trong đời sống ngài. Và Đức Chúa Trời Toàn năng có thể được gọi cách đúng lý là Đấng sinh thành hay Thân Phụ của ngài trong cùng ý nghĩa với người cha trên đất, như Áp-ra-ham sanh một con trai vậy (Hê-bơ-rơ 11:17). Bởi đó, khi Kinh-thánh gọi Đức Chúa Trời là “Cha” của Giê-su, là đúng ý nghĩa đó, họ là hai cá nhân biệt lập. Đức Chúa Trời là bậc cao hơn, Giê-su ở bậc thấp hơn, về thời gian sống, địa vị, quyền năng và kiến thức.
Khi ta xem thấy rằng Giê-su không phải là người con thần linh độc nhất của Đức Chúa Trời được tạo ra ở trên trời, thì ta mới thấy rõ lý do tại sao Kinh-thánh dùng từ ngữ “Con độc sanh” cho ngài. Vì có vô số tạo vật thần linh, là thiên sứ, cũng được gọi là “các con trai Đức Chúa Trời” trong cùng ý nghĩa A-đam được gọi là con Đức Chúa Trời, vì sự sống của họ phát khởi từ nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Nguồn, là Cội rễ sự sống (Gióp 38:7; Thi-thiên 36:9; Lu-ca 3:38). Nhưng tất cả đã được dựng nên qua trung gian “Con độc sanh” là đấng duy nhất do Đức Chúa Trời trực tiếp tạo ra (Cô-lô-se 1:15-17).
Giê-su có từng được xem là Đức Chúa Trời chăng?
TRONG Kinh-thánh, Giê-su thường được gọi là Con Đức Chúa Trời, nhưng không một ai trong thế kỷ thứ nhất từng nghĩ rằng ngài là Đức Chúa Trời Con cả. Ngay cả các quỉ sứ “tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời”, vì chúng đã từng sống trong lãnh vực thần linh, chúng biết rõ rằng Giê-su không phải là Đức Chúa Trời. Vì thế chúng gọi Giê-su rất đúng, là “Con Đức Chúa Trời” biệt lập với Đức Chúa Trời (Gia-cơ 2:19; Ma-thi-ơ 8:29). Và khi Giê-su chết, các lính La-mã ngoại giáo đứng gần đó biết đủ để thốt lên rằng những điều họ nghe các môn đồ ngài nói quả là thật, không phải Giê-su là Đức Chúa Trời, mà “thật người nầy là Con Đức Chúa Trời”! (Ma-thi-ơ 27:54)
Thế thì từ ngữ “Con Đức Chúa Trời” nói lên sự kiện Giê-su là một đấng được dựng nên, biệt lập, không phải là một phần của Chúa Ba Ngôi. Giê-su là Con Đức Chúa Trời thì không thể là chính Đức Chúa Trời được vì Giăng 1:18 nói: “Thiên Chúa không ai đã thấy bao giờ” (bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
Các môn đồ xem Giê-su là “một đấng trung-bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người”, không phải là chính Đức Chúa Trời (I Ti-mô-thê 2:5). Vì chữ “đấng trung-bảo”, theo định nghĩa là một người biệt lập hẳn với những người cần sự môi giới. Điều này sẽ thành mâu thuẫn nếu Giê-su là một thực thể thuộc một phía nào trong hai phía mà ngài đang gắng hòa giải nhau. Điều đó khác nào như giả vờ đóng một vai trò mà ngài không thực sự làm.
Kinh-thánh nói rõ ràng và đồng nhất về mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Giê-su. Chỉ một mình Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Toàn năng. Ngài trực tiếp dựng nên Giê-su trước khi làm người. Do đó, Giê-su đã có một khởi đầu và không bao giờ có thể bình đẳng với Đức Chúa Trời về quyền năng hoặc sự vĩnh cửu.
[Chú thích]
a Danh của Đức Chúa Trời viết là “Yavê” trong một số bản dịch, hoặc “Giê-hô-va” trong các bản dịch khác.
[Câu nổi bật nơi trang 14]
Vì được Đức Chúa Trời tạo ra cho nên Giê-su ở vào bực nhì về thời gian sống, quyền năng và kiến thức
[Hình nơi trang 15]
Giê-su nói rằng ngài đã hiện hữu trước khi làm người, được Đức Chúa Trời tạo ra đầu tiên trong các tạo vật vô hình của Ngài